“Namikishi Yunsuke một mình lái chiếc xe Cima bon bon len lỏi trên con đường dài tít tắp dẫn tới Khu biệt thự hồ Himegami. Anh tới nhập hội với nhóm các ông bố bà mẹ tổ chức một trại ôn luyện cho bốn đứa trẻ chuẩn bị kỳ thi quan trọng vào trường trung học nổi tiếng. Khu biệt thự nằm giữa một rừng cây rậm rạp xanh rì, những tưởng là một nơi nghỉ dưỡng yên tĩnh và lý tưởng. Vậy mà máu đã đổ, một cái chết bất ngờ ập đến, một vụ giết người khó hiểu… Bốn cặp vợ chồng đang ấp ủ những mưu tính quái đản. Làm thế nào để kẻ sát nhân lộ diện? Mặt hồ Himegami phẳng lặng phản chiếu bầu trời xanh kia, có ngày lại gợn sóng…”
Giống như những tác phẩm trinh thám trước đây của Higashino Keigo, yếu tố trinh thám vẫn luôn là cái nền móng vững chắc để ông xây dựng vào đó những khía cạnh về xã hội và tâm lý của con người. Với “Vụ án mạng bên hồ”, đi cùng khả năng kể chuyện tài ba và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tài tình là khả năng tháo gỡ nút thắt trong một câu chuyện với những tình huống đầy nghiệt ngã khiến bất kỳ độc giả nào cũng phải ngả mũ thán phục về cách dẫn dắt người đọc của Higashino Keigo.

Sự sắp đặt vấn đề tài tình chỉ trong bốn chương sách

“Vụ án mạng bên hồ” của Higashino Keigo có nội dung xoay quanh bốn gia đình tổ chức một trại ôn luyện cho bốn đứa trẻ chuẩn bị kỳ thi quan trọng vào trường trung học nổi tiếng ở một khu biệt thự lý tưởng cách xa thành phố. Vụ án không được kể dưới con mắt của người điều tra theo cách thông thường mà được Keigo đi ngay vào câu chuyện kẻ thú tội và cách bốn cặp vợ chồng cùng nhau che giấu tội ác này. Nghệ thuật kể chuyện từ đầu đến cuối cuốn sách là những nút thắt buộc chặt rồi được gỡ và qua vô số những sự bất thường của những nhân vật trong truyện, người đọc cảm giác như mình đang thực sự bị cuốn vào một trò chơi tâm lý gay cấn. Tưởng chừng là cái kết của “Vụ án mạng bên hồ” khi kẻ giết người đứng ra nhận tội lại mở ra một câu chuyện khắc nghiệt hơn nhiều chờ đợi ở phía sau.
Điểm sáng trong “Vụ án mạng bên hồ” chính là cái cách mà Higashino Keigo lựa chọn và sắp đặt vấn đề đầy sáng tạo, có tính gợi mở rất cao. Hai yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công cho cuốn tiểu thuyết này của Keigo, đó là: Giới thiệu nhóm các ông bố bà mẹ có cùng ước mơ cho con vào học trường chuyên lớp chọn để con cái sau này đều có một tương lai xán lạn và sự kết nối thầm kín giữa họ – Chính hai yếu tố này là động cơ và là sự lý giải phù hợp cho sự phát triển hành động, suy nghĩ của nhân vật Namikishi Yunsuke xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Sự tài tình của Keigo không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một vụ án hay tình tiết ly kỳ, mà còn là sự giằng xé tâm can độc giả. Họ sẽ không tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi chính Keigo đã đặt ra, cũng không tìm thấy sự phán xét cá nhân cách xử lý vấn đề của nhân vật là đúng hay sai từ Keigo. Thứ đọng lại trong lòng độc giả khi gấp lại cuốn sách là sự thấu hiểu mọi đắng cay ngọt bùi mà các nhân vật đã phải trải qua. Tất cả đều được Keigo sắp xếp tài tình, tròn trịa chỉ với bốn chương sách và chắc chắn ông đã giữ chân được độc giả của mình ở lại để đồng hành cùng “Vụ án mạng bên hồ” cho đến những trang cuối cùng.

Một cuốn sách đậm tính thời sự

Tính thời sự trong tác phẩm đáng bàn nhất có lẽ là việc các bậc phụ huynh sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ để con mình có thể đỗ vào trường chuyên lớp chọn.  Higashino Keigo một lần nữa khẳng định tài năng đầy sáng tạo với những cốt truyện mới lạ, táo bạo khi lựa chọn một vấn đề tưởng chừng như quá thân thuộc với độc giả và khó để có thể khai thác thêm. Trong “Vụ án mạng bên hồ”, Keigo khai thác triệt để ranh giới khó phân biệt giữa tình thương và sự áp đặt. Bậc làm cha làm mẹ nào cũng hy vọng một tương lai tươi sáng, một cuộc sống ổn định cho con cái mình sau này. Ấp ủ mong muốn này, ở Nhật Bản nói riêng hay các nước phương Đông nói chung ngay từ nhỏ các bậc cha mẹ đều hướng con mình học trường chuyên lớp chọn với những cuộc đua khốc liệt và căng thẳng như “chọi gà’’. Cuối cùng, trên tất cả, phần thưởng cao nhất được vẽ ra trong thời niên thiếu: đỗ vào trường trung học nổi tiếng. Cuộc đua vào trường trung học phổ thông không phải là xem học sinh nào giỏi hơn, mà là so ví tiền của cha mẹ nào dày hơn, sự bất chấp vượt qua mọi rào cản của ai lớn hơn để con có điều kiện đi học chỗ tốt hơn.
Ta tự hỏi bọn trẻ làm sao khác đi được, khi chúng đã được dưỡng dục cẩn thận như thế, được tuyển lựa khắt khe qua vòng này vòng kia và được gọt giũa kỹ lưỡng về mặt tư duy? Bọn trẻ sẽ làm bất cứ việc gì người khác yêu cầu, đạp đổ mọi chướng ngại vật để đạt được điều mà chúng tin là đúng. Qua đó, tác phẩm đã thể hiện một góc nhìn về những lý lẽ của các bậc phụ huynh để bắt con cái sống theo kỳ vọng ích kỷ của bản thân đã vô tình khiến những đứa trẻ bị huỷ hoại ngay từ khi còn nhỏ và có lẽ sẽ khó có khả năng nhận ra mình sai khi mắc lỗi.

Kết:

“Vụ án mạng bên hồ” của Higashino Keigo là một câu chuyện thiên về tâm lý và khiến độc giả phải theo dõi những biến hoá trong từng câu thoại của mỗi nhân vật. Hãy đến với tác phẩm để bạn có thể tự cảm nhận mọi xúc cảm của bản thân khi hòa mình vào câu chuyện của các nhân vật. Để tự vấn chính mình đâu là ranh giới của sự yêu thương bao bọc? Khi ta làm cha làm mẹ sẽ yêu thương con mình như thế nào cho “đúng cách”?