Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.

--={[ REVIEW THE THINGS ]}=--

🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖 9.75/10

TL;DR

The Thing (1982) x Blindsight, viết bởi The Thing.

GIỚI THIỆU CHUNG

The Things là một mẩu truyện ngắn Sci Fi kinh dị do Peter Watts sáng tác năm 2010. Truyện là một bản biên lại bộ phim The Thing huyền thoại do John Carpenter đạo diễn hồi năm 1982 (chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn Who Goes There? của John W. Campbell), với toàn bộ những gì xảy ra trong phim được thuật lại thuần túy từ góc nhìn của sinh vật ngoài hành tinh đã khủng bố cái trại trong phim/truyện gốc. Dù ngày nay ít ai nhớ đến, hồi mới ra mắt, truyện đã thu hút được rất nhiều lời khen ngợi từ cả giới phê bình lẫn độc giả phổ thông, đặc biệt trong cộng đồng fan của The Thing. Nó đã được đề cử và lãnh nhận một loạt giải thưởng SFF danh giá, bao gồm Hugo, BSFA, Shirley Jackson, Locus, và Theodore Sturgeon.
The Things gốc được xuất bản trên Clarkesworld, một tạp chí online chuyên đăng truyện SFF miễn phí. Mọi người có thể đọc đầy đủ tác phẩm ở đây:

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Trước khi vào review, mình xin được thú nhận một điều thế này: cái điểm 9.75 mình chấm cho truyện này là chấm láo. Như cảm nhận cá nhân, The Things kỳ thực không hề xứng đáng với một con số như vậy chút nào.
Nó đáng lẽ phải tròn 10 cơ <(“).
Nhưng khốn nạn một điều là bất chấp có mê cái truyện này đến đâu, mình cũng không thể ngó lơ một yếu tố mà bản thân hoàn toàn không thấy to tát chút nào, bởi vì nó vẫn có tiềm năng khiến cái quyển này mất điểm nếu đưa cho người khác đọc. Yếu tố đấy nằm ở bản chất của cái tác phẩm này.
Cụ thể hơn, sở dĩ The Things thọt mất 0.25 điểm vì nó là fan fic của The Thing.
Nào, anh em cứ bình tĩnh, đừng cầm gạch lên vội. Mình không có ý muốn ám chỉ fan fic là kiểu văn thứ cấp, và The Things bị trừ điểm chỉ thuần túy vì nó mang trên người cái mác đấy đâu. Điều mình muốn nói ở đây là The Things cực khó thưởng thức dưới dạng một tác phẩm độc lập. Mọi nhân vật với mạch cốt trong đấy đều có một mối liên hệ hết sức mật thiết với cái phim The Thing của đồng chí Jôn Thợ Mộc, và hệ quả là nếu chưa xem cái phim đấy bao giờ, trải nghiệm của mọi người với The Things sẽ sứt mẻ đi tí chút. Bản thân mình đã xem The Thing rồi mà lúc đọc truyện này cũng phải tạm ngưng sau mấy đoạn đầu, lật đật mở thêm tab Wikipedia để ôn lại tên nhân vật với tuyến thời gian, xong mới dám quay vào đọc tiếp cơ mà.
Tuy nhiên, như cái điểm số đã chứng minh, cái bản chất fan fic này của The Things chỉ là một điểm trừ siêu nhỏ. Dẫu đúng là nếu đọc, ta sẽ có thể thấy rất rõ là tác giả Peter Watts có trông đợi người đọc biết về The Thing, nhưng ông anh không hề ỷ lại một tí nào. Thanh niên vẫn dần dà nhả ra từng tí thông tin một, và mình tin là ngay cả nếu mù hoàn toàn về The Thing, mọi người rốt cuộc sẽ vẫn nắm bắt được cái cốt của truyện khá đầy đủ, và vẫn thấy đây là một câu chuyện hấp dẫn. Có khác chăng thì cũng chỉ là thấy nó hơi rối rắm và mập mờ bí hiểm thôi.
Mà xét cho cùng, đây là Peter Watts, tác giả của Blindsight và The Freeze-Frame Revolution, mập mờ nó là thương hiệu rồi <(“).
Đối với các anh em đã xem The Thing thì tất nhiên, The Things sẽ không thể chê vào đâu được. Như đã nói đấy, truyện thuật lại những diễn biến trong phim gốc, có điều thay đổi góc nhìn từ dàn nhân vật người sang cái con quái vật ngoài hành tinh mà thôi. Tuy thế, cái cách Peter Watts đưa đẩy câu chuyện lại mang đến một trải nghiệm độc đáo vô cùng. Mọi người sẽ được theo chân con quái trong hành trình nó bằng mọi giá che giấu hành tung, đồng thời cố gắng thu thập thông tin về những gì đang xảy ra quanh mình, và ráng sức diễn giải tại sao mọi thứ ở đây lại trái ngược hoàn toàn với những lôgic nó từng biết về thế giới đến thế. Mọi hành động, mọi tình tiết đều mang vẻ quen thuộc, song chúng nó xuất hiện dưới một cái lốt mới toanh, khiến đây lắm lúc cứ ngỡ là một tác phẩm riêng biệt vậy (ít nhất là cho đến khi cái tên nhân vật một lần nữa thò vào và gợi cho ta nhớ đây là cái gì <(“) ).
Đặc biệt nhất, mọi pha bẻ lái mọi người kỳ vọng sẽ đến ở phim cũng đều đến cả, nhưng rồi anh em sẽ sửng sốt hoàn toàn khi nhận thấy Watts tinh quái đến độ đã bẻ ngoặt nó theo một hướng ngược hẳn những gì có trong phim, mà thần kỳ làm sao vẫn khớp với cái phim như đúc. Sự bất ngờ của nó không chỉ đơn thuần giới hạn trong những kỳ vọng sẵn có của ta về mấy màn bẻ lái của phim gốc đâu, mà có một số chiêu đánh úp nó đưa ra là một cái plot twist chính hiệu, hàng thửa riêng mà bro Watts chém cho tác phẩm của mình. Phi thường một điều là ông anh thậm chí còn biến mấy cái màn “úp bô” độc giả bịa mới kia thành những cái nút bấc đầy nhiệm màu, trám kín luôn một số sơ hở trong phim gốc, và san lấp mấy đoạn hơi ngô nghê vì thiếu hiểu biết đối với công nghệ của phim thành một cung đường thẳng tưng luôn (đến đoạn thế giới sẽ bàn thêm sau).
Và đáng chú ý một điểm nữa là cái bầu không khí của tác phẩm cũng được làm rất tốt. Đừng nghĩ rằng bây giờ mọi người nhìn qua con mắt của con quái rồi thì không khí sẽ không còn đáng sợ nữa nhé. Watts vẫn duy trì được cái tinh thần của phim gốc, ấy là bóp nghẹt mọi thứ lại với một cảm giác hoang mang, hãi sợ, nơm nớp lo lắng. Kỳ quái làm sao, bất chấp đã nhập hồn vào thứ đúng lý phải là thú săn mồi thượng đẳng rồi, mọi người sẽ vẫn thấy đây là một câu chuyện sinh tồn kinh dị, thuật lại từ góc nhìn của một kẻ dưới cơ, đang hãi sợ đến quẫn trí vì bị bủa vây bởi những con quái thú khát máu.
Đã thế, cũng giống như phần bẻ lái bên trên, Watts còn làm mới mọi thứ bằng cách lồng thêm một tầng kinh dị đậm chất cá nhân vào: sự kinh dị khởi phát từ khủng hoảng hiện sinh. Ông anh lồng ghép cả một đống triết lý rất rùng rợn nhưng cũng đầy thú vị và sâu sắc về bản chất của sự tồn tại, xu hướng tiến hóa, sự quái dị của ý thức, nỗi khiếp sợ với những gì chưa biết, cái hậu họa kinh hoàng của thiện tâm vào trong này. Chúng nó thấm vào từng câu từng chữ của tác phẩm, khiến câu chuyện nặng đè hẳn lên tâm tư của mọi người, nhưng lại không hề ngồn ngộn và giáo điều đến mức làm ta cảm thấy phát ngán. Khá nhiều cái triết trong đó được tái chế từ Blindsight (anh em có thể tham khảo review về Blindsight ở đây nếu muốn biết thêm), nhưng một là nếu anh em chưa đọc Blindsight thì đều này hoàn toàn không hề ảnh hưởng, còn anh em nào đã đọc Blindsight thì sẽ thấy nó vẫn giữ được tính lôi cuốn chứ không gây cảm giác nhai lại tí nào cả.
Thật tình chứ, trông kiểu thanh niên lạng lách đánh võng được một cách điêu luyện đến vậy trong vòng có chưa đầy 7.000 chữ mà mình mấy lần phải tạm dừng để đưa tay lên bóp mắt, bởi vì nhãn cầu của mình nó lác đi xa quá rồi.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

The Things không một lần nào chạy ra ngoài khuôn khổ của The Thing. Nó chỉ quanh quẩn trên Trái Đất, trong hai cái trạm nghiên cứu ở Bắc Cực đấy thôi chứ chẳng tếch đi đâu chơi hết. Tuy nhiên, truyện vẫn xoay xở nâng cấp và mở mang được thế giới của tác phẩm lên một cái tầm mà nhiều cuốn tiểu thuyết nghiêm chỉnh làm không nổi.
Thứ đầu tiên phải nhắc đến là cái khoa học của nó. Peter Watts là một nhà sinh vật học rất có kinh nghiệm, và lúc nhảy sang văn học thì cũng chuyên viết các tác phẩm Hard Sci Fi, thế nên lẽ đương nhiên là riêng về khoản này, The Things được làm chặt chẽ kinh khủng. Peter Watts đã cập nhật gần như từ đầu đến cuối cái con quái vật của phim, nghĩ ra những lý giải rất hấp dẫn cho các cơ chế sinh học của nó, giải thích làm thế nào các tế bào lẻ của nó lại hoạt động được như vậy, nguyên cớ đằng sau cách nó tiến hóa lên như thế, đồng thời điểm luôn cả đến cách ý thức của nó được hình thành, cách nó nhân bản và thu lượm thông tin từ vật chủ. Thậm chí, thanh niên còn đá luôn qua cả bàn về cơ chế sinh học của con người và chỉ trích những hạn chế của nó. Tất cả đều rất lôgic, quy củ, không bẻ vào đâu được. Dẫu ở đây, Watts một lần nữa bộc lộ tình yêu môi trường của bản thân, vì ông anh về cơ bản tái chế hết phần khoa học về lũ người ngoài hành tinh trong Blindsight để cho vào đây. Nhưng cũng như với cái phần triết ở cốt, nó không gây ảnh hưởng tiêu cực gì đến trải nghiệm cả, bất kể mọi người đã đọc Blindsight hay chưa.
Cái tiếp theo là quy mô cái thế giới mẩu truyện. Như đã nói, truyện chẳng chọn bối cảnh nền cao siêu nào hết, gói gọn mọi thứ trong ranh giới Trái Đất thôi. Tuy nhiên, Peter Watts vẫn xoay xở khắc họa được nguyên một thế giới rộng lớn. Ông anh lẳng lặng xây ra nguyên một vũ trụ bao la, với những quy luật của khác lạ những rất ăn khớp của mình. Cái vũ trụ mênh mông ngoài đấy không một lần thò mặt vào câu chuyện, nhưng thông qua những chiêm nghiệm hoặc thậm chí chỉ là cách dùng từ của con quái, ta vẫn có thể thấy sự hiện diện của nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, bao kín lấy Trái Đất, lù lù tồn tại như một bóng ma, nhưng lại là một bóng ma với một hình thể vật lý rất rõ ràng, rành rọt. Nó không có ở đây, nhưng vẫn cứ “ở đây,” làm ta nổi gai ốc với cái sự tồn tại xa lạ và không thể chối cãi của mình.
Ngay cả bản thân Trái Đất cũng như trở thành một thế giới mới hẳn. Thông qua góc nhìn của con quái, mọi quy luật đáng lẽ rất đỗi quen thuộc với ta lại hóa thành quái gở, dị hợm. Watts lựa câu lựa từ cực kỳ khéo khiến anh em không khỏi bị cuốn theo cái mạch của con quái, nhập tâm vào nó đến mức còn nghi ngờ luôn chính quê hương mình. Với cái kiểu mô tả của nó, mọi người sẽ thực sự cảm thấy Trái Đất như một hành tinh lạ, và các định luật trên này đều là những nghịch lý, một sự móc mỉa đối với vạn vật. Nếu lúc này mà bị hỏi phải thế nào mới là “tự nhiên,” anh em chắc chắn sẽ phải thừ người ra một lúc, bởi vì mọi người biết quy chuẩn của Trái Đất chính là tự nhiên, nhưng với cách tả của Watts thì… nó có tự nhiên thật không nữa nhỉ?
Nói chung là cái thế giới của The Things cũng như bản thân cái độ dài của nó ấy: trông thì có vẻ bé con con thế thôi, nhưng đọc vào thì thấy mênh mang lắm.

NHÂN VẬT

The Things cũng có kha khá nhân vật đấy, nhưng phần lớn đều chỉ mang tính đạo cụ diễn. Ở đây chỉ có một nhân vật thực sự đáng gọi là “nhân vật” mà thôi, ấy là con quái.
Con quái được Peter Watts xây dựng lên theo một kiểu hấp dẫn ngoài sức tưởng tượng. Mọi thứ về nó đều được mở rộng thêm ra, và điều này không chỉ giới hạn trong cái cơ chế sinh học của nó như đã nói đâu. Ta được biết câu chuyện về nguyên do nó đến Trái Đất, về mọi chuyển biến tình cảm cũng như xung đột tinh thần của nó cả trước lẫn trong giai đoạn những sự kiện trong phim xảy ra. Trò tạo nhân tính cho phản diện thế này rất dễ trở thành một con dao hai lưỡi, bởi vì nếu làm không ổn thì nó sẽ trở nên rập khuôn hay thậm chí còn là rẻ tiền. Tuy nhiên, một lần nữa phải khen ngợi ngòi bút của Watts, bởi vì mình chẳng thấy có cái gì cliché hay rẻ rúng ở đây hết. Thanh niên đã làm được một điều không tưởng, ấy là thực sự khiến con quái trông như một con người (hay ít nhất là một thực thể) rất có chiều sâu, không dùng đến Misery Porn (anh em nào chưa biết về nó thì đọc ở đây) mà vẫn gài cho người đọc không khỏi mủi lòng và đồng cảm với con quái, lo sợ cho tính mạng của nó, và hiểu được tại sao nó lại làm những gì nó làm.
Nhưng nếu chỉ dừng ở đấy thôi thì The Things đã chẳng đạt điểm cao đến thế. Quan trọng nhất, dù không thiếu nét đáng thương và sự sâu sắc như một con người chính hiệu, Peter Watts vẫn không hề để cho độc giả quên đi một thực tại: đây là một sinh vật ngoài hành tinh, một con quái vật theo như tiêu chuẩn của loài người. Cái kiểu tư duy và nhìn đời của nó vẫn cực kỳ quái chiêu, khác thường, và sẽ không thiếu đoạn anh em nhảy thẳng từ đau lòng vì nó sang đến run cầm cập trước nó, bởi vì nó dị quá, nó vô cùng quá, nó ngoài tầm lãnh hội quá. Đây có thể là một kẻ bị hiểu lầm, bị săn đuổi, một kẻ rất tội nghiệp, nhưng nó không phải là một con mèo hoang bơ vơ. Đây là một nỗi kinh hoàng bước ra từ cơn ác mộng tởm lợm nhất của Lovecraft, một thực thể không chia sẻ thứ gì chung chạ với loài người, một hiểm họa bước đến từ một miền đối nghịch hoàn toàn với thế giới của nhân loại. Điều này thể hiện mạnh mẽ nhất ở cái kết đầy sốc óc của câu chuyện, nhưng nó cũng đồng thời xuất hiện trong khắp dọc câu chuyện với một cường độ nhẹ hơn nữa.
Nếu đọc hai phần mô tả trên, anh em hẳn sẽ thấy chúng nó chọi nhau chan chát. Nhưng nhờ một phép màu nào đó, Watts đã có thể xoay xở chập chung được bản chất quái thai của con này vào với sự thảm thương của nó. Đừng hỏi ông anh làm được như thế kiểu gì, bởi vì mình sẽ chẳng biết phải trả lời ra sao đâu. Tất cả những gì mình biết là kỳ tích đấy đã được thực hiện, và nó đã biến một trong những hình tượng quái vật một chiều nhất trong lịch sử Sci Fi thành một nhân vật hay ho khó ai bì nổi.

TỔNG KẾT

The Things là một mẩu truyện ngắn xuất sắc tột bậc. Nếu đã xem The Thing, nó sẽ giúp mọi người càng thêm ấn tượng với tác phẩm hơn. Nếu chưa xem The Thing, đây sẽ vẫn là một tác phẩm Sci Fi rất lôi cuốn, dù cho có thể sẽ hơi khó hiểu. Mình chân thành khuyên anh em hãy dành ra một bữa xem/xem lại The Thing, sau đó đọc sang The Things nhé. Cảm giác sẽ phê lắm đấy.
Xem bài viết gốc tại: