Osho là một con người thú vị. Một con người thú vị thì không chọn sống đời nhàm chán. Cuộc đời sôi nổi của ông sẽ được kể lại trong “Tự truyện Osho”.
Tôi biết đến Osho lần đầu qua một cuốn sách mang tên “Niềm vui sướng”. Ngày đó tôi là một chàng sinh viên đang lục đống sách cũ để tìm một thứ gì đó mà chính mình cũng không rõ. Hóa ra đó là cách mà Osho đã diễn thuyết, đã tung hoành và đã mê hoặc lòng người: Chỉ ra cho người khác thấy thứ mà họ thực sự muốn.
Nghe có vẻ hơi khôi hài, nhưng con người là vậy: muốn nhiều thứ nhưng không bao giờ nhận ra bản thân thực sự muốn gì. Đó là lý do họ loay hoay tìm kiếm, đạt được rồi lại kiếm tìm. Họ năng động nhưng không sinh động và sung túc bên ngoài nhưng lại túng thiếu bên trong. Osho nhận thức về hiện thực và bản chất của con người từ rất sớm. Dường như cuộc đời với ông là một trải nghiệm lặp lại, nên ở một góc độ nhất định, ông hoàn toàn đúng khi tự nhận bản thân đã chứng ngộ. Vì ông đã sống cuộc đời ông muốn sống và chứng minh cho người khác biết rằng họ chưa bao giờ biết thế nào là sống.
Osho được tờ Sunday Times ở London mô tả là một trong “1000 nhà kiến tạo của thế kỷ 20” và bởi tác giả Mỹ Tom Robbins như là “người đàn ông nguy hiểm nhất kể từ thời Chúa Giê-su”. Tờ Sunday Mid-day (Ấn Độ) đã chọn Osho là một trong mười người- cùng với Gandhi, Nehru và Phật- những người đã thay đổi vận mệnh của Ấn Độ.
(trang 435, “Tự truyện Osho”)
Vậy theo chính Osho, ông là ai?
“Osho
Chưa bao giờ sinh ra
Chưa bao giờ chết đi
Chỉ viếng thăm trái đất này từ
1931 – 1990”
(trang 432, “Tự truyện Osho”)
Có lẽ dù tôn sùng hay căm ghét, thì thế gian này cần Osho hơn là Osho cần thế gian. Điều đó là sự thật hoặc bằng đức tin cá nhân, ông biến nó thành sự thật.
Bài review này của tôi sẽ tập trung vào những bài học tôi cảm thấy có giá trị với tôi, thay vì cố gắng làm một điều bất khả là nghị luận về cuộc đời Osho. Dường như đó là trò đùa cuối cùng ông bày ra trước khi rời mắt đất. Người ta sẽ còn tiếp tục luận bàn về ông, tranh cãi về ông, ca ngợi hoặc phê phán ông, bắt chước ông nhưng không bao giờ nắm bắt được ông.
Bạn nên đọc sách “Tự truyện Osho” để biết vì sao lại là Osho chứ không phải ai khác được thích hoặc bị ghét bởi nhân loại nhưng chưa bao giờ được hiểu. Nhưng ông thì lại rất hiểu những người xung quanh mình.
Người Đạo sư
Osho là người mở lối. Ông sống và trò chuyện rất nhiều nhưng hiếm khi giảng dạy. Sự giảng dạy là thứ giết chết trải nghiệm sống. Đối với Osho, “giá trị cao cả nhất trong cuộc đời là: lòng yêu thương, sự vui cười và thiền định”. Bằng trái tim và biện tài ông đã đánh thức rất nhiều tâm trí, để cho họ được sống để nếm mùi vị của tự do, để tin rằng trên đời có sự tự do ấy. Trước khi biết đến Osho, họ không là ai cả hoặc là chiếc bóng của tất cả với những ẩn ức bị dồn nén. Nhưng Osho đã thức tỉnh họ, đã giúp họ “nổi loạn”. Sự thể này khá giống với tình huống trong tác phẩm “Bay trên tổ chim cúc cu” nổi tiếng: Dù không điên nhưng người ta bị làm cho thành điên hoặc phải cố gắng giả vờ điên để có thể hòa nhập với môi trường của trại thương điên. Nhưng tất yếu sẽ có một ai đó xuất hiện để thách thức toàn bộ hệ thống này.
Osho là người đã dám đương đầu với những thứ đã chết để cứu lấy sự sống. Bậc đạo sư ấy có đủ sự dũng mãnh và uy quyền của người sẵn sàng đương đầu với thế gian. Dù xã hội có quan niệm về ông bằng những lăng kính khác nhau ra sao, thì ông vẫn là đạo sư được những con người suy tôn. Xã hội chống lại ông, vì nó là một trật tự khô cứng, thích phân chia đẳng cấp và lạm dụng. Còn con người thì ủng hộ ông, vì họ khao khát được sống để tìm ra điều mà bản thân thực sự muốn.
Trong quá khứ có rất ít “người thầy”. Người ta thường đi hàng ngàn dặm để tìm một người thầy, để được ở bên cạnh ông ta. Có sự kính trọng rất to lớn, nhưng sự kính trọng tùy thuộc vào phẩm chất của vị thầy. Môn đệ hay học trò không bị bắt buộc phải kính trọng thầy. Sự kính trọng khởi lên một cách hồn nhiên.
(trang 161, “Tự truyện Osho”)
Tôn giáo phi tôn giáo
Osho không muốn tạo ra thêm các tôn giáo mới mặc dù ông thẳng thắn phê phán những nhược điểm của các tôn giáo cũ: tính chất tốt đẹp dần bị biến đổi bởi không ít tín đồ nhân danh lý tưởng để thỏa mãn bản năng.
Bằng việc thêm bớt từ ngữ, các tôn giáo bị chỉnh sửa, gọt đẽo để càng ngày càng hướng ra bên ngoài, hướng đến sự chia rẽ và khiến người ta mê tín. Những lãnh tụ lọc lõi có thể nhân danh tôn giáo để phát động các cuộc chiến, nhân danh tôn giáo để chiếm đoạt tài sản và nhân danh tôn giáo để tìm kiếm danh vọng, quyền lực. Họ cần các tổ chức tôn giáo như những công cụ đắc lực.
Osho muốn đập tan ý định này từ đầu. Vì mục đích của ông là giúp con người ta giác ngộ, dù cách làm của ông có gây ra nhiều tranh luận nhưng các phương pháp ấy chưa khi nào rời xa mục đích tối hậu là tỉnh thức.
Nếu tôn giáo đưa người ta đến tỉnh thức, nó lành mạnh. Nhưng nếu nó khiến con người trở nên mê mờ, cực đoan thì nó cần bị loại bỏ. Ai cũng có thể trích dẫn lời Osho nhưng không ai đủ tư cách kết tập lại lời nói của Osho thành kinh điển để nhân danh Osho. Lại thêm một trò đùa khác: cả cuộc đời Osho có quá nhiều tên gọi đến nỗi dù chọn danh xưng nào thì người ta cũng nhanh chóng vấp phải sự phản kháng của một phe đối lập được hình thành mau mắn không kém. Không ai có thể giương cao ngọn cờ khổ hạnh hay khoái lạc để tập hợp tín đồ thành lập tổ chức tôn giáo, vì Osho là cả hai. Số người thích ông và không thích ông, ủng hộ và phản đối ông luôn cân bằng.
Phật Zorba
 Con người mới này sẽ không thuộc về một trong hai thái cực- y sẽ vừa là cái này, vừa là cái kia. Con người mới sẽ vừa thế tục vừa “thiêng liêng”, vừa “thế tục” vừa “siêu thể”. Con người mới sẽ chấp nhận tính toàn thể của mình, và y sẽ sống với nó mà không có bất cứ sự chia chẻ nội tâm nào, y sẽ không bị chia chẻ.
(trang 337, “Tự truyện Osho”)
Nếu từng đọc “Zorba con người hoan lạc” thì bạn sẽ dễ hình dung điều Osho muốn nói. Thôi giả bộ, ngừng ra vẻ và chỉ đơn giản là sống thì con người sẽ ra con người. Con người là một vị Phật nhưng hầu hết chúng ta từ chối chấp nhận điều hiển nhiên này. Bi kịch nằm ở chỗ con người được dạy là nên hoặc không nên tin vào điều gì mà không được khuyến khích, tạo cơ hội thực chứng.
Chúng ta sáng tạo ra các vỏ danh từ và mang lớp vỏ ấy đến đứng trước gương rồi tự hỏi “tôi là ai?”. Câu hỏi ấy ngớ ngẩn đến mức là câu trả lời của nó rốt cuộc lại mang tới thêm một loạt danh từ vô bổ khác mà bạn tự nghĩ ra hoặc được nhồi nhét bởi người khác. Nếu Osho đi hỏi người khác ông là ai thì trên đời không bao giờ có Osho.
Ông tự khám phá để biết ông là ai và muốn gì. Hai điều căn bản này đã tạo ra vô số vĩ nhân nhưng lại bị rất nhiều thường nhân xem nhẹ. Thường nhân thích sự phức tạp, thích cái gì đó cao siêu, khó hiểu, còn vĩ nhân thì đơn giản hơn. Họ sống cuộc đời họ để biểu đạt chính mình để họ cảm thấy vui sống, đáng sống. Đời sống của họ thuận theo tự nhiên như một lễ hội tưng bừng có khởi đầu và có kết thúc, không dây dưa hay áp đặt kì vọng.
Nếu chú ý, bạn sẽ thấy mô tả về Phật Zorba không khác lắm so với một người bình thường trong số tất cả chúng ta. Đây là “vô môn quan” trước khi chứng ngộ: cánh cửa không có cửa, bởi chính tâm trí khiến chúng ta dừng bước trước sự thật. Vì không ai tin mình là Phật. Nên đã tương đối lâu rồi, nhân loại chỉ nói đến Phật quá khứ và Phật của tương lai còn hiện tại thế gian chưa có thêm các vị Phật mới. Con người vẫn say sưa đúc tạc rồi thờ cúng tượng Phật quá khứ - tương lai, trong khi họ chính là Phật sẽ thành, đang hiện hữu.
Thay cho lời kết
Nếu so sánh Osho với một món vũ khí thì tôi sẽ chọn con dao. Bởi đây là món đồ dùng được trong rất nhiều tình huống, linh hoạt, thoắt ẩn thoắt hiện và có thể tấn công từ mọi hướng, sở trường phòng thủ bằng cách tấn công.
“Tự truyện Osho” dĩ nhiên không phải là Osho, nhưng sách mang đến cơ hội để chúng ta phần nào cảm nhận được khí chất của một vị đạo sư giàu trí tuệ, rất biện tài, tính tình hoạt kê và sống ngang tàng một cách dễ thương.