Chuyển thể từ phần 1 cuốn tiểu thuyết "Ranh giới" của tác giả Rain8x, bộ phim ra mắt năm 2019 đã nhận được khá nhiều lời khen của người hâm mộ và dưới đây là một số nhận xét của cá nhân tôi sau khi xem bộ phim này.
Lưu ý: sẽ có spoil (từ nhẹ đến nặng) ở phần dưới, nên khuyên các bạn xem phim trước khi trở lại đây.
Poster phim
Poster phim

Tổng quan

"Tháng 5 để dành" là bộ phim "thanh xuân vườn trường" của đạo diễn Lê Hà Nguyên. Bộ phim xoay quanh chuyện tình rất đỗi "teen" của hai cô cậu lớp 11: Hiếu (Xuân Hùng thủ vai) và Ngọc (Minh Trang thủ vai). Sơn (Đức Ngụy thủ vai) là bạn thân của Hiếu, đồng hành cùng Hiếu suốt những ngày đi học.
Hơn 1h bộ phim là hơn 1h đạo diễn vẽ nên một câu chuyện rất đỗi quen thuộc với mọi cô cậu học sinh. Một chuyện tình không mới, nhưng chưa bao cũ khi một nam sinh "crush" cô bạn cùng lớp xinh đẹp, học giỏi. Cả hai đã phải trải qua không ít khó khăn để gìn giữ tình cảm của mình.

Về nội dung

Phim mở đầu với một ngày đi học bình thường của Hiếu - một học sinh lớp 11 có phần trầm tính, nhút nhát với tài thơ văn. Hiếu có bạn thân là Sơn - cậu học trò nghịch ngợm, có chút bất cần và trái ngược hoàn toàn với Hiếu.
Học chung lớp với Hiếu và Sơn là Mai Ngọc - cô bạn học giỏi, xinh xắn và cũng như nhiều chàng trai khác trong trường, Hiếu đã crush Ngọc và luôn tìm cơ hội để thể hiện tình cảm. Tuy nhiên, có những biến cố xảy ra khiến Ngọc phải rời xa Hiếu.
Bộ phim mang đến một tình tiết mới lạ, nếu so với những tác phẩm chuyển thể khác như "Mắt biếc" thì hai nhân vật chính của "Tháng năm để dành" đã "mạnh bạo" hơn, dám bộc lộ tình cảm của mình.
Nhưng dám bộc lộ tình cảm không có nghĩa là sẽ có nhau cả đời. "Suy cho cùng, mình chỉ là hai đứa trẻ già trước tuổi, vẫn chưa thể nắm bắt vận mệnh của mình".
Nhìn chung, phim khai thác một câu chuyện cũ nhưng với tình tiết mới, chân thật và "đời" hơn. Mạch phim tương đối nhẹ nhàng, màu phim tươi sáng và có nhiều chi tiết đắt giá.
Câu chuyện trong phim không mới nhưng cũng không cũ
Câu chuyện trong phim không mới nhưng cũng không cũ
Tuy nhiên, phim lại chưa khai thác tốt diễn biến nhân vật. Những phân đoạn hai người gặp gỡ và nói chuyện với nhau vẫn có đôi chút gượng gạo.
Chưa kể, phim vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi cách kể của tác phẩm gốc, vẫn có nhiều cảnh đạo diễn "kể" thay vì "tả". Ngôn ngữ điện ảnh cần được thể hiện bằng hình ảnh nhiều hơn là lời văn.
Bộ phim cũng chưa hoàn toàn thoát ra khỏi nguyên tác khi hai nhân vật chính được xây dựng theo cách quá khuôn mẫu. Những tình tiết cho thấy sự phát triển trong tâm lý nhân vật lại được xây dựng theo cách...đơn điệu. Câu thoại, hành động, biểu cảm của cả ba nhân vật chính cũng chưa thật sự tốt.
Điểm sáng lớn trong việc xây dựng nhân vật của bộ phim nằm ở những nhân vật phụ, đặc biệt là vai Sơn của Đức Ngụy nhưng nhân vật này lại có hơi ít đất diễn.
Phim làm chưa thật sự "tới" ở nhiều phân cảnh
Phim làm chưa thật sự "tới" ở nhiều phân cảnh
Những chi tiết kể trên có phần khiến mạch phim bị kéo dài, thậm chí gây buồn ngủ. Nhưng nếu khán giả kiên nhẫn theo dõi hết hơn 1h thời lượng của bộ phim sẽ không phải thất vọng khi đoạn kết phim lại được thể hiện một cách rất ấn tượng, rất tròn trịa.
Tóm gọn lại, "Tháng 5 để dành" làm rất tốt nhiệm vụ của một bộ phim về tuổi học trò, đánh mạnh vào cảm xúc, khơi dậy trong lòng khán giả những hoài niệm và thể hiện được cái hồn của tác phẩm.

Về hình ảnh

Hình ảnh có lẽ là điểm cộng lớn nhất của bộ phim, từ việc bố trí bối cảnh, màu phim tới việc sử dụng các góc máy một cách hiệu quả. Bối cảnh của phim là đầu những năm 2000 và ekip đã cho thấy sự tỉ mỉ trong việc thiết kế không gian trong phim.
Những bức tường dán tranh idol, những chiếc xe đạp, bộ đầu VCD rồi những tờ báo tường...tất cả đều được bố trí hợp lý, khéo léo và đậm vibe 8x.
(Tiếc là tôi sinh ra ở cuối thế kỉ 21 nên không cảm nhận được hết cái hay, cũng không có chút...hoài niệm gì khi thấy khung cảnh trong phim. Tuy vậy, không thể đánh giá thấp những gì đội ngũ sản xuất đã làm).
Căn phòng mang đậm "vibe" những năm đầu 2000
Căn phòng mang đậm "vibe" những năm đầu 2000
Dù chưa hoàn toàn "tả" theo ngôn ngữ điện ảnh, bộ phim vẫn có những phân cảnh cho thấy sự tinh tế của đạo diễn. Ngay ở đoạn đầu, chỉ bằng những cú máy cận với Ngọc là trung tâm khung hình đã đủ để Hiếu "đổ" cô bạn cùng lớp. Sau đó, những góc máy cận cũng được dùng khá nhiều để khai thác diễn biến tâm lý nhân vật.
Trong phim, có đoạn Ngọc và Hiếu ngã trên sân trường, đây là phân cảnh được khai thác rất tốt khi với một cú máy cận (với góc nhìn của Hiếu), khuôn mặt của Ngọc được đặt cạnh mặt trời phía sau lưng, như để nói lên rằng Ngọc chính là ánh nắng của Hiếu.
Chỉ bằng một khung hình, đạo diễn đã ngầm truyền tải thông điệp "Ngọc là ánh nắng của đời Hiếu"
Chỉ bằng một khung hình, đạo diễn đã ngầm truyền tải thông điệp "Ngọc là ánh nắng của đời Hiếu"
Hình ảnh ánh nắng tiếp tục được sử dụng khéo léo, xuyên suốt bộ phim. Ánh nắng chính là thứ gắn kết hai con người lại với nhau, là chất keo kết dính hai trái tim đang rung động. Tờ báo tường mà cả hai cùng nhau làm mang tên "Nắng sân trường", cũng nhờ dịp làm báo tường ấy mà Ngọc nảy sinh tình cảm với Hiếu.
Phân đoạn Ngọc từ phía xa âm thầm nhìn theo bóng của Hiếu đang đứng bên cạnh tờ báo tường cũng là một chi tiết cho thấy dụng ý của tác giả. Đó cũng là lúc Ngọc cảm nhận tình cảm của mình dành cho cậu bạn cùng lớp. Không phải là cú máy cận mặt với ánh mặt trời sau lưng, nhưng bóng hình Hiếu cạnh dòng chữ "Nắng sân trường" vẫn làm tốt nhiệm vụ truyền tải tiếng lòng của Ngọc.
Tia nắng của Ngọc, phải chăng chính là Hiếu?
Tia nắng của Ngọc, phải chăng chính là Hiếu?
Hình ảnh ánh nắng tiếp tục được sử dụng khéo léo ở những trường đoạn sau của bộ phim. Một trong những câu thoại hay nhất của phim (cũng là của truyện nữa) chính là lần Ngọc nép vào Hiếu và nói:
"Nếu sau này chúng ta có xa nhau, mỗi khi nào nhớ đến em, anh hãy nhìn về phía mặt trời mỗi lúc hoàng hôn xuống...em sẽ đến cùng với nhưng tia nắng cuối cùng...với anh"
Nếu ánh nắng là chất keo gắn kết hai con người lại với nhau thì màn mưa lại là khởi đầu cho những bi kịch. Đêm mưa hôm Ngọc và Hiếu trốn nhà đi là khởi nguồn cho chuỗi bi kịch sau này, chuỗi bi kịch chia lìa hai con người.
Sự bình thản có phần...khó hiểu của Sơn
Sự bình thản có phần...khó hiểu của Sơn
Khoảng 20 phút cuối phim sẽ trở nên hoàn hảo nếu phân đoạn Sơn "giải cứu" Hiếu được xử lý chỉn chu hơn. Đáng lẽ ra, khi Ngọc sắp lên tàu vào TP HCM, Sơn phải mau lẹ hơn khi "cứu" Hiếu mới phải. Tuy vậy, Sơn lại mất tới gần 1 phút...nói linh tinh trước khi báo tin cho "đại ca" để rồi sau đó hối hả chạy đến nhà ga trước khi tàu chạy.
Tạm bỏ qua chuyện Sơn chần chừ không báo tin luôn cho "đại ca", cảnh Hiếu và người bạn thân lao tới những chuyến tàu đang chạy lại là một phân cảnh rất đáng khen. Ở đó, cao trào của phim được đẩy lên cao một lần nữa, ở đó có đoàn tàu đang đi về phía hoàng hôn, mang theo những tia nắng cuối cùng rời khỏi cuộc đời Hiếu...
"Mình về thôi, đường ray tàu cứng lắm, anh em mình không nhằn được đâu..."
Ánh hoàng hôn đổ xuống sân ga, nơi có 2 chàng trai thất thểu dìu nhau về
Ánh hoàng hôn đổ xuống sân ga, nơi có 2 chàng trai thất thểu dìu nhau về
Đoạn cuối phim là thời điểm hơn 1 năm sau khi Ngọc vào miền Nam, Hiếu chuẩn bị cho kì thi đại học còn Sơn ấp ủ dự định "đi buôn". Trước ngày chia tay, Hiếu và Sơn có quay lại lớp học của mình như để gói ghém lại những kỉ niệm ngọt ngào mà 3 năm cấp ba đã mang lại.
Phân đoạn Hiếu trò chuyện với Sơn trước ngày "bay" cũng là hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Một cú máy góc trung lấy Hiếu và Sơn làm trung tâm, giữa lớp học thân thuộc nơi gắn liền mọi kỉ niệm vui buồn trong 3 năm cấp 3. Chỉ bằng vài câu thoại ngắn ngủi, khán giả chắc hẳn cũng ít nhiều nhớ lại ngày chia tay tuổi học trò của mình.
Sau khi Ngọc đi, Hiếu lại phải chia tay một người bạn thân khác, lần này là Sơn, cũng dưới ánh hoàng hôn
Sau khi Ngọc đi, Hiếu lại phải chia tay một người bạn thân khác, lần này là Sơn, cũng dưới ánh hoàng hôn
Có thể thấy, phần hình ảnh là điểm sáng lớn nhất của phim và nói hình ảnh đã "gánh" rất nhiều cho nội dung của bộ phim.

Về dàn nhân vật

Nhìn chung, cả Xuân Hùng (vai Hiếu) hay Minh Trang (vai Ngọc) đều mới chỉ hoàn thành vai diễn ở mức "đạt" chứ chưa thật sự tốt. Diễn xuất của cả hai có phần gượng gạo, quá theo khuôn mẫu. Tuy nhiên, có thể hiểu cho hai diễn viên này khi cách xây dựng nhân vật của phim ảnh hưởng ít nhiều tới quá trình diễn xuất.
Ngoại hình của cả hai có lẽ là thứ gây ấn tượng hơn cả diễn xuất (well, tôi cũng không thật sự muốn nói câu này nhưng nó là như vậy). Chỉ cần nhìn là biết Xuân Hùng sẽ vào vai một cậu học sinh có phần ngu ngơ, nhút nhát đi crush một cô bạn học giỏi, xinh và nhiều người theo đuổi - vai diễn do Minh Trang đảm nhận.
Vai Sơn của Đức Ngụy lại được xây dựng khá chỉn chu nhưng có hơi ít "đất diễn". Sơn đóng vai "thằng bạn thân" mà bất cứ ai cũng có thể gặp trong đời. Một thằng bạn có phần trái tính trái nết với mình nhưng nó luôn bên cạnh lúc mình cần nó nhất.
Rain8x, tác giả của bộ truyện "Ranh giới" - nguyên tác của phim cũng xuất hiện trong phim. Đầu tiên là cảnh anh gặp đôi trẻ trong đêm mưa, sau đó là lần anh va phải Hiếu ở sân ga (nhưng anh không nói cho khán giả biết bao giờ ra chap tiếp theo).
Tác giả Rain8x (đeo balo, đội mũ) xuất hiện trong cảnh ở nhà ga
Tác giả Rain8x (đeo balo, đội mũ) xuất hiện trong cảnh ở nhà ga

Về âm nhạc

Nói qua một chút về nhạc phim, "Tháng 5 để dành" có những bài hát nhạc phim rất ấn tượng. Bài hát "Cơn mưa tuổi thanh xuân" do Lynk Lee thể hiện đã mang trong mình những cảm xúc quý giá nhất của hơn 1h thời lượng phim. Đó không chỉ là bài hát nói về tình yêu, mà đó còn là bản nhạc đậm chất học trò - thứ đã làm nên tên tuổi Lynk Lee.
Bài hát nhạc phim qua phần trình bày của Lynk Lee
Ngoài ra, những bài hát khác gồm: Chiều vắng, Mùa hè phía chân trời hay Con đường đã qua đều góp phần tạo nên cảm xúc cho người xem. Những bản nhạc phim đã đóng vai trò như chất kết dính các yếu tố trong phim, từ đó, bộ phim trở nên tròn trịa hơn.
Kết lại, "Tháng 5 để dành" có thể coi là bộ phim ở mức khá, còn nhiều điểm chưa được nhưng lại làm tốt ở khía cạnh một bộ phim tình cảm học trò trong trẻo, có thể lấy đi nước mắt của người xem.
Trên đây là một số đánh giá, phân tích của tôi về "Tháng 5 để dành", rất mong nhận phản hồi từ các bạn.