Ngày hôm qua, mình cùng mẹ vừa xem xong bộ phim Dưới cờ đại nghĩa, được sản xuất bởi Đài truyền hình HTV và được công chiếu hồi năm 2006. Một bộ phim sản xuất đã khá lâu nhưng mình chỉ mới biết đến qua giới thiệu của bạn bè khi mình bày tỏ đam mê “cày” các bộ phim lịch sử cách mạng của nước nhà. Bộ phim lịch sử này được chuyển thể từ tiểu thuyết “Người Bình Xuyên” của nhà văn Nguyên Hùng, ngốn trọn thời gian 7 năm từ giai đoạn thai nghén đến thành hình. Nhà văn Nguyên Hùng cũng chính là một cựu học sinh của trường cấp 3 thân thương của mình: Petrus Ký - Lê Hồng Phong. Đây cũng là bộ phim dài nhất mình từng theo dõi, với số lượng tập lên đến 78.
Các nhân vật trong ảnh trên bài: Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), Bảy Viễn (Lê Văn Viễn), Ba Dương (Dương Văn Dương), giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, Trung tướng Nguyễn Bình.
Các nhân vật trong ảnh trên bài: Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), Bảy Viễn (Lê Văn Viễn), Ba Dương (Dương Văn Dương), giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, Trung tướng Nguyễn Bình.
78 tập tóm tắt toàn bộ hành trình lịch sử cách mạng của đất Nam bộ mà trọng điểm là Sài Gòn - Chợ Lớn từ năm 1864 đến năm 1950, mà trong đó trọng tâm là từ cuộc Nam kỳ khởi nghĩa cho đến giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp tái xâm lược. Cả một hành trình dài đó được tổng kết trong mấy chục tập phim, với nhiều tuyến nhân vật khác nhau, tường thuật nhiều sự kiện khác nhau. Tất cả lúc đầu trông rời rạc nhưng dần dần kết nối lại với nhau thành một mối, như cách mà rất nhiều xu hướng chính trị khác nhau trong một xã hội phức tạp của Nam bộ được đoàn kết lại dưới bóng cờ đỏ sao vàng thiêng liêng mà cùng nhau tranh đấu cho mục tiêu độc lập, thống nhất nước nhà. Chen lẫn hoàn cảnh loạn lạc, rối rắm của thời cuộc, phe phái, giữa đau thương mất mát, nổi lên hơn cả là tình cảm sâu nặng của đất và người Nam bộ. Ngoài nghĩa lớn vì Tổ quốc, tình cảm đồng bào, tình đồng chí, tình yêu đôi lứa cũng đóng vai trò như chất xúc tác nồng nàn, bền bỉ cho những người con đất phương Nam cùng đứng lên tham gia cách mạng.
Đây là một trong những bộ phim mình phải nói là chỉn chu nhất, đầu tư nhất và kết quả là xuất sắc nhất trong số những phim, kể cả nước ngoài lẫn Việt Nam, mình từng xem. Khi xem phim, mình được chứng kiến một hành trình dài mà chỉ đọc trong sách vở vẫn khó mà cảm nhận được, sự biến chuyển trong tâm thức của những người từ nơi làm giang hồ do bất mãn xã hội thuộc địa đương thời như Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), Ba Dương (Dương Văn Dương), Tám Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh),... tới những người sinh ra trong cảnh nghèo khó và tìm đến ánh sáng của cách mạng từ sớm như Bảy Trân (Nguyễn Văn Trân), những người cả đời mong muốn tìm đến sự bình an nhưng không thể thờ ơ trước thời cuộc như thầy Tư (Huỳnh Phú Sổ) và cả những người đã đồng cam cộng khổ với đồng đội từ những ngày đầu kháng chiến nhưng sau này rời đi vì mờ mắt trước những nghi kỵ và tham vọng cá nhân như Bảy Viễn (Lê Văn Viễn). 
Với dàn diễn viên xuất sắc và vốn đầu tư khổng lồ, bộ phim giải thích cho khán giả hiểu hơn về hành trình lịch sử đầy máu và nước mắt của đất Nam bộ trong giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Bộ phim chứa đựng những câu trả lời cho câu hỏi vì sao nhân dân Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng ban đầu đã phải cầm vũ khí đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược vào thế kỷ 19, sự thất bại của hàng loạt phong trào đấu tranh trong đầu thế kỷ 20, và bóc trần bộ mặt trao trả độc lập giả tạo của quân phiệt Nhật với chiêu bài ngụy quyền Đế quốc Việt Nam, sau đó là Pháp với những ngụy quyền Nam kỳ quốc, Quốc gia Việt Nam. Cuối cùng, bộ phim đã giải thích vì sao con đường cách mạng đúng đắn nhất vẫn là con đường cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Bộ phim có nhiều phân cảnh chạm đến cảm xúc của người xem, như ngay từ đầu phim với cảnh quân Pháp xử tử nghĩa sĩ Dương Văn Hạnh dưới quyền Bình Tây đại nguyên soái Trương Định trước mặt nhân dân làng Lý Nhơn (Cần Giờ), những phân cảnh nhân dân Nam bộ rên xiết dưới gót giày thực dân phong kiến, hay những phân cảnh khi lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện và ngay sau đó là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị đàn áp đẫm máu, sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến... Cũng có những phân cảnh khiến cho trái tim người xem như chạy đua như những phân đoạn mật thám Pháp dày công lập mưu chống phá cách mạng, hay cuộc thanh trừng những phần tử chống lại kháng chiến nằm vùng trong nội bộ quân Bình Xuyên của “độc nhãn tướng quân” Nguyễn Bình. Sự dẫn dắt cảm xúc người xem còn được thực hiện xuất sắc hơn nữa với loạt nhạc phim của Nguyễn Ánh 9, với những giai điệu vừa trầm lắng, vừa hào hùng phù hợp với từng khung hình, từng phân cảnh.