Cuốn sách là tập hợp những chia sẻ cô đọng của J. Krishnamurti về tình yêu.
Nhưng ông không dừng lại ở việc “Nói về tình yêu” theo cách áp đặt suy nghĩ, đề ra các khái niệm hoặc ca ngợi hay lên án tình yêu theo cảm tính. Trong vai trò một người bạn, Krishnamurti giúp chúng ta nhận ra bản chất của tình yêu là gì và vì sao tình yêu thuần khiết không có đau khổ mà chỉ có những ngộ nhận về tình yêu mới khiến cho con người ta đau khổ.
Tình yêu không hoàn hảo cũng chẳng bất toàn; chỉ khi không có tình yêu thì hoàn hảo và bất toàn mới sinh khởi. Tình yêu không bao giờ tìm cầu một điều gì hết; không làm cho bản thân nó trở nên hoàn hảo.
Bìa trước sách Nói về tình yêu - J. Krisnamurti
Bìa trước sách Nói về tình yêu - J. Krisnamurti
Tình yêu không phải là bản năng. Nhưng vì bản năng dễ nhận diện nên không ít người quy chụp tình yêu với bản năng. Từ đó, tình yêu dần dần bị biến thành một giao dịch đổi chác để thỏa mãn nhu cầu. Thay vì tình yêu vô điều kiện, nhân loại tin rằng cần phải có điều kiện thì mới là tình yêu. Trong mối quan hệ lệ thuộc, lạm dụng lẫn nhau, các cặp đôi tin rằng họ đang yêu. Nhưng nếu đó đúng là tình yêu, thì vì sao họ chưa hạnh phúc mà chỉ có khoái lạc và sự khao khát khoái lạc? Vẫn còn đó mầm mống của sự hỗn độn giữa hoài nghi, ích kỷ, thiếu chung thủy và thói độc đoán.
Khi yêu bản thân, người ta tìm cách thay đổi người bạn đời của mình với cái giá là tình yêu.
Khi yêu người bạn đời của mình, người ta sẽ học cách chấp nhận họ bằng tình yêu.
Đã bao giờ bạn ngẫm nghĩ về điều này chưa? Như Krishnamurti nói về tương giao mờ nhạt giữa các cặp vợ chồng: họ kết hôn, sinh con, cùng nhau già đi nhưng chưa bao giờ thực sự tương giao với nhau. Luôn có khoảng cách. Chúng thường được ngụy trang bằng một lớp vỏ nào đó bên ngoài- thường là sự vay mượn các tiêu chuẩn xã hội, các khái niệm trong phim ảnh, tiểu thuyết lãng mạn.
Để thấu hiểu về tình yêu, sự thật, Thượng Đế, chắc chắn chúng ta phải không có những niềm tin, không có những suy đoán về nó. Nếu bạn có một ý tưởng về một sự kiện thì ý tưởng đó trở nên quan trọng chứ không phải là sự kiện đó.
Tình yêu là sự thật. Dù có diễn đạt theo nhiều cách khác nhau thì sự thật vẫn không thay đổi. Khi tình yêu đến, con người bằng lòng trao đi những điều tốt đẹp một cách nhẹ nhàng. Nếu quan sát những bậc cha mẹ chăm sóc con, một đôi bạn già đang cùng nhau ngồi sưởi nắng hay những người con dù trưởng thành song vẫn âu yếm với cha mẹ, bạn sẽ nhận thấy không cần thiết phải nói thêm điều gì về tình yêu.
Tình yêu, trí tuệ thì không cần dùng ngôn từ. Bởi dùng ngôn từ, chúng ta dễ trở nên sa đà vào các khái niệm, vào đúng sai mà quên đi bản chất. Tôi nghĩ không ai tự do hơn những người thực lòng biết yêu. Họ say sưa với cuộc sống mà không truy cầu cuộc sống. Họ cũng không dùng lý tính bức bách tình yêu với câu hỏi “Tại sao?”. Đó là đam mê, tình yêu của những cá nhân tự do. Tình yêu không phải là hành trình tìm ra một cá thể nào đó để chúng ta trút trọn vẹn vào, rồi kì vọng, rồi đau khổ khi không thể lấy ra.
Bìa sau sách Nói về tình yêu - J. Krisnamurti
Bìa sau sách Nói về tình yêu - J. Krisnamurti
Hãy yêu thương và đừng vướng vào những ý tưởng về chuyện tình yêu là gì, tình yêu không là gì. Khi bạn yêu thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Tình yêu có hành động của riêng nó.
Những người từng trải qua mối quan hệ tình cảm không hẳn đã là những người biết yêu. Chỉ những người biết yêu mới có mối quan hệ tình cảm kèm theo tương giao thực sự. Nếu chưa biết yêu là gì hoặc còn đang loay hoay với vô vàn câu hỏi “Tại sao?” về những mối tình đã qua và những mối tình chưa tới, thì “Nói về tình yêu” của J. Krishnamurti là cuốn sách bạn nên tìm đọc.