Một đêm nào đó, như bao đêm nào, chú đồng chí nhỏ lại mở Youtube lên, dự là sẽ bỏ ra tầm chục phút xem hai thằng cha cởi trần xây bể bơi bằng đất cho dễ ngủ. 
Nhưng mà thuật toán của Youtube nhiều khi cũng hay ho, ngẫu nhiên và bất ngờ. Đập vào mắt mình là một video có tính gây đói cực cao:
Mình quyết định tiếp tục tra tấn cái bụng đang cồn cào, hi sinh một đêm đủ giấc và xem hết bộ phim này. Mình xem phim với một kỳ vọng đơn giản về những cảnh nấu ăn đã mắt, nhưng bộ phim lại hơn thế rất nhiều.

Bối cảnh phim

Phim lấy bối cảnh ở Đài Bắc vào những năm 90, với nhân vật chính là ông Chu, là một người đàn ông góa vợ đã có tuổi, và cũng là một đầu bếp nổi tiếng, nay đã về hưu an hưởng tuổi xế chiều. Ông vẫn luôn tự tay nấu nướng, mặc dù trớ trêu thay ông đã mất đi vị giác trong nhiều năm.
Ông Chu có ba cô con gái. Cô cả là Gia Trân, một giáo viên trung học, mang trong mình vết thương của cuộc tình đổ vỡ thời sinh viên nên gần chục năm vẫn độc thân. Cô tìm đến Công Giáo như một lối thoát. Cô thứ Gia Thiên là một quản lý cấp cao của một hãng hàng không lớn, có đầy đủ tiền bạc, địa vị và tình yêu trong tay. Tuy vậy cô vẫn luôn ôm giấc mơ từ lúc nhỏ là được làm đầu bếp giống cha nhưng chính ông Chu lại luôn cấm cản. Cô út Gia Ninh là sinh viên đại học, làm thêm ở Wendy, một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh của Mỹ.

Chuyện ăn uống và chuyện nam nữ

“Eat drink man woman” dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Ẩm thực nam nữ”. Tiêu đề phim là hai yếu tố ham muốn cơ bản trong cuộc sống của con người: ăn uống và tình dục. Trong suốt bộ phim, cuộc sống của các nhân vật đều xoay quanh hai yếu tố này. Bộ phim thể hiện rằng phải có đủ hai yếu tố này để cuộc sống được cân bằng và hoà hợp, vì trong các nhân vật, sự mất cân bằng được bộc lộ rõ khi một trong hai yếu tố này biến mất khỏi cuộc sống của họ.
Ông Chu vốn là một đầu bếp trứ danh, có trong tay hàng chục năm lăn lộn với nghề, được giới ẩm thực trọng vọng. Bi kịch đầu tiên của ông là ông mất đi người vợ của mình, chính là mất đi yếu tố nam nữ trong cuộc sống của ông Chu. Điều này làm cuộc sống của ông dần dần mất phương hướng, và có thể đó là một phần lý do làm mất đi vị giác của ông. Ông không nếm được những món do chính mình nấu. Ông phải dựa dẫm vào đồng nghiệp và các con để nếm đồ của ông, và rồi nhận lại những cái nhăn mặt và những cái nhìn thương hại. Giờ ông không còn cảm thấy được niềm vui thú của việc nấu và ăn nữa. Nấu ăn bây giờ với ông Chu chỉ là một nghĩa vụ mỗi tối chủ nhật để ông có cơ hội hiếm hoi được ngồi cùng các con. 
Không khí lạnh nhạt trong mỗi bữa ăn nhà ông Chu
Đến cuối phim, sau khi ông quyết định cưới một người bạn học của con gái ông, lần đầu tiên sau nhiều năm, ông Chu đã có lại vị giác của mình. Chuyện nam nữ của ông Chu đã được bù đắp, và cuộc sống của ông đã quay về quỹ đạo.
Chị cả Gia Trân lúc nào cũng u sầu vì tiếc nuối chuyện tình thời sinh viên gần mười năm trước. Cô cũng chán nản công việc dạy học của mình, vì học sinh của cô luôn vô lễ và đem chuyện tình cảm của cô ra làm trò đùa. Nhưng khi gặp được và kết hôn với thầy giáo bóng chuyền ở cùng trường, cô đã tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Cô út Gia Ninh từ khi chiếm được người yêu từ tay bạn thân, cũng đã tìm lại được sự hoà hợp trong cuộc sống.
Cô thứ Gia Thiên thì trái ngược hẳn với ba người còn lại: thành đạt, giàu có, tình duyên mỹ mãn. Nhưng cô lại không được thoả mãn ước mơ thời thơ bé là được làm đầu bếp do sự cấm cản từ cha. Phải đến cuối phim, khi mà Gia Thiên tự mình nấu cho ông Chu, thì lúc đó cô mới có được hạnh phúc thật sự, tiếp động lực cho cô để vượt qua những vấp ngã trong sự nghiệp.

Bữa cơm ấm nóng trong lòng thì nguội lạnh

Một hình ảnh được sử dụng liên tục xuyên suốt bộ phim là bữa ăn gia đình. Mỗi tối chủ nhật, ông Chu sẽ nấu một bữa cực kỳ hoành tráng để cả gia đình có chút thời gian sum họp. Đạo diễn đã thể hiện một sự tương phản trớ trêu của gia đình ông Chu: lúc nấu ăn tuyệt vời bao nhiêu thì bữa ăn lại ảm đạm bấy nhiêu. Các cô con gái thậm chí còn gọi phòng ăn là “phòng tra tấn”. Họ gọi thế là vì trong bộ phim, cả ba cô con gái và ông Chu đều chọn bữa ăn sum họp để thông báo với mọi người về những thay đổi trong cuộc sống của mình. 
Đầu tiên là cô út tưởng chừng vô tư vô lo lại là người đầu tiên thông báo là sẽ rời nhà theo chồng vì đã có thai. Rồi sau đó là cô cả, một cách bất ngờ, tuyên bố mình sẽ dọn ra ở với chồng mới cưới, người mà cô mới quen chưa được bao lâu. Và cuối cùng là ông Chu: ông thông báo sẽ cưới Lương Cẩm Vinh, bạn thân của cô cả. Điều này làm mẹ của Lương Cẩm Vinh ngất xỉu vì phẫn uất, tưởng rằng người ông Chu quyết định sống cùng phải là bà chứ không phải con gái bà. 
Tất cả những bữa sum họp trong cả bộ phim đều không trọn vẹn, vì đồ ăn ông Chu làm không còn ngon do ông mất đi vị giác, vì những đổi thay đầy rắc rối trong cuộc sống của từng người chen ngang và phá hỏng vào không khí bữa ăn gia đình. Trong các bữa ăn, yếu tố ẩm thực không trọn vẹn vì chuyện nam nữ của từng thành viên đều thiếu sót. Chỉ duy nhất ở bữa ăn cuối phim, lúc mà cô cả và cô út đã theo chồng hết, ông Chu đã lấy Cẩm Vinh, chỉ còn cô thứ Gia Thiên ở lại căn nhà trống trải và được tự tay nấu cho ông Chu, đó là lúc mà ông Chu đã lấy lại được vị giác của mình, và Gia Thiên được thoả mãn ước mơ đầu bếp từ thời thơ bé của cô.
Ông Chu có lại vị giác sau một thời gian dài

Trông người lại nghĩ đến ta

Ngoài những thông điệp và triết lý về sự cân bằng trong cuộc sống, bộ phim còn khai thác sự đổi thay của xã hội. Bộ phim lấy bối cảnh Đài Loan vào những năm 90, thời kỳ kinh tế Đài Loan vô cùng phát triển, và xã hội Đài Loan có những đổi thay mạnh mẽ do ảnh hưởng của phương tây. Có thể thấy điều này cực kỳ rõ ràng qua việc Gia Thiên làm việc ở một hãng hàng không quốc tế, cố gắng mua căn hộ ở nơi tên là “Tiểu Paris phía đông”, Gia Ninh làm thêm ở Wendy’s và theo đạo Công Giáo. Bộ phim cho người xem thấy sự tương đồng giữa bữa ăn gia đình ông Chu và xã hội Đài Loan: trong mỗi bữa ăn, một điều mới trong cuộc sống từng thành viên sẽ chen vào không khí bữa ăn sum họp truyền thống, tương tự như những giá trị mới dần len lỏi và thay thế lối sống truyền thống trong xã hội Đài Loan. Điều này còn cho thấy những thay đổi trong xã hội đều đến từ những nơi nhỏ nhất, như bữa ăn gia đình, dần dần tích tụ thành những đợt sóng lớn, ăn mòn nền văn hoá cũ. 
So sánh bộ phim này với Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đây sẽ thấy một sự tương đồng rất lớn: cũng là lúc nền kinh tế đi lên mạnh mẽ, cuộc sống người dân trở nên sung túc, những giá trị truyền thống dần bị lu mờ bởi văn hoá tây phương. Xã hội trở nên bận rộn, đông đúc và lạnh nhạt. Một thế kỉ 21 hơi buồn.

Hoà hợp

Bộ phim kết thúc với việc từng người trong gia đình ông Chu đã có gia đình riêng của họ. Bữa cơm cuối cùng khép lại nhiều khoảng đời đầy biến động của gia đình ông Chu, nhưng lần này cuộc đời từng người đã khác. Cô cả và cô út đã an cư cùng chồng, ông Chu đã cưới Cẩm Vinh và sắp có thêm một đứa con, cô thứ thì được thoả mãn ước mơ nấu nướng. Đúng như tựa đề, khi mà chuyện ẩm thực và chuyện nam nữ hoà hợp, cuộc sống của con người sẽ tiến gần hơn đến sự hạnh phúc. Và cái kết phim như nhắn nhủ rằng mọi biến động và thay đổi, từ thay đổi trong cuộc đời nhỏ của từng người đến sự thay da đổi thịt của các hệ giá trị trong xã hội, không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực, quan trọng là cách ta hoà hợp những điều đó ra sao.