Một cách thành thực, tôi cầm cuốn sách trên tay trong khi mới lờ mờ bước chân vào lĩnh vực kinh tế học chứ chưa nói đến kinh tế học hành vi hay tâm lý học cơ bản. Mặc dù là một sinh viên trường kinh tế, tôi không nắm rõ cách thức nền kinh tế vĩ mô vận hành ra sao. Giả dụ như sàn chứng khoán giao dịch như thế nào, tại sao chúng ta cần đến chính sách công và chính sách thương mại quốc tế, ngân hàng làm việc như thế nào… và những thứ đại loại vậy. Phải thừa nhận tôi có một bảng điểm không mấy khả quan, hay nói cách khác là cực tệ trong một năm rưỡi đầu tiên của đại học vì quá chán ngán những giờ học trên giảng đường. Trong nỗ lực thay đổi bản thân và đánh thức niềm yêu thích với chuyên ngành đang học, tôi điên cuồng đi tìm lời khuyên từ những bậc tiền bối và bắt đầu đọc sách về kinh tế. Loay hoay trong đường hầm tối, cuốn đầu tiên mà tôi vớ phải là “Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính” của Richard H.Thaler- nhà kinh tế học Hoa Kỳ đã đạt giải Nobel kinh tế cách đây ba năm.
Có ý kiến cho rằng cuốn sách này có tính dẫn nhập khá cao vì đã cẩn thận diễn giải những khái niệm cũng như thuật ngữ căn bản của kinh tế học hành vi. Dù tác giả đã mào đầu “tôi là một kẻ lười biếng có hạng, vì vậy tôi chỉ đề cập đến những điều lý thú, ít ra là đối với tôi, mà thôi”, cuốn sách vẫn quá tầm với tôi, một phần vì kiến thức của tôi còn hạn hẹp và một phần vì lối dịch thuật. Phần mục lục của cuốn sách gồm nhiều chương được sắp xếp và đề tên theo kiểu mà mới nhìn vào, bạn sẽ chẳng thể đoán được là mình sắp đọc cái gì. Richard Thaler đặt tên từng chương theo bản chất vấn đề phát sinh trong đó, chương này nối tiếp chương kia theo trình tự thời gian như một cuốn tiểu thuyết kể từ khi kinh tế học hành vi phôi thai đến lúc thành hình. Về căn bản, nó gần hơn với một cuốn tự sự về công việc hay hồi ký của tác giả thân sinh – Thaler có thể được coi là cha đẻ của ngành khoa học kinh tế học hành vi. Ông đã đưa người đọc đi từ những điểm nhỏ nhất- nơi phát sinh ra vấn đề, qua những thí nghiệm, những cuộc điều tra và công bố kết quả hết lần này đến lần khác, khi những cuộc họp được tổ chức và ông cùng đồng nghiệp hứng chịu những lời chỉ trích của phái duy lý trong lý thuyết kinh tế học. Sau rốt, những nỗ lực phản biện cuối cùng đã hình thành nên ban chuyên nghiên cứu kinh tế học hành vi - một nhánh mới của khoa học kinh tế học.
Theo phát hiện của ông, con người hành xử không hề duy lý như họ vẫn nghĩ. Có nhiều quyết định được đưa ra dựa trên cảm tính và những quyết định này mang tính hệ thống đến mức chúng gây ra ảnh hưởng lớn đến kinh tế. Ông gọi những con người duy lý trong kinh tế là các “Econ” (homo economicus)- là những cỗ máy kinh tế đội lốt con người, không quan tâm đến “những nhân tố không phù hợp” (Supposedly Irrelevant Factors- SIFs). Các Econs không phải những con người khôn ngoan (homo sapiens) thực đang mua bán vào ra trên thị trường. Ông nói “con người không phải là các Econs, và các Econs càng không hề giống nhau” đồng thời chỉ ra rằng “các giả định mà lý thuyết kinh tế dựa vào còn nhiều khiếm khuyết”, chúng ta nên “ đưa yếu tố con người vào các lý thuyết kinh tế nhằm cải thiện độ chính xác của các dự đoán dựa vào các lý thuyết đó”. Thaler có một bản danh sách “Những điều ngây ngô mà người ta làm” treo trong văn phòng làm việc để rồi nghiền ngẫm mãi về chúng trong những năm sau đó. Ai mà ngờ cái bản danh sách lại mang đến cho ông giải Nobel kinh tế học. Tôi sẽ trình bày lại ngắn gọn một phần của bản danh sách và phân tích chúng:
1. Thaler và một người bạn xoay xở được hai chiếc vé miễn phí xem trận đấu bóng rổ nhà nghề tại nơi cách một tiếng rưỡi đồng hồ lái xe. Vào ngày trận đấu diễn ra có cơn bão tuyết lớn. Cả hai quyết định không đi nữa nhưng người bạn của Thaler nói rằng, nếu họ bỏ tiền túi ra mua vé (khá đắt) thì họ đã bất chấp bão tuyết đến xem rồi.
Phân tích: Điều này thật phi lý với các Econs vì giá trị của chiếc vé miễn phí và vé đi mua là như nhau. Tức là nếu bạn bán 2 chiếc vé đi, bạn sẽ nhận lại cùng một số tiền. Nếu bạn không sử dụng vé để đi xem bóng thì dù là vé loại nào đi nữa, bạn cũng không lấy lại được tiền và vẫn mất quyền lợi là một buổi xem bóng. Đối với các Econs, chi phí bỏ ra để mua vé không hề liên quan đến quyết định có đi xem bóng hay không vì đây là “chi phí chìm”. Sai lầm này phổ biến đến mức nó có một cái tên chính thức - Ngụy biện chi phí chìm (Sunk cost fallacy) mà các bạn sẽ tiếp tục đào sâu ở chương 7 và chương 8.
2. Cứ vào ngày cuối tuần, Stanley cắt cỏ khô tại sân nhà mình và việc này khiến anh ta bị bệnh sốt cỏ khô. Thaler hỏi Stanley tại sao anh ta không thuê một đứa trẻ cắt cỏ giùm và được trả lời là vì anh ta không muốn tốn 10$. Thaler hỏi tiếp liệu anh ta có cắt cỏ thuê cho hàng xóm với tiền công 20$ hay không thì Stanley lắc đầu nói rằng không bao giờ.
Phân tích: Stanley vi phạm quy tắc giá mua và giá bán phải tương đương nhau trong kinh tế học. Trường hợp này liên quan đến “chi phí cơ hội”- chi phí cơ hội của một hoạt động là những gì bạn phải từ bỏ để thực hiện hoạt động đó. Thí dụ như bạn có 10.000 đồng, bạn quyết định ăn xiên bẩn ngoài cổng trường thay vì kem matcha ở Mixue thì chi phí cơ hội của việc ăn xiên bẩn là từ bỏ vị mát lạnh của kem matcha. Ở đây, chi phí cơ hội của việc không bị bệnh là bất cứ sự thỏa mãn nào đến từ việc tiêu xài số tiền dùng để thuê đứa trẻ cắt cỏ. Dù ai là người cắt cỏ thì chi phí cơ hội của việc không bị bệnh vẫn là như thế. Đáng lẽ bạn phải chấp nhận giá thuê đứa trẻ cắt cỏ bằng với giá mà bạn sẵn sàng chấp nhận để cắt cỏ cho nhà khác. Thaler gọi hiện tượng này là “Hiệu ứng quyền sở hữu” (Endowment effect), tức là người ta gán giá trị cao hơn cho thứ mà họ sở hữu hơn là thứ họ chưa có, vì vậy người ta thường từ chối bán đi những gì họ sở hữu với giá cao hơn mức họ sẵn lòng bỏ ra mua lúc đầu (chương 2 và chương 16). Ở trường hợp này, ta có thể hiểu là Stanley đã đánh giá cao công cắt cỏ của mình vì anh ta vẫn có thể tự làm nó (cách hiểu khác của “sở hữu”), và anh ta từ chối đưa ra giá cao hơn cho đứa trẻ cắt cỏ. Niềm vui sướng khi không bị bệnh không lớn bằng “nỗi đau” khi phải bỏ tiền túi ra đi thuê, điều này được thể hiện trong biểu đồ hàm số giá trị ở đầu trang 52, chương 4 bàn về “Lý thuyết giá trị”.
3. Linnea đi siêu thị mua radio và tìm được loại mình thích với giá 45$. Khi cô hỏi mua, nhân viên nói rằng loại này đang được bán hạ giá 35$ tại chi nhánh mới khai trương cách đây 10 phút lái xe. Liệu cô ấy có đến đó để mua? Trong một chuyến mua sắm khác, Linnea mua ti vi và thấy một chiếc giá 495$. Nhân viên lại mách rằng đang có giảm giá chiếc tivi cùng loại ở cửa hàng cách đó 10’ lái xe, với giả chỉ 485$. Cùng một câu hỏi nhưng có lẽ câu trả lời khác với tình huống trên. Khả năng cao là Linnea sẽ đi trong tình huống thứ nhất nhưng không đi trong tình huống thứ hai.
Phân tích: Nếu Linnea mất 10’ để tiết kiệm 10$ khi đi mua một món hàng nhỏ chứ không phải một món hàng lớn thì cô ấy đã không nhất quán trong việc đánh giá giá trị của thời gian. Thaler gọi đây là “tính hữu dụng biên giảm dần của tài sản”. Là một phát hiện thú vị, chủ đề này cũng là nghiên cứu của Kahneman và Tversky và thực ra, kết quả đã được khám phá từ lâu trong tâm lý học - Định luật Weber-Fechner. Kết luận được đưa ra là con người cảm nhận thông qua sự thay đổi của sự vật chứ không phải độ lớn của nó. Ví dụ như cảm nhận về sự thua lỗ 10$ với 20$ sẽ lớn hơn nhiều sự chênh lệch thua lỗ giữa 1300$ và 1310$ (Chương 4: Lý thuyết giá trị).
4. Vợ Lee tặng chồng một chiếc áo len đắt tiền. Ông chồng đã từng nhìn thấy cái áo len ở cửa hàng nhưng quyết không mua vì cho rằng không nên tự nuông chiều quá đáng nhưng anh ta vẫn vui mừng khi được vợ tặng áo. Về tài chính, hai vợ chồng góp gạo thổi cợm chung, không ai có quỹ đen cả.
Phân tích: Lee cảm thấy dễ chịu hơn khi dùng quỹ chung của gia đình để mua chiếc áo len đắt tiền nếu người vợ là người quyết định mua dù như vậy thì chiếc áo chẳng rẻ hơn chút nào. Tiếp cận theo một hướng khác, ta có thể thấy Lee là một kẻ không quyết đoán. Anh ta vừa thích chiếc áo(vui khi được vợ tặng), lại vừa không thích nó (nhất định không chịu mua). Các Econs duy lý không bao giờ hành xử mâu thuẫn như vậy và luôn quyết định dựa trên lựa chọn tối ưu. Theo Thaler thì đây thực là một “sự báng bổ”. Hiện tượng này là “lựa chọn nghịch với sở thích” được khám phá bởi hai nhà tâm lý học Sarah Lichtenstein và Paul Slovic (trong cuốn sách này, nó được trình bày ở Chương 5: Lời thách đấu).
5. Một số bạn bè đến nhà Thaler ăn tối. Trước bữa ăn, ông mang ra một khay hạt điều nhấm nháp cho vui miệng nhưng tất cả lại ăn quá nhiều hạt điều và bắt đầu thấy không ngon miệng nữa. Thế là Thaler cất khay hạt điều vào tủ. Tất cả mọi người đều vui vẻ.
Phân tích: Việc cất khay hạt điều đi đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền chọn ăn thêm nữa. Đối với các Econs, có nhiều sự lựa chọn thì tốt hơn là có ít sự lựa chọn. Khay hạt điều ở trên bàn là một nhân tố không phù hợp (SIF), theo lý thuyết thì chẳng ảnh hưởng đến quyết định có ăn tiếp hay không. Và tương tự với ví dụ 4 ngay trên, những vị khách vừa tỏ ra muốn ăn lại vừa tỏ ra không muốn ăn hạt điều. Sự khác biệt giữa Econs và con người là tính tự chủ. Thaler đã tưởng tượng ra một cuộc đối thoại rất hóm hỉnh như thế này.
“Econ: Tại sao bạn lại cất hạt điều đi?
Con người: Bởi vì tôi không muốn ăn thêm nữa.
Econ: Nếu bạn không muốn ăn thêm nữa, tại sao lại phải mất công đem cất nó đi? Bạn chỉ cần làm cái mình thích và đừng có ăn nữa.
Con người: Tôi cất cái khay đi là vì nếu vẫn còn hạt điều ở đó, tôi có thể sẽ ăn tiếp.
Econ: Nếu như vậy, chứng tỏ bạn thích ăn hạt điều nhiều hơn là không ăn, do đó cất nó đi là hành động ngu xuẩn.”
Tất cả những điều trên mới chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn những điều kì thú nằm trên trang sách. Cách dẫn dắt của Thaler khiến tôi có cảm giác mình như một người cộng sự tham gia vào tất cả những phát hiện, những nghiên cứu, quan sát từng đường đi nước bước của ông. Phần sau của cuốn sách áp dụng những lý thuyết kinh tế học hành vi cho chính sách công và một số thuộc phạm trù kinh tế học vĩ mô nên sẽ khó hiểu hơn và thật lòng là tôi chưa nắm hết được. Tôi cần đọc cuốn sách này nhiều lần nữa.
Cuốn sách không chỉ đem đến những phát kiến bất ngờ về mặt kiến thức, nó còn thể hiện tính cách hài hước, thân mật của Richard Thaler. Dù là một nhân vật lớn trong lĩnh vực kinh tế học, người giành giải thưởng Nobel danh giá, tôi không hề cảm thấy Thaler là một ai đó xa lạ và uy quyền. Cách ông gọi tên đồng nghiệp thân mật (Danny-Daniel Kahneman), cách ông chú thích về những người đã khuất với tất cả niềm trân trọng và cảm mến, cách ông cảm ơn từng người đã góp sức cho ra đời cuốn sách này khiến tôi rất đỗi yêu quý một con người sinh ra trước tôi hơn năm chục năm, sống cách xa tôi đến nửa vòng trái đất. Cầu mong ông luôn bình an và mạnh khỏe.