[Review Sách] Hoàng Đế
Cuốn sách “Hoàng Đế” của tác giả Ryszard Kapuscinski đã được Thư viện sách New York bầu chọn vào danh sách 150 cuốn sách hay nhất thế kỷ. Đọc sách, tôi thấy cùng lúc tính diễn cảm của văn chương và tính trung thực của phóng sự.
Cuốn sách “Hoàng Đế” của tác giả Ryszard Kapuscinski đã được Thư viện sách New York bầu chọn vào danh sách 150 cuốn sách hay nhất thế kỷ. Đọc sách, tôi thấy cùng lúc tính diễn cảm của văn chương và tính trung thực của phóng sự. Đây là một tác phẩm về những năm tháng cuối cùng của hoàng đế Hajle Sellassje tại vương quốc Ethiopia thông qua lời kể từ những nhân chứng lịch sử từng gắn bó với triều đại này.
Trước cách mạng, hoàng đế là vị thánh sống nhân từ. Còn sau đó, ông trở thành kẻ bịp bợm tham lam. Nhưng trước sau như một, ông tin mình là hoàng đế với những cử chỉ bác ái và lối nói chung chung, úp mở mang danh nghĩa vì nhân dân. Để bạn dễ hình dung hơn, tôi xin trích lại đôi dòng miêu tả vị hoàng đế này:
“Hoàng đế khả kính của chúng tôi không chỉ không tận dụng kỹ năng đọc mà người còn chưa bao giờ viết và chẳng bao giờ có cái gì do đích thân người ký. Mặc dù đã trị vì suốt nửa thế kỷ, ngay cả những người thân cận nhất cũng chưa bao giờ biết chữ ký của hoàng đế mặt ngang mũi dọc ra sao”
“Cần nói thêm là lời lẽ của hoàng đế nói chung rất không rõ ràng và luôn tối nghĩa, nhất là khi người không muốn bày tỏ quan điểm nhất quán về vấn đề mà tình huống đòi hỏi phải đưa ra chính kiến”
“Cơ quan chúng tôi đặt chính tại lâu đài cũ, nơi có trụ sở phần lớn các bộ sậu của hoàng cung, bởi vì hoàng đế Hajle Sellassje muốn tất cả mọi thứ phải nằm trong tầm tay với của mình”
Làm thế nào mà một con người như vậy có thể cai trị Ethiopia suốt ngần ấy năm trời? Câu trả lời nằm ở sự ngu dốt, nỗi sợ hãi và lòng tham. Đó là phẩm chất của hoàng đế và cũng chính là những thứ hoàng đế dùng để nuôi dưỡng, đầu độc bộ máy quan lại cùng đất nước của ông. Tôi thấy hình ảnh con bọ cạp đội vương miện ở trên bìa cuốn bìa sách rất phù hợp để tóm gọn lại đặc trưng của vị hoàng đế này: nhiều chân, có gọng kìm và chiếc đuôi chứa nọc độc. Trong bóng tối, không ai rõ dáng hình của hoàng đế như vậy nên họ tôn sùng, ngưỡng mộ hoàng đế một cách điên cuồng. Đến khi già nua, con bọ cạp hoàng đế đã tự chích độc cho chính mình nhưng dù vậy, nó vẫn kiên quyết không từ bỏ vương miện.
Đế chế xây dựng trên lòng tham, sự dốt nát và nỗi sợ
Hoàng đế Hajle Sellassje không tuyển chọn quan lại dựa trên sự thông minh, chính trực. Ông cần những kẻ phục tùng trung thành. Họ có thể tham lam, dối trá, ích kỷ, vô học nhưng miễn sao trung thành, họ được là cận thần được kề cận với vành tai của hoàng đế. Hoàng đế thưởng cho lòng trung thành và trừng phạt sự bất trung. Tất cả cuộc chơi chỉ đơn giản như vậy. Ông tạo cho đám tùy tùng cơn khao khát tiền bạc, quyền lực rồi nhẩn nha ngắm chúng cắn xé lẫn nhau trong khi bản thân an tọa trên ngai vàng. Chỉ có quan lại là vấy máu, bẩn thỉu, trơ trẽn trong khi hoàng đế tôn quý luôn ngự ở nơi cao ban phát tình thương cho muôn dân. Đây là điều mà hoàng đế thực sự muốn nhồi nhét vào đầu óc đáng thương bị quay cuồng trong đói, nghèo của người dân sứ Ethiopia tội nghiệp.
Hoàng đế cũng quan tâm đến phát triển đất nước. Hơn nữa, theo kể lại, đó còn là sự quan tâm đặc biệt với cách tân, tiến bộ nói chung (miễn là đừng cụ thể). Mối quan tâm của hoàng đế như sau: khuyến khích phát triển và hỏi han ý kiến của người trước khi phát triển. Nếu vô tình quên đi điều này mà phát triển theo hướng tự do, mang lại tiến bộ cụ thể thì “hoàng đế nhân từ” sẽ treo cổ hoặc xử bắn- cũng chính “vị hoàng đế nhân từ” và “tiến bộ” này đã phát triển hình thức xử chém lên thành xử bắn. Ông không cần những cận thần thừa thông minh song lại thiếu trung thành hay những sinh viên sôi nổi, nhiệt huyết muốn đưa đất nước thoát đói nghèo mà không quan tâm đến đói nghèo tuyệt nhiên chẳng bao giờ xuất hiện ở 15 cung điện nơi hoàng đế cư ngụ và mùi của nghèo đói cũng chẳng bao giờ phảng phất trong số 27 chiếc siêu xe hoàng đế sở hữu để thực hiện những chuyến vi hành an ủi, khen ngợi nhân dân.
Hoàng đế ban phát tiền bạc, đất đai và quyền lực. Cái giá của nó là lòng trung thành của các vị quan trong triều đình. Họ phải biết sợ, bởi nếu họ không biết sợ thì đó là lúc họ cần bị tước đi tất cả những gì hoàng đế đã cho họ. Tự do và tính mạng của họ nằm trong tay hoàng đế. Chỉ cần một ý định phản nghịch thôi cũng quá đủ để mạng lưới gián điệp báo cáo lại cho hoàng đế. Và như mọi khi, hoàng đế sẽ im lặng, không nói gì. Nhưng tay sai của ông sẽ biết cần phải làm gì.
Nhân dân thì lại càng cần phải biết sợ hơn, nhưng đừng sợ sự bạo tàn, bởi họ không được phép biết hoàng đế của họ bạo tàn. Họ chỉ cần biết sợ uy quyền thiêng liêng và lòng nhân từ mênh mông của hoàng đế là quá đủ. Chỉ cần cắn răng chịu đựng đói, nghèo và biết sợ hoàng đế hơn đói nghèo là họ có thể an ổn sống cho tới khi chết vì đói, nghèo.
Đế chế sụp đổ bởi lòng tham, sự dốt nát và nỗi sợ
Lòng tham, sự dốt nát và nỗi sợ là nền móng của đế chế này. Vậy nhưng cũng chính chúng đã chôn vùi chế độ quân chủ ở Ethiopia mãi mãi. Thủ đô Addis Ababa bắt đầu những đợt rung lắc nhẹ trước khi cách mạng âm ỉ rồi bùng lên đầy giận dữ. Hoàng đế cùng triều đình đã che dấu sự nghèo nàn, lạc hậu của đất nước với tất cả người dân và cộng đồng quốc tế. Đồng thời, bộ máy này cũng rất biết cách che giấu sự tham lam của bản thân. Đến khi những làn sóng chết đói vỡ òa, sự dốt nát không thể cứu vãn và chẳng ai còn sợ bóng tối nhà ngục và ánh sáng trong lời nói hoàng đế dùng để kiểm soát họ nữa, cách mạng tất yếu xảy đến.
Triều đình chia làm ba phái “Song sắt”, “Bàn tròn” và “Nghẽn đường”. Còn hoàng đế thì cố gắng đi công du càng nhiều càng tốt. Ông không muốn bị kéo vào trận cuồng phong sắp tới mà muốn tận dụng lòng hiếu khách của những nơi ông tới thăm. Trong vai trò khách quý, ông sẽ được chiêu đãi trọng thể, được tận hưởng tiện nghi xa xỉ và quan trọng nhất là lại có thể tự do tuyên bố, hứa hẹn những ý tưởng cải cách đất nước ông theo đuổi cả đời, nhưng không bao giờ bắt tay vào thực hiện. Đến lúc không thể tiếp tục né tránh, hoàng đế quay lại hoàng cung để tiếp tục trò chơi “khuyến khích, động viên, chúc thành công và cảm ơn” với cả quần thần lẫn quân cách mạng. Không ai còn hiểu rõ ông ta làm vậy là có ý đồ gì hay do tuổi tác đã khiến hoàng đế anh minh trở nên mất trí?
Nhưng tôi tin ông ta không mất trí, bởi quân đội vẫn tìm ra được nơi ông ta giấu tiền và phải nhọc nhằn tìm cách để ông giao ra các tài khoản chứa tiền cứu trợ cho đất nước, nhưng chưa từng đến được với đất nước. Không có ranh giới rõ ràng giữa ngân sách quốc gia và tài sản riêng của hoàng đế Hajle Sellassje.
“Tiền nào mới được chứ, hoàng đế nhân từ nói, chúng tôi không có bất cứ khoản tiền nào, tất cả đã được đầu tư cho sự nghiệp phát triển đất nước nhằm mục đích đuổi kịp và vượt qua các quốc gia khác, mà thành quả của sự nghiệp phát triển thì đã được công bố rõ ràng. Sự nghiệp phát triển nào cơ, các sĩ quan kêu to, tất cả những cái đó chỉ là mị dân, là màn khói, các sĩ quan nói, để hoàng gia có thể làm giàu cho bản thân mình mà thôi! Vừa nói xong họ đã đứng cả dậy rồi nhấc cao tấm thảm sản xuất ở vùng vịnh Pers, dưới toàn bộ tấm thảm là những cuộn tiền đô-la dày đặc san sát nhau tạo thành một vùng màu xanh”
Đến đây thì vở kịch đã có thể hạ màn. Người dân thôi không còn phải cúi gập chiếc lưng còng, dán chiếc bụng lép kẹp sát đất để tôn vinh kẻ đã đẩy họ vào tình cảnh bần cùng nữa.
Nhưng hoàng đế Hajle Sellassje đã quá nhập tâm trong màn kịch đời mình, nên dù bị phế truất ông vẫn không muốn từ bỏ vương vị. “Nếu cách mạng đem lại lợi ích cho nhân dân thì tôi ủng hộ cách mạng”- Cựu hoàng đế vẫn nhắc đi nhắc lại điều này trong những tháng ngày cuối đời bị quản thúc tại lâu đài cổ Menelika nằm ở vùng đồi gần thủ đô Addis Abeba. Ông vẫn tin mình là hoàng đế. Nọc độc của ông cuối cùng đã đầu độc chính ông.
Thay cho lời kết
Cuốn sách này không bày tỏ sự phê phán hay ngợi ca, cũng không thể hiện sự tiếc thương hay hờ hững. Tôi tin tác giả Ryszard Kapuscinski đã rất thành công khi chọn hướng tiếp cận khách quan như vậy trong “Hoàng đế”. Bởi hoàng đế là một nhân vật đa diện. Nhưng xâu chuỗi các sự kiện đã diễn ra, bạn đọc có thể tự phác thảo chân dung của vị hoàng đế này- và cũng có thể là của rất nhiều vị hoàng đế độc tài khác đã từng xuất hiện trên thế giới. Thông qua lời kể của những cận thần sống sót, hoàng đế hiện lên là một biểu tượng chói lọi, mang đến cơ hội đổi đời. Đối với quân cách mạng, hoàng đế là dịch bệnh cần phải bị diệt trừ. Đối với nhân dân, họ lẫn lộn giữa tôn sùng và coi khinh vị vua già gian hùng. Hoàng đế đã làm nhiều việc, chỉ né tránh đúng việc ông thực sự nên làm trong vai trò người lãnh đạo.
Tất cả các phe phái đều đúng khi nói về hoàng đế. Và đó là lý do vì sao ông ta cai trị được lâu như vậy bằng lòng tham, sự ngu dốt và nỗi sợ hãi. Sức mạnh của lòng tham, ngu dốt và nỗi sợ hãi là thứ trao cho ông tất cả và cũng lấy đi của ông tất cả. Tượng đài về hoàng đế đã được tạc xong, nhưng đó không phải là tượng đài bất hủ mà là tượng đài của hủ hóa. Mọi nhà cầm quyền đều có khao khát được lưu danh thiên cổ, được tạc tượng, nhưng họ thường hay quên rằng không phải nhà điêu khắc, mà mỗi hành vi của họ sẽ góp phần tạc thành bức tượng trong lòng dân chúng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất