“Trong lịch sử văn học Nhật Bản cho đến bây giờ chưa có một nhà văn nào có số phận bi thảm, phải tự sát đến năm lần như Dazai Osamu. Bi kịch của ông một phần do hoàn cảnh khách quan nhưng một phần do tính cách tạo thành định mệnh.”
Đây là những nét chính về Dazai Osamu. Tôi nghĩ bạn cần biết chút ít về ông, trước khi quyết định đọc bài viết này. Mong rằng những ai đang bị tổn thương, cần chữa lành, mất niềm tin vào cuộc sống hay trầm cảm sẽ cân nhắc thật kỹ. Bởi cuộc đời không phải là thứ chúng ta có thể tùy ý vứt bỏ, khi chưa hiểu phần nào về nó.
Cuốn sách tôi đang sở hữu của Dazai Osamu có những phần sau:
Thất lạc cõi người (được coi là đáng chú ý, bên cạnh tiểu thuyết “Tà Dương”)
Truyện ngắn: Đêm tuyết, Một trăm cảnh núi Phú Sĩ, Tám cảnh sắc Tokyo, Trưa xuân yên tĩnh.
Nỗi buồn chán len lỏi trong từng câu chữ ông kể về đời mình. Ông vẫn sống, vẫn mắc sai lầm như những con người đời thường. Nhưng tất cả mọi thứ với ông bất bình thường: ông sợ hãi con người những không thể sống thiếu họ. Tiền sinh hoạt phí của ông đến từ gia đình, nơi ông nương náu là những người phụ nữ yêu mến ông, văn nghiệp của ông là do một người thầy giàu lòng trắc ẩn chỉ lối. Ông nhận nhiều thứ trong kiếp người ngắn ngủi song dường như thế vẫn là quá dài, nên ông tìm cách tự sát theo cả những cách chậm rãi và quyết liệt.
Dazai Osamu nghiện thuốc an thần và rượu. Nhưng không phải thứ nghiệp ngập bung bét, mà là thứ nghiện ngập làm tăng nét phong trần nơi ông. Để ông cuốn theo cuộc đời bất định của mình những người phụ nữ tội nghiệp, khao khát tình yêu. Ông rất trữ tình nhưng cũng rất tàn nhẫn. Có lẽ, vì thế nên phụ nữ rất yêu ông và sẵn lòng tự sát cùng ông. Tính cách của ông mâu thuẫn như chính sự mâu thuẫn trong tâm trí của những người phụ nữ ấy vậy.
Đến lần tự sát thứ năm thì ông thành công. Đến lúc này, nhân gian buộc phải thừa nhận lý tưởng sống của ông là cái chết. Cái chết tự thân nó cuốn hút ông. Ông cảm thấy sợ hãi cõi người nhưng không thể không bám víu lấy nó. Cách đoạn tuyệt của ông với cõi người là từ bỏ xác thân. Nhưng thật đáng thương, các tác phẩm được yêu thích của Dazai Osamu khiến ông không chết mà lại tiếp tục (phải) sống. Sống trong lời khen, tiếng chê của hậu thế, của nhãn mác một tác giả chủ chốt của dòng văn học “Vô lại phái” (cái tên thật thê lương).
Nhưng tôi cảm nhận ông không phải là một con quỷ xấu xa, mà vẫn là con người. Chỉ có điều ông không biết cách làm người và cũng không muốn học cách làm người. Ông muốn bảo tồn một điều gì đó cho riêng mình, cho thứ tinh thần (hoặc thứ trống rỗng) chỉ mình ông hiểu mà sẵn lòng chết vì nó.
Cảm nhận về tác phẩm “Thất lạc cõi người” (hay còn biết đến với tên “Nhân gian thất cách”) của tôi? Hóa ra có những số phận như thế: lời khen tiếng chê, luân lý đạo đức, trách nhiệm với gia đình, xã hội chỉ tổn tại ở một cuộc đời rất khác với cuộc đời họ sống. Đó là những tâm hồn lạc lối nhưng không cần ai chỉ đường (và chưa chắc người ta đã có thể dùng tôn giáo, danh vọng, tiền tài, nhân tính chỉ lối cho họ). Đức tin với họ, nếu có, là không có đức tin nào cả. Sự cuốn hút đầy hiểm nguy này biến họ trở thành ngoại lệ đặc biệt trong cõi người. Dazai Osamu không thuộc về cõi người và cũng chẳng thuộc về cõi nào khác. Dù có lên thiêng đàng hay xuống địa ngục thì ông vẫn sống theo kiểu của ông, tôi tin vậy- có thể sẽ đau đáu tìm cách sống lại để rồi lại tìm cách chết đi.
Nhìn từ phương diện đạo đức, đó là một kẻ ích kỷ, tệ bạc, “Tù nhân, cuồng nhân rồi đến phế nhân”.
Nhìn từ phương diện văn học đó là một tài năng dị thường khi tự giã nát cuộc đời mình rồi mài nó thành thứ mực đen thẫm để sáng tác.
Nhưng nhìn từ góc độ một con người, thì đó cũng là một con người, để nói về chỉ đọng lại hai từ “đáng thương”.
Thay cho lời kết
Tôi biết đến Dazai Osamu qua một người bạn trên Noron. Em và tôi thường trò chuyện. Em từng có ý định tự sát và rất ngưỡng mộ Dazai Osamu. Sự nhiệt thành của em khiến tôi muốn tìm đọc tác phẩm của ông, để từ đó hiểu em hơn với hi vọng mong manh là khuyên em từ bỏ ý định tự sát.
Tôi muốn gửi đến em thông điệp là em không phải Dazai Osamu. Chẳng ai có thể là Dazai Osamu ngoại trừ chính bản thân ông ta. Hơn nữa, cuộc đời ông ta không phải là một tấn bi kịch do người khác mang tới, mà ông tự đạo diễn cuộc đời thành bi kịch để sáng tác văn chương. Ông có động cơ cho cái chết, một động cơ mang đầy tính cá nhân mà thiên thu vẫn gắn liền tên tuổi ông với dòng văn học “Vô Lại Phái”.
Em có cuộc sống của em, vì đó là cuộc sống, mà sự sống thì đáng quý, nên em hãy can đảm sống một cuộc đời đáng sống, cho đến khi cái chết tự nhiên tìm đến em.
Đối với tôi, dù là bất kì thứ nghệ thuật nào chăng nữa, nếu nó thúc giục người ta phung phí cuộc sống, thì nó không nên tồn tại.
Tôi thừa nhận tài năng của Dazai Osamu khi đọc tiểu thuyết ông viết. Nhưng với nhân cách, ý chí sống còn của của ông, tôi chỉ có thể đặt ra câu hỏi: đó là tất cả những gì ông có thể làm được khi sinh ra sao? Nếu ông đáp đó là định mệnh của ông, thì đúng là ông không thể thay đổi định mệnh ấy được.
Có vẻ định mệnh là một từ tử tế, vì nó an ủi những tâm hồn yếu nhược khỏi phải chịu trách nhiệm cho bất hạnh do tự họ tạo ra.
“Trong lịch sử văn học Nhật Bản cho đến bây giờ chưa có một nhà văn nào có số phận bi thảm, phải tự sát đến năm lần như Dazai Osamu. Bi kịch của ông một phần do hoàn cảnh khách quan nhưng một phần do tính cách của tạo thành định mệnh.”