[Review Sách] Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối
Thêm một tác phẩm bất chấp thời gian, không gian và dung lượng trang sách, đó là cuốn: Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối- tác giả...
Thêm một tác phẩm bất chấp thời gian, không gian và dung lượng trang sách, đó là cuốn: Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối- tác giả Partrick Modiano.
Từng trang sách mỏng manh như minh họa sự mỏng manh trong thân phận kiếp người, kèm những rung cảm vụn vỡ của họ. Họ là người và có cảm xúc.
Tuy nhiên, trước dòng thời gian trôi vùn vụt, đầy lo lắng đời thường, thì cảm xúc ấy mang tính đa sầu, đa cảm hơn là thứ gì đó thực tế.
Quán cà phê Le Conde ở đất nước Paris hoa lệ- trong cùng câu mà lại khác xa nhau vì biên giới vô tận của thời gian. Biên giới thời gian đó đã chẻ nhỏ các nhân vật trong tác phẩm, chính nó cũng chẻ cuộc đời họ ra nhiều giai đoạn khác nhau.
Điều thú vị khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết tài tình, là bạn có thể nhìn thấy bản thân và những người người quen sống lại cuộc đời đã qua.
Trải nghiệm thật tuyệt vời, nếu đó là năm tháng tươi đẹp. Nhưng cũng rất phũ phàng nếu tuổi trẻ đã qua ấy còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải và nhiều quyết định mà mỗi lần nhớ lại chỉ khiến cho bạn trầm ngâm hơn.
Tôi sẽ review cuốn sách này song song với việc phân tích chút vấn đề tuổi trẻ thường gặp phải. Theo góc nhìn và kinh nghiệm của cá nhân tôi. Nếu bạn nghĩ nó chủ quan, bạn đúng. Nếu bạn cho rằng đây không hoàn toàn là review sách, cũng đúng nốt.
Tôi đã từng nói là tôi không ưa thích những tâm trí hạn hẹp. Nếu bạn chỉ muốn thấy điều gì đó đúng với sự chờ đợi hay quan điểm của bản thân thì hãy tìm nó ở nơi khác, bạn nhé.
Mở đầu là góc nhìn của anh sinh viên thường lai vãng tới quán cà phê.
Anh ta thích thú ngắm mọi người bằng khao khát sống cuộc đời nào cũng được, miễn không phải cuộc đời của chính mình. Trong thâm tâm, anh chàng muốn là ai đó, trừ anh.
Đây là vấn đề đầu tiên mà tuổi trẻ gặp phải- với ngập tràn những ví von, so sánh cùng lối ẩn dụ từ người lớn tuổi mang tới.
Sau khi thế hệ trước thất bại trong việc hoạch định cuộc đời, họ sẽ chuyển hướng sang thế hệ sau. Đó là lý do càng ngày càng có nhiều sự hoạch định vô lý được giải thích vô cùng hợp lý bằng vốn sống và vốn từ vựng phong phú của họ.
Anh sinh viên trong phần mở đầu còn chưa hiểu thể nào là thực sự được sống, thế nên ở anh đè nén khao khát được sống thay vì chỉ tồn tại. Anh không ghét việc học, nhưng học ở một nơi không thuộc về mình- dù nó có danh giá chăng nữa, chỉ càng làm anh mòn mỏi.
Bước vào quán Le Conde, anh từng muốn thừa nhận sự danh giá luôn gắn với kì vọng đang gặm nhấm anh từng phút ra sao. Tệ hơn, nó khiến anh chẳng bao giờ thực sự nằm ở phía tự do hay trói buộc, ở “tồn tại hay không tồn tại”.
Sau đó, là hồi tưởng của viên thám tử Caisley với vỏ bọc nhà xuất bản sách nghệ thuật.
Ông thừa nhận, nói đến việc là một nhà xuất bản sách nghệ thuật là bản thân ông đã nói ra cái ước mơ tươi đẹp từ hai mươi năm trước.
Ở tuổi trẻ của mình, ông đã làm tròn nhiệm vụ mà xã hội giao cho. Vậy nhưng ông chưa bao giờ thực sự hành động vì ước mơ của bản thân.
Có những tuổi trẻ đã sẵn lòng dành thời gian để làm điều bản thân cho rằng tốt nhất, vẻ vang nhất. Ông có nghề nghiệp là thám tử. Ông giỏi trong công việc, kiếm được thu nhập từ công việc. Thế nhưng, dường như Caisley không hài lòng với nghề nghiệp đó, với con người đã chọn nghề nghiệp đó, là chính ông.
Khi người ta nói ông làm tốt, là điều đó tốt cho họ, hay cho chính bản thân ông?
Caisley không thích việc mình làm, nhưng chấp nhận làm nó để kiếm sống. Thời điểm ông được quyền lựa chọn đã qua. Vì hai mươi năm tuổi trẻ không thể lấy lại nữa. Ông bước vào quán Le Conde để tìm chút dấu mốc cho sự hiện diện của mình, thế nhưng khi ông đã đánh mất điều mình từng coi trọng, thì ông không thể tìm lại được nó nơi người khác.
Thấm thía hiện thực của số phận con người, song lại mệt mỏi đến nỗi hờ hững với số phận của chính mình, Caisley đã tìm ra Louki và ông thấy được ở Louki điều mà chồng cô và tất cả những người xung quanh cô sẽ không bao giờ thấy: Louki thuộc về riêng cô, không của ai cả.
Cuối cùng là sự hiện diện của Louki và Roland.
Đôi bạn trẻ bước đến quán Le Conde chỉ bởi họ đang tìm kiếm thứ gọi là những vùng trung tính bên lề cuộc sống. Đồng thời họ muốn chứng minh tính đúng đắn của thứ dù có đúng đắn chăng nữa, cũng chẳng can hệ đến sự tỉnh thức của kiếp người: Quy hồi vĩnh cửu.
Cả hai có tuổi trẻ không muốn để ai can thiệp vào. Họ chiếm hữu thời gian, không gian cho riêng mình. Chính điều đó khiến họ hạnh phúc nhất và cũng bất hạnh nhất.
Thuộc về thế giới có dòng thời gian tách biệt, họ bước vào lối đi bản thân lựa chọn, để tìm thấy mình nhưng đồng thời cũng trốn chạy để không ai còn tìm ra mình nữa.
Hành trình ban đầu rất tốt đẹp ấy dần đi vào bế tắc. Họ cùng nhau chơi trò trốn tìm đến mức quá xa, để rồi không ai tìm được họ và họ cũng mất nhau mãi mãi.
Đó là bi kịch của những tuổi trẻ quá chìm đắm vào thế giới riêng của bản thân, đến mức tách biệt khỏi thế gian. Họ không thuộc về xã hội con người nữa, song cũng chưa thể nói họ đã tìm thấy thế giới họ nên thuộc về.
Louki và Rolland, hai bóng hình vô danh của quán Le Conde biết mất vào tĩnh lặng và thinh không như chưa từng tồn tại, chưa từng có tuổi trẻ.
Phải chăng, cái vĩnh cửu họ tìm đến chỉ là thứ vĩnh cửu mang tính khái niệm do họ nghĩ ra trên tháng ngày trôi dạt của bản thân?
Bạn hãy tự quyết định lấy trong khi đọc Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối.
Lời kết
Ở bìa sau của cuốn sách, tôi đọc được nhận xét “Hiếm tác giả nào khai thác di sản triết học của Guy Debord mềm mại như thế”. Nhận xét này khiến tôi hứng thú.
Tuần vừa rồi, tôi đã đi tìm di sản triết học ấy của Guy Debord: cuốn sách mang tên Xã hội diễn cảnh. Tôi sẽ đọc nó.
Nhưng tôi tin Guy Debord đã đúng phần nào. Vì những hình ảnh đang tràn lan chi phối không chỉ thị giác, mà còn là tâm trí, hành động của không ít con người trong thời đại kỹ thuật số này.
Nạn nhân yếu ớt nhất, đáng thương nhất của xu hướng ấy, lại là tuổi trẻ. Chỉ với những điều mắt thấy tai nghe song thiếu khả năng suy ngẫm độc lập, cụm từ “tuổi trẻ lạc lối” phần nào ám ảnh bằng vô số bóng dáng ở những hàng quán trong đời thực- đội ngũ tình nguyên viên mà ngay sau đó sẽ cung cấp hàng ngàn tấm ảnh cho thế giới ảo.
Người ta tìm đến nhau để ngày càng tạo ra nhiều khoảng cách với nhau hơn bằng những hình ảnh xuất hiện trên chiếc điện thoại lạnh lùng của mình- nơi giúp họ tìm ra, tạo ra những hình ảnh đẹp, thay vì những hình ảnh thật.
Hình ảnh đẹp đó có thể sẽ khiến họ càng ngày càng lạc lối hơn, vì nó đang dẫn đôi mắt của họ ngày càng xa khỏi cái đẹp trong khi làm người: Người thật.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất