[Review Sách] Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải
“Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là cuốn sách của tác giả Cao Minh. Tôi nhận thấy từ tên sách đến nội dung đều rất “chất”. Trong từng mẩu đối thoại, bạn đọc sẽ thấy lật sang trái là thiên tài nhưng lật qua phải lại thấy giống một kẻ điên
“Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là cuốn sách của tác giả Cao Minh. Tôi nhận thấy từ tên sách đến nội dung đều rất “chất”. Trong từng mẩu đối thoại, bạn đọc sẽ thấy lật sang trái là thiên tài nhưng lật qua phải lại thấy giống một kẻ điên. Nhưng nếu nghĩ đi để cho rằng kẻ đó là điên, thì nghĩ lại bạn thấy hình như mình vừa lỡ xúc phạm một thiên tài. Cao Minh “cao minh” ở chỗ đó.
Để viết sách “Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải”, tác giả đã dành thời gian thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn các bệnh nhân tâm thần và những đối tượng bị coi là “bất thường” để làm chất liệu cho tác phẩm. Văn phong của tác phẩm này có chút uyển chuyển nhưng cũng âm hiểm như một vực nước sâu không đáy, có đầu có đuôi nhưng để hoài nghi thì còn một số điểm nên hoài nghi vì đầu đuôi không ăn nhập. Sau khi ra mắt thêm bộ "Sổ Tay Nhà Thôi Miên", bạn đọc hẳn đã phần nào nhận ra sở thích “chơi chữ” và qua chữ “chơi tâm trí” của Cao Minh.
Người bạn của thiên tài và kẻ điên
Tôi tạm gọi tác giả Cao Minh bằng cái tên như vậy. Các mẩu chuyện của anh nhiều lúc rất phi lý nhưng lại nhanh chóng trở thành có lý khi tiếp cận ở góc nhìn khác. Điển hình như “Satan cuối cùng”, “Mùi vị của táo”, “Quân cờ”. Nhưng bạn đọc đừng quên tất cả những câu chuyện này đều đã qua lăng kính nhận thức và tái hiện lại của tác giả. Bởi anh chính là người đã xây dựng nên thứ mê cung tâm trí vô cùng hiểm nguy và cũng rất hấp dẫn này. Hấp dẫn ở chỗ cuốn sách giống một chuyến thám hiểm tâm trí ở tầng mức khá nguyên thủy của con người, nhưng nguy hiểm ở chỗ nó cũng có thể khiến bạn kẹt lại mãi mãi.
Nếu muốn làm bạn với một người là bạn của cùng lúc cả thiên tài và kẻ điên, thì bạn cần hiểu anh ta. Hiểu anh ta rồi thì bạn có thể an tâm bước tiếp trong thế cục anh ta dàn dựng, để chơi đùa với tâm trí của bạn.
Đối với tôi, chân tướng con người này nằm rõ nhất ở cuộc trò chuyện “Sáng sinh, chiều chết”. Vậy nên tôi sẽ chọn đây là phần trung tâm trong bài review của mình. Đọc sách Cao Minh mà phần nào cũng phân tích, không tính toán chiến thuật thì rất dễ trở nên “vô minh”, tôi nghĩ vậy. Tự dưng tôi lại nhớ tới một văn bản cũ kỹ và phần nào gây ám ảnh trong những năm học cấp 3: “Người lái đò sông Đà”. Có lẽ bởi tác giả cuốn sách cũng bày ra không ít “trùng vây, thạch trận” vừa “hung bạo, vừa trữ tình”.
“Sáng sinh, chiều chết”
Trong mê cung sừng sững tác giả gây dựng, thì đây có thể là viên gạch duy nhất có đủ khả năng khiến cho mê cung ấy sụp đổ. Bởi đoạn hội thoại này có sự tham gia trò chuyện của tác giả với một người được cho là có chuyên môn về lĩnh vực tâm lý học- tôi không khẳng định cả hai “bình thường” theo cách hiểu thông lệ của xã hội. Bạn cũng không nên hi vọng sẽ tìm thấy ai hoặc điều gì đó bình thường trong cuốn sách này.
Cô: “Ha ha, tôi muốn hỏi chút, bình thường cá tính của anh khá mạnh, vì sao có thể tiếp xúc với nhiều bệnh nhân như vậy? Hơn nữa họ đều có thể nói chuyện vui vẻ với anh?”
Tôi: “Tôi cũng mắc bệnh tâm thần mà”.
(trang 232, “Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải”)
Đoạn này chưa rõ là Cao Minh đùa hay đang nói thật. Nhưng có một điều chúng ta có thể thấy: anh tiếp xúc với những người tâm thần, trò chuyện với họ mặc dù chưa qua trường lớp đào tạo. Nhưng anh có cách khác thậm chí còn hiệu quả hơn việc được đào tạo, đó là trở nên giống họ. Vậy là do anh không khác họ hay do họ thực chất không khác anh? Và suy ra thêm, những người tâm thần có thực sự khác những người chưa bị tâm thần nhiều như chúng ta vẫn nghĩ không?
Dường như Cao Minh nắm được mấu chốt này, nên anh có thể tự do đi lại giữa hai thế giới. Cả thiên đường của thiên tài và địa ngục của kẻ điên. Nhưng đôi, lúc thiên đường lại dành cho kẻ điên còn địa ngục giam giữ thiên tài. Trong vai trò một người tìm kiếm, anh chấp nhận tất cả để được trải nghiệm. Nhu cầu này khiến anh thâm nhập được vào tâm trí của cả người tâm thần lẫn người chưa tâm thần. Đủ để họ và anh kết nối với nhau. Tiến sâu vào miền đất u ám ấy, Cao Minh đã phát hiện ra có ánh sáng:
Tôi: “Ồ...Trước khi chọn nhóm người này tôi đã phải cân nhắc rất nhiều. Cô nghĩ xem, người thế nào mới có khát vọng nói với người khác những điều như vậy? Nhất định là những người bình thường không được tiếp nhận. Những người không được thấu hiểu, bị coi là khác người. Họ rất muốn trao đổi với người khác hoặc từ nơi sâu thẳm của nội tâm rất muốn nói với người khác, cho dù che dấu nhưng so với người bình thường lại dễ tiếp xúc hơn nhiều, họ dễ nói với người khác rằng: Thế giới của tôi là như vậy! Còn những người được coi là bình thường lại rất khó thành thật, họ có quá nhiều đắn đo suy nghĩ. Như vậy tôi sẽ phải mất thời gian gấp đôi thậm chí gấp n lân để tiếp xúc với họ, quá mệt”.
(trang 233, “Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải”)
Sự lựa chọn và công nhận đã làm nên khác biệt, đã tạo ra ranh giới giữa con người với con người. Thiên Tài mà quá nhiệt tình bộc lộ rất có thể sẽ bị coi như Kẻ Điên. Để an toàn, họ chấp nhận giấu kín và làm thui chột tài năng của chính mình. Còn Kẻ Điên dám can đảm bảo vệ niềm tin cá nhân (dù đôi lúc lệch lạc) thì lại được tung hô như Thiên Tài. Nhận thức lầm lẫn này của nhân loại đã khiến chúng ta xây dựng thành công ảo tưởng về sự phát triển. Nơi Kẻ Điên dám sống, dám đấu tranh còn Thiên Tài thì sợ hãi và bị khuất phục. Để sinh tồn và được chấp thuận, Thiên Tài phải biết bất chấp, kiên trì để mang lốt của Kẻ Điên. Còn Kẻ Điên, để thoát khỏi sự loại bỏ của xã hội, họ phải tự ám thị mình thành Thiên Tài.
Đến đây tôi phần nào hiểu được trong tác phẩm kì lạ này không ai quan tâm đến việc trở nên bình thường (bản chất của việc trở nên bình thường đã là một dạng đóng vai), vì tất cả họ đều đã chọn xong vai mình cần đóng rồi.
Giải pháp của Cao Minh là gì? Anh rất khôn ngoan ở chỗ không biến vấn đề của người khác thành vấn đề của bản thân:
Các bạn nhất định rất muốn biết vì sao tôi dành nhiều thời gian, công sức như vậy để tiếp xúc với các bệnh nhân tâm thần, đây không phải thông tin nóng nên chẳng có gì không thể lộ ra cả.
Còn người khác nhìn nhận thế nào, tôi đều chấp nhận, vì thế giới này chính là như vậy, thừa nhận sự tồn tại của những thứ không giống với bản thân rất quan trọng. Năng lực chịu đựng của tôi không thành vấn đề. Buổi sáng mỗi ngày lúc “sinh ra” tôi đều chuẩn bị tâm lý ổn thỏa, chuẩn bị tiếp nhận những thế giới không giống nhau. Rồi đến tối hôm đó, tôi “chết đi”, kết thúc những việc cần quên lãng, lưu trữ những điều cần lưu trữ.
Tôi chính là như vậy, sáng sinh, chiều chết, đối diện với mỗi ngày.
(trang 239, “Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải”)
Đây là chân dung tự họa của Cao Minh. Vì vậy là một nguồn thông tin đáng lưu ý để bạn đọc hiểu thêm về anh. Nếu không hiểu anh ta, bạn sẽ không hiểu được “Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải” rốt cuộc đang muốn nói gì.
Với tôi, thực chất đây chính là một công trình tự sự của Cao Minh. Có không ít mẩu hội thoại và hình mẫu bệnh nhân mang tính chất biểu tượng. Họ là kết tinh của những nguyên mẫu, chân lý, tư tưởng, đức tin, truyền thống mà mỗi thế hệ đều được đưa vào tâm trí. Cao Minh có lẽ là một trong số đó, nên anh tái hiện lại chúng để giúp chúng ta nhận diện- còn giữ lại hay phá bỏ, thì còn tùy vào mỗi bạn đọc.
Để chọn ra phần hay nhất và cũng là bổ ích nhất, thì tôi luôn chọn “Sáng sinh, chiều chết”. Còn cách sống nào thông thái hơn, khi bạn và tôi ở giữa trùng vây của những thiên tài và kẻ điên?
Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải vậy ở giữa là gì?
Bạn có câu trả lời chưa? câu trả lời của tôi là con người. Tôi có suy nghĩ như vậy bởi hình như tâm trí con người là một quả lắc dao động giữa hai thái cực này. Bạn đã từng gặp ai đó có nội tâm bình lặng từ ngày này qua ngày khác chưa? tôi từng thấy họ trong những cuốn sách kể về các bậc thiền sư. Nhưng thú thực, bên ngoài trang sách, tôi chưa từng gặp ai như vậy.
Con người có thể là thánh nhân cũng có thể là tội nhân. Nên không có gì quá bất ngờ nếu họ có thể là Thiên Tài và cũng có thể là Kẻ Điên, là cả hai hoặc thậm chí là không phân biệt nổi hai điều ấy nữa. Đó cũng có thể là bí mật làm nên sức hút và sự ám ảnh của “Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải”
Thay cho lời kết
Cầm cuốn sách này lên rồi thì rất khó để đặt xuống, đặt biệt là những bạn ưa suy tư, tìm tòi và thích sáng tạo trong cuộc sống. Cao Minh đã rất khéo léo vận dụng ngôn ngữ để chuyển tải những ý tưởng sâu kín của mình. Tuy nhiên, tôi mong bạn đọc lưu ý “Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải” rất khác so với một tác phẩm nghiên cứu hay dẫn nhập về tâm lý học bài bản. Do đó, những điều anh kể có thể là đời thực dưới mặt trời, cũng có thể là văn chương dưới ánh trăng. Sau cuốn này, tôi có đọc tiếp hai tập của bộ “Sổ Tay Nhà Thôi Miên” cũng do anh viết. Tôi khám phá ra thêm những bất ngờ thú vị về phong cách sáng tác của Cao Minh. Nhưng tôi sẽ không chia sẻ mà để bạn đọc tự trải nghiệm, nếu muốn.
Cao Minh là một Nhà văn có tài, có hứng thú với tâm trí con người, có phong cách sáng tác độc đáo. Nhưng bạn đừng quá trăn trở hay hoàn toàn tin vào những gì anh viết, vì cuộc đời của Nhà văn là cuộc đời của những tự sự. Chúng ta ai cũng có quyền tự sự để chia sẻ, không phải để định hướng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất