Điều mình tâm đắc nhất với các kết quả nghiên cứu khoa học là chúng đã và đang góp phần rất lớn để khẳng định rằng mỗi việc làm đúng đắn của chúng ta đều có được "quả" xứng đáng với nó, dù rất nhiều khi trong cuộc sống ta không thể nhận ra những "quả" ấy, hay chúng đến trong tương lai rất xa.
Trong cuốn "How will you measure your life?" của giáo sư Harvard Clayton Christensen, ông đề cập đến nghiên cứu về tác dụng của việc nói chuyện với trẻ nhỏ từ khi chúng chưa có nhận thức (12 tháng đầu tiên) - thứ mà rất nhiều người vẫn cho là một việc vô nghĩa - đến khả năng ngôn ngữ của trẻ. Kết quả là nếu cha mẹ chịu khó nói chuyện một cách nghiêm túc với con cái trong tuổi đầu tiên này (nghiêm túc như nói chuyện với người lớn), nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ khả năng ngôn ngữ (bao gồm cả vốn từ và khả năng đọc của trẻ khi chúng đến tuổi đi học), mà còn khả năng suy nghĩ và các hoạt động tâm trí khác.

Một vài lời khuyên khác mình thấy khá hay trong cuốn sách bạn nhất định nên đọc này:
  • Ta sống theo nguyên tắc của mình 100% thời gian thì dễ, nhưng 98% thời gian thì cực khó. Giải thích được khá nhiều điều "khó hiểu" trong cuộc sống. Ví như ta thường khởi đầu ngày mới khá tốt bằng việc cố gắng học tập hay rèn luyện. Nhưng, sau lần đầu tiên thử mở Facebook tí, chả hiểu sao mọi thứ trở nên tồi tệ hẳn. Ta hết Facebook lại Spiderum lại mở thêm 1 tab Facebook nữa, đính kèm thêm chút Youtube nhạc nhẽo cùng báo mạng, quay ra đã đến giờ ăn trưa, và sau ăn trưa còn khó làm việc hay học thứ gì hơn nữa ... vậy là lại hết 1 ngày vô tích sự, thôi chờ đợi ngày hôm sau sẽ cố gắng hơn.
  • Thời điểm đúng đắn và quan trọng nhất mà ta nên đầu tư vào xây dựng tình cảm gia đình hay bạn bè thân thiết lại là lúc mà ta tưởng như điều đó hoàn toàn không cần thiết.

A Dreamer