[Review Sách] Nghệ thuật sống
Theo lời của người dịch (Đỗ Tư Nghĩa) bản Việt ngữ, cuốn sách “Nghệ thuật sống” là một bản thuyết minh tư tưởng của Epictetus.
Theo lời của người dịch (Đỗ Tư Nghĩa) bản Việt ngữ, cuốn sách “Nghệ thuật sống” là một bản thuyết minh tư tưởng của Epictetus. Sách gồm 2 phần chính là “Cẩm nang thư” và những lời dạy khác về cách sống được trích và thuyết minh từ tác phẩm “Discourses” của Epictetus.
Tôi nghĩ nếu từng đọc cuốn “Suy tưởng” của Hoàng đế Đế quốc La Mã Marcus Aurelius Antoninus, bạn đọc sẽ cảm thấy hứng thú với “Nghệ thuật sống”. Bởi Epictetus là thầy của Hoàng đế Marcus Aurelius Antoninus. Điều này khiến tôi cảm thấy sách của ông đáng đọc hơn- không phải bởi vì ông có học trò là Hoàng đế, mà bởi ông đã sống đúng như những gì ông dạy thì mới có thể chuyển hóa học trò sâu sắc đến như vậy.
Trước khi vào bài viết, tôi mong bạn đọc sẽ trực tiếp tìm đọc cuốn sách này. Bởi có lẽ bài cảm nhận của tôi sẽ mang yếu tố tự sự, chủ quan và đôi khi xa rời lý tính mà tác giả Epictetus khuyên chúng ta nên hướng đến. Nhưng cũng xin được nói thêm là tôi cảm nhận Epictetus không hẳn là một nhà duy lý, tư tưởng của ông không phân chia ra Đông – Tây. Tư tưởng của ông giống một con suối rất tự nhiên, hài hòa với cảnh quanh, nuôi dưỡng sinh vật và sau cùng dù có bất kỳ chuyện gì xảy đến, con suối ấy vẫn sẽ tìm được đường ra biển.
Tôi sẽ chia sẻ cảm nhận của mình về ba chủ đề chính được trình bày trong sách. Ba chủ đề này được coi như đơn thuốc của cuộc sống tốt đẹp, gồm:
- Làm chủ những dục vọng của mình.
- Thực hiện những bổn phận của mình.
- Và học cách suy tư một cách rõ ràng về chính mình, cùng những mối quan hệ của mình bên trong cộng đồng lớn hơn của nhân loại.
Làm chủ những dục vọng của mình
Con người là một giống loài dù dại khờ hay thông minh thì vẫn luôn khao khát. Có điều, đối tượng khao khát của họ khác nhau. Tôi nhận thấy theo các truyền thống tôn giáo thì dục vọng là thứ gì đó xấu xa cần bị chế ngự. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên phân biệt giữa dục vọng và bản năng. Bởi bản năng là điều tự nhiên và không có thứ gì trong tự nhiên là “xấu” cho đến khi con người tuyên bố như vậy. Còn dục vọng là bản năng kèm theo thói tinh khôn để thỏa mãn bản năng đó. Theo tôi, dục vọng là thứ đáng sợ hơn bản năng, vì nếu so sánh bản năng với đứa trẻ ngây thơ đòi kẹo với một lão già tinh quái không đòi nhưng luôn có đầy kẹo để ăn- dù răng đã hỏng gần hết, thì bạn sẽ thấy điều này.
Epictetus khuyên chúng ta làm chủ, thay về chế ngự chúng bằng lý tính của mình. Con người thường giỏi trong việc chế ngự những thứ bên ngoài thay vì nhận diện và làm chủ được đời sống nội tâm bên trong. Vì vậy chế ngự dục vọng là con đường ngắn nhất dẫn bạn đến với chiếc ghế của Phân tâm học. “Chế ngự” là một ảo tưởng khác về sự dồn nén. Khi chế ngự mà chưa hiểu rõ mình đang chế ngự cái gì và tại sao phải làm thế, bạn đang tống hết đống đồ đạc bừa bộn, mốc meo vào ngăn tủ rồi khóa lại- bên ngoài thì có vẻ ngăn nắp nhưng mớ bừa bộn bên trong vẫn y nguyên.
Cần soi sáng những dục vọng ấy bằng lý tính để thuận theo những bản năng thiết yếu, chính đáng và loại trừ dần những đòi hỏi không chính đáng, có nguy cơ gây tổn hại cho những người xung quanh.
Hãy nghĩ về đời mình như thể nó là một bữa tiệc, nơi đó bạn sẽ ứng xử một cách lịch thiệp. Khi thức ăn được chuyển đến cho bạn, hãy chìa tay ra và nhận một phần vừa phải. Nếu nó đi qua khỏi bạn, hãy thưởng thức cái đã có trên đĩa của mình. Nếu thức ăn chưa được chuyển đến bạn, hãy kiên nhẫn chờ đến lượt mình. (trang 41)
Thực hiện những bổn phận của mình
Bổn phận từng rất rõ ràng trong quá khứ, nhưng hiện tại với không ít người thì bổn phận là một điều gì đó mơ hồ. Bổn phận là trách nhiệm và vinh dự nhưng đồng thời cũng là điều mà không ai có thể tặng cho ai, mà mỗi cá nhân cần chủ động tìm kiếm hoặc tạo dựng lấy. Điều này giống như tìm ra ý nghĩa cuộc sống như trong Ikigai, Liệu pháp ý nghĩa hay Đạo của mình vậy.
Tôi nghĩ trong thời đại nghe – nhìn, lại được bủa vây trong sự tư vấn, chăm sóc tận tình của các sản phẩm tiêu dùng, việc nhận ra bổn phận của bản thân dường như khó khăn hơn. Bạn có thể sẽ liên tục kéo và vuốt màn hình để xem mỗi nơi một chút, nhận xét một nơi một chút nhưng rất hiếm khi bạn thực sự dấn thân vào chúng. Trong khi đó, bổn phận gắn bó chặt chẽ với đời thực, với những trải nghiệm thực và cảm xúc thực.
Nếu một con người không có bổn phận, anh ta sẽ không có động lực để phát triển, bản lĩnh để chống lại cám dỗ, nghị lực để vượt qua nghịch cảnh và nhiệt huyết để sống vui. Một người như vậy dù có sống trong cảnh sung túc thì cũng mang nỗi bất hạnh triền miên: nỗi buồn chán, trống rỗng luôn quanh quẩn trong tâm trí và họ thường dễ cáu gắt với những người xung quanh. Thừa thời gian, thiếu lý tưởng sống dễ khiến những cá nhân này trở thành nạn nhân của chính mình với những giờ phút chơi bời trác táng và khủng hoảng hiện sinh nối tiếp nhau vô tận.
Nói chính xác, bạn muốn trở thành ai? Bạn muốn trở thành loại người nào? Đâu là những lý tưởng cá nhân của bạn? Bạn ngưỡng mộ ai? Đâu là những nét đặc biệt của họ mà bạn muốn biến chúng thành của riêng mình? (trang 70, 71)
Và học cách suy tư một cách rõ ràng về chính mình, cùng những mối quan hệ của mình bên trong cộng đồng lớn hơn của nhân loại
Hạnh phúc và tự do bắt đầu với sự hiểu biết rõ ràng về một nguyên tắc: Một số điều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, và một số khác thì không. Chỉ sau khi bạn đã đối mặt và chấp nhận cái nguyên tắc nền tảng này, và học cách phân biệt giữa những gì bạn có thể và không thể kiểm soát, thì bạn mới có thể đạt tới bình an nội tâm và cách hành xử hữu hiệu. (trang 19)
Tôi cho rằng những dòng phía trên đã thể hiện đầy đủ nhất về lý tính. Lý tính không cứng nhắc như lý trí, nó mềm mại uyển chuyển nhưng sáng tỏ và đầy sức mạnh. Người có lý tính thường biết độc lập suy nghĩ nhưng cũng biết tham khảo thông tin họ nhận được từ xung quanh.
Với tôi, lý tính không hề triệt tiêu cảm xúc mà phẩm chất ấy giống một bậc thầy của cảm xúc: nhân từ và thông thái. Quá lý trí khiến con người ta mắc sai lầm trong khi cố gắng làm việc đúng đắn còn quá cảm xúc thì khiến con người ta sai lầm khi lảng tránh những điều đúng đắn. Hệ quả là con người hoặc là cố kiểm soát thứ mình không hiểu hoặc là để cho thứ mình không hiểu kiểm soát.
Để có lý tính, chúng ta nên bắt đầu từ việc suy tư rõ ràng về chính mình. Người chưa tự biết mình thì dù có đọc hết sách vở trên thế gian hay ngồi trên núi tài sản cũng chưa thể coi là có lý tính. Bởi nếu bạn và tôi nhìn nhìn sâu hơn, thứ họ sở hữu thực chất đang sở hữu họ- nỗi sợ hãi bị mất đi những thứ đó là điều không quá khó để nhận biết. Nấp sau thuộc tính của thứ mình sở hữu thường không giúp cho lý tính lớn lên.
Đọc đến đoạn này khiến tôi liên tưởng đến câu “An bần lạc đạo” (yên lòng với cảnh nghèo và vui vẻ sống với bổn phận). Xin bạn đọc đừng hiểu lầm rằng tôi khuyến khích, cổ vũ cho sự nghèo. Nghèo khó không hề tốt, hơn nữa không phải ai trong chúng ta cũng là những thánh nhân để vui với sự nghèo.
Nhưng sự nghèo có tác dụng thanh lọc tâm trí để chuẩn bị cho sự sung túc về tinh thần trước khi bước sang giai đoạn thịnh vượng. Nói cách khác, từ cảnh nghèo đến giàu sang thường giúp con người ta trưởng thành, có lý tính hơn là trực tiếp sinh ra, lớn lên trong cảnh dư dả. Nếu từng nghèo rồi dư dả, rồi lại nghèo mà vẫn không đánh mất bản thân thì người đó đã trả học phí là toàn bộ của cải để học bài học về lý tính.
Sự nghèo sau này không còn giống sự nghèo ban đầu nữa. Tôi nghĩ nó giống như một phú hộ buông kho vàng, một chiến binh buông kiếm, một hoàng đế buông ấn mà không vương vấn: họ đã tìm thấy được ánh sáng chân lý sau khi đi qua màn đêm vô minh.
Vì sau cùng, ai cũng phải buông, kể cả thứ đáng giá nhất là sinh mạng. Chủ động buông khi đến lúc là biểu hiện của hòa hợp giữa lý tính và tạo hóa.
Thay cho lời kết
“Nghệ thuật sống” của Epictetus là một tập sách mỏng đáng để đọc lại nhiều lần. Tôi thấy khâm phục cả tác giả và dịch giả của tập sách này. Bởi tôi cảm nhận được những chia sẻ từ họ rất chân thành. Thứ nghệ thuật tinh tế nhất đôi khi lại nằm trong sự vật, sự việc giản đơn nhất.
Nghệ thuật sống là gì nếu không phải sự chân thành, bạn nhỉ?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất