Chào các bạn, lại là mình Dory đây, hôm nay mình muốn chia sẻ về điều khiến mình thực sự yêu và trân trọng  Tăng Tốc Về Phía Em- bộ phim đang công chiếu tại rạp.
 Tăng Tốc Về Phía Em theo chân Kao (Nat Kitcharit) - một vận động viên xếp ly hàng đầu thế giới. Để giữ vững tốc độ kỷ lục, anh luôn đòi hỏi một không gian yên tĩnh tuyệt đối và chỉ lo luyện tập. Do đó mà Jay (Yaya Urassaya) - người yêu lâu năm của Kao - buộc phải lo hết toàn bộ công việc nhà và mọi thứ khác. Một ngày nọ, Jay quyết định chia tay khiến Kao phải lao đao trong việc “sinh tồn”. Cùng lúc này, một biến cố khác ập đến khi kỷ lục của anh bị một cậu bé đến từ nước khác phá vỡ.
Điều mình thích nhất ở phim chính là tùy từng vị trí, góc nhìn khi đặt mình vào nhân vật mà chúng ta đều học được những bài học khác nhau.
Nếu bạn là đàn ông, bạn sẽ dễ dàng thấy bản thân mình trong đó. Có thể thấy hình ảnh Kao chỉ lo tập trung hết mình luyện bộ môn xếp ly mà quên mất sự tồn tại của những người xung quanh cũng chính là hình ảnh ẩn dụ của một người đàn ông chỉ chuyên tâm vào phát triển sự nghiệp mà quên đi sự tồn tại của gia đình mình.
Kao luôn khát khao chiến thắng, luôn tìm cách vượt qua kỷ lục của kẻ nhanh nhất thế giới. Anh toàn tâm toàn ý đặt hết chú tâm vào đó. Đến mức khi mua nhà anh cũng phó mặc cho bạn gái muốn làm gì thì làm. Anh dẹp căn phòng dành cho trẻ em và dùng nó làm căn phòng luyện tập chỉ vì nó yên tĩnh nhất. Anh chẳng hề để ý nét buồn và sự hụt hẫng vương lên đôi mắt Jay. Thậm chí, đến ngày Jay bỏ đi, anh cũng chẳng nỡ gọi cho cô môt cú điện thoại chỉ vì sợ mình sẽ vướng vào drama, sợ tâm mình không còn đủ "thanh tịnh" để tập trung vào xếp ly.
Để rồi, chỉ đến khi Jay thực sự rời đi, phải đối mặt với muôn vàn rắc rối của ngôi nhà và những tình huống xung quanh khi không có Jay lo liệu, Kao mới dần nhận ra sự quan trọng của cô và dần dần thay đổi. Anh bắt đầu biết quan tâm tới những người xung quanh. Anh cùng mẹ đi chùa, giúp học trò của mình làm toán. Và sau mười năm, cuối cùng anh cũng chậm lại một bước để nhận ra rằng mình đã vô tâm tới mức nào:- Khi em làm việc nhà em cũng bị đau lưng như thế này à? Thế những lúc đó em phải làm sao? Miếng dán sau lưng này một mình em sao mà dán được?"
Nhà không tự nhiên mà sạch, cơm không tự nhiên mà chín, quần áo không tự khô và con cái thì không tự nhiên mà lớn. Cũng giống như nhưng người chồng, người cha lúc nào cũng tự cho mình cái quyền được "quên" đi công sức của người vợ trong việc xây dựng gia đình chỉ vì họ ra ngoài làm việc. Sự hi sinh của người vợ đã khiến những người đàn ông mặc định rằng điều đó là sự hiển nhiên, rằng sự tồn tại của họ không đáng được trận trọng. Để đến khi không còn sự "hiển nhiên đó", người ta mới thấy hối tiếc. Nhưng đáng tiếc là không phải thứ gì đánh mất rồi cũng có thể lấy lại được.
Nếu đàn ông thấy mình trong bóng dáng của Kao thì mình, lại thấy hình bóng của bà, của mẹ và thậm chí là cả bản thân mình trong nhân vật Jay. Lúc nào cũng hi sinh trong thầm lặng, lúc nào cũng đặt hạnh phúc của mình sau hanh phúc của người khác.
Jay mua căn nhà vì cô mong muốn có một tương lai với Koi, cô thích căn phòng trẻ em nhất vì cô mong muốn sau này có một gia đình với anh. Ấy thế mà cô sẵn sàng nhường anh căn phòng đó để anh biến nó thành căn phòng tập luyện. Cô sẵn sàng làm mọi thứ để cho anh có một tinh thần và thể lực tốt nhất. Nhưng cái sai của cô, chính là việc biến sự hi sinh, sự tồn tại của mình trở thành một điều mặc định. một thứ gì đó hiển nhiên.
Koi không phải không yêu Jay, anh chỉ quá vô tư, vô tư đến mức vô tâm trong mối quan hệ của mình. Còn Jay thì lại đặt anh lên trên cả bản thân mình để rồi quên mất cách chia sẻ và bộc lộ cảm xúc và nghĩ suy của mình cho anh. Suy cho cùng thì cả hai đều có lỗi.
Phim kết thúc, không phải là một cái kết như thường lệ khi mà ai người lại trở về bên nhau, happy ever after. Mà là một cái kết vô cùng thực tế. Bởi mình tin rằng cả hai người bọn họ đều đã học được những bài học cho riêng mình. Còn bạn? Sau khi xem phim về có học được cho mình bài học nào không?