Đây có lẽ là phim lạ với nhiều người. Văn hóa Mỹ nói chung và phim ảnh Hollywood nói riêng đã đi sâu vào đời sống của chúng ta đến mức dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài điện ảnh Mỹ, không còn gương mặt nào khác ngoài Brad Pitt, Leo DiCaprio, v.v.. Mình muốn mở rộng vùng tìm hiểu đến những vấn đề chân thực nhất của cuộc sống, tại những vùng đất ưa thích nhưng chưa có cơ hội đặt chân đến. Bởi vậy, điện ảnh Anh và đạo diễn Ken Loach là lựa chọn của mình. Trong sự nghiệp đồ sộ kéo dài hơn nửa thập kỷ, The Navigators (2001), có thể gọi là một trong những tác phẩm đặc tả phong cách làm phim nhất của Ken Loach.
 


Đầu tiên có lẽ mình cần nói sơ qua về đạo diễn Ken Loach. Ông là một nhà làm phim kỳ cựu người Anh, năm nay đã 80 tuổi. Điều khiến những bộ phim của ông khác biệt chính là việc chúng đi sâu, mô tả trần trụi những vấn đề của xã hội dưới góc nhìn của một người theo chủ nghĩa xã hội (Ken Loach không giấu giếm xu hướng chính trị, điều cũng chẳng cần thiết ở xã hội chính trị Anh). Bạn có thể nhận ra điều này qua những tác phẩm nổi tiếng và được khen ngợi nhất của ông. The Wind That Shakes The Barley (2006), Cành Cọ Vàng tại Cannes 2006, là câu chuyện về những chiến sĩ của Quân đội Cộng hòa Ireland đấu tranh vì độc lập của Ireland trước sự thống trị của người Anh. Land and Freedom (1995) kể lại cuộc đời của một người công nhân Anh đã chiến đấu cho phe Cộng hòa chống phát-xít trong Nội chiến Tây Ban Nha 1936-39. The Navigators cũng không phải là ngoại lệ khi mô tả một vấn đề hiện đại hơn, kịp thời hơn: quyền của người lao động tại Anh.

Bối cảnh của câu chuyện là năm 1995 tại Sheffield, khi ngành đường sắt Anh vừa mới được tư nhân hóa. Những công nhân đường sắt vô cùng tự hào với công việc của mình sẽ phải đối phó với một loạt thử thách của kinh tế thị trường, của "thời đại của những thay đổi" (lời của vị giám đốc điều hành công ty tư nhân đường sắt xuất hiện trong phim).


Các thử thách được đặc tả chân thực và lớn dần theo độ dài của phim. Thử thách đầu tiên là thử thách về mặt nhận thức khi các công nhân phải làm quen với việc họ hiện đang là những người làm công cho các đối thủ cạnh tranh nhau quyết liệt chứ không còn là "đồng đội", cùng chung nhiệm vụ phát triển ngành đường sắt. Điều này được mô tả một cách hài hước ở ngay những phút đầu của phim bằng lối British humour đặc trưng và khả năng diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên. Các công nhân đã biến buổi họp thông báo việc tư nhân hóa công ty của họ thành trò đùa, cười nhạo việc ông sếp mời một công nhân ra khỏi phòng vì "anh ta giờ là người của đối thủ", chế giễu lời kêu gọi suy nghĩ về một slogan sáo rỗng mới cho công ty. Những ngày đầu của sự thay đổi, lại chứng kiến những điều nhỏ nhặt, kỳ quái xuất hiện xung quanh mình, một tràng cười sẽ chẳng hại ai.



Nhưng dần dần họ phải đối mặt với những sự kỳ quái lớn hơn và tác động mạnh mẽ đến đời sống của họ. Các công nhân từng được đảm bảo "một công việc trọn đời" nay phải ngơ ngác dấn thân vào nền kinh tế thị trường (sự "lạc lối" của tất cả công nhân khi xem video quảng cáo của công ty mình là chi tiết rất đắt mô tả điều này). Việc điều hành khó khăn ở công ty mới khiến lượng công việc ngày một ít ỏi, đồng lương đã thấp kém nhưng mọi chế độ an sinh như nghỉ làm, nghỉ ốm, bảo hiểm, v.v. đều bị cắt bỏ. Quan trọng hơn nữa là lòng tự hào của một người công nhân đường sắt bị dẫm đạp không thương tiếc trước những vũ bão của cạnh tranh, lợi nhuận. Một công nhân già đã vứt tấm chứng nhận 20 năm cống hiến cho ngành đường sắt vào sọt rác khi bị cho nghỉ việc. Một công nhân khác luôn là tiếng nói cho việc an toàn lao động thì phải chấp nhận việc làm cũng những người thợ xây không có một chút kinh nghiệm đường sắt.


Nhịp điệu phim dần được tăng lên đến thử thách cao trào ở gần cuối phim: thử thách về lương tri. [Spoilers Alert. Nếu bạn không muốn biết trước nội dung phim thì nên dừng lại]. Và thật trần trụi khi họ không vượt qua được thử thách này. Những người đồng đội rất mực yêu quý và tôn trọng nhau đã đi đến quyết định tàn bạo là di chuyển người bạn đang bị thương rất nặng của mình (điều vô cùng nguy hiểm trong sơ cứu người bệnh nếu như không có chuyên môn) chỉ bởi điều đó sẽ giúp họ giữ vững được chỉ tiêu an toàn lao động và duy trì công việc của mình. Cái chết của người bạn để lại một nốt trầm và sự ám ảnh cho người xem về những tác động khổng lồ, đặc biệt đối với tầng lớp lao động, của công cuộc tư nhân hóa ngành đường sắt.


Phần lớn phim không có gì kịch tính nhưng các bạn có thể xem một mạch mà không ngừng đến một giây. Đó là nhờ cái chất "thật" rất Ken Loach. Những diễn viên trong phim đều không mấy tên tuổi, ngay cả ở Anh, để giúp khán giả tập trung vào diễn xuất và mạch kể của câu chuyện hơn. Kịch bản rất bám sát đời sống thực tế, với những tính cách, những khó khăn, những lời đùa cợt không thể nhầm lẫn được của một người công nhân đường sắt. Đạo diễn Ken Loach còn kỳ công mời các công nhân thực thụ đến nhà để tư vấn kịch bản cho ông (những "người viết kịch bản không chuyên" này đều không xuất hiện ở bất cứ phần Credits nào vì họ đều phải xin nghỉ làm để "giấu giếm" đi gặp Ken Loach; việc xuất hiện trong phim có thể khiến họ bị sa thải, một chi tiết không thuộc bộ phim nhưng cũng rất mang tinh thần trần trụi của phim). Tất cả khiến chúng ta không hề có cảm giác đang được xem "diễn", xem một tác phẩm điện ảnh.



Đạo diễn Ken Loach (đứng chính giữa) trên trường quay The Navigators


Tất nhiên, The Navigators không thể hoàn hảo. Lỗi đáng chú ý nhất của phim là việc xây dựng hai tuyến nhân vật thiện - ác quá rõ rệt. Những công nhân mặc nhiên được chọn là người tốt, được trao thiện cảm ngay cả khi có những hành động đáng lên án ở cuối phim. Còn những ông giám đốc thì bị mô tả với ánh mắt sắc lạnh, lời nói cứng nhắc và những quyết định đặt-lợi-nhuận-trên-hết có phần bị làm quá. Phim cũng không trình diễn đột phá gì về mặt nghệ thuật mà chỉ giữ nhiệm vụ kể chuyện. Thêm vào đó, phim sử dụng phương ngữ miền Bắc nước Anh rất nặng nên sẽ rất khó nghe với khán giả và không có tác dụng gì nếu như các bạn muốn học tiếng Anh : ))