[Review Sách] Kim chỉ nam của học sinh
Cuốn sách “Kim chỉ nam của học sinh” là cẩm nang học tập ngắn gọn, bổ ích mà tác giả Nguyễn Hiến Lê đúc rút từ kinh nghiệm dạy và học của bản thân.
Cuốn sách “Kim chỉ nam của học sinh” là cẩm nang học tập ngắn gọn, bổ ích mà tác giả Nguyễn Hiến Lê đúc rút từ kinh nghiệm dạy và học của bản thân. Tôi tin rằng các bạn học sinh, cha mẹ nên tìm đọc và các thầy cô giáo cũng nên đọc và chia sẻ đến học sinh tựa sách này.
Trường học dạy nhiều thứ cần phải học nhưng ít khi xem trọng việc học cách học. Học sinh được giao cho một thời khóa biểu, các môn học, bài tập về nhà, các bài kiểm tra và các kì thi nhưng không được hướng dẫn làm thế nào để sống vui, sống khỏe, sống có ích với những thứ ấy. Hệ quả là, trong quá trình làm gia sư tôi nhận thấy xảy ra ba trường hợp phổ biến:
1. Chán học (do không hiểu học để làm gì, học quá nhiều)
2. Cố học (rất muốn hiểu nhưng không thể hiểu, không đủ sức khỏe nhưng vẫn phải học)
3. Say học (học ngày học đêm lấy thành tích nhưng không cảm thấy hài lòng với bản thân)
Tất cả đều ít nhiều có liên quan tới khó khăn trong việc xác định mục tiêu và phương pháp học tập phù hợp. Có thể đây chính là trạng thái “chảy máu chất xám” đang diễn ra bên trong, hàng ngày hàng giờ gây thất thoát rất nhiều tài năng, tâm hồn, thời gian và tiền bạc.
Các bậc phụ huynh thì thường quan tâm đến kết quả học tập của con, nhưng ít khi có đủ thời giờ, hứng thú với giáo dục để quan tâm một cách bài bản hơn, xem con mình đang học theo cách như thế nào. Do đó tôi tin cuốn sách “Kim chỉ nam của học sinh” sẽ là người bạn đồng hành giúp đỡ cha mẹ hướng dẫn con phương pháp học tập. Cuốn sách gồm 4 phần (nội dung chi tiết như ảnh đã kèm theo bài). Trong khuôn khổ bài review, tôi chọn Phần 1: “Những điều kiện cốt yếu của việc học” để tập trung chia sẻ. Các phần còn lại xin dành tặng thầy cô, các bậc phụ huynh và các em học sinh khám phá.
Vì sao tôi quan tâm đến phần này nhất? bởi nền tảng đúng, hướng đi đúng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thành bại của mọi cuộc hành trình. Tác giả Nguyễn Hiến Lê chỉ ra ba nền tảng đó là: Sức khỏe – Học lực – Đồ dùng học tập.
Sức khỏe
Nếu thường hay tìm đọc tác phẩm về giáo dục của các tác giả Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong, Hoàng Đạo Thúy, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, bạn sẽ nhận thấy các nhà giáo dục giàu kinh nghiệm này luôn đặt sức khỏe lên hàng đầu. Vì sự học cần một thể lực sung mãn và tinh thần lành mạnh.
Nếu học sinh thiếu ngủ, ăn nghỉ thất thường, sử dụng thiết bị công nghệ triền miên, ít quan tâm vệ sinh cá nhân, thậm chí sử dụng chất kích thích thì không thể nào có học lực trên mức trung bình được. Tuy nhiên, cho các em ăn quá no, mặc quá ấm, ít vận động, chỉ ngồi rồi lại nằm cũng dễ sinh bệnh. Cha mẹ, thầy cô nên chú tâm đến khía cạnh này để giúp đỡ con em, học sinh của mình thăng bằng. Vì ngày nay dường như cái gì cũng dễ rơi vào tình trạng bất cập hoặc thái quá. Trong khi đó cân bằng, bền bỉ mới là nền tảng để học tập.
Học lực
Tác giả cũng có nhắc đến một “nỗi đau của giáo dục” mà đâu đó, ngày nay vẫn tồn tại. Đó chính là việc ngồi nhầm lớp. Kiến thức quá nhiều, lối dạy đọc chép quá nhanh, thành tích sau khi nở rộ thì để lại la liệt những học sinh được/bị lên lớp. Học lực của các em chưa vững vàng, lớp trước còn chưa đạt điểm trung bình thì đã “phải” lên lớp sau. Tình trạng “mất gốc” này cứ vậy chất chồng cho đến khi không còn ai biết đâu là gốc và thực ra học sinh đó có gốc hay không nữa.
Nếu thầy cô, cha mẹ nhận thấy điều này thì cần ngay lập tức bổ sung, bổ túc kiến thức cho con em. Ngoài giờ học chính khóa thì có thể cho con em học phụ đạo, học thêm bên ngoài. Nhưng không nên cố chấp ép con phải đèn sách, trong trường hợp con em hoàn toàn không thể tiếp thu được nữa thì nên tính tới việc tạo điều kiện để các em học nghề. Có một nghề chính đáng để lập thân cũng là điều đáng tự hào: “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.
Đồ dùng học tập
Những đồ dùng căn bản như sách vở, bút thước v.v… là thứ không thể thiếu. Giống như người thợ mộc đi làm cần có đồ nghề vậy. Học sinh nào mà thiếu thốn những thứ này thì sự nghiệp học tập rất khó tấn tới. Bởi thiếu đồ dùng thể hiện sự thiếu ý thức coi trọng với việc học. Đi học mà nay mượn, mai quên thì học sinh đó rất khó tập trung học hành.
Ngày nay đồ dùng học tập rất phong phú nhưng cũng nảy sinh vấn đề là đôi khi các bạn học sinh không lựa chọn mua thứ hữu dụng mà mua thứ vui mắt. Cha mẹ khi đi cùng nên tư vấn cách chọn đồ dùng học tập cho con, để con không thiếu nhưng cũng đừng thừa, gây phân tán sự chú ý vào các món đồ nhỏ xinh này trong lúc ngồi nghe thầy cô giảng bài trên lớp.
Thay cho lời kết
Cuốn sách “Kim chỉ nam của học sinh” được viết ra cách đây tương đối lâu (lần đầu năm 1951) nên có những kiến thức áp dụng được nguyên bản nhưng cũng có những kiến thức cần được áp dụng một cách linh hoạt. Lấy ví dụ như việc lên lịch sinh hoạt thì ngày nay rất khó để các bạn học sinh duy trì giờ giấc sinh hoạt nền nếp, quy củ như trước đây. Vì không ít gia đình có thói quen thức muộn hơn, ăn uống, vui chơi bên ngoài nhiều hơn, có nhiều trò giải trí hấp dẫn hơn. Nhưng tôi nhận thấy có một chân lý rất quý giá được rút ra từ cuốn sách này, đó là: tuy môi trường, điều kiện học tập có vai trò rất quan trọng nhưng ý chí của người học mới là yếu tố then chốt. Bởi trên thực tế, vẫn có những học trò nghèo nên người trong gian khó và cũng vẫn có những học trò gia cảnh đủ đầy rồi bị chính sự tiện nghi ấy hạ gục.
Sự học thành bại ở ý chí, ý chí thường có mối liên hệ với hoàn cảnh.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất