Bắt trẻ đồng xanh , một cái tên mà nếu một người thích đọc sách chắc hẳn đã từng nghe qua đôi lần. Đây là một tác phẩm văn học được dịch bởi Phùng Khánh và phát hành bởi Nhã Nam. Cuốn sách xoay quanh những câu chuyện khiến cho người đọc đồng cảm với một nhóc tì 17 tuổi vừa bị đuổi khỏi trường, và đang lang thang trước khi về nhà trình diện. Cuốn sách khá nhỏ gọn với 326 trang sẽ mở ra cho các bạn một cuộc chiến của các ngôn từ thực sự. Hãy đọc và cảm nhận.
TẠI SAO MÌNH LẠI REVIEW CUỐN SÁCH NÀY ?
Bắt trẻ đồng xanh

Mình mua cuốn sách bắt trẻ đồng xanh này cũng khá lâu rồi, đâu đó 3-4 năm về trước. Dạo trước, mình là một kẻ thích sách vì sách đẹp hơn là thích đọc sách. Và đúng vậy, mình chỉ mua những cuốn sách thực sự đẹp *ngặt nỗi thấy đa số những cuốn sách đều đẹp – có vẻ sở thích mình khá dị nhưng đó là mình*.
Bắt trẻ đồng xanh, nghe tên thì mình không tài nào hình dung nổi nội dung cuốn sách nói về cái gì. Mà thực ra cũng không quan trọng lắm, vì rõ ràng mình mua sách chỉ vì nó đẹp. Với thiết kế bìa rất đơn giản, chỉ một màu xanh lục đậm, tên sách “Bắt trẻ đồng xanh” màu trắng và tên tác giả “J. D. Sailinger” màu xanh ngọc bích – có lẽ vậy. Đơn giản nhưng không đơn điệu, và nó thực sự cuốn hút mình.
Đoạn mấy hôm nay mình đang tập lối sống không cần báo thức, nên mình đã tranh thủ kiếm gì đọc khi dậy sớm. Được review khá nhiều cũng như đánh giá khá cao nên mình quyết định đọc nó. Và mình đã hoàn thành nó trong vỏn vẹn một tuần – cực kì hưng phấn.
CÂU CHUYỆN Ý NGHĨA NẰM BÊN TRONG CUỐN SÁCH
Bắt trẻ đồng xanh

Nội dung cuốn sách chỉ xoay quanh mấy ngày sau khi nhân vật tôi kể chuyện – Holden Caulfield bị đuổi học khỏi trường dự bị Pencey danh giá. Không gồm những triết lý cao siêu, không đoạn gay cấn hay cao trào. Rải khắp câu chuyện là những câu nói tục và chửi đời như “bộ tịch”, “mắc dịch”, “trời đánh thánh vật”, “bỏ mẹ”, là những ngày lang thang khắp thành phố nước Mỹ của cậu với những ý nghĩ điên rồ hay trẻ trâu. Tuy nhiên, qua những câu chuyện của cậu nhóc 17 tuổi, mình thấy chính mình, những người thân của mình trong câu chuyện đó.
Là một nhóc tì 17 tuổi, với những suy nghĩ của tuổi trẻ bồng bột, trẻ trâu và ánh mắt nhìn đời hãy còn trong sáng. Cậu cho rằng cậu đang sống rất tử tế, với những giá trị đạo đức và rất là con người. Cậu lại cho rằng cuộc sống này thật đơn giản, nhưng con người lại đang chọn một cách sống quá bộ tịch, ai ai cũng đang đâm đầu vào kiếm tiền, làm giàu để ngồi trong xe sang, nhà hàng sang trọng và nói những câu chuyện hết sức bộ tịch. Cũng vì chán ghét những con người bộ tịch mà cậu không thèm học hành gì theo cách thầy cô muốn, để rồi bị đuổi khỏi ngôi trường Pencey.
Mặc dù với những suy nghĩ và lời nói tiêu cực, và cậu khinh ghét cả thế giới, nhưng tác giả lại rất thành công khi xây dựng được hình ảnh một cậu bé 17 tuổi và không để người đọc ghét bỏ cậu. Thay vào đó là sự đồng cảm với chính cậu. Bởi chúng ta đã từng như cậu.
Bên cạnh đó, ẩn sau một cậu nhóc quậy phá và nhìn đời bằng con mắt rất tiêu cực như Holden Caulfield, đó lại là một trái tim nhân hậu và lòng trắc ẩn. Nhân tiện, lòng trắc ẩn được khắc họa rõ ràng và hay nhất mình từng biết đến đó chính là tập phim “Nắng” – một phim chiếu rạp của Việt nam (bạn có thể tìm xem thử). Quay lại với Holden, lòng trắc ẩn của cậu chính là Allie – cậu em trai của cậu đã qua đời khi cậu 13 tuổi, đó là Phoebe Caulfield – cô em gái yêu quý của Holden, người mà cậu có thể cà riềng cà tỏi cùng suốt ngày đêm.
Vậy, tiêu đề bắt trẻ đồng xanh có liên quan gì tới câu chuyện? À… đó chỉ là một câu trong một lời bài hát thiếu nhi mà cậu nghe một cậu bé hát khi cậu đi lang thang. Rồi cậu trở nên thích thú và thích được chơi đuổi bắt với những đứa trẻ ở đồng xanh, thích rong ruổi khắp đồng xanh cả mùa hè.
Rõ ràng đây là một tác phẩm văn học nước ngoài, nên khi mình đọc phải kể đến công lao to lớn của người dịch, với những từ ngữ cực kì mới mẻ (thậm chí bạn sẽ chưa được nghe trước đó bao giờ) và lôi cuốn, tác giả đưa chúng ta tới với tác phẩm gốc một cách chân thực nhất.
LỜI KẾT
Cũng bởi là một tác phẩm văn học, nên như mình đã nói, sẽ không có nhiều châm ngôn triết lý trong cuốn sách này. Đổi là sự thấu hiểu và đồng cảm cho lứa tuổi mới lớn. Tuy nhiên, với một kết thúc mở, trong khi tràn ngập khắp nội dung sách lại là những ngôn từ và góc nhìn khá tiêu cực về đời, nên mình không nghĩ nó phù hợp với những bạn tuổi mới lớn, hay những bạn đang có suy nghĩ giống Holden. Cuốn sách sẽ phù hợp hơn với những người yêu thích văn học hay những người đã qua rồi cái tuổi thích đuổi bắt. Đọc để đồng cảm và hiểu cho em mình, con mình và cháu mình – những đứa trẻ đang như là Holden.
ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI đối với mình đó chính là sự yêu thương, thấu hiểu và đồng cảm. Giáo dục nhất thiết phải là đứng trên các phương diện này.
Và đừng quên hãy tìm hiểu thêm những cuốn sách về đời sống, những cuốn sách mang tính giáo dục, thúc đẩy động lực cao để bạn trường thành hơn nhé.

Nguồn : datvu.info