Review Terminal Boredom: Stories - tác phẩm của nữ văn sĩ phản văn hóa bị quên lãng
Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài...
Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
--{[ REVIEW TERMINAL BOREDOM: STORIES ]}--
🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗🌑🌑
7.5/10
TL;DR
Never Let Me Go, nhưng tăm tối và phê cần hơn. Và như một season của Black Mirror.
***
GIỚI THIỆU CHUNG
Terminal Boredom: Stories được sáng tác bởi Izumi Suzuki, một cây bút rất cá tính và đầy bi kịch của SFF Nhật nhưng nay gần như đã trôi hoàn toàn vào quên lãng. Đây là một tuyển tập 7 mẩu truyện ngắn Sci Fi riêng biệt, do Suzuki sáng tác trong giai đoạn thập niên 70-80. Những truyện đó bao gồm:
- Women And Women: kể về một cô gái mới lớn trong một xã hội do phụ nữ điều hành, và toàn bộ đàn ông đều đã bị dồn vào các t̵r̵ạ̵i̵ ̵t̵ậ̵p̵ ̵t̵r̵u̵n̵g̵ khu cách ly giới.
- You May Dream: một cô gái có bạn bị bắt phải vào buồng trữ đông để giảm áp lực dân số, và chấp nhận để cho cô bạn chuyển ý thức vào sống trong giấc mơ của mình.
- Night Picnic: xoay quanh một gia đình loài người trên một hành tinh xa xôi, nỗ lực duy trì truyền thống chủng tộc mình thông qua nghiên cứu các tác phẩm văn hóa đại chúng.
- That Old Seaside Club: hai người bạn đi nghỉ lễ trên một hành tinh lạ.
- Smoke Gets In Your Eyes: kể về một người phụ nữ nghiện ngập và tác hại của thứ thuốc cô nghiện.
- Forgotten: một câu chuyện tình giữa một cô gái con người tên Emma và một anh chàng người ngoài hành tinh tên Sol, trong bối cảnh Trái Đất đang lăm le đ̵ô̵ ̵h̵ộ̵ khai hóa văn minh cho hành tinh của Sol.
- Terminal Boredom: kể về chuỗi ngày chán chường của một cô gái trong thế giới nơi con người ngày càng mất động lực sống và ranh giới giữa thực tại và TV ngày một trở nên nhòe nhoẹt.
***
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
Terminal Boredom là một cái tên cực hợp với truyện này, bởi vì nếu chỉ xét trên phương diện cốt truyện thuần túy, cái bộ này chán vô cùng.
Trong cả 7 truyện, chỉ có một thằng duy nhất có thể tạm gọi là có một cái cốt nghiêm túc, còn 6 thằng còn lại cốt gần như không tồn tại. Chúng nó hệt như cái cuốn Never Let Me Go của Kazuo Ishiguro ấy, chẳng có một tí hành động nào hết, chỉ có một nhân vật chính ngồi lê la trong nhà hoặc trong hàng quán gì đó, suy ngẫm sự đời lung tung và chê trách cái sự nhàm chán của cuộc đời bản thân. Đã thế, các mẩu truyện của Terminal Boredom lại còn toàn kết lại theo một kiểu rất lửng lơ, rất dễ gây cảm giác hụt hẫng và thậm chí còn khiến cả câu chuyện phần nào trở nên vô nghĩa.
Nhưng vấn đề là Terminal Boredom không phải Never Let Me Go của Kazuo Ishiguro.
Terminal Boredom là Never Let Me Go của Philip K. Dick.
Izumi Suzuki có một style viết khá tương đồng với Philip K. Dick, và một trong những điểm giống nhau giữa hai con người này là họ cực kỳ giỏi khoản tạo dựng không khí. Bất chấp việc Suzuki viết rất chậm, rất nhẩn nha, và theo mọi nhẽ thì đáng lý cũng phải tạo cảm giác êm ái như Ishiguro, mọi câu chuyện trong Terminal Boredom lại đều mang kèm một sự áp bức rất nặng nề, ngột ngạt. Song hành từng bước với người đọc luôn là một cảm giác đè nén cực kỳ khó tả, như thể ta đang phải lách mình qua một vách núi chật căng, với hàng trăm tấn đá tứ bề chủ động ép bẹp lồng ngực ta lại, buộc ta phải hồng hộc hớp hơi. Mỗi câu mỗi chữ trong Terminal Boredom đều như một bàn tay ma mị thò lên từ dưới một vũng lầy đen quánh, níu kéo lấy ta, lăm le nhấn chìm ta vào trong tăm tối, tạo thành một bầu không khí đặc quánh, vừa bệnh hoạn vừa thu hút đến khó lòng cưỡng nổi.
Và bên cạnh bản thân có sức hút riêng, không khí ấy lại còn được phối hợp một cách vô cùng hấp dẫn với những theme mà Suzuki tích hợp vào trong tác phẩm này, ấy là sự tuyệt vọng, trầm uất, những cơn nghiện ngập đau khổ, những sự bất ổn về tâm thần, sự lạc lõng giữa xã hội, sự phi lý của những lề thói người đời vẫn coi là chuẩn mực của sự hợp lý. Tất cả những đề tài đấy đều được đi rất sâu vào bàn, kết tinh lại thành những chuỗi chiêm nghiệm chỉ trầm lặng như một lời thì thấm thoáng qua, nhưng vẫn mạnh mẽ như một cú đấm trời giáng thẳng giữa bụng. Và Khi kết hợp với cái phông nền tăm tối đã nói, các mẩu truyện của Terminal Boredom như trở thành những tiếng gào thét quẫn trí đầy ám ảnh của một con người quá lệch nhịp với thế giới, nhưng bất lực chẳng thể rời bỏ hay thay đổi được nó.
Và tiện nói đến thế giới…
***
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Thế giới cũng là một khoản được Terminal Boredom làm khá tốt, chỉ có điều không phải theo cách chúng ta vẫn hay hình dung khi nghe thấy cụm “thế giới tốt” được dùng để miêu tả một tác phẩm Sci Fi.
Đầu tiên, thế giới trong các câu chuyện này đa dạng cực kỳ. Mặc dù hầu hết đều là các viễn cảnh Dystopia với những lo ngại chung về quá tải dân số (mặc dù nghe một bà Nhật lo lắng về quá tải dân số kể cũng hơi ngược đời 🐧 ), thất nghiệp tràn lan, nghiện ngập đầy đường, nghèo đói đeo bám, mỗi một mẩu truyện lại có một bối cảnh với cá tính riêng biệt hẳn. Có thằng thì chạy tít tận một hành tinh nào đó, có thằng là một cái Blade Runner thu nhỏ (với nhân vật trực tiếp nhắc đến tên cái tựa ấy), có đứa thì mang nặng mùi Nhật Bản thời hậu chiến, có thằng chủ yếu lại là một giấc mơ với bao thứ phi thực và cổ quái…
Nhưng cách Suzuki xây mấy cái thế giới này dị lắm. Dị ở chỗ nó rất… bình thường.
Cụ thể là thế này.
Truyện cực kỳ hiếm khi chơi kiểu cẩm nang, tức nó sẽ không thả Infodump (các “khối” thông tin lớn) để giải thích những thứ mới lạ của thế giới mình, mà nó hoạt động như một cái máy quay vậy. Nó đơn thuần bám sát dàn nhân vật chính, theo bước họ trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Các nhân vật không làm một cái gì bất thường, họ không tự nhiên chỉ ra một thứ công nghệ quái chiêu và tả trên trời dưới bể về nó. Họ chỉ đơn thuần… dùng chúng nó, coi chúng nó như một phần tất yếu của cuộc sống. Thông qua quá trình dàn nhân vật sử dụng những thứ công nghệ mới trong đời sống bình dị và gần gũi, Suzuki khéo léo cho thông tin về thế giới của mình nhỏ giọt dần ra. Nó giúp người đọc được hòa vào trong các thế giới của tác phẩm một cách hết sức tự nhiên, cho thấy rõ đây là một thế giới xa lạ, song vẫn giúp câu chuyện né được một cái lỗi rất hay gặp trong SFF, ấy là đưa các thông tin một cách sống sượng.
Nhưng cái hay nhất của các thế giới trong Terminal Boredom là mọi thứ về chúng nó luôn ngấm ngầm có một sự bất ổn, một cảm giác sai lệch gì đấy cực kỳ khó tả. Anh em sẽ liên tục bị bủa vây bởi một cảm giác bất an, như thể mọi thứ đều là một cái mặt nạ, và ẩn dưới bề mặt là một thứ gì đó đang sôi sục. Cái tài của Suzuki ở chỗ là cô chỉ rải vừa đủ manh mối để ta hiểu quả đúng là có một cái tầng thứ hai nằm đâu đó trong cái thế giới này, nhưng chẳng bao giờ xác nhận hoàn toàn cả, để ta tự sinh nghi và đặt câu hỏi về bản chất của mọi thứ mình trông thấy.
Ví dụ ấn tượng nhất cho cái style đấy sẽ là thế giới của Women And Women, mẩu truyện mở màn cho cả tuyển tập. Khi mới đọc được đâu tầm đôi ba trang vào cái truyện này, mình tí nữa thì muốn quẳng cả cái tác phẩm vào sọt rác. Nguyên nhân là bởi thế giới trong này xây theo một kiểu sặc sụa mùi nữ quyền cực đoan. Nó cứ lải nhải đi lải nhải lại nào là phụ nữ thượng đẳng, phụ nữ nhân văn, còn đàn ông thú vật, đàn ông súc sinh, đàn ông là cội nguồn của mọi tội lỗi, và đủ thứ nhảm nhí mà mấy thanh niên lậm mớ triết 3 xu của Hollywoke vẫn hay bê đi sủa khắp nơi khác, mà anh em nào ở lâu trong group thì biết mình dị ứng với cái trò đấy đến cỡ nào rồi đó. Tuy nhiên, mình vẫn nán lại với cái thế giới này, một phần bởi vì muốn ít nhất cũng nên đọc cho đủ 1 truyện của nó rồi hẵng vứt, một phần là vì thấy có cái gì đấy nó bất thường trong này.
Càng đọc về sau, mình càng bị cái thế giới cứ ngỡ nhảm lờ ấy cuốn rịt lấy. Càng ngày càng có nhiều tình tiết quái lạ được tác giả rải ra, tạo thành những kẽ nứt trong bề mặt cái thế giới này. Bất chấp những người phụ nữ trong truyện liên tục ra rả rao giảng về sự siêu việt của mình so với đàn ông, nền văn minh của họ lại có sự thụt lùi thấy rõ so với khi đàn ông còn là một phần của xã hội. Bên cạnh đó, cực kỳ nhiều người phụ nữ tự nhiên lại tìm cách đàn ông hóa bản thân, bắt chước những tài liệu ít ỏi mà họ nắm giữ về đàn ông trước thời hai giới bị cách ly như thể họ đang vô thức muốn khôi phục tính nam cho thế giới của mình. Kết hợp với việc chính quyền trừng phạt cực kỳ nghiêm khắc những người tự ý tiếp xúc với nam giới, và kiểm duyệt mọi loại tài liệu liên quan đến đàn ông một cách khắt khe như Đức Quốc Xã, một nghi ngờ bắt đầu nhen nhóm xuất hiện: Women And Women hình như không phải là một thiên đường nữ quyền, mà nó là một xã hội đang lụi tàn vì mất cân bằng giới. Tất cả những thông tin về thế giới mình nhận được thông qua nhân vật từ trước đến giờ chỉ là thành phẩm của một chiến dịch tuyên truyền mị dân, và đó là lý do nó tương phản mạnh mẽ với thực tại đến vậy.
Mọi manh mối đều chỉ về hướng này, nhưng không có thứ gì được trực tiếp nói ra cả. Thế là rốt cuộc cũng như nhân vật chính, tất cả những gì mình có chỉ là một nỗi hoài nghi sâu sắc về bản chất cái thế giới này, vĩnh viễn chẳng bao giờ bị bác bỏ nhưng cũng sẽ không bao giờ được khẳng định.
***
NHÂN VẬT
Nhân vật chính là cột trụ của Terminal Boredom, thế nên tác giả xoáy cực sâu vào bọn họ. Ta được theo dõi đủ mọi tiếc nuối, hối hận, mọi suy nghĩ và thế giới quan của các nhân vật chính, và thậm chí còn được theo chân họ đi vào tận những giấc mơ. Đây là những con người rất có chiều sâu, thường xuyên phải vật lộn với một kẻ thù cực kỳ khó diệt trừ: chính bản thân họ. Họ mang theo quá nhiều mâu thuẫn, không ngừng gồng thân phô ra những gì thế giới kỳ vọng mình phải phô ra, trong phải tự lừa lọc chính mình hoặc đâm đầu như thiêu thân vào thuốc, vào rượu, vào những mối quan hệ độc hại để có thể tiếp tục tồn tại.
Nhưng khốn nạn một cái là Suzuki chẳng chịu thay đổi gì mấy, mà chỉ vác nguyên một template nhân vật bê qua hết truyện này đến truyện khác. Tất cả gần như đều cùng có một mối lo như nhau, cùng có một cái kiểu nếp nghĩ hận đời y xì đúc, cùng có những mối quan hệ không ra gì. Anh em cứ tưởng tượng mọi mẩu truyện trong này đều là một cái phim mini do Nicolas Cage đóng ấy. Bối cảnh, kịch bản các kiểu có thể thay đổi, nhưng chỉ cần nhìn sơ qua một phát thôi là cũng nhận ra đây là thanh niên Nick Cage rồi. Bên cạnh đó, bản thân mấy cái xây dựng nội tâm lắm khi nghe rất ê a và nhạt, chưa kể có khi còn dễ gây khó chịu vì độ emo của nó nữa. Chính thế nên được tầm 1, 2 truyện đầu là còn có thể thấy ngon thôi thôi, còn đâu sang mấy truyện còn lại thì nhân vật lại dần trở thành yếu điểm cho truyện rồi.
Ngoại trừ dàn nhân vật của Night Picnic nhé. Đám này hài vl 🐧.
***
TỔNG KẾT
Dẫu rằng không có tính giải trí cao, Terminal Boredom vẫn là một tác phẩm rất đáng chú ý. Nó bàn triết lý rất nhiều, và chọn toàn những đề tài rất dễ gây tranh cãi, nhưng khéo ở chỗ chẳng bao giờ dạy đời ai hết. Nó chỉ đơn thuần đưa ra một góc nhìn cho ta trải nghiệm, và từ đấy tự rút ra kết luận riêng. Nếu không ngại những câu chuyện với mạch rề rà và có thể còn hơi bị trùng lặp, anh em rất nên ngó thử tuyển tập này nhé.
----- Xem bài viết gốc tại:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất