Điểm đặc biệt nhất ở "Already free" là sự giao thoa giữa những phân tích tâm lý học phương Tây (trường phái tâm lý học Freud) với đạo Phật của phương Đông, nhưng không phải trong lý thuyết, mà trong chính thực tiễn qua kinh nghiệm hơn 30 năm làm một nhà tâm lý học trị liệu của tác giả.

Cụ thể hơn, tâm lý học phương Tây tập trung vào việc tìm hiểu, từ đó đi đến nhận thức ảnh hưởng của những vấn đề tâm lý khi còn trẻ đến cuộc sống trưởng thành của một người. Việc tồn tại như một đứa trẻ (không quyền lực, không có khả năng tự nuôi sống bản thân) đòi hỏi một cách tự nhiên mỗi người phải xây dựng một chiến lược sống cho riêng mình. Ví dụ (của chính tác giả), khi ba mẹ ông đề cao tính tự lập, ông đã vô thức gạt bỏ tất cả những suy nghĩ hay nhận thức về sự phụ thuộc khỏi cuộc sống của mình. Điều ấy tất nhiên là tốt, vì nó làm ba mẹ ông hài lòng, và từ đó ông đảm bảo chắc chắn hơn việc có được tình cảm yêu thương của ba mẹ với mình. Tuy nhiên, những chiến lược này không mất đi khi ông trưởng thành, dù chúng đã không còn phù hợp nữa. Nó khiến ông không chấp nhận một phần của chính bản thân mình - phần phụ thuộc mà ông không thể phủ nhận vào xã hội, vào những con người xung quanh. Và vì chính sự không chấp nhận này vô thức đè nặng lên tâm lý ông, khiến ông không bao giờ có thể cảm thấy trọn vẹn và thực sự sống trong hiện tại.

Chính khía cạnh này của tâm lý học phương Tây hỗ trợ giải thích tại sao một tôn chỉ của đạo Phật nói riêng hay triết học tâm lý học phương Đông nói chung luôn đề cao, đó là đề cao việc sống trong hiện tại lại khó thực hiện đến vậy trong cuộc sống. Ảnh hưởng của những chiến lược tâm lý ta xây dựng trong vô thức từ nhỏ để phù hợp với hoàn cảnh lại trở thành có hại cho ta, và nếu không được nhận thức một cách đầy đủ để đi đến chấp nhận và dần dần từng chút một tiến tới cởi bỏ chúng, thì ta sẽ không bao giờ có thể gắn bó trọn vẹn vào mỗi giây phút hiện tại của cuộc đời.

Tuy nhiên, cái hay là chính triết học phương Đông, mà ở đây là đạo Phật, lại cho thấy cái thâm sâu của nó qua việc nhấn mạnh rằng ngay cả khi ta có thể tự chữa lành cho mình, đạt đến cả sự toàn vẹn về tâm lý, thì mỗi phút giây hiện tại đều vẫn sẽ có thể là niềm vui hay nỗi buồn khó khăn. Sẽ không bao giờ có một kết cục viên mãn toàn màu hường, mà thay vào đó hai thái cực sẽ cứ tiếp tục luân chuyển thay thế nhau vận hành và đưa đến những sự kiện trong đời bạn (thuyết vòng tròn thái cực). Nhưng chính sự chấp nhận và khả năng gắn bó trọn vẹn với mỗi trải nghiệm, mỗi sự kiện mới trong mỗi giây mỗi phút, có lẽ mới là thứ tạo nên ý nghĩa của cuộc đời.


Một điểm cộng nữa cho "Already free" là nó đi khá sâu vào phân tích những vấn đề tâm lý của các cặp đôi, và cho thấy tình yêu hay cuộc sống hôn nhân bất ngờ lại chính là một cơ hội tốt để mỗi người nhìn ra những vấn đề tâm lý của bản thân mình.

Túm lại là chắc chắn không thể bỏ qua nếu bạn muốn tìm hiểu về tâm lý học hay có chút hứng thú với sự giao thoa Đông Tây trong lĩnh vực này nhé :)


A Dreamer