Review một năm đọc sách
Chuyện là mình đang học lớp Writing on the Net, một lớp dạy viết blog. Bài tập của lớp là viết đủ 25 bài trong 1 tháng, một thử thách...
Chuyện là mình đang học lớp Writing on the Net, một lớp dạy viết blog. Bài tập của lớp là viết đủ 25 bài trong 1 tháng, một thử thách cũng khá khoai.
Lúc đầu, mình tự đặt ra mục tiêu là sẽ chơi hardcore, viết đủ 25 bài, bài nào cũng phải dài, mang tính analytical hoặc tìm hiểu khái niệm gì đó.
Cơ mà nay chẳng có ý tưởng gì, mình quyết định lôi ra vài idea thuộc dạng low-hanging fruit, chữa cháy cho những ngày bí óc =))))
Ở bài viết này mình sẽ nhìn lại những cuốn sách mình đọc trong năm nay.
Dune
Mình vốn theo trường phái chỉ đọc sách non-fiction, như là sách khoa học, lịch sử. Thế mà sau một hôm xem lại Dune để chuẩn bị ra rạp xem Dune 2, mình hứng chí đặt cuốn Dune của Frank Herbert về xem nguyên tác có ra gì không. Ít ra Dune nó là sci-fi, dù là fiction nhưng vẫn có science trong đó. Thế là ổn để xuống tiền.
Dune khá hay. Tại xem phim rồi nên mình không mất quá nhiều thời gian để tiêu hoá. Có vài chỗ truyện khác phim nhưng không đáng kể. Một thế giới hùng tráng và hệ thống tôn giáo thú vị.
Nhưng sự sci trong sci-fi của Dune không đủ đã.
Không có nhiều yếu tố khoa học. Nhẩm ra được vài thứ như du hành vũ trụ (được nhắc đến khá qua loa), khai thác hành tinh (cũng qua loa). Nếu tạm thay những yếu tố khoa học viễn tưởng trong Dune thành những chi tiết bình thường, như là du hành vũ trụ → du hành sang lục địa khác, khai thác hành tinh khác → khai thác trái đất, cốt truyện Dune sẽ chẳng khác nhiều.
Về cơ bản, trọng tâm của Dune là về cuộc chiến tôn giáo và chính trị. Càng đọc càng thấy giống nhiều truyện khác, thuần tuý tranh đấu vương quyền và tín ngưỡng. Vẫn hay, nhưng mình sẽ không gọi đây là sci-fi.
Bộ 3 cuốn Tam Thể
Cứ tưởng mình sẽ bỏ cuộc với fiction. Nhưng không.
Một hôm ngẫu nhiên, Netflix recommend series Three Body Problem (Bài toán 3 vật thể), hay gọi tắt là Tam Thể (không phải mèo). Mình xem thử phim.
Rất hay. Với một đứa nghiện science, thì sự hay của Tam Thể lại càng cao.
Xem xong phim thì mình đặt ngay sách về.
Có hẳn 3 quyển, lần lượt là Tam Thể, Rừng Tối và Tử Thần Sống Mãi. Tác giả là Lưu Từ Hân. Phim chỉ đi qua được quyển 1. Mình phát sốt phát rét vì chờ đợi.
Truyện Tam Thể còn hay hơn phim. Hay hơn rất nhiều. Hay vượt kì vọng của mình. Lâu nay đi nhà sách, thấy truyện Trung phần lớn là ngôn tình. Mình chưa từng nghĩ một tác phẩm sci-fi do nhà văn Trung Quốc viết ra lại hay đến thế.
Tam Thể được coi là hard sci-fi, tuy là khoa học viễn tưởng nhưng vẫn tuân theo các quy luật về khoa học, khiến cho truyện cực dễ liên tưởng và không bị viển vông quá. Các khái niệm khoa học, đặc biệt là vật lý thiên văn và khoa học lượng tử, được sử dụng rất tuyệt vời. Ngoài ra, những yếu tố về chính trị, về tâm lý con người khi có khủng hoảng, về bản năng sinh tồn của mọi loài trong vũ trụ, đều vô cùng ấn tượng.
Nhiều người bảo càng về sau truyện càng chán và lê thê. Nhưng mình không thấy thế. Càng về cuối, quy mô của truyện càng rộng, lên đến tầm cái chết nhiệt của vũ trụ (heat death of the universe). Một cái chết thật dịu dàng, khác hẳn với sự bùng nổ khi vũ trụ ra đời.
Đọc Tam Thể, mình thấy được sự miên man dài rộng của vũ trụ và thời gian, sự khắc nghiệt của việc sinh tồn, và một viễn cảnh đầy hy vọng khi nhân loại trở thành một giống loài liên hành tinh, tiến vào không gian để thám hiểm và khám phá, biến những nơi xa xôi thành quê hương mới.
Mình nghĩ đến sự kiện SpaceX thành công bắt được tên lửa đẩy Starship Super Heavy Booster bằng kẹp gắp, đánh dấu một bước tiến lớn trong khoa học vũ trụ.
Đọc Tam Thể, mình nhớ mãi câu của Thomas Wade:
Tiến lên, tiến lên, bằng mọi giá mà tiến lên
Hands down, bộ truyện hay nhất mình từng đọc.
Thiên văn học và Đốm xanh mờ
Sau khi xử lý xong đống fiction, ngựa quen đường cũ, mình quay lại với non-fic. Đang hứng khởi với topic về vũ trụ, mình đặt 2 quyển là Khái lược những tư tưởng lớn trong thiên văn học của DK và Đốm xanh mờ của Carl Sagan.
Quá trình đọc 2 quyển này khá suôn sẻ, do mình vẫn luôn hứng thú với vật lý và thiên văn.
Cuốn Khái lược những tư tưởng lớn của thiên văn học kể về lịch sử của ngành thiên văn, từ lúc những thầy tế và các nhà toán học ngước mắt lên trời đặt tên cho những chòm sao, đến lúc Galileo và Copernicus lật đổ thuyết địa tâm (mặt trời quay quanh trái đất), đến thời hiện đại khi mà con người đưa được những kính viễn vọng lên không gian, hướng cái nhìn đến những thiên hà cách đây hàng chục triệu năm ánh sáng, tìm hiểu cách mà vũ trụ được sinh ra, và có thể một ngày nào đó, chết đi.
Cuốn Đốm xanh mờ thì lại giống một cái nhìn hướng ngược về trái đất, về những vấn đề nó đang gặp phải, về những cư dân đang sống trên nó, về việc những cư dân này đi từng bước về phía trước để khám phá những thứ xung quanh nó, về một tương lai những cư dân đó sẽ đi tìm nhà mới, và nó vẫn là một hòn đá ướt quay quanh một ngôi sao, trong một thiên hà đầy sao, trong một vũ trụ đầy thiên hà.
Phải trái đúng sai
Khi đã nghịch đủ với vũ trụ và thiên văn, có hôm mình xem được video của Duy Thanh Nguyen về philosophy và ethics. Trong đó có mention đến cuốn Phải trái đúng sai của giáo sư Michael Sandel. Thế là mình mua luôn.
Thực sự hay.
Đọc xong mình nhận ra đạo đức không có một bộ khung nào. Có điều là hợp đạo đức với một nhóm người, lại là trái đạo đức với nhóm khác. Có nhiều vấn đề trên thế giới cần cân đo đong đếm về mặt đạo đức, như định giá mạng người, hay quyết định luật pháp và chính sách.
Metropolis
Bẵng đi một dạo, mình đặt cuốn Metropolis của Ben Wilson, do mình đã hứng thú với lịch sử phát triển đô thị từ lâu nhưng chưa tìm hiểu.
Cực kì mở mang. Một mảng kiến thức mới hoàn toàn với mình.
Cuốn này đi từ sự hình thành của những đô thị đầu tiên ở vùng Lưỡng Hà, tìm hiểu lý do mà con người tụ tập để tạo thành những đô thị lớn, và cách mà đô thị làm văn minh nhân loại phát triển ngày càng nhanh.
Qua thời gian, các đô thị đến và đi, toả sáng và lụi tàn, phát triển và suy vong. Mỗi đô thị nổi bật trong dòng chảy lịch sử lại phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của con người, lúc thì thương mại, lúc thì chiến tranh, lúc thì tôn giáo, lúc thì học thuật.
Bênh vực thực phẩm
Mình mua cuốn này hoàn toàn tình cờ. Lúc đặt cuốn Metropolis, mình thấy cuốn Bênh vực thực phẩm của Michael Pollen được recommend.
Ngó thử review và tóm tắt, thấy chủ đề liên quan đến food science, khá thú vị. Trước đây mình từng đọc cuốn khác của Michael Pollen, nên là chốt kèo luôn.
Kiến thức về food science luôn làm mình tò mò, và nhiều khi hoài nghi, do có quá nhiều phong trào ăn uống làm mưa làm gió thị trường như eat clean, detox, ăn chay, ăn low carb, ăn high fat, ăn nonfat, và các trào lưu này chửi nhau toán loạn.
Trong cuốn này, Michael Pollen đặt ra 3 tiêu chí ăn uống để khoẻ mạnh:
Ăn thức ăn thật sự
Đừng ăn quá nhiều
Ăn thực vật là chính
Về tổng thể mình khá đồng tình với 3 tiêu chí này, vì cách giải thích của tác giả khá hợp lý.
Nhưng đồng tình là một chuyện, thực hành như nào là chuyện khác. Mình vẫn hay phạm phải 3 tiêu chí này, như là ăn bim bim (bim bim không phải thức ăn thật sự, vi phạm điều 1), ăn no (điều 2), và ăn nhiều thịt (điều 3).
Tôi, Robot
Nhìn thấy team Oddly Normal mở preorder cuốn I, Robot (tựa tiếng việt là Tôi, Robot) của Isaac Asimov, mình order ngay lập tức.
Isaac Asimov là một huyền thoại trong giới sci-fi, với phong cách viết hard sci-fi đặc trưng. Ông cũng là một biểu tượng của việc viết đều và hay: mỗi ngày ông viết tầm 5000 từ, và ông đã xuất bản hơn 500 cuốn sách. Một con số quá khủng khiếp.
Và Tôi, Robot đã không làm mình thất vọng chút nào.
Isaac Asimov quả là một người có tầm nhìn xa về vấn đề robot và AI. Cuốn sách ra đời vào những năm 1950s, nhưng nhiều tiên đoán của Asimov về tương lai của máy móc và AI vẫn đúng cho tới hôm nay, và có thể còn xa hơn nữa.
Lối hành văn của Asimov dày đặc hội thoại và logic, có thể sẽ làm nhiều người bỏ cuộc vì khô khan, nhưng với mình điều này thật tuyệt vời. Mình không cần truyện phải tả hoa lá cành mây trời lê thê, mình chỉ quan tâm đến những màn đấu khẩu và đấu trí nghẹt thở giữa người và máy, đến tương lai của AI trong xã hội loài người, đến cách mà con người có thể kiểm soát AI.
Quả là một năm đọc sách thú vị.
Nếu bạn đọc đến đây và thấy hay ho, hãy subscribe mình trên tengaria.substack.com. Mình sẽ để link ở dưới, cảm ơn các bạn.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất