Hellu, tớ đã quay trở lại với một bài review phim “cũ” khởi đầu cho một năm mới rồi đây. What happened to Monday là một bộ phim hành động – giả tưởng của đạo diễn Tommy Wirkola, ra mắt vào giữa năm 2017, cùng thời điểm với siêu phẩm IT. Có lẽ chính vì vậy mà bộ phim này đã không may mắn và bị lấn át bởi sức hút và độ nổi tiếng ở các phòng vé của IT. Tuy nhiên, tớ không phải fan của phim kinh dị, vậy nên khi mà hầu hết mọi người điên đảo vì Pennywise thì tớ đã dành sự chú ý của mình vào What happened to Monday nhiều hơn (phần lớn là do cái tên khá ấn tượng). Sau khi xem trailer thì tớ thực sự thấy nội dung khá thú vị, tò mò muốn xem vô cùng và rủ luôn đứa em họ đi cùng. Thế nhưng, vì một vài lí do nào đó mà bây giờ tớ không còn nhớ rõ, lần xem phim ấy bị hoãn. Tớ cũng lãng quên luôn bộ phim này ngay sau đó .-. Giờ nghĩ lại thấy tiếc vì không xem nó sớm hơn huhu. Cơ duyên một lần nữa cho tớ gặp lại bộ phim là khi tớ search ‘Movies similar to Inception’ và ‘Mind blowing films’. Ừ thì What happened to Monday cũng không phải kiểu quá hack não như Inception, thế mà tìm tới tìm lui một hồi lại thấy luôn bộ phim mà mình lỡ lãng quên gần hai năm trước, thế là xem thôi!

Ấn tượng đầu tiên của tớ về bộ phim này là cái tên. ‘What happened to Monday?’ – một câu hỏi đánh trúng tâm lí của bất kì người xem nào. Ai trong chúng ta chẳng ái ngại, thậm chí là lo sợ những áp lực của ngày thứ hai đầu tuần ; chẳng quyến luyến những cuộc vui ngày thứ bảy, chủ nhật. Khi xem phim rồi, bạn còn nhận ra cái tên chính là một kiểu chơi chữ, gắn liền với nút thắt chính của phim: sự biến mất kì lạ của cô chị cả Thứ Hai – Monday. Một cách đặt tên thông minh khiến cho phần nội dung phim càng trở nên lôi cuốn hơn bao giờ hết. Ấn tượng thứ hai là khi thấy Netflix hiện ra ở intro thì tớ có phần hào hứng, thiện cảm cũng như thêm kì vọng vào bộ phim này. Và nội dung mới mẻ của nó khiến tớ cảm thấy phim khá đáng xem, suy ngẫm.
Mở đầu cho chuỗi ngày tháng bi kịch là thảm kịch đen tối: ô nhiễm môi trường, thiếu lương thực, bùng nổ dân số,... đều là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần nếu như loài người không biết bảo vệ và trân trọng những gì ta đang có. Phim lấy bối cảnh là tương lai khi thế giới mà chúng ta đang sống phải đối mặt với vấn nạn bùng nổ dân số khủng khiếp, cứ 4 ngày lại có thêm 1 triệu người được sinh ra. Năm 2030, gần 10 tỉ người phải chen chúc, dẫm đạp lên nhau mà sống. Hệ quả của việc gia tăng dân số này là nhu cầu tiêu thụ năng lượng, thực phẩm tăng chóng mặt. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường đã khiến cho nền nông nghiệp bị tàn phá nặng nề, nạn đói tràn lan ở mọi nơi. Loài người buộc phải sử dụng thực phẩm biến đổi gen để duy trì sự sống, khiến cho cấu trúc gen của họ dần thay đổi: các ca sinh năm, sinh bảy xuất hiện ngày một nhiều. Nhân loại rơi vào một vòng luẩn quẩn và đứng trước nguy cơ diệt vong. Trước tình cảnh ấy, những kẻ nắm quyền lực đã tạo ra một điều luật có tên là Child Allocation Bureau (CAB), hay tạm dịch là Luật Phân bổ Trẻ em, dưới sự giám sát và điều hành, quản lí bởi Nicolette Cayman. Điều luật khắt khe này quy định mỗi gia đình chỉ được phép sinh một con, thậm chí quan trọng hơn cả Luật Nhân đạo: tất cả những đứa con thứ sẽ được đưa vào kho đông lạnh, chờ một ngày Trái đất phục hồi.
Bảy chị em sinh bảy nhà Settman, mang những cái tên là từng thứ trong tuần (Monday đến Sunday) sống ở ngoại ô với người ông, và được huấn luyện để sinh tồn trong suốt nhiều năm, tránh khỏi điều luật của Chính phủ. Họ chỉ được phép ra ngoài một tuần một lần, vào ngày trùng tên họ, dưới danh nghĩa người mẹ đã mất Karen Settman, và phải hết sức cẩn thận để không bị phát hiện bởi hệ thống định vị nhân dạng của CAB. Tuy nhiên, một ngày, cô chị cả Monday – vốn là người nghiêm chỉnh và đúng giờ nhất, biến mất đầy bí ẩn sau buổi làm việc. Sáu cô em gái vừa phải tìm kiếm chị mình, vừa phải chống lại đội quân của Chính phủ.
Bối cảnh là một chuyện, nhưng sức sáng tạo tuyệt vời và độc đáo nằm ở câu chuyện về bảy chị em sống dưới cùng một thân phận. Người xem sẽ phải băn khoăn về cách họ chia sẻ tất thảy những bí mật và chuyện riêng tư của mình với nhau, học cách điều hòa và tiết chế, đồng bộ mọi thứ để tạo ra hình ảnh một Karen Settman sao cho tự nhiên nhất, đại diện nhất. Thậm chí, cả vết thương của họ cũng phải y xì đúc. Vậy nên, sẽ ra sao nếu như một mắc xích biến mất? Khi Monday mất tích, các chị em mới nhận ra rằng họ không hoàn toàn thành thật với nhau. Chính vì lẽ ấy mà thân phận của họ bị phát hiện. Ai là kẻ đã tiết lộ thông tin, bán đứng gia đình. Và tương lai của họ sẽ ra sao?
Sau cùng, bầu không khí chết chóc bao trùm lên nửa phần phim sau khi đã có người phải ra đi. Bảy người chỉ là những cô gái bình thường, không sở hữu kĩ năng nào quá đặc biệt. Dưới sức ép của Uỷ ban Phân bổ Trẻ em thì việc mất mạng cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, tớ vẫn luôn hồi hộp và mong chờ một tia hi vọng nào đó đến với các cô gái. Thật ra, khi xem phim, ta hoàn toàn có thể đoán ra kẻ đứng sau mọi chuyện là ai, nhưng ta vẫn sẽ tò mò về động cơ của người ấy, và vẫn đủ hứng thú để tiếp tục xem.
Một điều làm tớ phải ngạc nhiên và cảm thấy khá thú vị là diễn xuất tuyệt vời của Noomi Rapace. Một người đảm nhận đến bảy vai diễn, xuất hiện trong cùng một khung hình. Diễn xuất tỏa sáng của cô đã làm nên một tuyến nhân vật vô cùng chỉn chu, có hồn. Nếu như James McAvoy đã khiến tớ ngả mũ nể phục khi diễn vai người bị đa nhân cách, một lúc có thể liên xoành xoạch thay đổi giữa 23 nhân cách, chẳng hạn như từ đứa bé 9 tuổi sang bà cô cầu toàn trong Split, thì Noomi Rapace cũng đỉnh không kém. Việc so sánh diễn xuất của họ là hoàn toàn không cần thiết, vì cả hai kì tài đều đã cống hiến, đảm nhận tốt vai diễn của mình và ghi dấu ấn trong lòng chúng ta với những cảm xúc vô cùng chân thực. Đối với Noomi Rapace, có thể nói cô đã đầu tư vào khâu phân tích nhân vật khá kĩ, và kết hợp cùng tài năng, kinh nghiệm của mình, đã tạo nên bảy cá tính khác nhau trong cùng một cơ thể một cách vô cùng tự nhiên chứ không hề gượng ép. Chỉ cần một vài động tác nhỏ, ánh mắt hay ngữ điệu, ta hoàn toàn có thể phân biệt được những cô gái vốn đã rất khác nhau về tính cách. Và dường như, mỗi cô gái đại diện cho cuộc sống của một con người trong một tuần vậy. Monday luôn nghiêm nghị, cầu toàn, khắt khe vì phải đối diện với áp lực công việc của thứ hai; Tuesday sống phóng khoáng, bất cần và nghiện hút ; Wednesday tràn đầy năng lượng và đam mê thể thao ; Thursday thì nổi loạn và luôn muốn thoát khỏi vỏ bọc Karen Settman ; Friday nhút nhát nhưng rất giỏi công nghệ ; Saturday thì yêu thích tiệc tùng của những tối thứ bảy thác loạn trong khi Sunday hiền lành, giàu lòng nhân đại diện cho ngày nghỉ bình yên. Nếu phải miêu tả diễn xuất của Noomi, có lẽ từ xuất thần là thích hợp hơn cả.
Bên cạnh Noomi Rapace thì Glenn Close – diễn viên gạo cội đảm nhận vai ác nhân Nicolette Cayman cũng đã ghi dấu ấn khá tốt trong tớ. Bà diễn rất tròn vai, hoàn toàn lột tả được sự gian xảo, thâm hiểm và kiêu ngạo của một kẻ ác, một kẻ ngạo mạn. Tuy nhiên, bà ta không phải là phản diện một chiều hay mù quáng, việc làm của bà ta tuy phi nhân đạo nhưng cần thiết cho sự sống còn của nhân loại vào thời điểm ấy. Lý tưởng và mục đích tàn nhẫn của bà ta đã mang lại cho loài người bước khởi sắc trong việc kiểm soát dân số 30 năm sau. Thế nhưng, điểm khiến tớ là băn khoăn và chưa có lời giải thích thỏa đáng về thân phận của nữ ác nhân này và về Uỷ ban mà bà sáng lập. Cayman thực sự là ai và vì sao bà ta lại có quyền lực lớn như vậy, có thể hoàn toàn thao túng cục diện và che giấu hành vi của mình trong suốt nhiều năm liền?
Về mặt hình ảnh – kĩ xảo – âm thanh, tớ cảm thấy khá ổn cho một bộ phim kinh phí thấp. Kĩ xảo của bộ phim khá tốt và chân thực so với mặt bằng chung của các bộ phim khoa học viễn tưởng, tuy chưa được đến mức xuất sắc nhưng đoàn làm phim đã khá chỉn chu, hoàn thiện khâu thực hiện. Màu của bộ phim khá tối, nhưng phù hợp với nội dung u ám của phim. Phim có nhiều phân cảnh khá kinh dị, như việc cắt ngón tay cả bảy chị em để đồng bộ vết thương, qua mắt CAB ; hay cảnh CAB dùng con mắt của Tuesday để vào nhà của các cô gái,... Điểm trừ của bộ phim có lẽ nằm ở những pha hành động quá nhanh, không mấy đặc sắc, và cái chết cũng diễn ra nhanh hơn tớ tưởng tượng. Bù lại thì phim có một vài twist hay ho và hiệu ứng âm thanh rất tốt. Tiếng súng, tiếng nổ, thậm chí cả tiếng gót giày cũng được chăm chút tỉ mỉ, tạo sự chân thực và phần âm nhạc đưa vào khiến tớ cảm giác khá rùng rợn. Nếu có cơ hội được xem ngoài rạp, có lẽ sẽ còn ám ảnh hơn nữa. Haiz, tiếc quá.
Điểm cuối cùng làm tớ băn khoăn và cảm thấy chưa thỏa đáng là một vài “hạt sạn” trong phim, điển hình như thân phận của Cayman và tổ chức của bà. Nhưng mà yên tâm, khi xem phim các cậu sẽ bị cuốn vào mạch truyện lôi cuốn và gay cấn đến nghẹt thở chứ không mấy để ý vào những vẫn đề này đâu.
Kết lại post, tớ highly recommend các cậu xem bộ phim này. Thứ nhất là vì phần kịch bản quá sáng tạo, mới mẻ và thú vị, không dựa theo bất kì một tác phẩm nào trước đó mà hoàn toàn là ý tưởng gốc. Cách xây dựng phim đan xen giữa quá khứ và thực tại cũng cho thấy sự tác động từ thuở thơ ấu lên các cô gái và đã giải thích được kha khá hành vi của họ. Bên cạnh đó, bối cảnh tương lai mà bộ phim mang đến vô cùng thực tế, hoàn toàn là chuyện có thể xảy ra, trở thành vấn nạn đối với tương lai gần của nhân loại. Thứ hai, các cậu sẽ hoàn toàn đổ gục trước diễn xuất tinh tế và tuyệt vời của Noomi Rapace trong vai cả bảy chị em. Điểm đáng khen thứ ba là kĩ xảo khá ok, thuyết phục. Cuối cùng, cũng là lời khen dành cho thông điệp mà bộ phim gửi gắm. Không chỉ đơn thuần là một phim viễn tưởng với những pha hành động như bao bộ phim khác, tác phẩm còn thành công mang đến ý nghĩa sâu sắc về tình người, tình gia đình. Bên cạnh đó, câu nói của người ông – Terry Settman: ‘Một điều xảy ra với một người, sẽ xảy đến với tất cả’ đã đặt ra một câu hỏi lớn về bản ngã. Karen Settman được tạo nên từ tính cách của cả bảy chị em: nhân ái của Sunday, tài năng vi tính của Friday,... Cô ta là một nhưng cũng là bảy người. Vậy nên nếu thiếu đi một người, cô ta sẽ ra sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như một người muốn thoát khỏi cái bóng của bảy người và lập gia đình? Khi ấy, thân phận của những người còn lại sẽ như thế nào? Hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải đáp sẽ khiến các cậu phải vô thức suy ngẫm, càng ngẫm lại càng thấy sâu sắc. Đó mới chính là thành công lớn nhất của bộ phim khi đã để lại trong mỗi chúng ta biết bao băn khoăn về cái tôi của bản thân.
Cuối cùng, cảm ơn các cậu đã đọc hết post này. Tương tác và cho tớ biết cảm nhận của các cậu nha. Chúc các cậu một thứ hai đầu tuần – thứ hai đầu tiên sau kì nghỉ lễ vui vẻ!