Review Snow White 2025: Khi cái ác không thể sáng tạo ra được điều gì mới mẻ.
Đây là một review rất dài chê Bạch Tuyết 2025

Trong suốt khoảng 10 năm trở lại đây, nếu để ý kỹ, chúng ta có thể nhận thấy xưởng phim Disney đã và đang tích cực đẩy mạnh chiến lược làm lại (remake) các bộ phim hoạt hình kinh điển trong quá khứ của mình dưới định dạng live-action. Xu hướng này bắt đầu ghi dấu ấn rõ nét với thành công vang dội của Cinderella vào năm 2015, mở ra một kỷ nguyên mới cho Disney khi hãng gần như đều đặn mỗi năm tung ra ít nhất một phiên bản live-action dựa trên những tác phẩm hoạt hình từng làm nên tên tuổi của mình. Từ The Jungle Book (2016) với hình ảnh rừng xanh sống động, Beauty and the Beast (2017) đầy lãng mạn, Dumbo (2019) mang sắc thái cảm xúc riêng biệt, đến Aladdin (2019) rực rỡ sắc màu Trung Đông, The Lion King (2019) với công nghệ CGI chân thực đến kinh ngạc, rồi Mulan (2020) đậm chất sử thi, và gần đây nhất là The Little Mermaid (2023) cùng Snow White đang được chờ đón – tất cả đều cho thấy tham vọng của Disney trong việc tái hiện những câu chuyện cũ dưới một lăng kính mới mẻ và hiện đại.

Dưới góc nhìn của khán giả, có thể thấy rõ chiến lược này của Disney nhắm đến hai nhóm đối tượng chính, mỗi nhóm đều mang lại giá trị riêng biệt cho hãng. Trước tiên, đó là những khán giả trưởng thành – thế hệ đã từng lớn lên cùng những bản phim hoạt hình kinh điển của Disney trong quá khứ. Với họ, việc được trở lại rạp chiếu phim để thưởng thức các tác phẩm yêu thích thời thơ ấu dưới dạng live-action không chỉ là một trải nghiệm hoài niệm đầy cảm xúc mà còn là cơ hội để khám phá những câu chuyện quen thuộc ấy qua một hình thức nghệ thuật hoàn toàn mới, với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến và cách kể chuyện được làm mới. Nhóm đối tượng thứ hai mà Disney hướng tới chính là các khán giả nhí – những thế hệ trẻ em hiện tại, những người có thể chưa từng biết đến hoặc chưa thực sự gắn bó với các phiên bản hoạt hình gốc. Thông qua các bộ phim live-action này, Disney không chỉ giới thiệu đến họ những câu chuyện nổi tiếng của hãng mà còn khéo léo cập nhật nội dung, thông điệp sao cho phù hợp hơn với bối cảnh xã hội và giá trị của thời đại ngày nay, từ đó xây dựng nền tảng cho một thế hệ khán giả mới, những khách hàng tiềm năng đầy triển vọng trong tương lai của "nhà chuột".
Nhìn chung, về mặt lý thuyết, việc Disney quyết định làm lại các bộ phim hoạt hình cũ dưới dạng người đóng là một chiến lược thông minh, có thể ví như "một mũi tên trúng hai đích". Nếu được thực hiện tốt, với sự cân bằng giữa việc giữ nguyên tinh thần của bản gốc và đổi mới để phù hợp với thời đại, những dự án này không chỉ mang lại doanh thu ấn tượng mà còn giúp Disney củng cố vị thế của mình trong lòng khán giả qua nhiều thế hệ. Hơn thế nữa, đây còn là cách để hãng tiếp tục khai thác kho tàng tài sản trí tuệ phong phú của mình, biến những câu chuyện đã trở thành biểu tượng văn hóa thành những trải nghiệm điện ảnh mới, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp giải trí toàn cầu. Tuy nhiên, đó là NẾU như Disney thực sự làm tốt mà thôi, và thật tệ là Disney trong những phim remake thời gian gần đây lại không làm được tốt cho lắm. Đúng vậy, mặc dù chiến lược remake các bộ phim hoạt hình kinh điển thành live-action của Disney về lý thuyết là một "mũi tên trúng hai đích" đầy tiềm năng, nhưng thực tế lại cho thấy không phải lúc nào hãng cũng đạt được kỳ vọng đó. Nếu như những thành công ban đầu như Cinderella (2015), The Jungle Book (2016) hay Beauty and the Beast (2017) từng khiến khán giả trầm trồ với sự kết hợp giữa hoài niệm và công nghệ hiện đại, thì trong vài năm gần đây, chất lượng của các bản remake này dường như đã không còn đồng đều và thậm chí gây thất vọng ở nhiều khía cạnh.

Chẳng hạn, The Lion King (2019), dù đạt doanh thu khủng nhờ công nghệ CGI ấn tượng, lại bị chỉ trích vì thiếu đi cảm xúc và sự sống động mà phiên bản hoạt hình gốc từng mang lại. Những chú sư tử được tái hiện quá chân thực đến mức mất đi nét biểu cảm phong phú, khiến câu chuyện trở nên khô khan với không ít khán giả. Tương tự, Mulan (2020) cũng vấp phải làn sóng phản đối khi loại bỏ nhiều yếu tố được yêu thích từ bản gốc như nhân vật Mushu hay các bài hát kinh điển, đồng thời thay đổi cốt truyện theo hướng không thực sự thuyết phục, làm mất đi tinh thần của câu chuyện ban đầu. Gần đây hơn, The Little Mermaid (2023) dù nhận được một số lời khen về phần hình ảnh và diễn xuất, vẫn không tránh khỏi tranh cãi về việc thay đổi một số chi tiết quan trọng, khiến cả khán giả cũ lẫn mới cảm thấy khó hài lòng hoàn toàn.


Những vấn đề này cho thấy Disney dường như đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa việc làm mới câu chuyện để phù hợp với thời đại và giữ gìn giá trị cốt lõi đã làm nên thành công của các bản gốc. Thay vì tạo ra những tác phẩm vừa tôn vinh di sản cũ vừa mang hơi thở hiện đại, một số phim remake gần đây của Disney bị cho là chạy theo xu hướng thương mại hóa quá mức, thiếu sự sáng tạo thực sự hoặc cố gắng "hiện đại hóa" một cách gượng ép, dẫn đến việc đánh mất thiện cảm từ khán giả. Và mới đây nhất, sản phẩm remake tiếp theo của hãng là Snow White đã được ra mắt, bộ phim là bản làm lại của tác phẩm Snow White and the Seven Dwarfs vào năm 1937, hứa hẹn đem lại một làn gió mới cho khán giả. Tuy nhiên sau 1 tiếng 49 phút ở trong rạp, khi phần credit đã hiện lên, tất cả những gì mà mình cảm nhận được từ tác phẩm của đạo diễn Marc Webb chỉ là 2 từ THẤT VỌNG. Vậy thì rốt cuộc Snow White 2025 dở đến độ nào? Câu hỏi này sẽ được mình nói trong phần tiếp theo của bài viết này, và đây là một bài review về Snow White 2025 của mình.

GIỚI THIỆU
Nàng Bạch Tuyết (tên tiếng Anh: Snow White) là một bộ phim điện ảnh Mỹ thuộc thể loại nhạc kịch – kỳ ảo ra mắt vào năm 2025 do Marc Webb làm đạo diễn với phần kịch bản do Erin Cressida Wilson chấp bút. Do Walt Disney Studios và Marc Platt Productions hợp tác sản xuất, bộ phim là phiên bản chuyển thể người đóng của bộ phim hoạt hình cùng tên năm 1937 chủa Disney và bản thân bộ phim hoạt hình này cũng được dựa trên câu truyện cổ tích cùng tên năm 1812 của Anh em nhà Grimm. Với sự tham gia diễn xuất của Rachel Zegler trong vai chính, cùng với Andrew Burnap và Gal Gadot, bộ phim kể nàng công chúa Bạch Tuyết trong sán đã hợp tác với bảy chú lùn và một tên cướp tên là Jonathan (Burnap) để giải phóng vương quốc của mình khỏi người mẹ kế độc ác (Gadot).

NỘI DUNG
Nội dung luôn là thứ đầu tiên mình sẽ nói đến mỗi khi mình review bất cứ một bộ phim nào, và với Snow White bản 2025, nội dung là 1 trong những vấn đề khiến mình thất vọng nhiều nhất. Trước khi phim được ra mắt, đã có những bài phỏng vấn, phát biểu của nữ diễn viên Rachel Ziegler về việc Snow White bản remake sẽ đổi mới, hiện đại hơn như thế nào, thậm chí khi phim được ra mắt, đã có rất nhiều bài review từ các page phim về việc phim đã thay đổi nhiều đến như thế nào so với bản 1937. Với cá nhân mình, việc remake thay đổi nội dung của một bộ phim không phải là xấu, tuy nhiên thì khi thay đổi bạn cần phải hiểu cực rõ những giá trị mà bản gốc đã mang lại, từ đó không chỉ đưa vào những thông điệp mới vào trong phim, mà còn phải tôn vinh cả những giá trị trước đây nữa. Đáng tiếc là Snow White 2025 (giờ mình sẽ gọi là SW cho tiện) lại không làm được điều đó. Phim thay đổi khoảng 40% nội dung so với bản gốc, tuy nhiên sự thay đổi này lại chẳng có gì đáng để mà khen ngợi cả, mọi tình tiết, vấn đề trong phim được diễn ra một cách rất hời hợt, nhàm chán đến kỳ lạ. Những tình huống khó khăn, chông gai mà nhân vật chính đáng nhẽ ra phải gặp phải trong phim đều được giải quyết một cách quá dễ dàng và chẳng hề tạo được điểm nhấn cho khán giả. Phim bị xé ra làm 3 mạch chuyện khác nhau xoay quanh nàng công chúa Bạch Tuyết lần lượt là :
- Bạch Tuyết và vương quốc đang sống dưới sự cai trị hà khắc của Hoàng Hậu
- Bạch Tuyết và 7 chú lùn trong rừng sâu
- Bạch Tuyết và những người đứng lên nổi dậy chống lại Hoàng Hậu

3 tuyến chuyện, đáng lẽ nếu một cái dở thì ít nhất 2 cái kia còn có thể gỡ lại được, hoặc tệ hơn thì 2 cái dở một cái ổn thì còn tạm chấp nhận được, nhưng thật kỳ lạ là cả 3 tuyến truyện đều dở hết cả 3. Tuyến chuyện về Bạch Tuyết và vương quốc dưới sự cai trị hà khắc của Hoàng Hậu lẽ ra có thể khai thác sâu hơn vào mâu thuẫn quyền lực, sự áp bức và nỗi đau của người dân, nhưng lại bị xử lý qua loa, thiếu chiều sâu, khiến khán giả không cảm nhận được sự căng thẳng hay động lực nào từ hoàn cảnh này. Đến phần Bạch Tuyết và 7 chú lùn trong rừng sâu, một trong những điểm nhấn mang tính biểu tượng của bản gốc lại bị biến thành một chuỗi các sự kiện rời rạc, thiếu sự gắn kết và không tạo được sự đồng cảm hay yêu mến cho các nhân vật phụ. Cuối cùng, tuyến chuyện về cuộc nổi dậy chống lại Hoàng Hậu, vốn dĩ có tiềm năng trở thành cao trào đầy cảm xúc, lại rơi vào lối mòn của sự đơn giản hóa quá mức: mọi thứ được giải quyết nhanh gọn đến mức phi lý, không để lại chút ấn tượng nào về sự hy sinh hay đấu tranh. Cả 3 mạch truyện đều dở dang, không cái nào đủ sức nâng đỡ cái kia, khiến tổng thể phim trở thành một mớ hỗn độn thiếu điểm nhấn và cảm xúc. Nhìn lại phiên bản gốc năm 1937, những câu chuyện từ việc Bạch Tuyết phải sống dưới sự ghẻ lạnh của Hoàng Hậu, cho đến lúc chung sống với các chú lùn trong rừng sâu, tất cả đều được làm cực kỳ tốt và đáng nhớ, mọi thứ diễn ra đều hợp với logic mà bộ phim đã viết ra. Mỗi tình tiết trong bản gốc đều có sự kết nối chặt chẽ, từ cách Hoàng Hậu ghen ghét dẫn đến hành động độc ác, đến việc Bạch Tuyết tìm được sự an ủi và tình bạn nơi 7 chú lùn – tất cả đều tự nhiên và để lại dấu ấn sâu đậm. Trong khi đó, với bản remake này, mọi tình tiết, mọi cách gỡ nút thắt trong phim đều gượng ép, vội vàng, như thể đội ngũ biên kịch không thực sự dành thời gian để xây dựng một câu chuyện có sức nặng. Và có một vấn đề mà mình không thể hiểu nổi biên kịch của Disney Studio nói riêng, hay thậm chí cả những studio khác của Disney như Marvel Studio hay Lucasfilm nói chung, đang mắc phải, đó chính là “sự tình cờ” trong câu chuyện. Bạn không nghe nhầm đâu! Các phim gần đây của Disney, từ Disney Studio, Marvel Studio cho đến những dự án khác, đều dính phải một motif chung: kiểu gì cũng có một tình tiết 'từ trên trời rơi xuống' để giải quyết vấn đề, và nó xảy ra một cách cực kỳ tình cờ. Trong SW 2025, những khoảnh khắc như vậy xuất hiện không ít, từ việc Bạch Tuyết vô tình tìm được sự giúp đỡ đúng lúc, đến những nút thắt được tháo gỡ mà không cần bất kỳ sự chuẩn bị hay logic nào trước đó. Cảm giác như các nhà làm phim lỡ vẽ ra một vấn đề quá khó, rồi đến phút cuối họ đành tung ra một giải pháp ngẫu nhiên để cứu vãn tình thế, bất chấp việc nó làm sụp đổ toàn bộ sự hợp lý của câu chuyện. Chính điều này khiến người xem như mình cảm thấy bị xem thường, vì rõ ràng đội ngũ sáng tạo không tôn trọng khán giả đủ để mang đến một kịch bản trọn vẹn và thuyết phục."

À mà ở trên mình mới chỉ nói đến nội dung và cách triển khai của Disney thôi nhé. Còn một vấn đề nữa, và cũng là điều khiến mình khá khó chịu với nội dung của bộ phim này, đó là yếu tố hiện đại mà phim cố gắng khoác lên mình. Sau thất bại của Mulan (2020), đáng lý ra Disney nên hiểu rằng không phải cứ hiện đại hóa, nhồi nhét thông điệp thời đại mới vào là sẽ thành công được. Vậy mà thật kỳ lạ, họ vẫn tiếp tục đi vào vết xe đổ ấy với Snow White 2025. Những thông điệp hiện đại, mà tiêu biểu nhất là về nữ quyền, được quảng bá rầm rộ trước khi phim ra mắt. Ừ thì chúng ta có một Bạch Tuyết chủ động hơn, mạnh mẽ hơn phần nào nếu so với nàng Bạch Tuyết ngây thơ, thụ động của bản 1937, nhưng cách Disney triển khai lại quá nông cạn và vụng về. Các thông điệp về nữ quyền trong phim không những không thuyết phục mà còn trở nên dở tệ.

Khán giả không ghét phụ nữ mạnh mẽ, họ ghét những tay viết tệ cố làm phụ nữ PHẢI mạnh mẽ !!!
Disney nói riêng và Hollywood nói chung dường như đang hiểu sai, hoặc cố tình bóp méo khái niệm nữ quyền. Họ nghĩ rằng một nhân vật nữ chỉ cần hành xử như đàn ông, mạnh mẽ như đàn ông, chiến đấu và hy sinh như đàn ông, loại bỏ hoàn toàn tình yêu dị tính, thậm chí là áp đặt việc 1 người phụ nữ thì không được làm người phụ nữ của gia đình thì đó là nữ quyền sao? Đây không phải là tôn vinh phụ nữ, mà là một tư duy áp đặt, một hình tượng nữ quyền độc hại đẩy khán giả đặc biệt là các khán giả nữ đang ở tuổi mới lớn, vào sự xa cách và khó chịu. Mình tin rằng nữ quyền thực sự là khi một nhân vật nữ được tự do làm những gì mình muốn mà không bị phán xét, là khi họ có thể đứng ngang hàng với đàn ông bằng chính năng lực và phẩm chất của mình, chứ không phải bằng cách hạ thấp IQ hay sức mạnh của các nhân vật nam, để làm nổi bật họ một cách gượng ép. Và trên hết, phụ nữ, cũng như đàn ông đều có quyền mong cầu tình yêu và hạnh phúc, bởi đó là điều mà bất kỳ ai cũng xứng đáng được nhận. Vậy mà thật đáng buồn, Snow White 2025 lại chẳng thể hiện được điều đó. Bạch Tuyết trong phim trở thành một hình tượng cứng nhắc, thiếu chiều sâu cảm xúc, và những giá trị nhân văn vốn làm nên sức hút của câu chuyện gốc đã bị đánh mất hoàn toàn trong nỗ lực 'hiện đại hóa' nửa vời này.

NHÂN VẬT
Về nhân vật, hãy nói về nhân vật chính Snow White do nữ diễn viên Rachel Zegler thủ vai. Điểm tích cực từ nữ diễn viên sinh năm 2001 này đó là mình thấy được cô đã nỗ lực rất nhiều để nhập vai hết mức vào nhân vật nàng Bạch Tuyết. Những phân cảnh hát của cô nàng thực sự là điểm sáng hiếm hoi, được thể hiện rất tốt với giọng ca đầy cảm xúc, phần nào chạm đến trái tim của mình và gợi nhớ đến chất nhạc kinh điển của Disney. Đáng tiếc, đây lại là tất cả những gì tốt nhất mà Rachel có thể làm được trong bộ phim này. Mọi thứ còn lại, từ tạo hình đến diễn xuất, đều là một chuỗi những thất bại đáng buồn.
Đầu tiên, mình phải chê tạo hình Bạch Tuyết của Rachel. Cô ấy có thể là một cô gái xinh đẹp, nhưng cô không hợp để đóng vai Bạch Tuyết – ít nhất là với hình tượng mà khán giả đã quen thuộc. Có thể mình hơi bảo thủ, nhưng hình ảnh Bạch Tuyết từ năm 1937, cùng với mô tả nguyên tác của anh em nhà Grimm về một nàng công chúa 'da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun và môi đỏ như máu', đã in sâu vào tâm trí không chỉ mình mà còn hàng triệu khán giả qua nhiều thế hệ. Dù phim có cố gắng thay đổi nguồn gốc cái tên 'Bạch Tuyết' để hợp lý hóa, mình vẫn không thể ngừng so sánh Rachel với phiên bản hoạt hình kinh điển. Và chẳng biết là vô tình hay cố ý, các nhà làm phim lại thiết kế kiểu tóc, trang phục cho Rachel theo cách càng làm nổi bật sự không phù hợp của cô với nhân vật này. Từ những lọn tóc xoăn cho đến bộ váy mang phong cách hiện đại, tất cả chỉ càng củng cố luận điểm rằng Rachel không phải là Bạch Tuyết mà khán giả mong đợi.

Rachel Zegler rất xinh, chỉ là cô không hợp để làm Bạch Tuyết

Disney cần "đá đít" hội hóa trang cho Bạch Tuyết trong phim này
Đó là mới chỉ nói về tạo hình thôi nhé, còn diễn xuất thì sao? Welp, trước khi phim công chiếu, Rachel từng chia sẻ rằng hồi nhỏ cô rất sợ khi xem bản gốc 1937, thậm chí cảm thấy nó kỳ cục. Cô cũng thừa nhận chỉ xem bộ phim đúng một lần duy nhất để nghiên cứu vai diễn. Chưa hết, trong không ít lần trả lời phỏng vấn, Rachel thẳng thắn gọi phiên bản 1937 là lỗi thời, tuyên bố Bạch Tuyết của cô sẽ hiện đại hơn, chủ động hơn, và không cần đến tình yêu như bản gốc. Nghe những phát ngôn như vậy, mình tự hỏi: nếu cô đã không thích nhân vật Bạch Tuyết, không trân trọng câu chuyện màu nhiệm mà Walt Disney tạo nên cách đây 88 năm, thì cô tham gia dự án này để làm gì? Một người không tôn trọng lịch sử, không tôn trọng nguyên tác, không trân quý những giá trị đã làm nên đế chế Disney như ngày nay, thì liệu họ có thể làm tốt vai diễn của mình không? Câu trả lời dĩ nhiên là không rồi.
Bạch Tuyết của Rachel đã không tốt 'nước sơn', thì chí ít phải tốt 'phần gỗ' để cứu vớt bộ phim, nhưng buồn thay, cô chẳng làm được cả hai. Những phân đoạn đòi hỏi cảm xúc sâu sắc đều bị cô thể hiện một cách gượng gạo, nét mặt thiếu tự nhiên như đang cố gắng quá sức mà không chạm đến được hồn của nhân vật. Những cảnh kinh điển từ bản 1937 vốn là biểu tượng của sự ngây thơ, kiên cường, sự kết nối với mọi người và muốn thú xung quanh lại bị Rachel diễn quá nông cạn, thậm chí phá nát giá trị gốc để thay bằng những hành động, lời thoại khiến mình không những không yêu quý mà còn dần ghét nhân vật này. Và rồi, đến phần thông điệp hiện đại mà Rachel luôn tự hào quảng bá, liệu cô có làm được không? Đương nhiên là không! Khi cái nền tảng cơ bản từ bản gốc cô còn chưa nắm vững, chưa thể hiện trọn vẹn, thì làm sao cô có thể nâng tầm nhân vật với những giá trị mới mẻ, sâu sắc hơn? Nhân vật của Rachel mắc những vấn đề rất tiêu biểu khi Hollywood làm phim về nhân vật nữ, họ cố gắng làm ra một kiểu nhân vật được gọi là “strong female character” hay “nhân vật nữ mạnh mẽ” vậy thì kiểu nhân vật này sẽ có những đặc điểm gì ?
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một nhân vật đáng nhớ là mối quan hệ của họ với những người xung quanh. Trong các câu chuyện kinh điển từ văn học, thần thoại cho đến phim ảnh, nhân vật chính thường không bao giờ đơn độc. Họ có thầy dạy (mentor), bạn bè, đối thủ, hay thậm chí là kẻ thù, và chính những mối quan hệ này định hình họ, thử thách họ, và giúp họ phát triển. Hãy nghĩ đến Luke Skywalker trong Star War: anh ấy có Obi-Wan Kenobi, Yoda, Han Solo, Leia, mỗi người đều đóng một vai trò trong hành trình trưởng thành của anh ấy. Sự gắn kết này không chỉ làm cho nhân vật trở nên sống động mà còn tạo ra một sợi dây cảm xúc với khán giả, bởi khán giả thấy được chính mình trong những mối quan hệ ấy. Ngược lại, kiểu “nhân vật nữ mạnh mẽ” hiện đại như Rachel thường được xây dựng như một thực thể độc lập, tự hoàn hảo từ đầu. Họ không cần ai hướng dẫn, không cần ai hỗ trợ, bởi họ đã biết hết mọi thứ và làm tốt mọi thứ ngay từ đầu. Điều này vô tình tạo ra một khoảng cách lớn giữa nhân vật và khán giả. Con người, trong thực tế, không ai sinh ra đã hoàn hảo. Chúng ta học hỏi từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, và thậm chí từ những sai lầm của chính mình. Một nhân vật không có sự tương tác ý nghĩa với thế giới xung quanh, không có những khoảnh khắc yếu đuối, không có sự nghi ngờ, không cần ai giúp đỡ sẽ trở thành một bức tượng đẹp đẽ nhưng lạnh lùng, chứ không phải một con người bằng xương bằng thịt mà khán giả có thể đồng cảm.

Ví dụ, trong The Lord of the Rings, Frodo Baggins không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có Samwise Gamgee, Gandalf, hay Aragorn. Sự phụ thuộc lẫn nhau này không làm Frodo yếu đi, mà ngược lại, làm nổi bật sức mạnh nội tại của anh ấy khi đối mặt với nghịch cảnh. Trong khi đó, nếu Rachel trong SW 2025 được miêu tả như một người không cần ai, không có những mối quan hệ để thử thách hay nâng đỡ cô ấy, thì hành trình của cô ấy trở nên vô hồn. Khán giả không thấy được sự phát triển, không thấy được sự đấu tranh nội tâm, và vì thế cũng không có lý do để quan tâm. Vấn đề thứ hai bạn là cách Hollywood né tránh việc để những nhân vật “mạnh mẽ” này thất bại, bởi họ sợ rằng thất bại sẽ làm giảm đi hình ảnh “mạnh mẽ” mà họ muốn xây dựng. Đây là một hiểu lầm nghiêm trọng về bản chất của sức mạnh. Trong thực tế, sức mạnh không phải là việc không bao giờ thất bại, mà là khả năng đứng dậy sau thất bại, học hỏi từ nó, và tiếp tục tiến lên. Một nhân vật không bao giờ thất bại không phải là mạnh mẽ họ chỉ là không thực tế.

Hãy nhìn vào thực tế, tay đua người Hà Lan, Max Verstappen mất 5 năm ở Red Bull, trước khi trở thành nhà vô địch F1 thế giới bốn lần liên tiếp. Cristiano Ronaldo từng khóc nức nở như 1 đứa trẻ ở trận chung kết Euro 2004, khi đội tuyển Bồ Đào Nha thất bại trước Hy Lạp, để rồi phải mất tận 12 năm sau anh mới có thể cùng đội tuyển nâng chiếc cúp danh giá của lục địa già. Những khoảnh khắc thất bại này không làm họ nhỏ bé đi; chúng là minh chứng cho sự kiên trì, lòng quyết tâm, và khả năng vượt qua nghịch cảnh, những phẩm chất thực sự định nghĩa một người mạnh mẽ. Nếu Ronaldo ghi bàn và vô địch ngay từ lần đầu tiên, liệu câu chuyện của anh ấy có truyền cảm hứng mạnh mẽ như ngày hôm nay không? Chắc chắn là không rồi. Trong phim ảnh cũng vậy.

Để có được 4 chiếc cup thế giới, Mad Max vẫn phải trải qua rất nhiều thất bại.

Hãy nghĩ đến nhân vật Sarah Connor của nữ diễn viên Linda Hamilton trong Terminator 2. Ở phần đầu, cô ấy là một người phụ nữ bình thường, sợ hãi và yếu đuối trước hiểm nguy. Đến phần hai, cô ấy trở thành một chiến binh, nhưng sự mạnh mẽ của cô ấy được xây dựng từ những nỗi đau, mất mát, và sự đấu tranh không ngừng nghỉ. Nếu Sarah được giới thiệu ngay từ đầu như một người hoàn hảo, biết hết mọi thứ và không bao giờ mắc sai lầm, thì hành trình của cô ấy chắc chắn sẽ mất đi sức hút. Ngược lại, Rachel trong SW 2025 dường như không có những khoảnh khắc thất bại để thử thách cô ấy. Mọi vấn đề cô ấy gặp phải đều được giải quyết quá dễ dàng, không để lại dấu ấn về sự trưởng thành hay thay đổi. Điều này không chỉ làm nhân vật trở nên nhàm chán mà còn đánh mất cơ hội để khán giả thấy được sức mạnh thực sự của cô ấy. Cuối cùng thông điệp mà những nhân vật như Rachel truyền tải. Khi một nhân vật được xây dựng như một hình mẫu “đã hoàn hảo từ đầu” và chỉ cần “phá bỏ xiềng xích” để tỏa sáng, điều này gửi đến khán giả đặc biệt là khán giả nữ một thông điệp sai lệch và nguy hiểm. Nó ngụ ý rằng phụ nữ không cần phải học hỏi, không cần phải cố gắng, không cần phải đối mặt với khó khăn hay thất bại, bởi họ đã vốn dĩ mạnh mẽ và hoàn hảo rồi. Đây là một lời nói dối ngọt ngào nhưng rỗng tuếch.

Thực tế, không ai sinh ra đã hoàn hảo. Sức mạnh không phải là thứ tự nhiên mà có; nó là kết quả của quá trình rèn luyện, đối mặt với thử thách, và vượt qua nghịch cảnh. Khi Hollywood liên tục cho ra đời những nhân vật nữ không có hành trình phát triển, họ vô tình làm giảm giá trị của những nỗ lực thực sự mà phụ nữ ngoài đời phải trải qua để đạt được thành công. Thông điệp “bạn đã hoàn hảo rồi” nghe thì tích cực, nhưng nó phủ nhận tầm quan trọng của sự đấu tranh, của sự trưởng thành, và của những mối quan hệ giúp chúng ta trở nên tốt hơn.
Hãy so sánh với một nhân vật như Ellen Ripley trong Alien. Ripley không bắt đầu như một siêu anh hùng; cô ấy là một thành viên bình thường trong phi hành đoàn, nhưng qua từng thử thách, từng mất mát, cô ấy dần trở thành biểu tượng của sự mạnh mẽ. Sự phát triển đó không chỉ khiến cô ấy trở nên đáng nhớ mà còn truyền cảm hứng cho khán giả, bởi nó phản ánh hành trình thực tế của con người.

Tổng kết lại, Rachel trong SW 2025 là một nhân vật quá hoàn hảo, không có sự gắn kết với các nhân vật khác, không trải qua thất bại đáng kể, và giải quyết mọi vấn đề một cách dễ dàng. Khán giả không cần một nhân vật hoàn hảo để ngưỡng mộ; họ cần một nhân vật mà họ có thể đồng cảm, một người có những vết sẹo, những sai lầm, và những chiến thắng được trả giá bằng mồ hôi và nước mắt. Thay vì tôn vinh sức mạnh thực sự của phụ nữ, Rachel lại vô tình trở thành một biểu tượng rỗng tuếch, một lời nhắc nhở rằng Hollywood đôi khi quá mải mê chạy theo hình ảnh lý tưởng mà quên đi bản chất của storytelling: kể về con người, với tất cả những gì làm nên con người, cả tốt đẹp lẫn không hoàn hảo và đặc biệt nhất là vụ nữ quyền. Trích lại 1 câu trong bài phỏng vấn nữ diễn viên Elle Fanning, người vào vai công chúa Aurora trong Maleficent: “Không cần phải mặc áo giáp, cầm kiếm, công chúa dịu dàng, mang đầy tính nữ, kết hôn, làm mẹ cũng là một cách thể hiện sự mạnh mẽ rồi.”
Nhân vật phản diện của Gal Gadot trong Snow White 2025 – Hoàng hậu độc ác – dường như đã trở thành tâm điểm của vô số lời chỉ trích từ cả giới phê bình lẫn khán giả, đến mức việc mổ xẻ thêm về cô ấy có lẽ cũng không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, khi nhìn lại cách xây dựng và thể hiện nhân vật này, không thể không thừa nhận rằng nó là một trong những điểm yếu lớn nhất của bộ phim, làm lu mờ cả tiềm năng vốn có của một vai phản diện mang tính biểu tượng như Hoàng hậu trong câu chuyện cổ tích gốc. Từ diễn xuất của Gal Gadot cho đến cách đội ngũ làm phim xử lý nhân vật, tất cả dường như đều góp phần tạo nên một phiên bản Hoàng hậu không chỉ thất bại trong việc gây ấn tượng mà còn khiến người xem cảm thấy khó chịu, thậm chí là bối rối. Trước hết, phải nói về nét diễn của Gal Gadot. So với Rachel – nhân vật chính được xây dựng quá hoàn hảo nhưng ít ra còn có chút sức hút nhờ sự trơn tru trong cách thể hiện – thì Hoàng hậu của Gal lại tỏ ra “đơ” một cách đáng ngạc nhiên. Diễn xuất của cô thiếu đi sự linh hoạt và chiều sâu cần thiết để truyền tải một nhân vật vốn dĩ phải toát lên sự hiểm ác, quyến rũ, và thông minh đầy đe dọa như trong bản phim hoạt hình kinh điển năm 1937 của Disney. Thay vào đó, Gal dường như bị kẹt trong một lối diễn cứng nhắc, thiếu cảm xúc, khiến những cảnh đòi hỏi sự bùng nổ về mặt tâm lý – như khi Hoàng hậu nổi giận hay âm mưu hại Bạch Tuyết – trở nên nhạt nhòa và không để lại ấn tượng gì ngoài cảm giác gượng gạo. Có lẽ một phần lỗi nằm ở cách chỉ đạo diễn xuất, nhưng bản thân Gal cũng không thể hiện được sự đột phá để nâng tầm nhân vật, đặc biệt khi đặt cạnh những phiên bản Hoàng hậu trước đây vốn đã rất xuất sắc trong việc làm người xem vừa sợ hãi vừa mê hoặc.

Về mặt kịch bản, nhân vật Hoàng hậu trong Snow White 2025 có chút thay đổi so với nguyên tác, nhưng những thay đổi này lại quá nhỏ nhặt và không đáng kể để tạo ra sự khác biệt thực sự. Chẳng hạn, nếu trong bản 1937, Hoàng hậu là hiện thân của sự kiêu ngạo và nỗi ám ảnh với vẻ đẹp, được thể hiện qua từng hành động tinh vi và cái nhìn sắc lạnh, thì ở đây, những thay đổi trong tính cách hay động cơ của cô lại chẳng mang lại ý nghĩa gì mới mẻ. Thậm chí, chúng còn làm lệch đi tinh thần cốt lõi của nhân vật một kẻ phản diện thông minh, xảo quyệt, và đầy quyền lực. Thay vì tận dụng cơ hội để làm mới Hoàng hậu theo hướng hiện đại hơn, chẳng hạn như khám phá sâu hơn nội tâm của cô, hay thêm một lớp chiều sâu để giải thích sự độc ác, đội ngũ làm phim lại chọn cách giữ nguyên những nét cũ kỹ mà không có sự đột phá, dẫn đến một nhân vật vừa thiếu sức sống vừa lạc lõng trong chính câu chuyện của mình. Những thay đổi này không chỉ không cần thiết mà còn làm suy yếu đi cái hồn của Hoàng hậu, thứ vốn là một phần không thể thiếu trong câu chuyện Bạch Tuyết. Một điểm đáng thất vọng khác là các cảnh hát của Hoàng hậu trong phim. Trong khi âm nhạc từng là một phần làm nên sức hút của bản 1937, thì ở đây, những đoạn hát của Gal Gadot lại trở thành một nỗi ám ảnh theo nghĩa tiêu cực. Chúng không chỉ gượng ép mà còn tạo cảm giác “cringe”, một sự lúng túng, khúm núm khó tả khiến người xem chỉ muốn tua nhanh qua. Giọng hát của Gal có thể không tệ, nhưng cách các bài hát được dàn dựng và đưa vào phim lại hoàn toàn lạc quẻ, không bổ sung được bất kỳ giá trị nào cho câu chuyện hay nhân vật. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất, và cũng là điểm khiến người ta đặt câu hỏi về ý đồ của đội ngũ làm phim là trí thông minh của Hoàng hậu trong Snow White 2025. Các quyết định của mụ hoàng hậu thiếu logic, các mưu đồ của cô quá đơn giản đến mức ngớ ngẩn, và cách cô bị đánh bại chắc chắn sẽ khiến khán giả tự hỏi: “Làm sao một nhân vật phản diện như vậy lại có thể là mối đe dọa cho bất kỳ ai?”. Cảm giác này càng được củng cố khi nhìn vào cách bộ phim dường như hạ thấp trí tuệ của cả Hoàng hậu lẫn khán giả. Đội ngũ làm phim dường như tin rằng người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ em hoặc gia đình chỉ có IQ ở mức “hàng chục”, không đủ khả năng nhận ra những lỗ hổng trong kịch bản hay đòi hỏi một kẻ phản diện có chiều sâu hơn. Kết quả là, Hoàng hậu của Gal Gadot không chỉ thất bại trong việc trở thành một đối thủ xứng tầm của Rachel mà còn biến thành một trò cười, làm giảm đi sức nặng của toàn bộ câu chuyện. Tóm lại, nhân vật Hoàng hậu của Gal Gadot trong Snow White 2025 là một minh chứng rõ ràng cho sự thiếu nhất quán và cẩu thả trong khâu xây dựng nhân vật của bộ phim. Từ diễn xuất “đơ” thiếu cảm xúc, những thay đổi không cần thiết so với nguyên tác, các cảnh hát gượng ép gây khó chịu, cho đến trí thông minh đáng nghi ngờ của nhân vật, tất cả tạo nên một Hoàng hậu không chỉ mờ nhạt mà còn làm hỏng đi trải nghiệm xem phim.

Về các nhân vật phụ, với các chú lùn, do thời lượng giờ đây còn phải phân bổ với cả 7 tên cướp hay quân cách mạng (mình gọi là vậy), vậy nên vai trò của các chú lùn trong phim cũng bị giảm đi phần nào, và cái ************* (vì đây là một bộ phim dành cho trẻ nhỏ và bài viết này sẽ được đăng lên facebook nên cần tránh ngôn từ tục tĩu) phim thực sự xây dựng cả 2 tuyến nhân vật cũ và mới đều siêu tệ, các chú lùn thì nhạt nhòa đến đáng sợ, chẳng để lại ấn tượng gì cho mình ngoài việc họ là một đám thợ mỏ sống trong rừng, sống thiếu đoàn kết với nhau hàng trăm năm trời và tự nhiên phải làm việc cho Bạch Tuyết vì cô bảo thế. Còn về 7 tên đầu trộm đuôi cướp thì ngoài vai trò có thêm tí gọi là “đổi mới”, nhóm nhân vật này gần như chẳng đóng góp gì cho tổng thể câu chuyện của phim.

Về nhân vật hoàng tử do nam diễn viên Andrew Burnap thủ vai. Anh ta thay vì là hoàng tử lại là người đứng đầu quân cách mạng và là 1 kẻ trộm sống trong rừng. Phần thể hiện của Andrew có thể tạm gọi là ổn, nhưng về cách mà phim phát triển nhân vật này, đồng thời là xây dựng mối quan hệ với nàng bạch tuyết của Rachel, nó chỉ mang lại cho mình một câu chuyện kiểu Tangled phiên bản kém hay hơn rất nhiều. Nhân vật Jonathan (không có Joestar), dường như cố gắng bắt chước nhân vật gã trộm điển trai, mũi đẹp Flynn Rider hay Eugene nhưng thất bại hoàn toàn 100%.

KỸ XẢO VÀ ÂM NHẠC
Về kỹ xảo, hình ảnh trong phim, nếu mình là cụ Walt Disney có lẽ sau khi xem xong phim này mình buộc phải nói câu nói kinh điển của bố già Don Vito Corleone: “"Look how they massacred my boy" hay "Nhìn xem chúng đã làm gì với con trai tôi kìa." Đó là câu nói của không chỉ thể hiện sự đau khổ, mà còn là lời than thở đầy cay đắng, nỗi đau đớn tột cùng của một người cha đã bất lực khi không thể bảo vệ được đứa con của mình. Đâu rồi hả Disney ? đâu rồi phong cách nghệ thuật đột phá, mới lạ ? Đâu rồi những mảng màu sắc thần tiên, kỳ diệu đầy nhiệm màu của thế giới cổ tích ? Mình và có lẽ là rất nhiều khán giả của thế hệ 8x, 9x và đầu 2000 đã từng rất say mê những bộ phim hoạt hình của Disney, nhờ phong cách nghệ thuật, âm nhạc trong mỗi bộ phim. Nhưng khi nhìn sang SW 2025, mình phải tự nhủ rằng : đây không phải là Disney mình đã từng yêu thích. Kỹ xảo trong phim quá rẻ tiền nếu so với kinh phí 250 đến 270 triệu USD, màu sắc trong phim thực sự có vấn đề. Các cảnh phim in sâu vào tiềm thức của mình từ phiên bản 1937 được đem lên Live-action một cách hời hợt, nhạt nhòa. Và đặc biệt nhất cũng như tồi tệ nhất trong phần hình ảnh, chắc chắn là tạo hình của 7 chú lùn. Nó cho mình thấy rõ đây là một sản phẩm của kỹ xảo máy tính khi trông 7 chú lùn vô cùng giả trân, thậm chí khi nhìn 7 chú lùn, mình gần như chẳng phân biệt được ai vào với ai vì nhìn ai cũng như thể đúc từ chung 1 cái khuôn vậy, nhìn lại bản năm 1937, mỗi chú lùn đều có một chất riêng, từ trong tạo hình cho đến tính cách và cái tên là thứ để nói rõ nhất họ, còn ở bản Live-action, điều đó chẳng được làm nổi bật lên chút nào.
Về âm nhạc, đây có lẽ là điểm cộng hiếm hoi của phim, khi phim vẫn mang đến một số ca khúc chấp nhận được. Nhưng nếu để so sánh với phiên bản năm 1937, thì có lẽ mình đang chẳng khác nào so sánh em bé sơ sinh với hydrogen bomb trong một cuộc chiến tay đôi cả.
TỔNG KẾT
Tổng kết lại, Snow White năm 2025, với tư cách là một bộ phim remake lại bộ phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của nhà Chuột đã thất bại hoàn toàn trong việc tạo ra một sản phẩm chất lượng. Nội dung hời hợt, đổi mới không đến nơi đến chốn, các nhân vật thiếu chiều sâu, thiếu sự đồng cảm, thiếu đi sự trân trọng tới chính nguyên tác hay lịch sử của hãng, kỹ xảo tồi tệ, hình ảnh trong phim yếu kém,.... tất cả đã tạo nên một bản remake thảm họa, thậm chí còn thua xa so với bản gốc năm 1937, chứ đừng nói gì là ngang tầm. Với tư cách là một người yêu thích những bộ phim của Disney, mình nghĩ đã đến lúc xưởng phim này nên hiểu rằng các sản phẩm hoạt hình trong quá khứ của họ khiến biết bao thế hệ say mê đó là phong cách nghệ thuật, âm nhạc,… chứ không phải là nhồi nhét các thông điệp xã hội vào rồi đi chê bai phiên bản gốc của nó. Mình xin phép chấm bộ phim này chỉ đáng 3,5/10, một sự thất vọng, báng bổ và như 1 cú đấm cực mạnh vào những fan lâu năm của Disney. Và để kết thúc bài review này, mình xin trích lại một câu nói mình rất thích của tác giả JRR Tolkien, cha đẻ của Lord of The Rings đó là: “Evil cannot create anything new, they can only corrupt and ruin what good forces have invented or made.” hay “Cái ác không thể tạo ra bất cứ điều gì mới mẻ, chúng chỉ có thể làm tha hóa và hủy hoại những gì cái tốt đã sáng tạo hoặc xây dựng.”


Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này