[Review Sách] Rừng Na Uy
Đây là cuốn sách nên đọc của Haruki Murakami. Nhưng đừng để tâm hồn của bạn bị mắc kẹt với nó, bạn nhé. Vì sách không chỉ đơn thuần...
Đây là cuốn sách nên đọc của Haruki Murakami. Nhưng đừng để tâm hồn của bạn bị mắc kẹt với nó, bạn nhé. Vì sách không chỉ đơn thuần hay, mà là hay một cách ám ảnh.
Ở bìa sách mới, chúng ta thấy trên bìa có dòng tít rất kêu: “Cứ 7 người Nhật thì lại có 1 người đọc Rừng Na Uy”
Vậy cánh rừng trong cuốn sách có gì đặc biệt?
Cánh rừng ấy đã từng được thể hiện trong ca khúc Rừng Na Uy (Norwegian wood) của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Giai điệu âm trầm của nó tiếp tục vang sang tác phẩm văn học cùng tên như không có lối thoát để tự biểu đạt.
Rừng Na Uy bế tắc thật nhẹ nhàng giống với số phận quẩn quanh của chính các nhân vật nó chứa đựng.
Trên chuyến bay vang lên giai điệu Rừng Na Uy, người đàn ông trung tuổi Watanabe của hiện tại nhớ về chàng trai Watanabe nơi quá khứ. Chàng trai Watanabe chứng kiến và là một phần trong tất cả mọi điều. Anh ta tham gia chỉ để chứng kiến. Anh ta thấu hiểu song không thể thay đổi mọi thứ. Đó là cách Watnabe sống.
Trong khu học xá đầy những nhân vật bất bình thường thì Watanabe dường như bình thường nhất. Một người bình thường có thể kết bạn với Kizuki hủy hoại bản thân ở tuổi mười bảy và cũng có thể kết bạn với Nagasawa sẵn sàng hủy hoại mọi người xung quanh khi mới hai mươi. Cũng chính Watanabe có thể cùng lúc yêu Naoko không còn là chính mình rồi yêu Midori luôn mong là chính mình và thoáng qua với Reiko đã từng đánh mất chính mình.
Đôi lúc, tôi tự hỏi nếu Watanabe thuật lại câu chuyện này thì liệu có thể tin tưởng anh ta hay không? Vì Watanabe là nhân vật duy nhất lên tiếng kể lại tất cả. Bằng trí nhớ hoặc cũng có thể là theo trí tưởng tượng của anh.
Thế giới âm u của Rừng Na Uy hình thành nên theo cách mơ hồ như thế đó.
Nếu đọc toàn bộ cuốn sách, chúng ta sẽ nhận ra các nhân vật dùng chính những bế tắc trong cuộc đời mình để trói buộc lẫn nhau.
Họ sống như bước đi trong sương mù rồi đưa tay ra kéo theo người khác khi sảy chân xuống vực sâu. Thế giới nội tâm của họ hấp dẫn giống tòa lâu đài thủy tinh thu hút người lạ bước vào, để rồi bất ngờ đổ sụp màn mưa sắc nhọn lên vị khách xấu số.
Thay vì sống, họ đã chết để đối diện với cuộc đời. Tuổi thanh xuân của Naoko – Midori – Watanabe đầy suy tư, dằn vặt. Họ luôn chọn thứ chắc chắn sẽ mất làm điều không thể thay thế.
Dù họ rất bất hạnh nhưng bất hạnh đã xảy ra trong đời họ cũng có thể xảy ra trong cuộc đời người khác. Trong bối cảnh đó, thì đâu ai là người hạnh phúc.
Những chấn động tâm lý ở tuổi mới lớn là tất yếu song sẽ dễ dàng hơn nếu họ không mang theo mình quá nhiều gánh nặng.
Naoko không cần phải ép mình chịu trách nhiệm về cái chết thiếu trách nhiệm của chị gái mình và Kizuki, bởi họ chọn tự sát để trốn tránh tất cả.
Midori không cần phải oán trách quá khứ và những người thân khốn khổ của cô. Quan niệm về hạnh phúc của họ khác cô, thêm vào đó họ cũng khốn khổ nên không thể nào mang lại hạnh phúc giống như cô mong muốn.
Watanabe rất cố gắng làm một người tốt, nhưng thực sự anh đã để mình bị kéo vào cuộc sống của người khác sâu đến độ vấn để của họ trở thành vấn đề của chính bản thân anh. Anh lạc hướng, sợ hãi và đầy bi lụy để rồi không thể cứu giúp được ai, bao gồm luôn bản thân mình.
Phải thừa nhận, Rừng Na Uy độc đáo ở chỗ chỉ bằng câu chữ mà chuyển tải lại chính xác cảm xúc mà tác giả muốn người đọc cảm nhận. Đó là niềm tiếc nuối sự kiện đã qua, cõi lòng thổn thức do hành động vội vàng, quãng trống trong tâm hồn mong manh ở giai đoạn trước khi bước sang tuổi trưởng thành của những người trẻ bơ vơ trong xã hội phát triển chóng mặt mà thơ ơ với số phận của con người sống trong đó.
Điều này tương tự như việc người ta thắp thật nhiều đèn sáng dọc mặt phố lớn xa hoa mà quên đi những con ngõ tăm tối, heo hút.
Để thưởng thức trọn vẹn Rừng Na Uy, bạn đọc không nên đến với nó từ quá sớm. Có lẽ, theo quan điểm của tôi thì khoảng trên hai mươi lăm tuổi là phù hợp.
Bởi nếu bạn đọc nó sớm hơn thì mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng cái cách mà trước đây, khi Rừng Na Uy được dựng thành phim, người ta thi nhau bàn luận sôi nổi: Nội dung phim là “nóng” hay “mát”- không hiếm khán giả hăng hái ra rạp chỉ để thỏa mãn sự tò mò ấy.
Nếu tìm tới Rừng Na Uy chỉ bởi tò mò, bạn dễ dàng hiểu sai tác phẩm. Trích đoạn tình cảm lãng mạn hay những cảnh ân ái thân mật sẽ khiến bạn chú ý hơn điều đang thực sự diễn ra trong nội tâm nhân vật vào thời điểm họ hành động như vậy.
Làm tình là một bản năng của con người, nó không xấu, không tốt. Vậy nên một cuốn tiểu thuyết có phần nào mô tả lại điều đó khi đang khắc họa các vấn đề của con người thì cũng là điều có thể chấp nhận được. Vì trong đời thực, đôi khi chúng ta né tránh các vấn đề mình không thể gọi tên.
Dĩ nhiên, quyết định đọc sớm hay muộn, đọc hay không đọc vẫn là lựa chọn của bạn. Song tôi mong rằng bạn sẽ không bỏ lỡ hoặc lãng phí cuốn sách sẵn sàng đưa bạn khám phá thế giới nội tâm bất bình thường trong những con người trẻ tuổi bình thường đang chật vật tìm cách xoay sở, hòa hợp với dòng đời.
Rừng Na Uy không nên là tiếng thở dài rền rĩ để làm tâm trạng của chúng ta ủ ê sau khi đọc. Trái lại, sách tô điểm thêm vào nét đẹp của đời sống bất toàn và nhắc nhở chúng ta trân trọng nhau hơn. Vì con người sinh ra là đã ở giữa khoảng sống và chết, cho nên thật lãng phí nếu không yêu thương nhau khi còn có thể.
Sợ cô đơn là điều hoàn toàn bình thường ở con người. Thế nhưng, nếu lúc nào cũng chỉ muốn người khác quan tâm đến mình thì bạn không thể thực sự thoát khỏi trạng thái cô đơn ấy. Bạn nên mở lòng mình và quan tâm đến những người xung quanh nhiều hơn.
Sự tồn tại chúng ta liệu còn có ý nghĩa gì khi chúng ta không thể giảm nhẹ những nỗi đau buồn của nhau, bạn nhỉ?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất