Cha mẹ luôn sẵn lòng dành cho con cái rất nhiều lời khuyên. Vậy nhưng nếu chính cha mẹ cần lắng nghe lời khuyên, thì ai là người mà bậc cha mẹ có thể tin tưởng? Câu trả lời sẽ có trong tác phẩm Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ - Beyond Loving (Ngô Trung Việt dịch) của Giáo sư John Vu- ông còn được biết đến với bút danh Nguyên Phong với loạt sách tâm linh mà gần đây là tác phẩm Muôn kiếp nhân sinh.
Lời khuyên chung
Các bậc cha mẹ có tầm ảnh hưởng lâu dài và trực tiếp đến nhân cách của con mình. Quá trình ấy thậm chí còn có thể kéo dài mãi mãi. Bởi trong mắt cha mẹ, con cái vẫn luôn là đứa trẻ bé bỏng cần được dạy bảo, nâng niu.
Vậy nhưng vẫn tồn tại thời điểm mà các bạn trẻ cần can đảm nhận ra ai mới là người chịu trách nhiệm thực sự cho tương lai của bản thân mình. Đó là lúc các em đối diện với việc chọn ngành học và nghề nghiệp trong tương lai.
Thật đáng tiếc là ở cấp học dưới, việc học đã trở nên to lớn đến độ chính nó tự át đi nhiệm vụ là giúp người học có một công việc để nuôi sống bản thân, gia đình cũng như đóng góp giá trị cho xã hội. Học tập gắn với thành tích thay vì tính thực tiễn đã làm cho người học rơi vào trạng thái học vì thành tích, thay vì học để thành người có ích. Cần phải nói thêm, cha mẹ cũng gián tiếp cổ vũ cho con em mình đạt càng nhiều thành tích trong học tập càng tốt. Và đôi lúc, giáo viên cũng đành chiều theo ý phụ huynh.
Mặc dù các bậc phụ huynh đương nhiên hiểu rõ năng lực của con mình ra sao, song sự kì vọng đã khiến họ tự đưa nôi cho giấc mơ êm đềm. Giấc mơ đẹp đẽ ấy buộc phải chấm dứt khi con đứng trước ngưỡng cửa vào đại học và ra khỏi đại học.
Vào đại học, nhưng rốt cuộc là vào đại học nào? Để học gì?
Ra đại học, nhưng tốt nghiệp rồi liệu có nhanh chóng rơi vào cảnh thất nghiệp hay không? Làm thế nào nếu thất nghiệp?
Thế là câu chuyện giữa cha mẹ và con cái bắt đầu trở nên sôi sục. Những kinh nghiệm của đấng sinh thành chưa chắc đã mạnh mẽ bằng khát khao tuổi trẻ. Thành lũy vững chắc của sự tính toán cẩn trọng dường như vô hiệu trước làn sóng của lý tưởng thời thanh xuân.
Ai cũng muốn nói, ai cũng muốn quyết song điều đáng nói ở đây là không ai thực sự chắc chắn với quyết định- cũng như nghĩ đến việc chịu trách nhiệm cho quyết định ấy. Thực ra vào tình huống này, thì lắng nghe mới là chìa khóa giải quyết vấn đề.
Phụ huynh đầu tư vào sự học của con với mong đợi rằng các con sẽ hưởng nền giáo dục tốt và xây dựng được sự nghiệp để có một cuộc sống sung túc. Đó là lý do tại sao một số phụ huynh tác động nhiều đến lựa chọn nghề nghiệp của con. Nhưng họ cần phải thực tế. Không phải đứa trẻ nào cũng có thể trở thành bác sĩ, dược sĩ hay kĩ sư phần mềm. Các con sẽ phát huy tốt nhất khi chúng học những gì chúng thích và phù hợp với khả năng. Tất nhiên, con cái cần những lời khuyên hợp lý từ bố mẹ nhưng bố mẹ cũng cần lắng nghe ý kiến của con để hiểu con. Cùng nhau, bố mẹ và con cái có thể đi tới một lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, thỏa mãn cả hai bên.
Cha mẹ có thể lắng nghe con một cách thực lòng, thường gọi là lắng nghe sâu. Trạng thái lắng nghe ấy không kèm theo các quan điểm, giải pháp hay sự phán xét. Nghe để thấu hiểu khác với việc nghe để cho xong chuyện.
Con cái cũng cần phải lắng nghe cha mẹ trước khi quyết định nói. Bởi những điều các em nói ra, đôi khi chỉ là trải nghiệm của người khác hoặc góp nhặt tư tưởng đến từ bạn bè và mạng xã hội. Dùng kiến thức cóp nhặt để bày tỏ quan điểm là điều không nên, vì thực ra đó chưa phải là nhận thức đích thực của các em.
Gia đình cần lắng nghe lẫn nhau thật kĩ trước khi ra quyết định, bởi chọn trường để thành người, thành người để có nghề tạo dựng sự nghiệp là sự kiện trọng đại trong quá trình trưởng thành.
Về giáo dục đại học
Không ít gia đình chọn trường dựa vào cách chọn thông tin do các trường cung cấp- lựa chọn thuận tiện thường kèm theo ít nhiều bất cẩn do chỉ đánh giá bề nổi. Cũng không ít bạn trẻ chọn trường theo số đông bạn bè- lựa chọn mang lại niềm vui trước mắt thường đổi lại là nỗi buồn lâu dài về sau do các em chưa biết nhìn nhận thấu đáo.
Câu chuyện chọn trường đại học nhận được rất nhiều sự quan tâm: đối với phụ huynh là ích lợi trong tương lai còn đối với các bạn trẻ và các đơn vị giáo dục - đào tạo là lợi ích của hiện tại. Do đó, không thể tránh khỏi mâu thuẫn về lợi ích, hiểu lầm hoặc cố tình hiểu lầm lợi ích của nhau.
Thực lòng mong các bậc phụ huynh và con em đừng quên, chỉ có trực tiếp tìm hiểu và tự đưa ra quyết định thì mới tránh được sự hối hận.
Lời khuyên của tôi cho cả bố mẹ và các em là cần xem xét ba yếu tố: sở thích, năng lực và nhu cầu thị trường trước khi ra quyết định.
Nếu có thể có được một lựa chọn phối hợp được cả ba yếu tố: nhu cầu thị trường việc làm, sở thích và năng lực của sinh viên, thì sẽ đưa đến một kế hoạch nghề nghiệp tích cực.
Lựa chọn trường đại học cần gắn bó chặt chẽ với kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai. Bởi đại học không phải là con đường duy nhất để thành công và cũng chưa phải là nơi duy nhất để học. Do đó, nếu đã quyết định vào đại học, thì bản thân người học cần hiểu rõ tại sao mình vào đại học để có quyết tâm rõ ràng và động lực học tập.
Cha mẹ có thể đồng hành cùng con cái trong quá trình này bằng cách trực tiếp đến quan sát các cơ sơ đào tạo, thu thập thêm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trò chuyện với các sinh viên năm cuối ở ngành học mà con mình đang dự định ứng tuyển. Nếu qua loa, đại khái hoặc chỉ đơn thuần ngồi một chỗ nghe ngóng tư vấn viên thì rất khó để họ tiếp cận được thông tin chân thực, chất lượng giúp con em mình.
Ngay từ cấp trung học cơ sở, sẽ rất tốt cho các bạn học sinh nếu giáo viên dần gợi mở về vấn đề chọn trường, chọn nghề trong các buổi sinh hoạt lớp hoặc ở phòng tư vấn học đường. Bởi các em cần có thời gian suy nghĩ, thay đổi, rồi lại suy nghĩ trước khi đi tới quyết định sau cùng.
Ngoài ra, du học cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, các gia đình cần thận trọng tìm hiểu thông tin về mức độ uy tín và giá trị bằng cấp của cơ sở đào tạo. Dù là nền giáo dục tiên tiến nhất cũng không thể tránh khỏi việc có những kẻ xấu lợi dụng để thành lập các trường giả, bán khóa học với chương trình học dễ dãi nhằm kinh doanh bằng cấp- dĩ nhiên, bằng cấp này hoàn toàn vô giá trị.
Để kiểm định, bạn đọc có thể tham khảo địa chỉ website cung cấp danh sách các trường đại học tốt nhất thế giới được giáo sư John Vu cung cấp trong sách.
Đại học không chỉ là nơi học kiến thức để kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, mà còn là nơi để học về bản thân và trưởng thành.
Tầm nhìn cho giáo dục
Giáo dục không phục vụ mục đích ngắn hạn, nên người làm công tác giáo dục cần tầm nhìn xa trông rộng. Do đó, mọi thông số đo lường về điểm số, thành tích chỉ có ý nghĩa nhất định tại một thời điểm cụ thể và phản ánh phần nào tình trạng học tập của người học ở thời điểm được đánh giá. Giáo dục thực chất là làm cho nhu cầu được giáo dục của con người càng ngày càng gia tăng. Biểu hiện rõ rệt nhất cho điều này là tinh thần học tập trọn đời.
Theo tác giả nhận định, tương lai những công việc liên quan đến công nghệ và chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng được chú trọng. Điển hình như: khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, quản lý hệ thống thông tin, phát triển trò chơi máy tính. Tuy nhiên, trong giáo dục con người thì cần phải đề cao và xây dựng nhân cách trước. Bởi nhân tài, trước hết cần có “nhân” và thành nhân trước khi thành công thì mới trở nên thiện ích đối với gia đình, xã hội.
Theo quan điểm của tôi, học sinh tiểu học nên được rèn luyện về đạo làm con cũng như lòng biết ơn thầy cô giáo. Chúng cần học làm người lễ phép, thấu cảm và đáng tin cậy.
Đến lúc học trung học, các em nên được dạy về cách ứng xử, sự chính trực, tinh thần trách nhiệm, công bằng và khiêm tốn.
Giai đoạn đại học là lúc các em đã phát triển nhân cách đạo đức, ý thức trách nhiệm cao về bản thân, gia đình và đất nước.

Thay cho lời kết
Tôi vốn là một độc giả của Giáo sư Jonn Vũ (tôi đã tìm mua và đọc được mười một cuốn tủ trong sách tâm linh do ông dịch, phóng tác).
 Ngay sau khi đọc cuốn Hành trình về phương Đông, tôi cảm nhận được ông không những có trí tuệ sâu sắc, mà còn có cả trái tim giàu lòng trắc ẩn.
Do đó, khi biết tin First News ra mắt bộ sách chắp cánh cho tuổi trẻ Việt Nam do chính ông chắp bút, tôi vô cùng vui sướng. Bởi dù ở lĩnh vực nào trong đời sống, khi chúng ta thực sự tâm huyết với một sự nghiệp thì chắc chắn sẽ khích lệ được mọi người xung quanh.
Xin cảm ơn First News đã gửi tặng cuốn sách Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ - Beyond Loving và xuất bản loạt sách vô cùng ý nghĩa của giáo sư John Vu- tác giả Nguyên Phong.