Lưu ý: Để có thể viết tốt nhất, trong bài sẽ có spoiler toàn bộ nội dung của Gaiden nên nếu như bạn chưa xem và ngại spoiler, bạn có thể bỏ qua chùm review của mình.

Chút trải lòng:

Mình là một đứa cực kì lười, lại cũng rất cầu toàn. Mỗi lần muốn viết lại vấp phải vô số ý nghĩ thoái lui, phần vì e sợ câu chữ không đủ diễn tả bao tâm tình, ngôn từ non nớt thiếu mạch lạc trước sau, phần vì ngại viết dài quá lại thành viết dai, nói dại, và... mỏi tay. Thế nên, rất nhiều ý tưởng viết đành xếp lại, nằm phủ bụi trong xó.
Lần này, thôi thì cứ xem như là mua vui được vài trống canh vậy. Không có lề lối, không cầu sự toàn vẹn. Bài viết này chỉ thuần nỗi lòng của một fangirl trước bộ phim mình yêu quý, cũng như một bài tổng kết về cảm xúc của mình từ ngày KyoAni bị phóng hỏa cho đến khi xem xong Gaiden lần 2. Nếu bạn cảm thấy dài quá, thì mình xin lỗi nhiều lắm…

Tháng ngày chập chờn giữa đau buồn và hi vọng:

18/7/2019
Studio 1 của Kyoto Animation sau vụ phóng hỏa (ảnh: Wikipedia)
KyoAni bị phóng hỏa. Mình như một con ngốc, cứ cách dăm ba phút lại mở Twitter, Reddit, Facebook tìm kiếm mọi thứ về tình hình KyoAni. Số lượng người chết tăng lên, thiệt hại cơ sở vật chất, sự lo lắng của cộng đồng anime-manga toàn thế giới… cứ dồn dập lướt qua mắt mình. Từ lúc nào không hay, có lẽ là từ lúc đọc được bài viết của admin Sangeld của VNSharing (thần tượng của lòng mình), mình bắt đầu đưa tin về KyoAni, rồi theo đó là mối quan tâm lớn nhất của mình khi nhắc đến KyoAni là Violet Evergarden Project với niềm tin rằng KyoAni sẽ trở về với những đứa con tinh thần của mình.
27/7/2019

Ngày tung ra tấm poster chính thức của Gaiden, mình mừng muốn khóc. Dù ngoài miệng cứ lẩm bẩm KyoAni đâu cần phải cố gắng quá sức như vậy, chỉ cần tập trung khắc phục hậu quả và từ từ quay về thôi, nhưng là một fan hâm mộ, tận sâu đáy lòng mình cũng mong sớm được thấy lại gương mặt quen thuộc của Violet lắm chứ. Lúc ấy, mình đặt trọn niềm tin của mình vào KyoAni, tin tưởng rằng dù KyoAni quyết định ra sao, chắc chắn tình cảm và sự ủng hộ, chờ đợi của cộng đồng fan hâm mộ Violet Evergarden nói riêng và KyoAni nói chung sẽ được đền đáp một cách xứng đáng nhất.
Tháng 9/2019
Những bài PR của Gaiden bắt đầu được đăng trên Twitter chính thức của VE Project, mình đều đặn cập nhật tin tức và ước ao rằng một ngày nào đó Gaiden sẽ về Việt Nam, dẫu rằng trước đó nghe đồn KyoAni sẽ không phát hành Gaiden tại nước ngoài. Nhưng không dám ước ao quá nhiều, bởi hi vọng càng lớn, nỗi thất vọng biết đâu càng cao hơn…
Hồi tưởng một chút: Theo kế hoạch trước đó, KyoAni chỉ dự tính công chiếu Gaiden trong vòng 2 tuần. Nhưng đến ngày 27/7, poster chính thức cho biết thời gian chiếu là 3 tuần (6/9 – 26/9). Mặc dù đây là lịch chiếu của Nhật, nhưng chỉ cần được thấy Gaiden được công chiếu dài hơn, mình cũng cảm thấy vui lây. Rồi cả doanh thu, cả những thông báo sau đó…
18/10/2019 – PV của Gaiden được đăng trên fanpage của CGV
Lúc biết tin Gaiden sẽ được CGV công chiếu tại Việt Nam, mình cứ ngỡ như đang mơ. Vì theo dự tính của mình, sớm nhất cũng phải chừng tháng 1 năm sau Gaiden mới về. KyoAni đang bắt đầu quá trình tái thiết từ sau vụ phóng hỏa, Gaiden vẫn còn đương chiếu tại các rạp ở Nhật. Hôm đó, vừa nhắn tin cho người bạn thân mà tay mình run bần bật, giọng như khản đặc lại vì gào thét quá nhiều. Vâng, cứ nhắc đến Violet thì mình chẳng khác gì con ngốc. Mình quyết định mặt dày viết một bài giới thiệu về VE, rồi “dụ” bạn bè cùng xem (và cuối cùng chỉ có hai người hưởng ứng, hic…). Thì có sao, mình đã quyết định từ trước là chỉ cần VE về Việt Nam, dù thế nào mình cũng phải xem ít nhất hai suất…

Những chờ mong:

Tự nhận bản thân là một fan cuồng của Violet Evergarden, mình không thể nào kiềm chế được cảm giác háo hức, chờ mong một “Gaiden” tuyệt vời nhất. Sự chờ đợi của mình, đến từ đâu nhỉ?
Về nội dung, đã từ rất lâu rồi, kể từ ngày theo dõi TV series, mình đã bỏ qua yêu cầu một nội dung thật sự chặt chẽ và logic đầy lý trí đến tuyệt đối. Ừ thì nội dung mạch lạc có sức nặng rất lớn đến sự thành công của một tác phẩm, nhưng nếu chỉ chăm chăm vào cốt truyện, thì có lẽ chỉ cần chịu khó ngồi đợi review có đầy đủ spoiler là đủ để hiểu nội dung rồi. Hơn thế, Gaiden chính là phiên bản chuyển thể cùng tên của chương 2 của cuốn Violet Evergarden Gaiden (Ngoại truyện), đương nhiên mình đã biết trước nội dung và hiểu được những gì sẽ diễn ra trong mạch truyện.

Điều mình chờ đợi ở Gaiden là khả năng chuyển những xúc cảm của đôc giả được khơi gợi tinh tế từ nguyên tác lên màn ảnh bằng phong cách hoạt họa đặc trưng của KyoAni. Đó là những tạo hình nhân vật đẹp đến mức được mệnh danh là “waifu”, “husbando quốc dân” (à vâng, có thiết kế nhân vật từ trước rồi, và dưới bàn tay của Takase Akiko-san, ai cũng đẹp mê hồn là điều khó lòng tranh cãi). Đó là chuyển động tinh tế, mượt mà. Đó là những đôi mắt long lanh biết nói, những đôi chân tự nói lên suy nghĩ, những “góc quay” mang đậm dấu ấn nghệ thuật nhiếp ảnh, những bông hoa – ngôn ngữ của những loài hoa đầy quen thuộc.  Đó là những bản nhạc đầy quen thuộc của chàng nhạc sĩ Evan Call đã đi cùng khán giả suốt 14 tập phim TV series, rồi còn những bản nhạc mới dành riêng cho Gaiden, bản ED với chất giọng khàn quyến rũ của Minorin đầy thổn thức. Không chỉ vậy, bản thân Violet Evergarden nói riêng, các tác phẩm chuyển thể của KyoAni nói chung (và xa hơn nữa là những tác phẩm anime-manga khác, hoặc bao hàm tất cả những tác phẩm nghệ thuật trên đời) còn là sự trao đổi tư tưởng, cảm thụ, góc nhìn từ những người sáng tạo/người chuyển thể đến khán giả. Liệu rằng Gaiden chỉ đơn thuần là chuyển thể, hay còn mang một nội dung gì mới là điều mà mình muốn biết.
Để rồi, sau hơn 90 phút, những gì đọng lại trong tâm trí mình khi ấy là một sự hài lòng tột độ, rất khó diễn tả thành lời. Gaiden đã làm tốt những gì mình mong đợi, và còn hơn thế nữa.

Phần một: Isabella York

Bản thân mình chỉ đinh ninh rằng KyoAni chỉ chuyển thể nguyên vẹn chương 2 của Gaiden, mà quên mất rằng KyoAni rất thích “phóng tác” thêm nội dung mới so với nguyên tác. Dù đôi khi khiến cho tác phẩm bị “mất đi” tính bất ngờ hay kéo dài mạch phim nhưng không thể không nói, điều đó giúp cho tác phẩm được liền mạch theo ý đồ của đạo diễn.
Nguyên tác mở đầu câu chuyện của Isabella bằng phân cảnh một ngày khi mối quan hệ của Violet và Isabella đã có sự tiến triển, và lúc này Isabella rất tin tưởng vào Violet. Nhưng giả sử như đưa nguyên xi tình tiết như vậỵ lên màn ảnh, chắc chắn phần đông khán giả - những người chưa đọc nguyên tác sẽ bối rối tột độ. Vai trò của KyoAni ở đây chính là xây dựng một bối cảnh hướng đến số đông ấy, một hành trình để cô gái Isabella nhút nhát, khó gần, ương bướng và đôi khi khá là thô lỗ dần chấp nhận và mở lòng với nhân vật chính của chúng ta.

Khoảng 15-20 phút đầu phim, nhịp điệu khá là chậm rãi nhưng qua đó, khán giả có thể hình dung sơ bộ về đặc điểm, tính cách của nhân vật cũng như đặt ra những câu hỏi về thân thế đằng sau. Và cũng phải nói thêm, thông qua phân cảnh giới thiệu của Isabella và Violet cũng như để cho Isabella nổi giận, gạt tay trúng cánh tay máy của cô gái trước mặt mình, KyoAni cũng đã giúp những khán giả chưa từng biết về Violet Evergarden có thể hình dung sơ lược về công việc cũng như cánh tay máy của Violet – thứ khiến em luôn bị nhầm là một robot, dù em là một con người bằng xương bằng thịt như bao người khác.
Ngoài ra, có phải quãng đường đến lớp cũng là một cách hay để xây dựng nhân vật chăng? Một Isabella cúi gằm đầu, mặt cau có, thu mình lại và đi gấp gáp, vội vàng; một Violet lịch thiệp, quý phái, khoan thai và tự tin đến lớp. Cả hai đều thu hút bao ánh nhìn của các bạn học cũng như sự chú tâm của độc giả với hai cảm xúc trái ngược. Phải, Isabella và Violet, ngay từ lúc xuất hiện đã như hai thái cực vậy, cũng như đặt ra một dấu hỏi lớn trước mọi người: làm cách nào để Violet hoàn thành nhiệm vụ khi “chủ nhân” luôn tỏ thái độ chống đối em đây?
Những phân cảnh tiếp sau cho khán giả biết thêm về ngôi trường nội trú nữ sinh nơi Isabella đang học, rồi Violet của chúng ta toàn tài thế này, lịch thiệp thế kia đã khiến trái tim bao thiếu nữ “rung rinh” mất rồi. Âu cũng không quá khi cô gái mà chúng ta yêu mến được mọi người gọi bằng một biệt danh rất dễ thương là Công chúa Hiệp sĩ (Kishi Hime-sama/Lady Knight Princess) đâu! Ừm, mình sẽ không thấy lạ cho lắm khi nghe nói hầu hết các cô gái ở trường nội trú đều thầm thương trộm nhớ Violet đâu nhé, đến cả trái tim khán giả ở dưới cũng “rung rinh theo” luôn kìa. À ừm, quay lại vấn đề, mình lái hơi xa mất rồi ^_^

Nút thắt đầu tiên làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ xa cách của hai người là lúc Isabella đột nhiên lên cơn hen khó thở trong đêm. Đầu tiên, giấc mơ của Isabella khiến khán giả bắt đầu ý thức rằng đằng sau một Isabella khó gần và cộc cằn kia hẳn phải có quá khứ ra sao khiến cô gái ăn mặc thô sơ trong giấc mơ đang cười đùa vui vẻ với cô bé tên Taylor kia lại trở thành Isabella hiện tại. Tiếp theo đó, Violet trông nom cho Isabella suốt cả đêm khiến nhận thức của cô ấy về Violet biến chuyển, chấp nhận cô gái được cử đến làm gia sư cho mình. Hơi ngoài lề một chút, đây là lần đầu tiên mình thấy Violet “ngáp” trong toàn series nhé, đáng yêu quá đi ^_^

Phải nói là kể từ lúc Isabella chấp nhận Violet, “tương tác” của hai người càng lúc càng gần gũi, khán giả cũng được thấy rất nhiều mặt đáng yêu của Violet như cố gắng “học tập” thế nào là mối quan hệ bạn bè, những cảnh tắm chung, ngủ chung, thức đêm kể chuyện cho nhau,… Nội dung chỉ có chừng đó thôi, còn nghệ thuật thì… ôi thôi, bao nhiêu chàng trai cô gái ở đây đã muốn mất máu vì cảnh hai cô gái của chúng ta tắm chung rồi?
Nhưng dù đã mở lòng ra hơn với Violet, trong lòng Isabella vẫn còn đó một nỗi sợ thầm kín. Trên con đường chạy đến lớp, Isabella muốn Violet cùng trốn học với mình, nhưng nhận lại là sự từ chối nhã nhặn. Ý muốn trốn học ấy, cùng những biểu hiện chống đối của Isabella ở trường từ đầu đến giờ chứng tỏ cô khao khát được thoát khỏi ngôi trường nội trú này, thoát khỏi thân phận “con gái của gia tộc York”. Để rồi sự bất lực, tự ti do quá khứ thấp hèn, sự bất mãn với gia tộc, khát khao tự do, tất cả cảm xúc luôn được giữ kín trong lòng Isabella giờ đây như núi lửa tuôn trào trước Violet. KyoAni đã thể hiện cực kì xuất sắc phân cảnh này khi đã để cho toàn bộ khung hình giống như hai mặt gương phản chiếu song song. Gương là một biểu tượng ẩn dụ cho sự phản chiếu, soi xét lại chính mình. Ngay từ đầu, Isabella cứ như một phiên bản trái ngược của Violet, và cô cũng tự nhận mình như vậy. Chiếc ghim cài trước ngực áo của hai người: của Violet màu xanh lục bảo, của Isabella là màu đỏ. Như mình có trao đổi với một người bạn, xanh và đỏ là hai màu có tính đối lập nhau, cũng như Violet và Isabella cũng đối lập nhau như vật và ảnh qua gương giống như phân cảnh này. Nhưng khi đến đây, bản thân mình lại có một góc nhìn khác, do cả Violet và Isabella đều ở chung một mặt phẳng trước gương (cùng ở chung nửa màn hình bên phải), để hình ảnh của cả hai phản chiếu bên kia, nên có thể hiểu như Violet không phải là sự đối lập của Isabella nữa mà đứng về phía “tiểu thư” của mình, cùng thấu hiểu, cảm thông với Isabella. Lúc này, dẫu chưa hiểu hết về hoàn cảnh của Isabella, Violet đã có một bước tiến rất lớn để thấu hiểu “tiểu thư”, à không, người bạn “đầu tiên” của mình.

Cảnh dạ vũ mà mọi người mong chờ đã đến. Mình sẽ không đả động nhiều vào phần này vì… thú thật là nó quá lộng lẫy, tuyệt diệu đến mức ngôn từ của mình muốn bất lực do không thể nào diễn tả nổi cảm xúc của bản thân khi xem nữa. Nhưng có một cảnh khiến cả hai lần mình xem đều chú ý rất kỹ: Khi đang đắm chìm trong điệu nhảy, Isabella đưa mắt lên nhìn bức họa chú chim tung cánh trên trần phòng rồi nhắm mắt lại, tiếp tục khiêu vũ. Nên hiểu làm sao đây? Sự thật là từ đầu phim đến tận lúc này, ta đều thấy Isabella rất khao khát tự do, khao khát được thoát khỏi gia tộc York, luôn hồi tưởng về cô em gái tên Taylor của mình. Nhưng giờ đây, cô ấy đã chấp nhận hoàn cảnh của chính mình. Khát khao tự do giờ đây được Isabella chôn kín tận đáy lòng. Chỉ cần biết bé Taylor được sống hạnh phúc, khỏe mạnh, với cô, đó cũng là niềm hạnh phúc rồi...

Kỳ 2:
Phần 2: Amy Bartlett

Nguồn ảnh: Kyoto Animation