Mình gom những gì đẹp nhất, cất một chỗ, lâu lâu lấy ra ngắm thôi mà.
Là một người ít xem phim Việt, nên không biết Trần Anh Hùng là ai, dù đã được giới thiệu về Mùa hè chiều thẳng đứng cách đây vài năm, nói “Hà Nội trong phim đẹp lắm”, nhưng cũng thờ ơ vì nghĩ “ngán Hà Nội lắm rồi”.
Nhưng gần đây, cái tên Trần Anh Hùng được nhắc tới sau khi xem các bình luận xung quanh phim Vợ Ba, rồi đọc Murakami lại biết phim chuyển thể Rừng Na Uy là do Trần Anh Hùng đạo diễn, nên tò mò hơn và đưa Mùa hè chiều thẳng đứng vào list phim của mình.
Mới hôm trước lại có người nhắc tới tên vị đạo diễn này, kèm theo tên phim Mùi đu đủ xanh, tìm hiểu thêm mới biết có hẳn trilogy phim Việt, nên không nấn ná được nữa, quyết tâm xem một lượt 3 phim luôn.
Dưới đây là cảm nhận cá nhân về bộ 3 phim Mùi đu đủ xanh (1993) – Xích Lô (1995) – Mùa hè chiều thẳng đứng (2000).

1. Mùi đu đủ xanh

Poster phim
Thông tin chung
Phim theo phong cách Slice of Life, theo chân cô bé giúp việc trong một gia đình giàu có, cùng cô trải qua các sự kiện, biến cố trong gia đình chủ, và của cả chính cô.
Nếu ai đã theo dõi Oscar 2019, hẳn sẽ thấy mô tả trên giống với Roma, phim đã xuất sắc thắng 3 giải trong đó có Quay Phim Xuất Sắc.
Với Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng cũng đã giành giải Camera Vàng tại Cannes 1993, cho thấy sự tương đồng về phong cách nghệ thuật của 2 phim, và cả năng lực của 2 vị đạo diễn.
Quả thật, đạo diễn gốc Việt của chúng ta thật sự giỏi, không hề kém cạnh khi so với các đồng ngiệp quốc tế. Một điều rất đáng tự hào.
Những điểm thích
Phim đẹp, rất đẹp (giải Camera Vàng cơ mà).
Tuy được quay ở phim trường tại Pháp, bối cảnh phim chỉ gói gọn trong khuôn viên căn nhà, nhưng hình ảnh Việt (hay ít nhất là Bắc Việt) vẫn tràn ngập từng khung hình.
Những cú máy dài di chuyển theo chiều ngang, chiều di chuyển của nhân vật đi xung quanh ngôi nhà thực sự ấn tượng, vì với bối cảnh hẹp như vậy, thì sự chuyển động của của khung hình là rất khó, mọi thứ đều phải sắp xếp tỉ mỉ trước khi quay, giống như kịch sân khấu vậy, không có chỗ cho sự sai sót.
Chất liệu Việt được thể hiện qua tư duy làm phim của Pháp, đẹp lạ lùng, tôi đặc biệt thích các cảnh diễn ra dưới bếp, nơi cả hình ảnh lẫn âm thanh, đều đem lại sự thỏa mãn tuyệt vời.
Nhắc đến âm thanh, đây cũng là điểm mạnh của phim, đặc biệt, âm nhạc đã vớt vát rất nhiều cho giọng lồng tiếng dở tệ của phần lớn diễn viên. Với tôi, phim chỉ cần nhạc nền thôi là đủ xuất sắc rồi, không cần thoại.
… và không thích
Ngoài diễn xuất và lời thoại tự nhiên của Mùi lúc bé và bà giúp việc già ra, các nhân vật còn lại, tôi thấy không nên cất tiếng thì hơn 😞
Vẫn biết đây là phim 100% vốn nước ngoài, nhưng chất liệu Việt cơ mà, hình ảnh và âm thanh đã tốt như vậy rồi, cớ sao các câu thoại lại chẳng Việt được chút nào.
Đặc biệt là vai Mùi khi lớn, được đảm nhận bởi vợ của đạo diễn (Trẫn Nữ Yên Khê), một người Việt nhưng không thể nói tiếng Việt. Mùi lúc bé dễ thương bao nhiêu thì Mùi khi lớn làm tuột cảm xúc bấy nhiêu.
Mùi khi bé dễ thương vậy mà…
Một dàn diễn viên nhìn thì thuần Việt đấy, nhưng giọng lồng tiếng thì “thuần” gì tôi cũng không biết nữa, cũng may là phim ít thoại, nên yếu điểm này không đến nỗi làm hỏng cả bộ phim.
Tản mạn phận đàn bà
Một bộ phim đẹp thôi là chưa đủ, vẫn phải có một nội dung. Và phim chọn kể về một chủ đề quen thuộc, dễ đồng cảm và không bao giờ lỗi thời: phận đàn bà.
Đầu cần nhìn đâu xa, nhìn các mẹ, các bà của chính chúng ta thôi, là thấy được hình ảnh cam chịu, thiệt thòi rồi.
Do phụ nữ Á Đông bản chất như thế, hay do những người đàn ông bên cạnh họ?
Xứ gì mà phụ nữ giỏi quá, từ kiếm tiền, chăm sóc gia đình, chiều chồng, chăm con… việc gì họ cũng có thể làm tốt.
Việc gì cũng có thể, nhưng riêng việc ra quyết định thì không, đó là việc của đàn ông.
Họ không dám, không dám vượt quyền người đàn ông trong việc này, luôn coi mình thấp hơn, chấp nhận vâng lời vô điều kiện người đàn ông của mình.
Vẫn biết thời phong kiến đã qua, lối suy nghĩ “Trọng nam khinh nữ” đang bị lên án và xóa bỏ từng ngày, nhưng có gì đó thuộc về bản năng vẫn níu họ lại.
Vậy phải làm sao để họ dám tự do?
Đừng yêu đàn ông nữa, hoặc người đàn ông phải giúp họ.
Vẫn là do đàn ông nhỉ? Phụ nữ hạnh phúc hay không, vẫn do đàn ông quyết định. Vì họ không thể ngừng yêu ta, nên trách nhiệm của ta là phải giúp họ, quan tâm và hiểu họ hơn.
Thôi thì, chỉ biết chúc các chị em, hãy chọn đúng người.

2. Xích lô

Poster phim
Thông tin chung
Phim lấy bối cảnh Sài Gòn những năm cuối thế kỉ 20, kể về những con người dưới đáy xã hội, nơi những góc khuất của thành phố hoa lệ được phơi bày.
So với Mùi đu đủ xanh thì bối cảnh của phim đã mở hơn, thực hơn khi được quay thực sự ở Sài Gòn (và Hồng Kông) chứ không còn ở trong phim trường nữa.
Rất tiếc, phim bị cấm chiếu trước khi về Việt Nam, dù đã đoạt giải Sư tử vàng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice 1995.
Nhưng nghĩ cũng phải thôi, với hệ thống kiểm duyệt hiện tại, phim Bụi đời chợ lớn năm 2013 còn bị cấm chiếu, thì một phim gây sốc và gai góc hơn thế, bị cấm là đương nhiên.
Những điểm thích
Quay phim vẫn xuất sắc. Thay cho những cú máy dài uyển chuyển nhờ dolly như trong Mùi đu đủ xanh, là những pha máy cầm tay rung lắc ở những đoạn hành động, và những đoạn cận mặt khi miêu tả nội tâm. Phong cách khác biệt nhưng vẫn đẹp do tư duy chọn góc quay của đạo diễn rất hiện đại so với các phim trong nước khác.
Cách sử dụng âm thanh cũng khác, nhiều âm thanh đường phố hơn, các bài hát đến từ chính các diễn viên, các hiệu ứng âm thanh đặc biệt chỉ xuất hiện ở các cảnh hành động, tạo cảm giác rất “đời”,  giống như Sài Gòn vậy.
Nội dung ấn tượng, nhân vật đa chiều, một anh đạp xích lô trở thành tay chân giang hồ, một tay anh chị kiêm nhà thơ, một cô gái điếm vẫn còn trinh tiết, một bà trùm có đứa con bị thiểu năng. Ai cũng có góc khuất riêng, đan xen và gây ảnh hưởng lẫn nhau.
Nói thêm về hình ảnh, lần này Trần Anh Hùng đã thêm rất nhiều cảnh miêu tả nội tâm theo hướng kì ảo, ẩn dụ nghệ thuật, kèm theo lối kể chuyện không đầu không đuôi, ít thông tin, để người xem tự hiểu, cho thấy phong cách nghệ thuật của Xích Lô hợp với văn phong của Murakami như thế nào. Chả trách Murakami chịu để cho Trần Anh Hùng chuyển thể Rừng Na Uy.
… và không thích
Trong 4 mành ghép chính của phim, tôi rất thích diễn xuất của Xích Lô và Bà Trùm, đặc biệt người đóng vai Xích Lô không phải diễn viên chuyên nghiệp, mà là một người lao động chân tay thật sự, anh chỉ đóng đúng 1 phim này trong đời. Nhưng 2 mành ghép còn lại, Gái Điếm của Trần Nữ Yên Khê và tay Anh Chị của Lương Triều Vĩ, lại không được trọn vẹn.
Đẹp người nhưng không đẹp giọng 🙁
Lại là do cái giọng.
Yên Khê thì từ phim Mùi đu đủ xanh đã vậy rồi, cô không thạo Tiếng Việt, nên có diễn tốt mấy thì cái giọng lơ lớ của cô tôi không tài nào thấm được.
Lương Triều Vĩ thì ai cũng biết rồi, anh là diễn viên giỏi (rất giỏi), nhưng do không phải người Việt nên giọng anh phải lồng tiếng. Khi đóng, dù được cho biết nội dung câu thoại mang ý nghĩa gì, nhưng những lời thốt ra khỏi miệng không phải tiếng mẹ đẻ, thì vẫn có sự gượng gạo, và không thể nào mang lại cảm xúc được. Anh chỉ diễn tốt ở những cảnh không lời thôi.
Cái giọng quan trọng với tôi thế đấy, đẹp mấy mà giọng nghe không lọt thì cũng…
Tản mạn về góc khuất
Xã hội nào cũng có tệ nạn, dám nhìn thẳng vào nó, không né tránh, mới là một xã hội phát triển.
Nhưng tác phẩm nghệ thuật nói chung hay điện ảnh nói riêng, tại Việt Nam, khai thác các góc khuất này vẫn còn nhiều hạn chế, do các ban kiểm duyệt chưa đủ cới mở để chấp nhận các nội dung này.
Các tác phẩm nghệ thuật như vậy, có 2 mục đích: chỉ ra các mặt trái đang tồn tại, và giúp người xem hiểu thêm về người trong cuộc.
Trong đó, mục đích thứ 2 dễ dàng đạt được hơn. Do cách xây dựng nhân vật đa chiều, nên ai cũng có mặt tốt để người xem đồng cảm, khi đồng cảm rồi, thì cái việc sai trái mà họ làm tự nhiên được thông cảm. Vô tình nó phủ nhận đi mục đích ban đầu, là chỉ ra các việc xấu đó, cho thấy chúng nguy hiểm thế nào, và lên án chúng.
Đồng cảm với tội phạm, sẽ dẫn đến hệ quả là chúng ta chấp nhận cái tệ nạn đó như một phần cuộc sống, mất đi cái nhìn lý trí và phán xét với nó, cứ như vậy, ta sẽ không còn thấy nó cần bị tiêu diệt nữa.
Trước đây tôi không nghĩ được như vậy, do đọc được bài báo này tôi mới nhận ra vấn đề, bạn cũng nên đọc nó một lần.
Nhưng nếu không xây dựng nhân vật đa chiều để lấy sự đồng cảm của khán giả, thì phim còn gì hấp dẫn nhỉ?
Và những phim như vậy có nên xem hay không?

3. Mùa hè chiều thẳng đứng

Poster phim
Thông tin chung
Ơn trời, cuối cùng cũng có phim về Hà Nội.
Không phải ưu ái Hà Nội gì đâu, nhưng 2 phim trên lấy bối cảnh Sài Gòn mà diễn viên rặt giọng Bắc, kì kì :)) Nên thấy Trần Anh Hùng mà bỏ qua bối cảnh Hà Nội thì phí quá.
Phim kể về 3 chị em trong một gia đình Hà Nội, mỗi người một câu chuyện, một nỗi niềm riêng.
Cùng là về một gia đình người Bắc, nhưng bối cảnh của Mùa hè chiều thẳng đứng rộng hơn, tự nhiên hơn, gần gũi (với người Bắc) hơn so với Mùi đu đủ xanh.
Tuy không đoạt được giải thưởng danh giá nào như 2 người anh em trên, nhưng tôi thích phim này nhất, cá nhân thôi, do nó gần gũi với nơi tôi sinh ra nhất.
Những điểm thích
Đẹp quá trời ơi!
Không biết bao nhiêu lần phải thốt lên như vậy khi xem phim. Đẹp quá, nhớ quá 😞
Lần này không cần đến kĩ thuật quay phim gì nữa, chỉ cần các góc tĩnh thôi là đủ đẹp rồi. Các khung cảnh trong phim được chau chuốt hết sức kĩ lưỡng, tưởng như Hà Nội có cái gì đẹp là đạo diễn gom rồi ném hết vào phim vậy, đã mắt thực sự.
Âm nhạc vẫn tinh tế như vậy, nhạc “xuất hiện” trong phim chứ không phải “làm nền” cho phim. Lần này là nhạc Trịnh, thứ nhạc không thể phù hợp với Hà Nội hơn được nữa.
Tiếp theo là diễn xuất, may quá, diễn viên Như Quỳnh (vai Bà Trùm trong Xích Lô) tiếp tục xuất hiện. Sự xuất sắc của Như Quỳnh thì khỏi nói rồi, nhưng tôi thích vai chị hai của Lê Khanh hơn, không quá trải đời, không quá ngây thơ, Khanh đẹp hoàn hảo, cười là muốn rụng tim.
Đẹp chưa!
Nội dung cũng vừa phải, không quá drama, không plot twist giật gân, không có gì phi lý, mọi thứ đều vừa đủ để cảm nhận, vì những câu chuyện đó, cảm xúc đó, ta có thể gặp hàng ngày.
Chà, khen dữ quá, vì khoái quá mà :))
Dù gần đây có chút chối bỏ và không được thích Hà Nội lắm, nhưng cái gốc gác thì rũ làm sao được, Hà Nội trong phim đẹp quá, coi là muốn nhảy ngay vào đám giỗ trong phim, được là một phần trong đó. Tuy có chút phóng đại khi dựng lên một Hà Nội “nhìn đâu cũng đẹp” như vậy, nhưng có hề gì, mình gom những gì đẹp nhất, cất một chỗ, lâu lâu lấy ra ngắm thôi mà…
… và không thích
Không thích giọng của… à mà thôi, nói hoài!
Tản mạn về sự ngưỡng mộ
Trong phim, 3 chị em đều ngưỡng mộ mối tình của cha mẹ mình. Đồng thời, họ sợ hình ảnh đó đổ vỡ, khi cố gắng hợp lý hóa mối tình cũ của mẹ là một mối tình trẻ con, không ảnh hưởng gì tới hôn nhân của cha mẹ hết.
Là phận con, ai cũng thần tượng cha mẹ mình ở một vài điểm nào đó, rồi lấy làm kim chỉ nam cho cách sống của mình. Nhưng sẽ thật tệ nếu một ngày, ta phát hiện ra điều gì đó và vỡ mộng, nó có thể làm méo mó suy nghĩ, ảnh hưởng lâu dài tới chúng ta.
Nên thôi, hãy chấp nhận việc không ai là hoàn hảo cả, yêu thương đến mấy thì cũng phải chấp nhận họ có điểm chưa tốt. Ai cũng có góc khuất mà, thấy và hiểu được cả góc khuất của người ta, hẳn sẽ thương dữ lắm…

4. Tổng kết

Xem cả 3 phim và viết trong vòng 24 tiếng, quả là một trải nghiệm thú vị.
3 phim thật sự hay, so với mặt bằng chung của phim Việt hiện tại thì phải nói xuất sắc.
Tuy thực tế, đây không phải phim Việt, mà là “phim về Việt Nam” của 1 ekip nước ngoài. Hơi buồn vì không biết tới bao giờ mới có hàng 100% nội địa chất lượng như vậy.
Nhưng không sao, đúng gu là được. Cám ơn đạo diễn Trần Anh Hùng khi đã tạo nên 3 bộ phim mang hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới như vậy. Nhưng nói nhỏ nè, đừng cho vợ đóng phim nữa nhé, hoặc bắt cổ học tiếng Việt cho sõi đi 🙁.