[Review Sách] “Tôt-tô-chan cô bé bên cửa sổ" và ước mơ bên ngoài ô cửa sổ
Với dung lượng khiêm tốn nhưng giàu ý nghĩa, “Tốt-tô-chan cô bé bên cửa sổ” là một tác phẩm giúp người đọc có một góc nhìn sinh động...
Với dung lượng khiêm tốn nhưng giàu ý nghĩa, “Tốt-tô-chan cô bé bên cửa sổ” là một tác phẩm giúp người đọc có một góc nhìn sinh động về nền giáo dục mà mọi trẻ em đều mơ ước.
Câu chuyện kể về một cô bé bị đuổi học
Việc Tốt-tô -chan không còn tiếp tục được theo học tại trường cũ không khiến cha mẹ đánh hay mắng em. Mẹ em, bằng tình thương và bản năng của người mẹ đã tìm đến cho em một ngôi trường mới- có thể khác biệt, nhưng phù hợp với những đứa trẻ đang trong độ tuổi khám phá mọi thứ xung quanh mình- đó là trường Tô-mô-e của thầy hiệu trưởng Kô-ba-y-a-si. Để hình dung về Tôt-tô-chan, bạn đọc có thể tạm tưởng tượng như sau: Đó là một cô bé học lớp một, nhanh nhẹn, luôn có thể ca hát tùy ý, thích chơi những trò chơi do chính em cùng các bạn nghĩ ra và mỗi ngày đều có một dự định cho tương lai: lúc thì là một điệp viên, lúc thì là bác soát vé, khi lại là một diễn viên múa ba-lê…Ở cô bé có sự vô tư, hồn nhiên đặc trưng của mọi trẻ em bình thường trong lứa tuổi này. Nhưng cũng bởi sự vô tư ấy mà cô bé bị đuổi học tại trường cũ.
Sự khác biệt của một đứa trẻ bị từ chối sẽ dẫn đến rất nhiều tổn thương và cản trở quá trình hòa nhập thực sự sau này. Ở trong lứa tuổi học hỏi, khám phá thì mọi trẻ em đều có biểu hiện quan tâm nghiêm túc đến sự việc thậm chí rất nhỏ, cách thể hiện tâm tư, nguyện vọng cũng không có sự cân nhắc như khi đã ở lứa tuổi trưởng thành. Yếu tố động viên, khích lệ từ gia đình lúc này thực sự là một nền tảng hết sức quan trọng để định hình nhân cách cho trẻ. May mắn thay, Tôt-tô-chan có một người mẹ với trái tim hết sức nhân hậu và một người cha biết tin tưởng, ủng hộ con mình trước khi rời vòng tay cha mẹ để tiếp nhận sự giáo dục từ trường học.
Trường học với rất nhiều điều đặc biệt
Điều đầu tiên Tôt-tô-chan ấn tượng ở ngôi trường mới là thầy hiệu trưởng sẵn sàng ngồi nghe em nói chuyện liền bốn tiếng trong buổi đầu tiên mẹ đưa em đến trường. Thầy Kô-ba-y-a-si là một nhà giáo có phẩm chất tượng trưng cho rất nhiều nhà giáo yêu trẻ cũng như biểu hiện tình yêu ấy thông qua lắng nghe nhưng câu chuyện tuy nhỏ nhưng dễ thương của các em. Thật khó có thể hình dung ra một giáo viên thực sự với đầy đủ kiến thức chuyên môn song lại thiếu đi phẩm chất đáng quý này.
Ngôi trường Tô-mô-e khiến Tôt-tô-chan vô cùng thích thú. Hàng ngày em đều dậy từ rất sớm và ngóng việc đến trường. Em thích những phòng học vốn ở trường cũ là những tòa nhà nhưng ở đây lại được thay thế bằng những toa tàu, thích những người bạn mặc dù bị tàn tật nhưng lịch sự và thông minh, thích những tiết học mà các em có thể tự do chọn lựa môn học để thỏa sức sáng tạo. Em cũng thích những giờ ăn trưa thú vị với giai điệu do thầy Kô-ba-y-a-si sáng tác “…Nhai…nhai..nhai cho kỹ…” hơn nữa thầy còn thường đi một vòng với câu hỏi “ Các em đã có thức ăn từ rừng và từ biển chưa ?” vì thầy muốn chắc học sinh của mình luôn đủ dinh dưỡng.
Thầy biết dinh dưỡng tốt với những các em học sinh của mình cũng quan trọng không khác gì việc giáo dục. Trường Tô-mô-e hoạt động theo cách khác biệt như vậy nên tình cảm của các em học sinh với trường cũng thật đặc biệt. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, Tốt-tô-chan vẫn hay nghĩ “Chà, vậy là ngày mai mình sẽ lại được đến trường”.
Giáo dục ước mơ
Những trang cuối của cuốn sách được dành để miêu tả về những học sinh năm ấy của trường Tô-mô-e này đã là những con người khác nhau và điểm chung ở họ là đều đã trở thành những công dân có ích cho xã hội. Tác giả cuốn sách: cô Tét-su-kô Ku-rô-y-a-na-gi, sứ giả thiện chí của UNICEF, đã từng sang thăm Việt Nam năm 1988, chính là cô bé Tôt-tô-chan năm nào. Trong phần đầu lời nhắn gửi đến bạn đọc Việt Nam, tác giả đã viết: “Trường tiểu học mãi mãi là nơi tôi yêu thích nhất và không có người nào ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn thầy hiệu trưởng trường đó”. Cuốn tự truyện của tác giả khiến chúng ta phần nào thêm hiểu về vai trò và tầm quan trọng của gia đình, nhà trường trong công tác giáo dục trẻ em. Đó là một hoạt động bền bỉ, kiên trì, đầy tình thương song không thể không kể đến những khó khăn, rào cản. Tuy nhiên, sự thành công của hoạt động giáo dục ấy chính là gieo trong nhận thức của các em về ước mơ cùng lòng can đảm để thực hiện ước mơ ấy. Hi vọng độc giả trong tương lai sẽ tìm đọc cuốn sách để thực hiện một chuyến thăm quan đến trường Tô-mô-e để khi trở về sẽ mang theo mình những ước mơ năm nào của các bạn nhỏ.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất