Cũng đã có quá nhiều review, đánh giá về bộ phim độc lập thành công vang dội này của Tim Hooper, Lucinda Coxon và nhà sản xuất Gail Mutrux; nên khoan hãy nhìn vào nội dung, điều tôi muốn đề cập đến trong bài viết này là một khía cạnh tương đối khác của bộ phim, đó là một khúc bi ca về tự do nhưng đậm chất chân thực.

Sự ra đời đầy khó khăn. Thai nghén từ những năm 2000, lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn David Ebershoff, kịch bản The Danish Girl đã trải qua 15 năm đi tìm đạo diễn, diễn viên hay nói cách khác là những người dám bất chấp dư luận, bộ phim mới được bấm máy. Câu chuyện bi tráng có thật về người phụ nữ chuyển giới đầu tiên trong lịch sử, Lili Elbe, nhưng lại là một đề tài đầy tính nhạy cảm, và mang tính “triệt hạ” đối với các nhà phát hành. Chính vì thế mà trong suốt hơn 1 thập kỷ, được chuyền tay qua nhiều đạo diễn kỳ cựu, qua nhiều cái tên danh giá như Marion Cotillard, thiên nga Australia Nicole Kidman, tình nhân của Ironman Gwyneth Paltrow, hay thậm chí là nữ diễn viên từng đạt giải Oscar với Aileen của Monster, Charlize Theron... bộ phim cũng vẫn nhận được những cái lắc đầu ái ngại. Chỉ đến khi gặp được Tim Hooper và “nàng thơ” Eddie Redmayne, sau 1 thời gian cực ngắn bấm máy, The Danish Girl mới chính thức được thành hình và đến với công chúng. 
Cốt truyện chân thực đến từng tiểu tiết. 

Einar và Gerda Wegener là 2 vợ chồng họa sĩ người Đan Mạch, sống và làm việc trong một căn hộ nhỏ tại thủ đô Copenhagen. Einar là một nghệ sĩ về đề tài phong cảnh thành công, tài hoa và lịch lãm nhưng tính cách thì có phần thô lỗ, còn Gerda vẫn đang trên con đường “đi tìm màu sắc” của riêng mình để bán được tranh. Bộ phim thực sự bắt đầu khi Einar lần đầu bị ép thử làm mẫu để vợ vẽ nốt bức tranh cô vũ nữ giang dở. Từ khoảnh khắc đó, bất chợt những cảm xúc đặc biệt dần đến trong anh, từ những cái chạm nhẹ lên đôi tất chân, sự miên man êm ái của tà váy lụa, cho đến đôi giày vải mềm mại. Những rung động kỳ lạ, những cảm xúc đầy hoang mang về ham muốn của bản thân mình đẩy Einar đến sự hoài nghi, sợ hãi về những gì đang diễn ra trong anh. Einar dần tìm lại con người thật của mình, đấu tranh, gạt bỏ dường như tất cả để làm được điều anh mong muốn nhất, sống đúng như những gì Chúa đã tạo ra anh.

Cuộc hành trình đầy cay đắng của 2 vợ chồng đã đến nhẹ nhàng như thế, từ 1 trò đùa nghịch của vợ đã vô tình làm cho những xúc cảm tận sâu bên trong Einar bỗng chốc bùng cháy dữ dội, với những đấu tranh, dằn vặt, hi vọng và tan vỡ, với những điều khổ sở, kỳ thị mà anh sẽ gánh chịu, và cả niềm hạnh phúc, tưởng chừng như nhỏ nhoi với ai đó, nhưng lại là điều tốt đẹp nhất mà Einar đợi chờ. 
Khoan, khoan đừng nhắc đến nội dung phim, hãy cứ để người xem tự bước theo cảm nhận của mỗi người, theo từng bước hành trình của Einar, để dần đồng cảm với anh. Điều tôi đang vẫn đang nghĩ từ sau khi bộ phim kết thúc, đó là sự chân thật đến nghiệt ngã của câu chuyện. Rất nhiều người đã nói, cùng xuất hiện với sự thay đổi bên trong Einar, đó là sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa 2 vợ chồng, khi Gerda buộc phải chọn, ép chồng như cũ hay để anh đạt được những gì mình muốn, nhưng mãi mãi mất đi người chồng thân yêu của mình. Tôi không đồng ý với điều đó. Điều chân thực nhất của bộ phim, không phải hành trình Einar đi tìm lại con người mình, không phải sự đấu tranh bên trong nội tậm của anh để trở thành Lily, mà đó là sự thay đổi của Gerda Wegener, người luôn ở bên Einar và gánh chịu tất cả. Một tình yêu chân thành đến nghiệt ngã. Đứng trước lựa chọn đau đớn đó, tất nhiên, không phải là một bộ phim ngôn tình, không có soái ca hay soái muội nào cả, Gerda không thể chấp nhận. Cuộc sống là thế, con người luôn có sự ích kỷ của riêng mình, nhất là trong xã hội Đan Mạch thời Edward thế kỷ 19 đầy kỳ thị và chuẩn mực. Cô tìm mọi cách để dành lại chồng mình, để đòi lại Einar chứ không phải Lily - con người thật bên trong anh, kể cả việc “chữa bệnh” cho Einar bằng phóng xạ, thứ mà “Chúa đã ban tặng, là sự kỳ diệu để đẩy tan phần tà ác bên trong con người này”. Cô đi khắp nơi, gặp mọi người, tìm tất cả những ai có thể giúp đưa chồng cô trở lại, vì cô cần anh, vì cô muốn anh, vì cô không thể đánh mất “tình yêu của anh dành cho em ngay từ buổi chiều hôm đấy, khi em ngồi trên bậc thềm”... Gerda tìm đến Hans, bạn thân thủa bé của Einar, người cho anh những xúc cảm dị tính đầu tiên trong đời, để cầu xin sự giúp đỡ, với hi vọng nhỏ nhoi rằng anh sẽ trở về bên cô, nhưng rồi nhận lại là nước mắt và cái lắc đầu của chồng “I can’t...”.
Nhưng cô không bao giờ cấm cản, ghét bỏ hay bỏ rơi anh, không bao giờ có những hành động như lời bác sỹ dặn “khóa tủ quần áo”... Cô chỉ đứng đó, nhìn anh, khóc, và rồi chịu đựng đau đớn một mình. Điều nhân văn nhất là ở chỗ đó, khi người phụ nữ yêu thật sự, dẫu có ích kỷ, có tổn thương thế nào chăng nữa, họ cũng vẫn sẽ ôm lại cho mình, mà để người đàn ông làm được những gì họ khao khát, vì cô hiểu, đó là tâm nguyện duy nhất và lớn nhất đời Einar. Cô yêu Einar bằng tình yêu thuần khiết, bằng tất cả con tim và tâm hồn; cô không yêu Lily, cô ghét Lily, cô hận Lily... nhưng cô biết, Lily là tất cả những gì Einar muốn, và để đạt được điều đó, Lily phải giết chồng cô... Không như 1 soái muội, chấp nhận và ủng hộ chồng khi anh muốn thay đổi một cách tự nguyện và trọn vẹn, Gerda từng bước, từng bước cố gắng vượt qua nỗi đau một mình mà vẫn giữ trọn chữ Chung với chồng. 
Cô dần chấp nhận sự ra đi của chồng, thay vào đó là sự tồn tại của Lily
Cô lần mò trong bóng đêm, cố thấu hiểu nỗi lòng của Einar, cố an ủi mình, và từ từ chấp nhận sự ra đi của anh, chấp nhận Lily... Một người phụ nữ mạnh mẽ hơn những gì cô biết về mình. Thật cay đắng và nghiệt ngã biết bao khi tâm hồn và thể xác chia đôi quá rạch ròi. Tim Hooper và Lucinda Coxon đã làm xuất sắc điều này, khi thể hiện chân thực 2 con người của Einar, một là chồng của Gerda, và một là Lily. Khi Lily đến gần hơn, cũng là lúc con người cô yêu đang chết. Khi Einar thực sự trở thành Lily sau phẫu thuật, lúc đó trái tim cô cũng chết theo. Đối diện với Lily lúc này, Gerda như một người bạn, thậm chí là hờ hững nhìn Lily tay trong tay cùng tình nhân mới, vì với cô, chồng mình chỉ có một, đó là Einar. Tất cả những đau đớn, quằn quại, giày vò cho đến khi tập chấp nhận, khi trái tim héo hon, có lẽ đến cuối cùng, Gerda mới bật ra thành tiếng “No, leave it. Let it fly”... như một cái kết buồn mà lại rất trọn vẹn. Cô đã để Lily bay đi, còn Einar chồng cô, cô vẫn giữ trọn trong tim...

Nhân vật Gerda làm tôi suy nghĩ mãi, tại sao Hooper lại quá độc ác khi cố gắng xây dựng một cách chân thực như vậy, biết rằng đó là cách ông làm phim, như với Les Misérables, biết đó là những gì đã thực sự xảy ra trong quá khứ, nhưng sao không bớt đi 1 chút, để người phụ nữ đó thôi ám ảnh tôi. Cuối cùng, khi tất cả đều hướng ánh mắt và sự ngưỡng mộ vào Einar, vào Lily, thì như một cái bóng, sự đau đớn, tổn thương của Gerda cũng sẽ bay đi như chiếc khăn cuốn theo chiều gió... Einar Wegener, sự thức tỉnh hay tìm lại chính mình. 
Có lẽ phải nói rằng, Einar đã bị lừa dối và áp đặt ngay từ khi còn nhỏ về giới tính thật sự của mình. Einar là một cậu bé mảnh khảnh và yếu ớt, với vẻ ngoài lịch lãm đậm phong cách quý ông thời điểm bấy giờ. Không xét đến những yếu tố như thời trang, bối cảnh hay thẩm mỹ trong phim, Einar quả thật là một nhân vật có ngoại hình và sự hướng ngoại tương đồng với Eddie Redmayne, chàng diễn viên điển trai, từng giành giải Oscar với The Theory of Everything. Einar là một họa sĩ phong cảnh thành công, các tác phẩm của anh được giới nghệ thuật đánh giá cao, và là một điểm sáng của Copenhagen thời điểm bấy giờ. Einar sáng tác không mệt mỏi, cống hiến cho công chúng với tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ, là tâm điểm của mọi bữa tiệc trong giới thượng lưu, nhưng khi về nhà, khi chỉ còn lại một mình với cái giá vẽ, Einar lại chỉ vẽ đi vẽ lại 1 bức tranh, một dòng sông mộc mạc, 6 cái cây khẳng khiu nối thành hàng dài bên vũng lầy sau khi tuyết tan, trong một buổi chiều u ám, bức tranh về vùng quê ngoại ô Vejle, nơi anh sinh ra và lớn lên.
Einar bên bức tranh chẳng bao giờ có thể hoàn thành trọn vẹn của mình
Tôi đã tự hỏi sao anh ấy lại làm như vậy, cho đến khi Einar kể câu chuyện về Hans, cậu bé ngồi bên hòn đá ven đường trong buổi chiều hôm ấy, người đã lấy đi nụ hôn đầu đời của Einar chỉ vì  “Einar just looked so pretty and... I had to kiss him!”. Nụ hôn đó là điều đầu tiên khiến Einar thức tỉnh, chứ không phải khi thử váy làm mẫu cho Gerda. Nụ hôn ngây ngô của cậu bạn đã khơi gợi cảm xúc trong sáng, ngây thơ nhất nhưng lại sâu sắc nhất, mách bảo về con người thật bên trong anh ngay từ khi còn tấm bé. Einar đã mơ về nó rất nhiều lần, đã cố hình dung lại quang cảnh buổi chiều hôm đấy, nhưng tất cả chỉ là bí mật của riêng anh. Nụ hôn đó chỉ là đùa vui, thậm chí Hans cũng không còn nhớ về nó cho đến khi Gerda nhắc lại, nhưng với Einar, đó là một dấu ấn sâu đậm không thể nào quên. Quái ác thay, bắt gặp 2 đứa trẻ trong lúc đó, bố Einar đã đánh đập Hans một cách tàn nhẫn, để rồi cậu bé không bao giờ dám quay trở lại Vejle, nơi có người bạn ấu thơ. Trận đòn đó, và có lẽ theo tôi nghĩ còn nhiều trận đòn sau đó nữa đã để lại vết thương lớn nhất trong lòng Einar. Cậu phải sống trong sự đe dọa của bố, trong cái xã hội đầy sự kỳ thị và coi dị tính là một căn bệnh của quỷ. Tâm hồn thơ ngây đó, chưa hiểu gì về thế giới xung quanh, đã tự nhấn chìm con người thật của mình vào nơi sâu thẳm nhất, để sống cuộc sống mà mọi người mong muốn: một gã đàn ông. Có lẽ Einar biết rõ điều đó, như giây phút bên khung cửa sổ cùng vợ, khi thổn thức trong nước mắt “Lily đã luôn ở đó, bên trong anh”... Cái ngày anh làm mẫu cho vợ chỉ là thời điểm mãnh liệt nhất, để một “người phụ nữ” trưởng thành, đủ mạnh mẽ để bảo vệ mình và bảo vệ ước mơ của mình thức tỉnh, và tôi biết, lần này Einar sẽ không đánh mất mình như ngày xưa, như buổi chiều bên dòng sông, với cậu bé và con diều rớt xuống vũng lầy.
Tôi chợt vỡ ra trong tâm trí lý do tại sao anh lại mạnh mẽ đến thế, cương quyết đến thế để bảo vệ Lily trước bao tình cảm của vợ, bao sự đấu tranh, đau đớn, tổn thương vĩnh viễn mà Gerda phải hứng chịu. Einar là thế, phải mất quá lâu rồi anh mới có thể tìm được cảm xúc thật của mình. Lúc này mọi thứ đã bùng cháy như một ngọn lửa mãnh liệt, như đốt hết mọi sự dồn nén của anh từ khi mới sinh ra đến nay, để thực hiện ước mơ lớn nhất, trở thành một người phụ nữ như đúng Chúa đã ban cho anh. Tôi cũng không bàn nhiều về hành trình của Einar, về diễn xuất của Eddie, mà để dịp khác, điều khiến tôi nhói lòng đó là quãng thời gian trước khi “come out” của Einar, với tất cả những gì anh đã trải qua, quả thật khó tưởng tượng. Rất nhiều người nhầm lẫn, rằng khi chạm vào đôi tất chân, vào bộ váy vũ nữ, Einar mới nhận ra điều đó, nhưng không phải vậy, trái lại, anh biết rất rõ về mình, chỉ là cố gắng kiềm nén, sống cho xã hội mà thôi... Và ước mơ của người họa sĩ đó cũng được đền đáp, dẫu không phải không có hậu, khi đánh đổi tất cả, để sống được chút giây phút thực sự là chính mình, những điều mà tôi không bao giờ có thể hiểu được giá trị của nó... Nhưng tôi biết, con người chỉ có thể hạnh phúc nhất khi đạt được ước mơ của đời mình mà thôi...  
Thay cho lời kết. Một bộ phim quá nhiều cảm xúc. Hooper thật sự rất tài năng khi để cho mỗi người xem lại có đánh giá riêng của mình, nhưng chung nhất là sự đồng cảm và cảm thông hơn đối với cộng đồng LGBT.