Cuối cùng thì Hùng Lý tôi cũng đã có dịp để xem Black Panther, bom tấn đầu tiên của MCU năm nay. Vì vốn dĩ không hẳn là một người thật sự thích và đọc nhiều comics về Black Panther nên ở bài này tôi sẽ nói thiên về cảm tính của việc mình được xem một bộ phim hay thì nhiều hơn là một gã rành comics xem phim. 

Tuy nhiên thì cũng nên lật lại lịch sử một chút. Black Panther ra đời vào năm 1966 ở tập truyện Fantastic Four #52- thời điểm mà phong trào Civil Right ở Mỹ diễn ra sôi nổi. Có một số người đã lầm tưởng rằng T'Challa- Black Panther được tạo ra dựa trên một nhóm hoạt động chính trị da màu cũng mang cái tên Black Panther Party xuất hiện cùng thời điểm đó, nhưng sự thật là nhóm ấy có mặt sau T'Challa 3 tháng (Tháng 7 và tháng 10) và việc trùng tên chỉ là ngẫu nhiên. Là siêu anh hùng da đen đầu tiên, dĩ nhiên T'Challa là đại diện lớn nhất về nhân quyền cho người da màu, và điều này được thể hiện rất rõ trong phim này.

Những lời đánh giá đầu tiên là Black Panther có những điều tôi đã mong muốn phim của MCU thực hiện thường xuyên hơn. Cinematography của Black Pather thật sự phải nói là cực kỳ xuất sắc, không còn nhiều những pha hành động mà lại cắt chuyển liên tục tạo ra sự nhức đầu rối mắt. Soundtrack của phim thật sự tạo ra được không khí vừa cổ điển vừa mang cái chất futuristic đại diện cho Wakanda một cách xuất sắc (Bạn có thể tìm đọc về Afrofuturist của bác Samurice) Các nhân vật như T'Challa của Chadwick Boseman, Killmonger của Michael B. Jordan, Shuri của Letitia Wright, Man-Ape/M'Baku của Winston Duke, Everett Ross của Martin Freeman đều diễn từ tròn vai đến rất tốt (dù có một số thứ không vừa lòng) và đặc biệt là thủ lĩnh Dora Milaje do Danai Gurira nắm giữ có thể nói chính là điểm sáng nhất của cả phim. Hành động của phim không nhiều, không ồ ạt như đại đa số phim MCU (Civil War, Age of Ultron...) nhưng để dành thời gian cho việc đẩy cốt lên cao và những trận chiến mang tính thắt nút và gỡ nút có sức nặng hơn rất nhiều, dù có lẽ chỉ do cá nhân tôi cảm thấy nó vẫn còn hơi "nhanh" một chút.
Về cốt truyện mà nói thì Black Panther thật sự chả có cái gì đặc biệt lắm khi nói về một vị vua mới ở một vương quốc mới: Lên ngôi, bị thách thức, phải chứng tỏ bản thân xứng đáng => vương quốc yên bình. Thật ra mà nói thì Black Pather và Thor: Ragnarok thật ra giống nhau hệt (Nhưng tôi từ chối nói về Thor Ragnarok vì tôi ghét nó đến mức chả thèm review)Cái đáng nói là Black Panther tuy là phim chuyển thể comics về siêu anh hùng nhưng nó không hoàn toàn nhắm đến những thứ anh hùng, hy sinh cao cả gì gì đó mà nhắm đến những việc gần gũi hơn và mang tính... chính trị hơn, giải phóng áp bức trên thế giới bằng những tư tưởng khác nhau vốn dĩ là nguồn gốc cho sự ra đời của Black Panther.

Spoiler in 3... 2... 1
.
.
.
.
.
.
.
.
.
Điều đầu tiên phải nói là Wakanda/ Châu Phi đẹp không thể tưởng nổi. "This never gets old" là một cảnh với cinematography gần như hoàn hảo thể hiện được đủ toàn bộ những gì Wakanda làm được trong bí mật. Ha hà, Cho các bạn biết luôn bây giờ Wakanda trong comic chẳng còn chỉ ở mặt đất nữa đâu mà trở thành đế chế liên hành tinh luôn rồi.

Michael B. Jordan được sử dụng trong vai Killmonger thật sự tốt đến không thể tưởng. Có lẽ từ giờ tôi chẳng thể nào nhìn anh là Creed con hay... Johnny Storm nữa. Killmonger của phim cũng khác kha khá so với truyện, nhưng tôi lại thích phiên bản này hơn một chút do quá khứ đau thương- người cha bị đối xử bất công dẫn đến ý tưởng báo thù của Killmonger với cả Wakanda... Việc Killmonger là đại diện cho thành phần cực đoan của những người bị áp bức trong khi những kẻ "cầm quyền" hoặc "có khả năng giúp đỡ" làm ngơ thật sự đẩy lòng căm phẫn của hắn lên một mức độ khác, khiến hắn muốn chứng tỏ và nắm đầu cả thế giới. Phân cảnh chiến đấu thách thức T'Challa có lẽ là cảnh chiến đấu có sức nặng nhất nhì chỉ sau cảnh Cap vs Bucky trong Winter Soldier mà thôi. Nếu bạn muốn biết thêm thì trong comics Erik Killmonger có tư thù với chính T'Challa nhiều hơn là thèm khát ngai vàng, và thay vì thách thức T'Challathì sau thời gian bị lưuđày rồi được nhận lại, lợi dụng thời gian T'Challa quá bao đồng mà thực hiện một cuộc đảo chính. Ở run của Priest- run mà phim dựa vào, thì Killmonger còn khiến kinh tế Wakanda sụp đổ và đánh bại T'Challa để trở thành vua của Wakanda và cả "gia nhập" Avengers.
Mini PS: tuy vậy, việc Killmonger sử dụng Klaw- một nhân vật được xây dựng gần 3 phim thành plot device là bị giết để Killmonger được công nhận quay trở về Wakanda như vậy cũng hơi... uổng cho Andy Serkis.

T'Challa của Boseman không phải là quá xuất sắc mà trên mức tròn vai thôi. Có lẽ ấn tượng mạnh về anh ở trong Civil War đã không còn nữa nên mới bị thế chăng, tôi không rõ lắm. Tuy vậy, T'Challa là một "Simba" tuyệt vời với câu chuyện mà Black Panther muốn kể. Vẫn biết đây là giai đoạn khởi đầu của T'Challa để cảm thông vài pha... ngớ ngẩn, nhưng có lẽ việc trung thành với nguyên tác chỉ thật sự nổi bật ở đoạn sau khi T'Challa trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, dùng chiến thuật để chiến đấu nhiều hơn là chỉ sử dụng sức và trở thành một vị vua thật sự badass. Việc T'Challa về sau bỏ tư tưởng isolationism của Wakanda, mở rộng ra với thế giới thật sự là một cái ẩn dụ về sự phát triển chứng tỏ thực lực của Châu Phi- nơi có nhiều Third world country và cũng là cách để giúp Black Panther thật sự tiến vào MCU một cái công khai hơn với xã hội của MCU. 

Nói thật, tôi đã mong chờ khá nhiều về Man-Ape và...không hẳn gọi là thất vọng. Jabari được lột tả cực tốt là một dân tộc có phần hung hãn, tách biệt khi sống ở vùng tuyết rơi lạnh lẽo và ngạc nhiên thay lại là cây cười trong lúc chả ai nghĩ tới, và tôi cũng hy vọng M'Baku sẽ là villain chính trong một phim Black Panther khác vì sự đối đầu giữa Black Panther và Man-Ape có nhiều arc truyện khá đã (Àh, fun fact: trong comics hắn không ăn chay đâu =)) ). Nhiều người ấn tượng với sự thông minh lẫn độ bựa của Shuri, tôi thì không hẳn chỉ thấy bình thường. Malice/ Nakia chắc là nhân vật tôi chả ấn tượng gì nhất phim, và thậm chí nói thật bỏ luôn cô nàng ra cũng chả có gì thiếu sót (Shuri hoàn toàn cũng có thể lén lấy heart-shape herb)
 Các Dora Milaje, như tôi đã nói, là điều tôi thích nhất cả phim vì sự mạnh mẽ, kiên định và hy sinh của họ, một pha thể hiện việc ủng hộ nữ quyền khá tốt. Nhiều người vốn không thích việc Marvel trở thành lẫn dính quá nhiều vào Social Justice Warrior (Thật, comic của họ bị chỉ trích kha khá vụ này) nhưng khi họ làm vừa đủ, vừa đúng thì mọi thứ rất ý nghĩa. Wakanda Forever!
Điều mà tôi muốn nhấn mạnh nhất, thích nhất ở Black Panther đó chính là: Marvel hoàn toàn có thể làm một phim hay, nhiều tầng nghĩa mà không nhét những yếu tố gây cười "tệ hại" đến như đè người ta ra chọc cù léc (Đang nói mi đấy Thor Ragnarok) Tuy không phải đến mức dark, nhưng sự thay đổi hướng đi thế này là một điều hay và tôi cần sự nghiêm túc như vậy với comic book movies từ nay về sau, như những gì V for Vendetta đã từng làm được.

Tôi khá thích phim này, không phải theo kiểu cực phê, phát cuồng vì sự thật mà nói tôi chảng phải là fan của Black Panther và dù là một người đọc comic nhiều thì tôi cũng chỉ "gặp" vị vua này qua chừng cao lắm 4 đầu truyện- Vì bài review này mà tôi mới lật Black Panther Vol 3 qua đọc sơ. Ai bảo tôi hãy nên phân biệt giữa 2 vũ trụ thì tôi cũng biết chứ, nhưng nó giống như bảo một người Việt Nam hãy sống như một người Úc vậy, dù sẽ thích nghi được và tách biệt được nhưng vẫn mang trong mình cái gì mình đã quá quen thuộc và thích thú nhất chứ. Nhưng với tư cách của một người xem phim thì Black Panther đã làm tôi hài lòng rất nhiều, thậm chí làm cho niềm tin của tôi về MCU quay lại kha khá kể từ sau Captain America Winter Soldier.