Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.

--={[ REVIEW SNOW CRASH ]}=--

🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑
7.0/10

TL;DR

Neuromancer, nhưng chân thực và cũng phê cần hơn.

GIỚI THIỆU CHUNG

Snow Crash là một cuốn Cyberpunk (hay đúng hơn là một phiên bản pha trộn giữa parody của dòng, và một tác phẩm nghiêm túc nằm trong dòng này) do Neal Stephenson sáng tác, xuất bản năm 1992. Truyện lấy bối cảnh ở một tương lai bất định nào đó, nhưng vẫn trong khoảng đầu thế kỷ 21 (vì con cái của cựu binh Thế Chiến II vẫn còn tầm tuổi 30). Nền kinh tế cũ về cơ bản đã sụp đổ, và khắp mọi nơi đều trở thành một miền đất tư bản vô chính phủ. Bất cứ ai tụ được tí tiền và tí nhân sự, chạy từ các tập đoàn, các tổ chức tôn giáo, các băng đảng xã hội đen, các nhóm người đồng hương tị nạn,… đều có thể tự quây lấy một khu đất và thành lập một tiểu quốc riêng cho chính mình. Thế giới giờ đây đã trở thành một chốn đầy nhiễu loạn, song cũng là một mỏ vàng cơ hội cho những kẻ đủ điên rồ và tàn nhẫn.
Và rồi một kẻ như thế đã xuất hiện.
Một ngày nọ, một loại virus mới bắt đầu xuất hiện. Nó chẳng hơn gì một bức ảnh đen trắng, nhấp nháy loạn xạ, Tuy nhiên, mọi hacker và lập trình viên nhìn vào bức ảnh đấy đều bị ngã quỵ, mất kiểm soát hoàn toàn khả năng ngôn ngữ, và thậm chí còn suy luôn cả não. Mọi chức năng cao cấp trong não họ đều bị đánh sập, chẳng khác nào một chiếc máy tính bị lỗi hệ điều hành. Thứ họ vừa trải nghiệm chính là Snow Crash.
Bất chấp sự nguy hiểm của mình, Snow Crash chỉ là một phần nhỏ trong một kế hoạch sởn tóc gáy, đe dọa sẽ phá nát cái nền văn minh vốn đã lung lay sẵn của loài người. Và giờ đây, Hiro Protagonist, một chàng hacker-kiêm-shipper-kiêm-kiếm-sĩ chết đói sẽ phải liên minh với những thành phần quái đản nhất trong một xã hội vốn dĩ đã rất quái thai, lần ngược những giai thoại lịch sử và tôn giáo mập mờ để truy ra gốc gác một bí mật kinh hoàng về bản chất của tâm trí loài người, đem tính mạng ra đặt cược trong cả thế giới thực lẫn thế giới ảo, những mong sẽ ngăn chặn được âm mưu đó cũng như kẻ đứng đằng sau giật dây mọi sự.

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Xét về một mặt, cốt của Snow Crash kịch tính vô cùng. Có hàng loạt phân cảnh hành động bắn nổ hết sức phê pha, kèm những màn rượt đuổi, đấu súng, đấu kiếm (ừ, kiếm 🐧 ) đầy ngộp thở. Pha trộn vào với nó là một óc hài hước thú vị, làm quá mọi thứ lên theo một kiểu rất nực cười, song cũng chân thực đến lạ, giúp mọi thứ cực kỳ dễ nuốt. Trong khoảng mấy chương đầu của truyện, anh em sẽ bị cái kiểu hành động điên điên của nó cuốn phăng đi, mãi không thể rời tay ra được. Đây hứa hẹn sẽ là một cuốn Techno Thriller rất hấp dẫn, dồn dập từ đầu đến cuối, và…
… và rồi mấy chương sau xuất hiện, và anh em nhận ra Snow Crash không phải là một câu chuyện bình thường.
Nó là một câu chuyện bị tâm thần phân liệt 🐧.
Trên lý thuyết, mọi thứ nhìn chung vẫn giữ đúng tinh thần ban đầu. Các cảnh hành động ngộp thở vẫn xuất hiện với tần suất hợp lý, và vẫn lôi cuốn chẳng kém gì ban đầu. Kết hợp vào đó còn là hàng loạt các mạch cốt phức tạp khác, dần dần dẫn ngược về một số bí ẩn trọng tâm, và các bí ẩn đấy dần được hé lộ là có chung cội rễ. Tuy nhiên, những phân cảnh đấy diễn ra theo một kiểu rất giật cục và rời rạc. Có những lúc, nó còn đảo lộn tuyến thời gian và quẳng các phân cảnh của mình đi lung ta lung tung. Và không, cái này không phải là một dạng thủ pháp nghệ thuật nhằm tung hỏa mù hay tạo cảm giác mập mờ như The Sparrow hoặc Blindsight đâu. Ở một số chỗ, ta sẽ có cảm giác như Neal Stephenson đang phóng phăm phăm thì sực nhớ ra chặng đường phía trước cần phải trải nhựa trước đã rồi mới đi tiếp được, thế là tự nhiên phanh kít cái xe lại, trèo xuống, nhảy lên xe lu làm đường cái đã, và một hồi sau thì quay lại lái tiếp như chưa hề có chuyện gì xảy ra hết. Ở một số chỗ khác, ta sẽ thậm chí còn chẳng thấy có bất kỳ lý do gì để tác giả phải đảo như thế cả. Nó tự dưng giật lùi hoặc phóng tít tới trước rất random, xong quành lại mà chẳng hiểu vì sao.
Càng về cuối thì cái kiểu kết nối lôm côm đấy càng lộ rõ. Ông anh cứ đảo xoành xoạch, lúc thì xọ chỗ này, khi thì đâm chỗ nọ, như thể được một tí thì nhớ ra là chết cha, còn cái này cái kia phải kéo vào nốt, và luống cuống buông thứ đang xử dở để quay sang giải quyết chúng nó. Thế rồi xem chừng ông anh có vẻ kiệt sức, và quyết định yolo tất cả, cắt phéng một số mạch đi cho đỡ lằng nhằng, và những mạch khác thì để chúng nó húc rầm đầu vào tường cho xong chuyện. Ừ, đúng là nếu xét chuẩn định nghĩa ra, đấy cũng có thể gọi là một cái kết, nhưng cái kết ấy sẽ chẳng khác nào ta cất trứng vào trong tủ bằng cách ném cật lực nó vào đấy: mọi thứ đều ở đúng vị trí rồi, nhưng chúng nó chỉ là một mớ nhoe nhoét, lộn xộn, không ra cái hình thù gì hết.
Một cái nữa cần bàn đến là cái truyện này có hai tông giọng riêng, một cợt nhả, một nghiêm túc. Như đã nói ở trên đấy, Snow Crash có thể được nhìn nhận như một dạng parody của dòng Cyberpunk, và ở những đoạn nó parody thấy rõ thì quả thực không nhịn được cười. Những đoạn nó nói nghiêm chỉnh cũng cực kỳ ấn tượng, đề cập đến các cách công nghệ có thể được sử dụng cũng như những thuyết về lịch sử và tôn giáo hay ho (lát đến phần thế giới sẽ bàn thêm sau). Khốn nạn một cái là cũng như cái cốt của mình, Snow Crash bị mắc cái tật không chập được hai cái tông đấy vào với nhau một cách mượt mà cho lắm. Có những chỗ nó chuyển tông một cách lởm khởm, đùng một cái đi từ parody sang nghiêm túc, làm ta có cảm giác mình như đang đọc hai quyển truyện khác nhau vậy. Có những chỗ thì nó lại cứ làm lẫn lộn thế nào ấy, với các tình tiết rõ ràng là chém gió phần phật, nhưng lại được đặt trong một bối cảnh nghiêm túc hoặc mô tả với một giọng nghe chừng khá nghiêm túc, thế nên chẳng tài nào hiểu nổi nó là parody hay chỉ đơn thuần là xây dựng cốt vụng về, khiến ta thay vì chìm đắm trong câu chuyện thì lại bị kéo tuột ra ngoài và suy nghĩ về bản thân chất lượng của cái truyện mình đang đọc.
Tuy nhiên, dù cái cốt ức chế đến vậy, Snow Crash được một thứ khác gánh cho mạnh vô cùng. Thứ đó là…

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Snow Crash có một thế giới cực kỳ phong phú và thú vị. Đặc biệt là bất chấp cái kiểu ngáo ngáo của mình, nhiều thứ nó làm chân thực đến bất ngờ.
Cái đầu tiên là về thế giới thực của Snow Crash. Trong tác phẩm, thế giới là một sự châm biếm rất hài hước nhưng cũng đầy đáng sợ về hai thái cực khác nhau: một là sự hỗn loạn sẽ nảy sinh khi chủ nghĩa tư bản vô chính phủ lên nắm quyền, hai là nguy hiểm tiềm tàng khi bỏ hết trứng vào một cái giỏ mang tên chính phủ trung ương. Và cả hai cái đấy đều được thể hiện chủ đạo qua cách nước Mỹ thời bấy giờ được khắc họa.
Đầu tiên, ta có cái chỉ trích của nó đối với chính phủ. Do những chính sách quản lý kinh tế đầy yếu kém, đặc biệt trước sự trỗi dậy của các giao dịch tiền mã hóa nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, chính phủ Mỹ đã gây ra một cuộc đại lạm phát khủng khiếp, tới độ đồng “Gipper” (tiền mệnh giá một tỷ tỷ) đã trở thành tiền lẻ. Tác giả đi vào khắc họa rất sâu tác động của hiện tượng đó, cả trong lẫn ngoài nước. Trong nước thì ngoài các khu vẫn còn do chính phủ điều hành ra, dân tình gần như chuyển hẳn sang dùng tiền crypto cho các giao dịch ảo, và tiền chính thức của các franchulate (các đặc khu do tập đoàn quản lý) như đồng yen hoặc Kongbuck cho các giao dịch tiền mặt. Ngay cả trong những đặc khu thuộc quyền chính phủ, đồng đô là Mỹ cũng đã trở nên vô dụng đến mức để mua một giấy vệ sinh thôi mà nhân viên phải mang tiền đến góp theo những cái xô to đùng, và bên quản lý phải đặt ra cả đống quy tắc luật lệ cực kỳ rườm rà để đảm bảo mấy cái xô tiền giấy này không gây hỏa hoạn hoặc chỉ đơn thuần bị nhân viên mang ra dùng thay giấy vệ sinh luôn cho đỡ lằng nhằng.
Ở quốc tế, sự sụp đổ của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng khiến hàng bao quốc gia khác lao đầu chết theo, đặc biệt là ở Châu Á và Đông Âu. Tình hình thê thảm tới độ có nguyên một đợt sóng người tị nạn ồ ạt tràn sang Mỹ, bởi vì dù xã hội nó loạn, ít nhất vẫn còn hàng đống băng đảng/tập đoàn cạnh tranh nhau để tạo việc làm, chứ không nát như thế giới hiện giờ. Những con người này tạo thành cả một cuộc khủng hoảng nhân đạo, hình thành một “quốc đảo” ngoài bờ biển Mỹ từ những con thuyền hoặc bất cứ thứ vật liệu nổi nào họ dùng để đến đấy, với cơ cấu xã hội và văn hóa riêng rất thú vị, song cũng đến ghê cả răng.
Về phần chỉ trích đối với tư bản vô chính phủ, ta có thể nhìn thẳng vào cách các franchulate hoạt động. Các franchulate có tên gọi chính thức là Franchise-Organized Quasi-National Entity (Tổ chức Bán quốc gia do Chuỗi nhượng quyền Quản lý), và đúng như cái tên của mình, chúng nó hoạt động như các tiểu quốc độc lập, không chịu sự quản lý của ai ngoài một tổ chức tư nhân nhất định (chạy từ các công ty thương mại cho đến các băng nhóm tội phạm). Mỗi thằng tự quyết luật lệ của mình, và cũng tự lo các khoản như trật tự trị an, cơ sở hạ tầng riêng, và điều này dẫn đến đủ thứ hệ lụy lằng nhằng.
Giả dụ, chỉ đi loanh quanh có vài ba khu phố thôi cũng hết sức rầy rà, bởi vì mỗi nơi là một quốc gia khác nhau, và muốn vào được thì phải có đủ loại hộ chiếu mang theo người (mặc dù ít nhất thời bấy giờ, hộ chiếu đã được tinh giản xuống thành một mã vạch có thể được gắn lên bất cứ đâu, và được quét rất nhanh gọn). Bên cạnh đó, mỗi khu còn có đủ loại vấn đề cần phải dè chừng nếu không muốn vào tù hoặc mất mạng nữa. Có những franchulate như New South Africa, White Columns, và Metazania thì phải đúng một màu da nhất định mới được vào, những khu như Mr. Lee’s Greater Hong Kong thì chỉ cần lỡ mang súng ống vào là sẽ bị một đám chó máy xông ra thịt ngay, những khu như United States of America (vâng, cả nước Mỹ giờ gói gọn thành một cái franchulate nhỏ 🐧 ) thì thủ tục quan liêu kinh khủng… Lớ ngỡ bước vào chỗ nào mà không biết luật là vô tội hóa tội phạm ngay. Và một khi đã bị bắt rồi thì phải khôn hồn thường lượng và xì tiền ra, nếu không muốn bị chở đến một nhà tù do tập đoàn ghẻ quản lý.
Cách các cái franchulate này làm tiền cũng rất cực đoan do không chịu sự quản lý của ai hết. Mỗi thằng đều hoạt động như một doanh nghiệp, có một ngành nghề kinh doanh chính riêng, và sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo gìn giữ thị phần hoặc sự độc quyền của mình. Ví dụ như NovaSicilia là một franchulate do mafia cầm đầu, và chuyên môn của đám này là buôn bán pizza. NovaSicilia không có một đối thủ cạnh tranh nào, bởi vì cứ ai ất ơ mở quán mới là sẽ bị Chú Enzo, bố già của cái franchulate này, cử đệ đến thịt liền. Một ví dụ khác là hai franchulate chuyên quản lý đường cao tốc, và có lần tranh giành nhau một ngã tư. Thằng nào cũng muốn phần hơn thuộc về mình, và rốt cuộc suốt một thời gian dài, cái ngã tư đấy cứ có đạn súng tỉa bay veo véo liên hồi, bởi đôi bên liên tục phái quân đến “thuyết phục” bên kia nhượng quyền cho mình.
Tiếp theo, ta phải kể đến khía cạnh thế giới ảo của cái quyển này. Đúng với truyền thống của Cyberpunk, Snow Crash cũng có một phiên bản thực tại song song, xây dựng trên nền tảng mạng Internet và công nghệ máy tính của riêng mình. Thế giới đấy là Metaverse (ừ, Metaverse 🐧 ), và nó sinh động với đa dạng chẳng kém gì cái Matrix trong Neuromancer của William Gibson. Tuy nhiên, nếu trong Neuromancer, William Gibson chém kiểu tung nóc nhà và tạo ra một Matrix ảo như phê cần, không tuân thủ bất cứ định luật lề thói thực tế nào ngoài những thứ ông anh tự chém ra, Neal Stephenson lại tiếp cận Metaverse theo một cách quy củ hơn hẳn. Nó vẫn có cái kiểu hoang dại, vô tổ chức như Matrix, nhưng lại được xây dựng dựa trên một cơ sở nghe cực giống mạng xã hội và các game MMO hiện đại. Stephenson đã mường tượng rằng Metaverse sẽ không chỉ là một sân chơi cho dân công nghệ đơn thuần, mà còn là chốn nơi ai ai cũng có thể tham gia, và làm bất kỳ công việc gì mình muốn như ở thế giới ngoài đời. Ta có bạn bè và các cặp đôi có thể hẹn gặp nhau ở bên trong không gian ảo đấy và đi tham gia đủ thứ trò vui khác nhau; ta có các công ty và cá nhân sử dụng nó làm văn phòng giao dịch để phối hợp công việc với đồng nghiệp, gặp gỡ đối tác, hay khoe sản phẩm và quảng cáo dịch vụ; ta có những người sử dụng nó để tra cứu và hình tượng hóa thông tin, phục vụ cho công việc của mình; ta có các nhóm khác nhau tổ chức những sự kiện online để tri ân hoặc kỷ niệm những nhân vật đặc biệt;…
Ngay cả các quy luật nền tảng để xây lên Metaverse cũng được trình bày theo một kiểu rất lôgic và sát thực. Chỉ lấy ví dụ mỗi cái avatar mà người dùng sử dụng để tham gia Metaverse thôi nhé. Chúng nó được cấu thành từ những khối 3D rỗng, và cai quản bởi các thuật toán phức tạp để có thể tương tác được với nhau song vẫn không bị cản trở tại những nơi mật độ avatar quá cao. Thứ Stephenson miêu tả nghe cực kỳ giống cái thuật toán xác định va chạm và tương tác mà các game hiện đại ngày nay sử dụng để đảm bảo nhân vật người chơi không bị lẹm xuyên các polygon cấu thành vật thể môi trường hoặc đâm xuyên qua nhau, nhưng vẫn phải đảm bảo khả năng quan sát ở những cho có quá nhiều vật có thể cản trở tầm nhìn hoặc làm tắc đường. Điều này cũng đi kèm với những hệ lụy rất thú vị riêng, chẳng hạn mod một avatar tàng hình phức tạp vô cùng, bởi modder phải đảm bảo các thuật toán xác định va chạm của mọi avatar lẫn vật thể trong metaverse vẫn xác định được nó và không gây lỗi hệ thống, song vẫn phải làm sao cho cái avatar này không bị ai trông thấy hay va phải và phát giác ra. Việc avatar bị giết xong trong thế giới game xong sẽ trông rỗng ruột ra sao và phải xử lý thế nào để người chơi khi “respawn” không tình cờ tạo ra quá nhiều avatar và làm chật Metaverse cũng được động đến (mặc dù cách giải quyết của Stephenson hơi cồng kềnh so với cái kiểu cứ xóa biến chúng nó như ngày nay). Đến cả việc độ sắc nét của hình ảnh avatar phụ thuộc vào độ trâu bò của phần cứng cũng được động vào theo một cách lý thú, mặc dù một lần nữa, tác giả hiểu hơi sai về công năng xử lý, thế nên chém hơi lệch chút, và bảo một thằng máy cùi sẽ vẫn render được Metaverse full HD như thường, có điều con avatar của bản thân thì render thành đen trắng ghẻ. Nhưng nói chung mấy cái đấy chỉ là sạn nhỏ thôi, còn nhìn đâu mọi thứ tử tế kinh khủng.
Khi kết hợp cả hai yếu tố trên lại, Metaverse vừa có một chất “bay” đọc mà thấy mê hồn, song vẫn có cực nhiều thứ ghì lại để trở nên chân thực bất ngờ. Chính vì lẽ đó mà nếu đọc vào Snow Crash, anh em sẽ thấy đây như một lời tiên tri cho Silicon Valley sau này. Cực kỳ nhiều thứ hoặc vô tình phát triển theo đúng cái đường hướng đã vạch ra ở đây, hoặc lấy cảm hứng trực tiếp từ nó để xây dựng thành sản phẩm thật, chạy từ các thanh niên “truyền thống” như Facebook, Google Earth, Second Life, cho đến mấy thứ mới hơn như Crypto với NFT. Đọc mấy đoạn về Metaverse mà mỏi hết cả cổ vì cứ phải gật đầu chào do gặp người quen suốt ấy 🐧.
Một cái cuối cùng cần phải nhắc đến là cách Snow Crash sử dụng và diễn giải rất sáng tạo nhiều điển tích tôn giáo cũng như thần thoại cổ để bàn về bản chất của thế giới cũng như sự khởi sinh của nền văn minh. Phần này mang tính spoiler cực kỳ nặng, thế nên mình không thể đi sâu vào đấy được, nhưng nhìn chung thì Stephenson cũng tiếp cận tôn giáo theo một kiểu như Metaverse ấy. Ông anh thể hiện rất rõ là mình đã dành thời gian nghiên cứu rất kỹ lưỡng về tất cả những thứ này, đặc biệt là khoản thần thoại Sumer, và sau đấy xâu chuỗi nó đến với gần như đủ thứ tôn giáo trên đời, cả chính đọa lẫn tà đạo. Tuy nhiên, cũng như ở Metaverse, Stephenson không bó buộc trong thực tại, mà rất mạnh tay chém ra đủ thứ kỳ vĩ và quái chiêu kinh khủng. Đọc những đoạn chém về các tôn giáo đấy cũng như mối liên hệ giữa chúng nó và cái bí ẩn cốt lõi trong Snow Crash mà thấy rất rõ là Bullshiticus đang nhập hồn vào Stephenson, bởi chắc chắn không thể nào cái mớ thanh niên phun ra có tí dính líu gì đến sự thật được. Nhưng thanh niên viết cực mượt mượt và trích dẫn nguồn một cách hết sức chiến lược, khiến ngay cả khi biết rõ đây là chém thì ta cũng không khỏi bị cuốn theo dòng tư tưởng của Stephenson, há hốc mồm nghe ông anh thao thao bất tuyệt về các ý tưởng của mình, dù chỉ là để nhìn xem rốt cuộc cái thằng cha này điên được đến độ nào.

NHÂN VẬT

Snow Crash cũng bị như Neuromancer ở một điểm là các nhân vật của nó làm rất chán. Hầu hết mọi nhân vật trong này đều chỉ có một chiều phẳng lét, không có mấy xung đột nội tâm hay gì sâu sắc cả. Bản thân mối quan hệ của họ với nhau nghe cũng rất khiên cưỡng, với nhiều chỗ thấy mấy người này chẳng có lý do gì để hành xử hay nghĩ về nhau theo cái kiểu đấy cả, ngoại trừ việc họ bị cốt ép phải làm thế. Có một hai nhân vật mình thấy đặc biệt thích trong này, bởi vì họ có một cái hành trình khá rõ ràng, hoặc ít nhất đại diện cho một cái theme thú vị. Nhưng khốn nạn là đội ấy chỉ là nhân vật phụ, và bị xây dựng theo một kiểu hơi giật cục thế nên cũng không cứu được khoản nhân vật của Snow Crash.
Ít nhất thì dù phẳng, mấy con người trong này cũng không đến nỗi khô khan. Vì tác phẩm vẫn có một nửa là parody, thế nên nó chém cho nhiều nhân vật lên theo kiểu “màu mè” lắm. Ta có Chú Enzo, một bố già mafia đúng chuẩn, nhưng về sau lại trổ tài đặc công dựa trên những kinh nghiệm thu được thời tham chiến ở Việt Nam theo một kiểu vừa ngầu vừa hài; có Y.T., một con bé shipper với quả ván trượt ảo tung chảo và sặc mùi edgy, chuyên đi ngoắc cần câu (vâng, cần câu, và không, đây không phải là nói quá 🐧 ) vào xe cộ để quá giang đưa hàng; có một gã Inuit đột biến phóng lao tởm như X-Men, đồng thời còn cài cho nguyên một quả bom nguyên tử kích nổ nếu não mình ngừng hoạt động; có L. Bob Rife, một phiên bản nhại của người đã sáng lập ra khoa luận giáo là L. Ron Hubbard, kết hợp với cái kiểu điên điên của Cave Johnson (CEO Aperture Science trong Portal);…
Nói chung là dàn nhân vật trong này phẳng thì phẳng thật đấy, nhưng bảo chán thì chưa chắc đâu.

TỔNG KẾT

Snow Crash là một tác phẩm khơ khớ sạn (và toàn sạn to đến nhai gãy cả răng chứ chẳng đùa đâu), và giống với một tập hợp các ý tưởng mà Stephenson muốn phô ra với cái cớ là đang kể chuyện hơn là một câu chuyện đúng nghĩa. Tuy nhiên, nội mấy ý tưởng đấy thôi cũng đã có một sức hút mạnh mẽ phi thường, gánh được cực kỳ nhiều nhược điểm của quyển truyện. Anh em nào trọng cốt với sự mạch lạc thì có lẽ nên tránh thật xa cái quyển này ra, nhưng nếu muốn thưởng thức một bức tranh đầy những mảng màu sặc sỡ và một mường tượng vừa chân thực, vừa phê cần thì hãy ngó qua Snow Crash thử nhé.
Xem bài viết gốc tại: