Bộ sách “Vô cùng tàn nhẫn Vô cùng yêu thương” của tác giả Sara Imas hiện tại đã ra đến tập 4, nhưng tôi vừa mới đọc xong tập 1. Tôi cho rằng đây là một cuốn sách bổ ích, nhưng còn đôi chỗ chúng ta nên cùng nhau tìm hiểu thấu đáo hơn trước khi áp dụng vào thực tế.
<i>ảnh: tiki</i>
ảnh: tiki
Nguyên tắc có làm có hưởng
Đây là nguyên tắc cơ bản nhưng thường hiếm xuất hiện nhất trong việc giáo dục con cái. Cha mẹ cung cấp cho con tài nguyên sống một cách vô điều kiện, bởi họ mắc kẹt trong suy nghĩ “mình sinh ra con thì mình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con”.
Sự chu cấp vô điều kiện này lập trình vào nhận thức của trẻ suy nghĩ hưởng thụ một cách đương nhiên. Nếu không điều chỉnh kịp thời, trẻ sẽ quên việc chúng đang sống trong căn nhà của cha mẹ, ăn thức ăn cha mẹ mua, học hành, giải trí bằng những đồng tiền cha mẹ vất vả kiếm được. Trẻ có thể trở thành tham lam, ích kỷ, dựa dẫm.
Nếu các bậc cha mẹ nhận thấy trẻ đang tận hưởng những tiện nghĩ trên mức năng lực của chúng quá nhiều thì cần nhanh chóng điều chỉnh. Hãy giao việc nhà cho trẻ để trẻ có thể nhận được tiền tiêu vặt hoặc khuyến khích trẻ đi làm thêm nếu đã đủ tuổi.
Nguyên tắc “có làm có hưởng” nên được khắc sâu vào suy nghĩ của cả cha mẹ lẫn con trẻ. Nếu trẻ không hiểu điều này thì sẽ rất khó sinh tồn độc lập và trở thành người có ích.
Lưu ý khi áp dụng: Cha mẹ không nhất thiết phải trở nên hà khắc, chi li tính toán hay đặt mục tiêu kiếm tiền cho con. Điều quan trọng là giúp trẻ hiểu “có làm có hưởng”. Nếu đó là tiền trẻ tự làm ra, thì trẻ có quyền lợi và cũng có trách nhiệm với số tiền ấy. Nếu đó chưa phải tiền trẻ làm ra, thì trẻ cần biết quý trọng, tiết kiệm và không được phép đòi hỏi.
Cần thận trọng để trẻ không hiểu lầm mọi thứ trên đời này đều có thể định đoạt được bằng tiền, tiền là thứ mình chỉ có thể xin từ cha mẹ hoặc “nhà mình không có gì ngoài tiền”.
Trì hoãn sự thỏa mãn, biết yêu đồng thời cũng biết dạy
“Sinh còn là việc ngay cả gà mái cũng làm được, nhưng yêu con lại là việc khác”-câu nói này được tác giả Sara Imas nhắc lại thường xuyên. Dường như trải qua nhiều biến động trong cuộc đời, từ Thượng Hải trở lại Israel, bà đã ngẫm nghĩ rất nhiều về cách nuôi dạy ba con nhỏ trong vai trò của một bà mẹ đơn thân.
Nuôi con đã khó, dạy con còn khó hơn. Vì nuôi con là bản năng, nhưng dạy con cần trí tuệ. Trên hành trình trưởng thành, ở mỗi thời điểm trẻ sẽ có các nhu cầu khác nhau. Có những nhu cầu chính đáng song cũng có nhu cầu mang tính chất đòi hỏi. Đây là lúc bậc cha mẹ cần khéo léo từ chối, trì hoãn sự thỏa mãn không chính đáng ấy. Nếu trẻ thích gì được nấy, thì sớm muộn tính cách cũng bị hỏng, trở thành “được voi đòi tiên”, ưa sống lãng phí, xa hoa.
Nuông chiều con cái quá mức cũng khiến trẻ trở nên kiêu căng, khó hòa nhập với bạn bè. Tính khí của trẻ theo đó cũng trở nên thất thường, thiếu chín chắn và hay đòi hỏi người xung quanh phải đáp ứng yêu sách.
Lưu ý khi áp dụng: Với những yêu cầu chính đáng, liên quan đến sinh tồn, sự an toàn của trẻ thì cha mẹ không nên chần chừ. Trì hoãn thỏa mãn cần dựa vào độ tuổi, hoàn cảnh cụ thể của trẻ. Khi từ chối, cha mẹ nên đưa ra thông điệp rõ ràng, thay vì ra mệnh lệnh mà không giải thích. Không nên thường xuyên bộc lộ tình thương, sự lo lắng cho con. Cha mẹ cũng nên tránh thể hiện sự nhu nhược, thiếu nhất quán, thiếu quyết đoán: trước “Không” sau một hồi lại thành “Có”. Trong những tình huống trẻ sử dụng nước mắt hoặc các hành vi chống đối thì nên cha mẹ tránh thỏa hiệp, vội vàng thuận theo. Vì trẻ có thể dựa vào phút mềm yếu này để thao túng, đòi hỏi cha mẹ trong tương lai.
Học buông tay
Cha mẹ không thể sống bên con cả đời. Người Do Thái chấp nhận hiện thực này nên họ có cách nuôi dạy con rất thông minh. “Mọi tình yêu trên đời đều hướng đến sự gắn kết, chỉ có tình yêu con cái là hướng đến sự phân ly”. Nếu con không thể sống thiếu cha mẹ, thì sao có thể nói cha mẹ thực lòng yêu thương và biết chuyển hóa tình yêu thương ấy thành cách dạy con?
Cha mẹ nên là người quân sư, người dẫn đường đáng tin cậy thay vì là người giám hộ vĩnh viễn hay nhà tài trợ vô thời hạn của con cái. Cũng không cần thiết phải lao tâm khổ tứ hoạch định số phận của đứa trẻ. Bởi dù cha mẹ có tính toán chu toàn đến đâu, thì phép tính vuông chẳng thể phù hợp với đứa trẻ tròn.
Sau qua trình nuôi dạy con tận tâm, rèn luyện con nghiêm khắc thì cha mẹ cần học cách buông tay để con sống cuộc đời của bản thân. Đời sống sẽ luôn không ngừng thử thách con người. Nếu mãi sống trong vòng tay của cha mẹ để trốn tránh thử thách, thì trẻ có nguy cơ trở thành những chàng trai, cô gái thiếu sức sống, buồn rầu, không thể ra quyết định và không biết làm gì với cuộc đời mình.
Lưu ý khi áp dụng: Buông tay không có nghĩa là bỏ mặc con. Cha mẹ cần chuẩn bị cẩn thận cho sự buông tay này. Đến khi nhận thấy con có thể độc lập ra quyết định, chịu trách nhiệm tốt với bản thân và những người xung quanh, biết phân biệt phải trái thì có thể buông tay để con học cách tự lập. Cần thận trọng, kiên nhẫn và liên tục điều chỉnh, bởi quả ngọt không thể đến sau một ngày.
<i>ảnh: Tiki</i>
ảnh: Tiki
Suy nghĩ cá nhân
Tôi thêm phần “Lưu ý khí áp dụng” bởi tôi tin rằng sẽ có không ít bậc cha mẹ hồ hởi áp dụng vế “vô cùng tàn nhẫn” mà quên đi phần “vô cùng yêu thương” đằng sau. Giáo dục nhân cách không phải là câu chuyện nay thì phương pháp Do Thái, mai theo kiểu Nhật, ngày kia theo kiểu Mỹ. Những cách tiếp cận theo lối “lướt sóng”, “hớt ngọn” rất nguy hiểm. Bởi chúng thiếu tính hệ thống, khiến hành vi của cha mẹ nhiễu loạn. Điều này gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Cá nhân tôi thích tựa sách là “Vô cùng nghiêm khắc Vô cùng yêu thương hơn”. Vì với tôi “nghiêm khắc” tích cực hơn (ít bị lạm dụng, ít để lại tác dụng phụ hơn) sự “tàn nhẫn”.
Ngoài ra, tôi ngưỡng mộ ý chí kiên cường và thành tựu nuôi dạy con mà tác giả Sara Imas nêu ra trong sách. Nhưng tôi không hứng thú lắm với cách trình bày dài dòng khiến cho cuốn sách có số trang dày hơn nhiều so với thông điệp tác giả muốn truyền tải. Có lẽ, những cuốn sách dày chưa hẳn đã là người bạn thân thiện đối với hầu hết các bậc cha mẹ trong thời đại công nghệ. Sự ngắn gọn, mạch lạc sẽ giúp các bậc cha mẹ dễ tiếp thu, áp dụng trong thực tế hơn.
Đó là cảm nhận của tôi về cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn Vô cùng yêu thương” (Tập 1). Các bạn nên trực tiếp tìm đọc sách để rút ra nhận xét cho riêng mình.