Mặc dù cuốn sách có tên là “Những bước đơn giản đến ước mơ” (tác giả Steven K.Scott) nhưng mong bạn đọc đừng hấp tấp ham muốn đạt được ước mơ một cách đơn giản, nhanh chóng. Không có thứ gọi là tuyệt chiêu hay bí kíp, mà chỉ có sự nỗ lực bền bỉ, đam mê, kinh nghiệm (và dĩ nhiên cả không ít lần vấp ngã) mới giúp chúng ta chạm tới ước mơ. Tôi nhận thấy hành trình và kết quả không tách rời khỏi nhau: giống như sự mệt nhọc và tầm nhìn của bạn khi leo cầu thang lên tầng 2 sẽ khác so với khi bạn leo tới tầng 10 một tòa nhà.
Cuốn sách tập hợp 15 bí quyết hiệu nghiệm được tác giả đúc rút ra từ những người mà ông cho rằng thuộc nhóm thành công nhất thế giới. Các bí quyết này lần lượt được giới thiệu trong Phần 2, 3, 4 của cuốn sách (phần 1 chủ yếu là lời giới thiệu và cũng cố niềm tin cho bạn đọc).
Chặt đứt sáu sợi dây xích
Sợi dây xích thứ nhất: Bạn được lập trình sẵn sự tầm thường
Có lẽ bạn nhận thấy điều này rất rõ khi so sánh trẻ em và người trưởng thành. Trẻ em thường có nhiều sáng kiến, mạnh dạn mơ ước và không ngại thử. Nhưng càng lớn, ý chí ấy càng trở nên bị cùn nhụt, tê cứng do hoàn cảnh. Dần dần, họ chìm trong đám đông với những quan niệm nặng nề về giới hạn, về việc phê phán sự khác biệt. Vậy nên không ít chàng trai, cô gái bước vào đời với suy nghĩ chỉ cần kiếm ra tiền để sống qua ngày, để sắm sửa đồ đạc như bao người khác là đủ. Não bộ không được dùng tới sẽ tê liệt còn trái tim không có nhiệt huyết thì cũng mau chóng nguội lạnh. Kết cục bị ràng buộc bởi một cuộc đời tầm thường là lựa chọn tất yếu.
Chúng ta cần kịp thời thay đổi quan niệm sai lầm này bằng cách lập trình lại bộ não vào lọc bỏ những niềm tin của đám đông, niềm tin vào lối sống tầm thường là điều bình thường. (Bí quyết hiệu nghiệm số 1: Lập trình lại bộ não siêu phàm của bạn).
Sợi dây xích thứ hai: Nỗi sợ thất bại
Con người thường sợ những thứ có ích nhưng lại thích những thứ vô bổ, đó là điều tôi rút ra được trong cuộc sống. Điều đó không có nghĩa là bản chất chúng ta xấu, nhưng nó thể hiện con người mong manh, yếu đuối và dễ bị khuất phục hơn là họ tưởng. Càng sợ thất bại thì càng trễ trong việc rút ra bài học. Càng trễ trong việc học thì càng dành phần lớn thời gian trong đời để hành động theo nỗi sợ. Đã đến lúc bỏ qua suy nghĩ “không làm gì để khỏi bị chê cười” và hướng tới ý nghĩ “dù được khen hay bị chê thì cuộc đời này cũng chỉ đến một lần” (Bí quyết hiệu nghiệm số 2: Vượt qua nỗi sợ thất bại).
Sợi dây xích thứ ba: Né tránh sự chỉ trích phê bình
Là một nhà giáo dục, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm người ta không sợ thất bại bằng nỗi sợ những người xung quanh cho rằng bản thân họ là kẻ thất bại. Những áp lực chỉ trích bó buộc con người, đày đọa họ với dằn vặt nội tâm và cuối cùng bóp nghẹt niềm vui học hỏi trong cuộc sống. Tin xấu là hầu hết mọi người xung quanh chúng ta thích phê bình nhưng không biết cách phê bình và thường phê bình dựa vào cảm tính thay vì lý tính. Nhưng tin tốt là bạn vẫn có thể “đãi cát tìm vàng” trong số những lập luận mà họ đưa ra. Chỉ cần không dùng cảm xúc để đối nghịch với cảm xúc, mà dùng lý trí để hóa giải cảm xúc, sau đó dùng chính cảm xúc để cân bằng lại cảm xúc, là bạn đã bước đầu thành công. (Bí quyết hiệu nghiệm số 3: Biến sự chỉ trích từ thù thành bạn).
Sợi dây xích thứ tư: Thiếu tầm nhìn rõ ràng và chính xác
Hầu hết người thân, bạn bè, thầy cô đều biết rõ điều bạn cần làm và điều gì là tốt cho bạn. Nhưng bạn thì không, bạn có nhận ra điều này không? Tôi thì thấy điều này đang ngày càng trở nên phổ biến. Chúng ta dựa dẫm vào công nghệ, công cụ và sự trợ giúp từ bên ngoài nhiều tới nỗi quên mất trách nhiệm hoạch định số phận là của bản thân. Quá mải mê chạy theo các thông tin bên ngoài, khiến cho tiếng nói nội tâm bên trong bị lấn át. Nếu đang cảm thấy mất phương hướng, có lẽ bởi bạn đang cố gắng tìm phương hướng ở bên ngoài thay vì bên trong. (Bí quyết hiệu nghiệm số 4: Có tầm nhìn sáng tỏ và chính xác).
Sợi dây xích thứ năm: Thiếu kiến thức
Sự thật là chúng ta sẽ luôn thiếu kiến thức. Bởi tốc độ kiến thức mới sản sinh ra nhanh chóng trong khi kiến thức cũ trở nên lạc hậu mau chóng không kém. Nhưng đó là lý do. Luôn có lý do khi chúng ta không thực sự muốn bắt đầu, còn nếu chúng ta thực sự mong muốn thì giải pháp thường khá đơn giản, ngay trong tầm tay: học và đặc biệt là tự học, tìm người để cùng học, cùng làm và hỗ trợ lẫn nhau. (Bí quyết hiệu nghiệm 5: Vượt qua việc thiếu kiến thức).
Sợi dây xích thứ sáu: Thiếu điều kiện
Tôi nghĩ việc thiếu điều kiện là trở ngại lớn nhất mà mọi người thường tự nghĩ ra, nêu ra khi có ai hỏi tới. Nhưng khách quan mà nói, dường như chẳng ai trên đời này là có đủ điều kiện để làm điều mình muốn: người có quá nhiều cơ hội thì không biết trân trọng, còn người không có cơ hội nào thì thường không biết cách tạo ra cơ hội. Sự bế tắc quẩn quanh ấy khiến con người ngó nghiêng lẫn nhau, oán trách tất cả để rồi ôm ấp nỗi tự ái và tiếp tục ca cẩm thay vì cải thiện. Mỗi người đều cần phải đối mặt và giải quyết các vấn đề cá nhân. Nên sẽ không có ai giúp bạn tạo ra điều kiện ngoài chính bạn. Bạn thiếu điều kiện? hãy tạo ra nó- Đây là thời điểm sự cần cù hoàn toàn có thể bù khả năng. (Bí quyết hiệu nghiệm 6: Vượt qua việc thiếu điều kiện).
Kích hoạt bảy động cơ cực mạnh
Các động cơ này được gắn liền với tên của các cá nhân thành đạt (như: Henry Ford, Steven Spielberg, Oprah Winfrey v.v…) nhưng tôi sẽ tập trung vào bản chất của chúng ngay để tránh bài viết trở nên quá dài dòng, lan man.
Bí quyết hiệu nghiệm 7: Đạt được nhiều hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn
Bí quyết hiệu nghiệm 8: Hãy mơ và đạt được những ước mơ không tưởng
Bí quyết hiệu nghiệm 9: Tuyển dụng đúng đối tác và cố vấn cho ước mơ của bạn
Bí quyết hiệu nghiệm 10: Kích hoạt động cơ “Tinh thần lạc quan”
Bí quyết hiệu nghiệm 11: Giao tiếp hiệu quả và thuyết phục
Bí quyết hiệu nghiệm 12: Tạo dựng lòng kiên trì
Bí quyết hiệu nghiệm 13: Kiểm soát thời gian trong đời, từng phút một
Tôi sẽ nêu cảm nhận về Bí quyết hiệu nghiệm số 9. Đây là phần tôi tâm đắc nhất vì nội dung khá hữu ích, thiết thực với một người quan tâm đến các hoạt động giáo dục như tôi. Những bí quyết còn lại xin dành tặng bạn đọc tự khám phá.
Có lẽ câu nói “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” không còn xa lạ. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc sống sẽ có giai đoạn việc đi nhanh được ưu tiên và cũng có giai đoạn khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất, chúng ta sẵn sàng để đi xa. Việc chọn lựa đối tác cần được cân nhắc thận trọng. Nếu chí hướng khác nhau thì chúng ta không thể đi xa được, mà thậm chí còn làm hao mòn thời gian, ý chí của nhau. Ngược lại, nếu lúc nào cũng làm mọi thứ một mình, thì bạn sẽ không có cơ hội học hỏi và phát triển. Sở trường luôn là sở trường, nhưng sở đoản cũng mãi là sở đoản nếu không nhận được những lời góp ý chuẩn xác, chân thành. Tôi tin rằng chọn đúng đối tác và cố vấn (mentor) sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa ước mơ của bạn.
Tác giả Steven K. Scott có đưa ra 4 câu hỏi để giúp bạn đọc xác định cố vấn (mentor)- có thể coi là “thẩm định” cố vấn trước khi trao một phần tương lai của bản thân vào tay họ:
1. Bản thân người này đã thành công trong lĩnh vực chuyên môn của họ đến mức nào?
2. Bằng cấp của họ có xác thực không?
3. Họ có phải là người chính trực không?
4. Kinh nghiệm cá nhân của người này có phản ánh mức độ thành công mà bạn mong muốn đạt được không?
Lần tới nếu muốn tìm cố vấn (mentor) thì bạn đừng quên những câu hỏi ngắn gọn nhưng rất hữu ích này, bạn nhé.
Đừng quên tiếp nguyên liệu và bật công tắc
Đây cũng chính là bí quyết hiệu nghiệm số 14 và số 15. “Cuộc sống là một đường chạy marathon, không phải đường chạy nước rút” nên bạn và tôi cần liên tục tiếp thêm nhiên liệu cho ước mơ của chính mình. Hãy thức dậy nhấn công tắc bắt đầu hiện thực thay vì ngủ vùi trong những giấc mơ đẹp. Mọi phương pháp, kinh nghiệm, lời khuyên mà người khác dành cho chúng ta chỉ thực sự có ích, nếu chúng ta áp dụng chúng ngay lập tức. Nếu cảm thấy quá khó để bắt đầu, hay chia nhỏ ra từng chặng và đừng quên bạn không cần thiết phải đi quá nhanh (theo tốc độ của những tấm ảnh mà người khác đăng trên facebook), miễn sao bạn đừng bao giờ lùi bước hay bỏ cuộc. Dù là một chú ốc sên, bạn vẫn có khả năng leo lên đỉnh núi, nếu ngày nào bạn cũng cố gắng bò về phía trước.
Thay cho lời kết
Cũng tương đối lâu tôi mới lại viết bài review về một tựa sách kỹ năng như cuốn “Những bước đơn giản đến ước mơ”. Đây là món quà tôi nhận được từ một nhà Khai vấn (coach) khi chị hẹn tôi đọc bài Tarot. Sau khi đọc xong, tôi nhận thấy đây là một món quà hữu ích nên được chia sẻ đến mọi người. Bởi nội dung khá cụ thể, ngắn gọn, thực tế và gọi tên đúng những khó khăn mà mỗi chúng ta thường gặp phải trên hành trình phát triển bản thân.
Chúng ta có tuổi nhưng những ước mơ thì không bao giờ có tuổi, giống như câu nói “Không phải người ta ngừng theo đuổi ước mơ vì họ già đi, mà họ già đi vì ngừng theo đuổi ước mơ”- (Gabriel Garcia Marquez, tác giả sách “Trăm năm cô đơn”). Dù là ai, đang ở đâu hay làm gì, nếu có ước mơ bỏ ngỏ thì bạn đừng từ bỏ. Vì ước mơ là ánh sao của đời người, có thể chưa đủ chói lọi nhưng đủ thông thái để chỉ ra cho chúng ta phương hướng đến với những điều tốt đẹp mà chúng ta xứng đáng có được trong đời.