Đây là cuốn sách đến từ thương hiệu Sách Thiện Tri Thức, dành cho:
·  Những người đang cảm thấy mình trống rỗng; có một cuộc sống bình thường nhưng vẫn thấy cô đơn và lạc lõng trong xã hội, luôn cảm thấy tức giận, tự đánh giá thấp bản thân... Có thể bạn đang gặp Thiếu Hụt Cảm Xúc Thời Thơ Ấu và cuốn sách này có thể là câu trả lời.
·        Những người đang, và sẽ là các bậc cha mẹ; để có thể tránh việc con cái mình gặp phải vấn đề thiếu hụt cảm xúc.
·        Những người đang hoạt động trong lĩnh vực tâm lý như bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu tâm lý.
Nhưng sau khi đọc xong, tôi thấy cuốn sách này dành cho tất cả chúng ta- những con người sinh ra và lớn lên trong thời đại thừa kết nối trực tuyến nhưng thiếu kết nối trực tiếp.
Cuốn sách gồm có ba phần:
Phần 1: Chạy với chiếc bình rỗng
Phần 2: Nhiên liệu bị cạn kiệt
Phần 3: Lấp đầy chiếc bình rỗng
Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua những ý nổi bật của từng phần (theo cảm nhận cá nhân của tôi). Như thường lệ, tôi khuyến khích các bạn trải nghiệm trực tiếp cuốn sách thay vì chỉ đọc review.
Chạy với chiếc bình rỗng
Cảm xúc là một phần quan trọng của con người. Những điều tốt đẹp đến từ cảm xúc, hoặc nhờ cảm xúc chúng ta cảm nhận được sự tốt đẹp mà lý trí đôi khi chưa thể nắm bắt được.
Nhưng sẽ ra sao nếu bạn lớn lên trong môi trường sống không khuyến khích sự phát triển của cảm xúc? Có thể bạn sẽ nghĩ như vậy cũng không quá tệ. Vì một vài cá nhân có vẻ thành công đã từng nói hoặc gián tiếp khẳng định rằng cảm xúc không có lợi cho thành công. Thông điệp này qua lăng kính của truyền thông tiếp tục bị bóp méo thành “Để thành công, phải biết gạt bỏ cảm xúc sang một bên”.
Câu hỏi ở đây là: Nếu bạn làm theo chỉ dẫn ấy, sau khi thành công rồi, bạn có thể khôi phục lại được cảm xúc hay không? Phần thiếu hụt cảm xúc sẽ tạo ra sự trống rỗng như thế nào? (theo tôi thì trống rỗng còn tồi tệ hơn nghèo khổ).
Trẻ em học về thế giới và chính bản thân thông qua cha mẹ. Nếu cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc của trẻ, thì trẻ sẽ lớn lên mà quên rằng bản thân các em có cảm xúc. Đến đây chúng ta phần nào thông cảm cho tình trạng “vô cảm” trong một bộ phận giới trẻ. Không phải bởi các em lạnh lùng, mà bởi trong thời thơ ấu, các em chưa từng được trải qua cảm giác ấm áp.
Các hình mẫu cha mẹ tạo nên sự trống rỗng trong cảm xúc của trẻ thường nằm trong 12 nhóm sau:
1.     Cha mẹ ái kỷ
2.     Cha mẹ độc đoán
3.     Cha mẹ dễ dãi
4.     Cha mẹ vắng bóng: Ly hôn hoặc quả phụ
5.     Cha mẹ nghiện ngập
6.     Cha mẹ trầm cảm
7.     Cha mẹ nghiện công việc
8.     Cha mẹ với thành viên trong gia đình cần sự trợ giúp đặc biệt
9.     Cha mẹ quá chú trọng thành tựu
10.  Cha mẹ rối loạn nhân cách chống đối xã hội
11.  Trẻ em gồng mình trong vai trò làm cha mẹ
12.  Cha mẹ có hảo ý nhưng chính họ cũng bị bỏ rơi về mặt cảm xúc
Lần lượt từng kiểu cha mẹ này sẽ được phân tích kỹ lưỡng kèm theo các ví dụ cụ thể để người đọc dễ xác định/kịp thời điều chỉnh. Bởi tìm ra nguyên nhân của tình trạng trống rỗng cảm xúc là bước đầu tiên trên hành trình lấp đầy cảm xúc trở lại.
Nếu bạn là cha mẹ hãy đọc phần này thật cẩn thận. Bởi bạn sẽ không hình dung được đầy đủ những điều bạn không làm (vì cho rằng không cần thiết) có tác động như thế nào đến tương lai của trẻ. Hạt dưa hấu thì nhỏ nhưng quả dưa hấu thì không nhỏ chút nào.
Nhiên liệu bị cạn kiệt
Đây là phần chúng ta bàn về quả dưa hấu. Đó là tương lai của những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh thiếu hụt cảm xúc. Chúng sẽ không nhận ra điều này. Bởi cha mẹ chúng không nhận ra. Bước vào độ tuổi trưởng thành, trong trạng thái thiếu hụt cảm xúc, con người có thể trở nên bất cần hoặc quá cần; sợ chết nhưng cũng sợ sống; không biết cách sống với con người dù bản thân là con người v.v… tôi hình dung họ như những sinh mệnh thiếu kháng thể, mong manh và dễ bị vỡ vụn trước những tác động ngoài cảnh.
Kịch bản ấy sẽ gắn liền với các vấn đề khi trẻ em trở thành người lớn như sau:
1  Cảm giác trống rỗng
2.     Cảm giác phản phụ thuộc (Không tin tưởng, không muốn phụ thuộc vào người khác bằng mọi giá)
3.     Tự đánh giá bản thân theo cách sai lệch
4.     Không có lòng trắc ẩn cho bản thân, nhưng lại nhiều cho người khác
5.     Cảm giác tội lỗi và xấu hổ: tôi đang bị làm sao vậy?
6.     Tự tức giận, tự trách móc bản thân
7.     Điểm yếu chí mạng (Nếu mọi người thực sự hiểu tôi, họ sẽ không thích tôi)
8.     Khó nuôi dưỡng bản thân và những người khác
9.     Kỷ luật bản thân kém
10. Mù cảm xúc (Alexithymia): Mất nhận thức và hiểu biết về cảm xúc
Thật không dễ chịu gì khi phải sống với một (thậm chí là một số vấn đề) trong danh sách nêu trên. Nếu chúng ta may mắn nhận ra để trị liệu kịp thời, thì mọi thứ có thể phần nào trở lại bình thường. Nhưng nếu không kịp thời thay đổi, thì vòng tròn nghiệt ngã này sẽ bắt đầu di căn đến thế hệ tiếp theo. Dù ý thức hay vô thức, nhiều người trong số chúng ta có khả năng lặp lại sai lầm khi nuôi dạy con cái. Di sản thiếu hụt cảm xúc cứ thế nhân lên, cho đến thời điểm cuối cùng, sẽ có thế hệ không chịu nổi “tội tổ tông truyền” này mà rời bỏ cuộc sống.
Lấp đầy chiếc bình rỗng
“Chúng ta có xu hướng cho rằng những người thông minh không phải là những người tình cảm và những người giàu cảm xúc thì không thông minh. Thực tế là những người thông minh nhất là những người sử dụng cảm xúc của họ để giúp họ suy nghĩ và những người sử dụng suy nghĩ của họ để quản lý cảm xúc.”
Nếu còn đang phân vân về giá trị của cảm xúc, bạn có thể đọc lại trích dẫn nêu trên. Bởi thói quen giải quyết những vấn đề phức tạp một cách đơn giản, chúng ta hoặc phớt lờ hoặc đối xử thô bạo với cảm xúc của chính mình và những người xung quanh.
Sự mạnh mẽ của cảm xúc đôi lúc khiến cho chúng ta khiếp sợ. Nhưng nếu không có cảm xúc, mọi người xung quanh sẽ khiếp sợ chúng ta. Trong cô độc, chúng ta sẽ quay về nỗi khiếp sợ chính mình- vậy là sau một hồi lòng vòng để né tránh, chúng ta vẫn không tiến được thêm bước nào. Đó không phải là lựa chọn sáng suốt.
Để nhận diện cảm xúc, bạn đọc có thể tham khảo các bước IAAA. Đó là viết tắt của các từ: Identify, Accept, Attribute, Act (Xác định, Chấp nhận, Chỉ ra Nguyên nhân, Hành động). Hướng dẫn chi tiết hơn sẽ được cung cấp trong phần cuối của cuốn sách.
Ngoài ra, bạn còn tìm được hướng dẫn cụ thể về bốn phần trong quá trình tự chăm sóc bản thân mà ai cũng nên biết. Đừng đợi mọi thứ trống rỗng rồi mới làm đầy, bạn cần hành động ngay vì bản thân và tương lai của con cái.
Về tác giả Jonice Webb
Tiến sĩ Tâm lý học, diễn giả, một tác giả nổi tiếng. Tiến sĩ Webb viết cuốn sách đầu tiên của mình, cuốn Lấp Đầy Trống Rỗng - Chữa Lành Tổn Thương Cảm Xúc Thời Thơ Ấu và sau đó cuốn sách nhanh chóng được công nhận là một tác phẩm hàng đầu về đề tài Cha mẹ thiếu quan tâm tới cảm xúc thời thơ ấu của con cái (CEN - Childhood Emotional Neglect). Cô đã sáng lập ra chương trình "Vượt qua Tổn thương tâm lý do bị thiếu hụt sự quan tâm cảm xúc" đầu tiên và duy nhất cho tới hiện nay. Hiện cô đang điều hành một phòng trị liệu tâm lý tại Lexington, Massachussets, Mỹ.
Thay cho lời kết
Sách còn có mục riêng dành cho các Nhà trị liệu. Trong quá trình đọc mục này, tôi nhớ lại hành trình của tôi khi đến với lĩnh vực trị liệu, tham vấn cho người khác. Đó không phải là quá trình đi qua giảng đường hay được một nhà đào tạo cầm tay, soi đường chỉ lối. Con đường của tôi là đọc sách và trải qua các vấn đề do người khác bày tỏ để tìm kiếm sự giúp đỡ: Ban đầu là người thân, bạn bè, lâu dần là người quen và bây giờ là giúp đỡ cả những người lạ.
Những nhà tham vấn được đào tạo chuyên môn, với các công cụ, kỹ năng bài bản sở hữu lợi thế của riêng họ. Tôi nghĩ rằng nếu gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, bạn nên tìm đến họ.
Bản thân tôi thì tiếp cận vấn đề theo cách ít quy trình hơn. Đó là trong quá trình làm việc với con người, tôi lắng nghe, thấu hiểu trước khi quyết định cách mình tiếp cận với họ. Tương tự như mảng ưa thích của tôi là làm giáo dục, với triết lý coi người học là trung tâm. Khi tham vấn, tôi coi người đến với mình là trung tâm. Người gặp vấn đề sẽ cung cấp cho tôi những thứ tôi cần để tháo gỡ vấn đề của họ.
Họ cần biết sự thực là “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và ai cũng có thể tìm ra cách riêng để chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân sao cho lành mạnh. Miễn là họ thực sự muốn vậy và họ hiểu được tầm quan trọng của hành động ấy.