*Lưu ý: vì là review, nên hoàn toàn mang quan điểm cá nhân của mình. Các bạn yêu thích James Blunt nhưng chưa nghe album này thì hãy nghe nó để ủng hộ anh ấy, đừng bị review ảnh hưởng.

Ngót nghét đã hơn 10 năm (chính xác là 12 năm), từ cái ngày James Blunt trở thành người đàn ông lúc nào cũng khen các bạn nữ là "Dò bíu ti pho, dò bíu ti pho, ít trù". Cũng ngần ấy năm, James Blunt đã ra mắt năm album (tính luôn cả "The Afterlove"), nhưng có một điều thú vị là tất cả những album đó, độ phổ biến không bao giờ bằng được single "You're Beautiful". Nói James Blunt là một kiểu one-hit-wonder (nghệ sĩ chỉ nổi tiếng với một ca khúc) không phải là không có cơ sở (cá nhân mình thì không nghĩ vậy, vì kha khá bài của James mình thấy hay như "1973", "Good Bye My Lover", "Same Mistake", "Carry You Home"...). "The Afterlove" lần này cũng tương tự và mình có cảm giác là dù James có cố gắng thay đổi phong cách như thế nào đi nữa cũng không thoát khỏi được cái bóng quá lớn của "You're Beautiful" mà người hâm mộ mặc định nơi anh.

Khi single chính "Love Me Better" ra mắt hồi tháng trước, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người hâm mộ anh bị chia rẽ. Điều đó cũng dễ hiểu, khi hai album gần đây của anh là rock thì "Love Me Better" mang hơi hướng của electro-pop. MV bắt đầu bằng việc James bước ra từ một chiếc xe với đèn LED màu tím mộng mơ bên dưới và anh ấy đi vào quán bar. Nội dung bài hát là một câu chuyện trên radio, James yêu cầu gặp một người phụ nữ với những tiêu chuẩn của mình (giống giống "Tìm bạn bốn phương" ấy), rồi sau đó anh mong muốn được cô gái dành tình cảm cho mình nhiều hơn. 


Vài ngày trước khi "The Afterlove" được phát hành, James Blunt đã up một đoạn video gồm hai phần (xem phần 1 tại đây, phần 2 tại đây) để tóm tắt quá trình ghi âm, những suy nghĩ của anh về album lần này. James cho biết:

"Cảm xúc của tôi có thể tích cực hoặc tiêu cực, nhưng điều đó hiện diện trong tất cả các ca khúc của album. Bạn thưởng thức album này như thế nào, là ở chính bạn. Và chắc chắc rằng, cách cảm nhận album này của mỗi người là hoàn toàn khác nhau ".

James đã nói trong đoạn video thứ hai, những bài hát trong album này có sự góp sức của Ed Sheeran. Ed nói với James rằng anh ấy nên trở lại với âm nhạc, với những người hâm mộ anh và kể cho họ nghe những gì thực sự đang xảy ra trong cuộc sống qua những ca khúc mới này. Nhưng James có lẽ đã không còn nhiều điều để kể, từ album "All the Lost Souls". Trong album đó, anh đã có nhưng câu chuyện rất rõ ràng trong từng ca khúc để truyền đạt cho người nghe. Là "Carry You Home" với quãng thời gian James phục vụ trong quân đội (hoặc hiểu theo một nghĩa khác là cảm nhận của những người đã mất đi người thân trong vụ khủng bố 11.09). Là "One Of The Brightest Stars" kể về quãng thời gian James làm việc chăm chỉ nhằm đạt được danh vọng để rồi tỉnh dậy và nhận ra đó chỉ là một giấc mơ. Bây giờ tất cả James nói về "The Afterlove" là một bài hát về việc lãng quên tình yêu và một bài hát mang tính chính trị mà thôi. Mình đã rất hi vọng là album này sẽ không tệ, vì có sự chấp bút của Ryan Tedder và Ed Sheeran. Tuy nhiên, sau khi nghe xong thì mình hiểu rằng, dù Ed Sheeran và Ryan Tedder có cùng nhau hợp tác sản xuất, thì nó cũng sẽ mang hơi hướng album mới nhất ("Divide") của Ed mà thôi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, 10 bài hát chính thức (bản Deluxe sẽ có thêm 3 bài), được sản xuất trong 2 năm qua, đó là thành quả không hề tồi

Nhìn chung, các ca khúc trong "The Afterlove" có chung cách dẫn dắt câu chuyện như trên "Back to Bedlam". Một số ca khúc nằm ở phần đầu album, chúng ta sẽ nghe loáng thoáng đâu đó trong đầu giai điệu của "High", của "You're Beautiful". Sau đó, ở phần cuối, sẽ có một chút ballad piano của "Goodbye My Lover", của "No Bravery".

Khi nghe nhiều, mình cảm nhận là các ca khúc còn lại chỉ là biến thể đôi chút phần giai điệu của "Love Me Better". Mở đầu thường là khá nhiều giai điệu guitar, rồi bắt đầu với vocal của James. Tất cả các ca khúc dường như chịu ảnh hưởng của nhóm Breaking Benjamin: phần điệp khúc (chorus) có tone cao, đến nỗi người nghe có cảm giác là cao quá đến nỗi dư thừa. Và James thì có vẻ lúng túng trong việc kết hợp giữa chất rock của BB với xu hướng nhạc điện tử hiện nay.

Hai đĩa đơn sau, "Bartender" và "Make Me Better" (thề luôn là mình chẳng hiểu tâm sinh lí của James như nào mà đặt tên 2 ca khúc na ná nhau thế) ngoài phần giai điệu có phần bắt tai, catchy ổn thì không có bất kì điểm tích cực nào (thậm chí còn có phần tẻ nhạt hơn "Love Me Better"). "Paradise" thì có vẻ hơi giống với "DJ Got Us Falling In Love Again" của Usher nhiều năm trước. Có lẽ bài hát đáng nghe nhất trong album là "California". Vì nó rất phù hợp với mô tả của James, rằng ca khúc đó giống như một bài hát bộ phim "Drive" của Ryan Gosling, với phần điệp khúc rộn rã chiếm hơn 2/3 bài hát (tương tự như You're Beautiful).

Sau khi nghe album, người hâm mộ James Blunt (trong đó có mình) sẽ phải chấp nhận sự thật rằng sẽ không có một "All the Lost Souls", một "Back to Bedlam" hay một điều gì khác tương tự như thế nữa.

ps: Mình vốn không định viết review về album này (cái mình muốn viết là về Sia), nhưng tình cờ là đang lướt instagram thì thấy Toni Kroos post 1 bức ảnh về việc ảnh nghe album này của James Blunt. Từ đó mình có ý tưởng và thế là bài review này ra đời.