♡ Chào mừng bạn đến với chuyên mục review sách của mình ♡
[Đây là bài tập hè cho môn chuyên của mình (phần 2), sẽ có nhiều sai sót và chỉ dựa vào cảm nhận cá nhân nha]

1. Tóm tắt:

Stevens là một quản gia người Anh tận tụy, chỉn chu, trưởng thành và đặc biệt, ông có một ý thức mãnh liệt về phẩm cách nghề nghiệp. Với mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ tại dinh thự Darlington và chấm dứt những sa sút vặt vãnh hiện tại, Stevens đã lên đường về miền Tây của nước Anh. Xuyên suốt quyển sách là cuốn nhật ký về hành trình ấy. Một hành trình mở ra một cánh cửa về quá khứ, hé lộ những mất mát và nuối tiếc nơi góc khuất của một đời người đã từng đắm chìm trong vinh quang, ảo vọng. Từng mảng kí ức về những cuộc hội họp mang tầm vóc toàn cầu diễn ra tại dinh thự, về cô nội quản Kenton với những tính cách hoàn toàn trái ngược với Stevens và về Huân Tước Darlington hiện lên như những vùng sáng mờ ảo lấp lánh, xen lẫn vào cuộc hành trình của hiện tại. Chính từ đây, những lằn ranh giá trị mâu thuẫn nhập nhằng hiện ra, rằng "Một lối sống quân tử có còn thực sự phù hợp trong thế giới này?"

2. Đôi dòng suy nghĩ:

a) Cốt lõi: Khi thời thế đổi thay...

Trên hành trình đến miền Tây để gặp lại cô Kenton, Stevens đã đồng hành với chiếc Ford. Một cỗ Ford hiện đại chở Stevens về với những trăn trở của quá khứ. Nơi quá khứ đó, có một Stevens đã từng phục vụ cho ngài Huân Tước mình tôn kính vô ngần, bởi sự ưu tú và phẩm cách cao quý của giới quý tộc Anh. Nơi quá khứ, có một Stevens đã từng có ấn tượng rất xấu với những người Mỹ, những kẻ mới giàu chơi ngông và dối trá.
Nhưng, tình thế đã thay đổi. Ở thế giới hiện tại trên cỗ Ford ấy, Stevens đã trở thành người phục vụ cho ngài Faraday - chủ nhân mới của dinh thự - một nhà tư bản người Mỹ, giờ đây hoàn toàn trái ngược với những ấn tượng xấu trong quá khứ của Stevens. Trái lại, Stevens còn cố gắng thay đổi bản thân bằng việc học cách "bông lơn" với người chủ của tự do, người chủ của một thời đại mới. Chứng tỏ, Stevens đã chuyển mình ra khỏi quá khứ, để đến với ánh sáng mới của thời đại. Và, cũng ở thế giới ấy, những người Anh mà ông đã từng tôn thờ trong quá khứ, chỉ còn là những người sống trong vinh quang đã qua, sống trong những gì còn sót lại của một ngày lụi tàn.
Kazuo Ishiguro đã đặt câu chuyện trong một mối tương quan hoàn hảo giữa quá khứ và hiện tại như thế, để dẫn dắt người đọc đến với những triết lý gửi gắm đằng sau thời đại mà lối sống quân tử đã dần đi đến hồi kết.

b) Cảm nghĩ:

Trách nhiệm
Có thể nói, đích đến của "Tàn ngày để lại" là một lõi giá trị, mà từ lời nói, hành động, phẩm cách cho đến cuộc đời của Stevens, đều xoay quanh nó, bằng hai trục mâu thuẫn tương đương. Mâu thuẫn càng khắt khe, gay gắt, trục càng tiến sâu vào đến cốt lõi của câu hỏi, "điều gì còn lại lúc ngày tàn"?
Đầu tiên, chúng ta đến với một Stevens đã dành những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời mình để phục vụ cho một người có cảm tình với Đức Quốc Xã. Stevens đã phục vụ tận tâm và tận tụy hết mực cho một kẻ phản bội chính quốc. Và, hãy cùng đến với một Stevens đã chối bỏ những trách nhiệm chính trị và trách nhiệm đạo lý. Ông đã trao cho chủ nhân của mình một niềm tin ngoan đạo, ngây thơ, không kháng cáo, kể cả khi ông ta lầm đường lạc bước. Những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp của Stevens trở nên sai lầm, lãng phí như thế.
Hóa ra, ngay cả khi nghề quản gia đòi hỏi một phẩm cách, được định nghĩa bằng khả năng "không từ bỏ con người nghề nghiệp mà ông ta sắm vai", "như một người quý tộc ra quý tộc", thì nó vẫn có những lúc sẽ lụi tàn, vỡ tan. Ở quá khứ, sự tôn thờ của Stevens đã cho ông những khoái cảm thắng cuộc, cống hiến như một người có công với đất nước về mặt chính trị và đối ngoại thực thụ. Nhưng thật ra, sự tôn thờ ấy vốn chỉ là một niềm tin ngây thơ mà Stevens đã trao nhầm chỗ. Một niềm tin đã dẫn Stevens đến con đường phục dịch cho một kẻ phản quốc suốt những năm tháng tươi đẹp của cuộc đời mình. Người đọc qua lời kể của Stevens có thể nhìn thấy cuộc đời ấy hào nhoáng biết bao, vinh quang đến nhường nào. Nhưng sau cùng, tất cả chỉ là một vỏ bọc của cái cốt lõi đã sai lệch, mục nát. Kazuo Ishiguro đã chỉ ra rằng, người ta thực sự có thể hoài phí cuộc đời mình đến mức nào, nếu như họ thản nhiên chối bỏ quyền can thiệp vào đạo đức và chính trị của dân tộc mình.
Trên hết, Kazuo cũng đã phác họa nên thời đại mà "chỉ riêng cảnh sắc quê hương ta thôi cũng đủ cho thấy cái tính ngữ cao vời ấy (Đại Anh Quốc - The Great British) hết sức thỏa đáng". Những quý tộc Anh hiện ra một cách rõ nét hơn tất thảy, như một thế giới sống động mới chỉ lùi về sau ánh sáng ngày hôm qua. Họ hiện lên với một sự tự tôn cao nhất, tự coi mình là đại diện cất lên tiếng nói cho hàng triệu người dân. Với họ, thứ gọi là phẩm cách không thể được mua bằng tiền, hoàn toàn đứng ở một đẳng cấp xa rời với những người Mỹ đang muốn thể hiện sự giàu có của mình. Thứ phẩm cách mà "ông ta không bao giờ để cho bọn lưu manh hay cho hoàn cảnh giật nó khỏi người mình trước mắt thiên hạ, ông ta cởi bỏ nó khi và chỉ khi tự nguyện làm như vậy, và bao giờ cũng là khi ông ta chỉ còn duy nhất một mình". Cao quý và đáng để tôn thờ và kính ái như thế, chính là lý tưởng, là lõi giá trị, như trung tâm của một cái bánh xe mà Stevens đang cố tiến vào. Càng vào sâu, là càng để đến gần hơn với một phần nhỏ gắng đóng góp vào những việc đại sự của thế giới. Nhưng càng cố gắng bao nhiêu, lý tưởng ấy càng được nhìn nhận tốt đẹp đến bấy nhiêu, thì sự thật càng nhanh chóng lộ ra. Để lại cho cuộc đời Stevens trơ trọi trước sự lầm lạc, tàn ngày, khi mọi thứ dần lùi về phía sau ánh sáng huyễn hoặc. Sự đảo lộn những giá trị ấy đã chỉ ra rằng, cho dù niềm tin yêu và tôn kính có là vĩnh cửu, cũng không thể chối bỏ thực tế đau đớn, vỡ nát, lạc lối của một kẻ phản bội và một người mù quáng.
Tình cảm
Trên đây là những giá trị xoay quanh một Stevens đang đeo chiếc mặt nạ phẩm cách, một-Stevens-thuần-công-việc, một Stevens với vai trò quản gia. Nhưng hóa ra, ẩn sau bên trong lớp mặt nạ ấy, là một trái tim, một trái tim yếu đuối, cảm tính không bao giờ được phép lộ ra bên ngoài.
Trong suốt những năm tháng cũ tại dinh thự Darlington, trái tim ấy đã nhiều lần rung lên vì cô nội quản Kenton - người duy nhất ông yêu trong kiếp người tồn tại ngày hôm nay. 
Có thể nói, Kenton được đặt trong một mối quan hệ tương phản với Stevens. Đó là một Kenton không hề sống theo bất cứ một hình mẫu nào, khác với Stevens thì cố gắng trở thành 'phiên bản con' của cha ông. Đó là một Kenton không lấy những giá trị cũ kĩ và cứng nhắc làm cốt lõi để hướng đến, hoàn toàn khác với cách Stevens gọi tên và coi "phẩm cách" là thánh chỉ. Mà đó là một Kenton sống bằng trái tim: cô xem dinh thự Darlington như một căn nhà, xem những người đồng nghiệp như những người bạn đích thực. Cô quan sát bằng đôi mắt có hồn, giúp đỡ họ bằng tất cả khả năng và sự thành ý thật tâm của mình. Kenton sống theo những giá trị tình cảm mà cô có thể trao đi và nhận lại, chứ không phải là việc thực thi trọn vẹn lý tưởng như Stevens.
Dưới đôi mắt của Stevens, Kenton bao giờ cũng là một người tắc tránh, không biết cách "đeo mặt nạ" cho đúng quy củ và ông đánh giá thấp khả năng trở thành một quản gia tài ba của Kenton. Thế nhưng, chính bằng những hành động thực hiện bởi thôi thúc của trái tim chứ không phải những nguyên tắc, đã giúp cô phát hiện ra những lỗi sai của Stevens. Đồng thời, cũng chính cô phát hiện ra cha Stevens - đang phục vụ trong dinh thự - đã trở nên rất chậm chạp, nhầm lẫn và có bệnh ở tuổi già. Cũng chính Kenton là người đã bên cạnh cha Stevens và vuốt mắt khi ông qua đời, trong khi Stevens phải túc trực bên những con người đại diện cho chính quốc, dù trong lòng ông cũng rất đau khổ. 
Là người sống bằng bản năng của trái tim, Kenton đã rời bỏ dinh thự Darlington sau khi tìm thấy người sẵn sàng hy sinh cuộc đời này để ở bên cô. Trước khi ra đi, cô có hỏi Stevens có gì muốn nói với cô không, nhưng ông đã không trả lời. Nhiều năm sau khi gặp lại, ông mới thừa nhận mình cũng yêu Kenton nhiều như cô yêu ông. Tuy nhiên, mọi thứ đã muộn màng và đổi thay - "vào giây phút ấy, trái tim tôi như tan vỡ". Nơi tàn ngày để lại, không gì hơn là nhận thức muộn màng của Stevens, về sự đánh đổi quá lớn mà ông đã trải qua, để có thể trở thành một quản gia vĩ đại.
Chúng ta hãy đặt ra một giả thiết. Giả sử Stevens có lấy Kenton làm vợ, thì có thể có một kết cục giống cha ông hay không? Giây phút cuối cùng của cuộc đời ấy là khi một bàn tay xa lạ đang vuốt mắt cho mình, không có lấy dù chỉ một người thân bên cạnh. Lý tưởng mà Stevens và cả cha ông tôn thờ ấy, đã đeo đuổi đến tận cùng bờ sinh tử một đời người. Lý tưởng đã chia tách, làm rạn nứt mối quan hệ cha con, quy tất cả những mối kết nối thiêng liêng ruột thịt trong cuộc sống về sự phục dịch quân tử. Nơi "Tàn ngày để lại", khi tất cả đã qua đi và chỉ còn lại một buổi tối, Stevens mới nhận ra nỗi niềm cô đơn, nhận ra ảo tưởng huyễn hoặc đã xâm chiếm cuộc đời mình ra sao.
ảnh mình chụp luôn hehe
ảnh mình chụp luôn hehe

c) Nghệ thuật:

"Tàn ngày để lại" là một cuốn sách đặc biệt. Vì nó khiến cho người đọc nóng lòng ngay từ những con chữ đầu tiên. Nhưng cũng khiến cho họ không ngừng run rẩy, hít thở thật sâu, để chiêm ngưỡng cách mà nó huy hoàng kết thúc.
Xuyên suốt hơn ba trăm trang sách, người đọc theo chân chiếc Ford từ dinh thự Darlington đến một trạm xe buýt ở Weymouth, miền Tây nước Anh. Nhịp điệu của câu chuyện song hành cùng với sự chảy trôi của dòng suy nghĩ nơi Stevens, khiến cho người đọc như bước vào kí ức sống động những năm 1930. Kazuo Ishiguro gần như đã giữ câu chuyện đi rất mực chậm rãi, quý phái, đúng như phong cách của một quý ông. Ngay cả trong ngôn ngữ, kiến trúc, phục trang, phong cách, lời nói, lời kể của tác giả hay tác giả gắn cho nhân vật mình, cũng đều rất đượm một không khí của thời đại chuyển giao sang một thế giới mới.
Sự góp mặt của Harry Smith trong một trạm dừng chân, như một nhân vật phụ đặc sắc, đã góp phần làm cho triết lý về "phẩm cách" như được đào sâu, được mở rộng. Như một chất kích thích, đẩy những xúc cảm và nhận thức của Stevens lên cao trào. Có thể nói, khả năng thêm thắt và phối hợp nhịp nhàng với nhân vật để thao túng và điều khiển cốt truyện của Kazuo Ishiguro, quả là đã đạt đến một trình độ bậc thầy. 
Và có lẽ, tiếng trái tim Stevens tan vỡ khi nghe được những lời thừa nhận của cô Kenton, như một thanh âm tinh tế, đẹp đẽ, bi thương và vỡ tan giữa tiếng vọng thẳm sâu của quá khứ. Dù chỉ là những câu từ rất mộc, nhưng chi tiết ấy, như một kí thăng, đệm vào bản nhạc "Tàn ngày để lại", một dư âm đau đớn đến nghẹt thở. Sự tuyệt vời trong ngòi bút của Kazuo chính là ở chỗ, có thể bình tĩnh đến khó tin, kìm nén mãnh liệt đến tuyệt vọng, để rồi đưa người đọc đến một cảm xúc cao trào, thăng hoa. 
Trích lời từ diễn từ Nobel của Kazuo Ishiguro (2017): "Trong lúc nghe Tom Waits, tôi nhận ra mình còn phải làm gì. Tôi đã quyết định mà không suy nghĩ, một lúc nào đó trước đó, rằng vị quản gia người Anh của tôi sẽ giữ vững hàng rào tình cảm của mình, rằng ông sẽ giấu mình sau nó, với chính mình và với người đọc, cho đến tận cùng. Giờ tôi thấy mình phải đảo ngược quyết định đó. Chỉ một khoảnh khắc, về cuối câu chuyện, một khoảnh khắc tôi phải chọn cẩn thận, tôi phải làm áo giáp ông rạn nứt. Tôi phải để cho một khát vọng to lớn và bi thảm được nhìn thấy thoáng qua bên dưới."
Tôi không say sưa với Kazuo Ishiguro vì một hơi thở đậm mùi triết học như Milan Kundera. Hay tôi cũng không chìm đắm vào thế giới của ông như cách tôi sống trong "mono no aware" khi đọc Kawabata Yasunari. Đọc Kazuo, là đối thoại với chính mình. Giữa những khoảng trắng ngôn từ, ông để cho người đọc tự vấn, tự ngẫm, và tự tìm thấy câu trả lời. Đọc Kazuo, như tìm thấy một sự ảnh hưởng nhất định từ Franz Kafka với chủ nghĩa hiện sinh. Đúng như Sara Danius - nhà phê bình văn học đến từ Thụy Điển đã bình: "If you mix Jane Austen and Franz Kafka, add a little bit of Marcel Proust and you stir - but not too much - then you have Kazuo Ishiguro."
Ông ấy là một nhà văn hiếm hoi và bí ẩn, và mọi cuốn sách của ông luôn luôn gây bất ngờ cho tôi.
Michael Ondaatje
Xúc cảm của Michael Ondaatje, một nhà văn Canada, cũng đã nói lên mọi cảm tình cô đọng nhất trong lòng tôi, đối với Kazuo Ishiguro - một nhà văn người Anh gốc Nhật.

d) Kết:

Khi thời điểm ngày tàn đến, cũng là lúc một chân lý mới đã đến với Stevens: ".. đối với rất nhiều người, buổi tối là phần đẹp nhất của ngày, phần họ trông đợi nhất".
Rằng,"chúng ta có bao giờ được gì khi cứ mãi ngoái lại trách móc bản thân nếu đời mình thành ra lại không hẳn như mình mong muốn".
Stevens của ngày hôm nay, nơi buổi tối trong cuộc đời mình, vẫn là một Stevens không buông bỏ phẩm cách trước mắt người lạ. Vẫn là một Stevens người Anh sống trong vinh quang của quá khứ. Một Stevens sẵn sàng chấp nhận nỗi cô đơn, chấp nhận sống với những vùng ánh sáng lấp lánh còn sót lại của quá khứ. Suy cho cùng, ngay cả Kazuo Ishiguro cũng không thể lay chuyển được người quản gia vĩ đại ấy.
Có thể nói, "Tàn ngày để lại" đã đi đến hồi kết bằng sự hồi sinh của trái tim Stevens. Trái tim ấy đã tan vỡ vì cô Kenton, nhưng vẫn sẽ sẵn sàng đập lại vì ông Faraday. Sau chót, ánh sáng lý tưởng vẫn sẽ không ngừng chói lòa trong cuộc đời ấy.
Tà dương.
Cuộc đời Stevens đã sống, giống như tàn tích cuối cùng mà một ngày để lại, là minh chứng cho một thời đại huy hoàng đã qua. Kazuo Ishiguro đã khắc họa nên một cuộc đời tận hiến, tận sinh cho lý tưởng, đưa đến cho người đọc những suy ngẫm khôn nguôi về sự lụi tàn không thể tránh khỏi của một thế hệ. Cách con người chúng ta tồn tại, hy sinh và mất đi giữa những chuyển giao thế hệ ấy đã được cất lên, như một bản nhạc bình đạm giữa lòng Oxfordshire nước Anh.

3. Các vấn đề lý luận văn học:

- Phong cách tác giả
- Giá trị văn học 
- Dẫn chứng về cốt truyện mới lạ trong tiểu thuyết (sáng tạo văn học)
- Tác phẩm văn học nước ngoài làm phong phú hệ thống dẫn chứng
- Chỉnh thể nghệ thuật hoàn mỹ
- Tiếp nhận văn học (ảnh hưởng bởi "Đi tìm thời gian đã mất" - Marcel Proust)
- Sự giao thoa giữa văn học và âm nhạc (với Tom Waits)
Link một số bài viết mình đã tham khảo: