Gấp lại những trang cuối quyển sách “Totto-chan bên cửa sổ” mình vẫn muốn dành thời gian nhắm mắt, hình dung về tuổi thơ của tác giả và cũng để cảm nhận lại tuổi thơ của chính mình. Quả thật, mọi thứ dưới con mắt trẻ con đều dễ thương!
Mỗi trang sách là ánh mặt trời, là lá, là hoa, là thanh âm hát ca, là cả một thế giới cần khám phá của Totto-chan, một cô bé thích đứng bên cửa sổ. Từng mảng ký ức có vẻ rời rạc được tác giả Tetsuko tự ghi lại thông qua những mẩu chuyện nhỏ diễn ra quanh cô bé cấp I “tâm hồn bay lơ lửng trên mây” nhưng lại có sức hút kỳ lạ khiến mình đọc liền một mạch không dứt ra được.
Điều thú vị là khi mình không còn được xem là độc giả thiếu nhi mà lại đọc truyện của một người lớn viết về đề tài trẻ em khắc họa dưới góc nhìn của tác giả khi đã trưởng thành tìm về tuổi thơ. Đó là những giá trị nhân văn, những phẩm chất cao đẹp về phương pháp nuôi dạy - định hướng thế hệ trẻ, vấn đề về chủng tộc, tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn, và cả tình yêu thương động vật. Mặc dù bất cứ “người lớn” nào sống trong thời bấy giờ đều ý thức được diễn biến cũng như viễn cảnh thế chiến thứ II đang và sẽ tác động lên nước Nhật, song lại hiếm khi đề cập trước mặt bọn trẻ bởi vẫn cảm thấy “may thay, vẫn còn được sống trong sự yên bình”. Và có lẽ chính từ quan điểm sống tích cực đó, Totto-chan cùng những người bạn của em đã có được cơ hội bước qua thời tiểu học đầy trong sáng, hồn nhiên, lung linh sắc màu trong tình yêu thương và sự chia sẻ dưới mái trường Tomoe - “một trường hiểu được tính cách của con bé và dạy cho nó biết cách hòa hợp cùng mọi người…”
Không những thế, mỗi một thông tin, hình ảnh tác giả nhắc về thầy hiệu trưởng Kobayashi, nhất là những lời bộc bạch ở chương cuối khiến người đọc không khỏi nể phục và xúc động. Mình cảm nhận được sự kính trọng, lòng biết ơn từ tận đáy lòng của Totto-chan (nay đã là diễn viên, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng) dành cho người thầy vừa bao dung trong lời nói vừa tâm huyết trong hoạt động “trồng người”. Hơn hết, dù không thực hiện được lời hứa trở thành là giáo viên nối nghiệp thầy nhưng Tetsuko cũng đã góp phần chứng tỏ được hiệu quả phương pháp hướng nghiệp “thuận theo tự nhiên” của trường Tomoe và truyền tải được nhiều quan điểm, thông điệp đến độc giả, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, các bậc phụ huynh, những người quan tâm và yêu mến trẻ em.
“Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra “phẩm chất tốt” ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người cá tính”.
Trân quý và lưu tâm!
------
Sách Chuyền Tay