“Mọi người đều xứng đáng có cơ hội để sống một cuộc đời khoẻ mạnh và tích cực”. Đó là mục đích to lớn và tốt đẹp của Quỹ Bill & Melinda Gates, “đứa con” của vị tỷ phú người Mỹ này hướng đến. Chính bởi nguồn năng lượng tích cực ấy đã thôi thúc bản thân mình chạm đọc những trang sách “How to avoid a climate disaster” (tựa sách tiếng Việt: Thảm hoạ khí hậu).Cảm nhận ban đầu của mình về cuốn sách có chút khô khan, bởi nó dày đặc những số liệu thống kê, biểu đồ. Tuy nhiên, nhờ vậy mà tác giả đã thành công trong việc minh hoạ và chứng minh những lập luận của mình một cách khoa học và dễ dàng tiếp cận người đọc. Nếu không phải là một người quan tâm đến bảo vệ môi trường, ắt hẳn bạn sẽ không muốn vật lộn với những con số này chút nào. Nhưng tin mình đi, nếu vạn vật trên thế giới này chỉ được tính toán bằng những con số thì sẽ vô cùng chán chường và tẻ nhạt. Đây là cuốn sách không phải để cố mà đọc, thay vào đó hãy cứ thả lỏng mình để đồng cảm, thấu hiểu những số liệu tưởng chừng khô khan ấy - chúng đại diện cho những gì đã, đang và sẽ xảy ra đối với Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta.Mở đầu cuốn sách là hai con số cực kỳ ấn tượng: 51 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà thế giới thải vào khí quyển mỗi năm; và con số 0: Mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới để ngăn chặn trình trạng gia tăng nhiệt độ và tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Mình thích cái cách khi Bill Gates xem biến đổi khí hậu là một vấn đề chờ được giải quyết, khác hẳn việc xem đó là một ngày tận thế của một số phong trào khí hậu: "nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, tất cả chúng ta sẽ chết.” Thật vậy, chúng ta đang gặp một vấn đề vô cùng phức tạp, nó liên quan đến hầu hết tất cả hoạt động của con người. Và để biến con số 0 là mục tiêu có thể thực hiện được, Bill Gates đã cung cấp các giải pháp hiện có và các rào cản chúng ta cần phải vượt qua trên mọi hoạt động phát thải khí nhà kính của con người: Sản xuất, Sử dụng thiết bị điện, Nuôi trồng, Di chuyển, Giữ ấm và làm mát. Mình tin rằng, nếu là một start-up trong ngành môi trường bền vững và chưa biết phải đầu tư vào gì cho tương lai, đây sẽ là một nguồn ý tưởng tuyệt vời dành cho bạn. Một điều mình thích thú nữa ở quan điểm về khí hậu của Bill Gates là ông đưa ra một góc nhìn rất đầy đủ và bao quát, công bằng và nhân đạo: “Sự bất công ở đây là những người nghèo về cơ bản không làm phát thải khí nhà kính, nhưng họ lại gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Với những người nông dân tương đối khá giả ở Mỹ và Châu u, khí hậu đang thay đổi theo chiều hướng không có lợi; nhưng với những người nghèo ở châu Phi, châu Á, đây có thể là vấn đề sống còn.” Hay “sẽ là vô đạo đức và bất khả thi nếu chúng ta cố gắng cản bước tiến của người đang ở bậc thấp trên nấc thang kinh tế. Chúng ta không thể mong chờ người nghèo tiếp tục khó khăn vì các nước giàu đã thải ra quá nhiều khí nhà kính.” Thật vậy, mọi người đều xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn và công việc của chúng ta là cần tìm giải pháp thay thế, không phải là loại bỏ những thứ đang làm cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.Xuyên suốt cuốn sách, lồng ghép những trải nghiệm thú vị của Bill Gates hay những hoạt động thiện nghiện của Quỹ Gates. Chính những mối băn khoăn của ông về việc thiếu tiếp cận với năng lượng cho người nghèo chính là nguồn động lực để đưa ông đến công cuộc chống biến đổi khí hậu. Ta cũng nhận thấy được tính cách hóm hỉnh của tác giả (hoặc tác giả đang cố gắng để cuốn sách bớt khô khan hơn :) ) qua những câu chuyện về những chú bò ợ hơi, về con cá bơi trong bể nước hay việc mô tả khí hậu như một chiếc bồn tắm vậy.Khép lại cuốn sách, ta nhận được không chỉ là một nền tảng để có thể tranh luận vào bất cứ cuộc nói chuyện về khí hậu nào, mà còn là nguồn cảm hứng để mỗi cá nhân góp một phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu. Khác với những cảm nghĩ lúc đầu, mình cảm thấy lạc quan và có niềm tin hơn vào mục tiêu con số 0. Mình xin kết thúc với câu nói của Bill Gates: “Chúng ta có thể bảo tồn khí hậu sao cho tất cả mọi người đều có thể thích nghi, giúp cho hàng trăm triệu người nghèo sống tốt nhất có thể, và gìn giữ hành tinh này cho các thế hệ tiếp theo.”