[Review Sách] Đồi Thỏ
Cuốn sách là một bản anh hùng ca về giống loài bị đóng đinh với câu thành ngữ: “Nhát như thỏ”. Tôi nghĩ với người lớn, “Đồi thỏ” có thể là truyện ngụ ngôn. Còn với trẻ em, đây là một câu chuyện cổ tích.
Cuốn sách là một bản anh hùng ca về giống loài bị đóng đinh với câu thành ngữ: “Nhát như thỏ”. Tôi nghĩ với người lớn, “Đồi thỏ” có thể là truyện ngụ ngôn. Còn với trẻ em, đây là một câu chuyện cổ tích. Tác giả Richard Adams đã có một tác phẩm độc đáo, dài và dày (gần 500 trang) nhưng nếu còn tiếp thì tôi vẫn muốn được đọc.

Bìa trước sách "Đồi thỏ"
Dõi theo “Đồi thỏ”, tôi- một sinh vật cũng nhỏ bé, may mắn mang kiếp người, thấy hành trình mưu sinh của những sinh vật bé nhỏ, cũng thật may khi mang kiếp thỏ này thật đáng khâm phục.
Nội dung chính kể về cuộc hành trình gian nan của thủ lĩnh Cây Phỉ, người em trai Thứ Năm, người bạn dũng cảm Tóc Giả, người cố vấn sáng suốt Mâm Xôi cùng nhiều chú thỏ khác. Dựa vào linh cảm của Thứ Năm, họ lên đường rời khỏi cánh đồng thỏ quê hương trước khi nơi này bị tàn phá.
Trải qua nhiều nguy hiểm, nhóm đến được ngôi nhà mới: ngọn đồi thỏ Watership Down. Đời sống tuy hứa hẹn song cũng đầy thách thức. Những chú thỏ vẫn phải tìm cách thích nghi, chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ của mình và duy trì nòi giống. Đôi khi, ngoài tìm cách sinh tồn với “một ngàn kẻ thù”, nhóm thỏ còn phải đối đấu với đồng loại: từ Anh Thảo Vàng xảo trá cho đến thống soái Hoắc Hương độc tài.
Những đặc điểm tính cách của các chú thỏ có khiến tôi liên tưởng đến 12 nguyên mẫu nhân vật của tâm lý gia Carl Jung. Nhưng tôi từ bỏ ý định phân loại các chú theo nhóm cụ thể. Bởi dường như mỗi chú thỏ đều có đời sống và ý chí tự do của riêng mình.
Tôi chọn ra ba cặp thỏ, cũng là những chú thỏ tôi thấy ấn tượng nhất. Còn chi tiết về miền đồi thỏ, xin mời bạn đọc tìm mua tấm vé là cuốn sách “Đồi thỏ” để tự mình tham quan.
Bây giờ tôi xin bắt đầu quá trình nêu cảm nghĩ về những cặp thỏ tiêu biểu, vừa giống nhau nhưng cũng lại rất khác nhau, như bản thể và chiếc bóng. Phải thừa nhận những chú thỏ này khiến tôi liên tưởng đến nhân loại ở cả chiều hướng tốt đẹp lẫn u ám.
Cây Phỉ và Anh Thảo Vàng
Thủ lĩnh Cây Phỉ không sinh ra để làm thủ lĩnh mà trở thành thủ lĩnh do tình thế. Điều này không có nghĩa cậu kém cỏi vì thiếu tố chất hay chưa được kẻ giàu kinh nghiệm hơn kèm cặp. Ngược lại, vị thủ lĩnh trưởng thành trong thực tế này đã làm rất tốt vai trò dẫn dắt, kết nối và tạo ra tầm nhìn chung cho cả đàn.
Cây Phỉ sử dụng trực giác, học hỏi từ trải nghiệm của bản thân nhưng không quên lắng nghe đồng đội của mình. Dù thỉnh thoảng có một số quyết định liều lĩnh (như việc lao đến trang trại Nunthanger giải thoát các cô thỏ cái), Cây Phỉ không bao giờ mắc cùng một sai lầm quá hai lần. Cậu phân biệt được điều mình biết và không biết.
Đối lập với người lãnh đạo Cây Phỉ là gã lòe bịp Anh Thảo Vàng. Một kẻ béo tốt, có bộ lông mượt mà với dáng vẻ đượm buồn, trang trí bằng cung cách lịch thiệp. Hắn tiếp đón đoàn thỏ của Cây Phỉ với sự nhiệt tình, rộng lượng. Nhưng Anh Thảo Vàng luôn tìm cách bịt mắt họ. Hắn hứa hẹn về đời sống an toàn, no đủ với những buổi đánh chén rau củ “từ trên trời rơi xuống” nhưng thường hay im bặt trước những câu hỏi của Cây Phỉ hoặc Thứ Năm.
Anh Thảo Vàng muốn tất cả bầy thỏ giống như hắn và đàn thỏ của hắn. Bưng tai, bịt mắt trước cái chết cận kề và đời sống ổn định giả tưởng, chênh vênh trên những chiếc bẫy con người giăng sẵn để làm thịt thỏ. Sự thiếu trung thực, ích kỷ của tên thỏ xảo trá này là một dạng thức của cái ác pha thêm chút hèn nhát được che đậy đằng sau vỏ bọc đẹp đẽ, ung dung. Nên hắn không bao giờ thực sự là thủ lĩnh, bởi tâm trí đã tê liệt trước lẽ phải, né tránh vấn đề nhưng lại nhanh nhạy với những tiểu xảo lén lút để lấp liếm sự thực.
Người thủ lĩnh không chính trực, không biết vì mọi người thì sẽ trở nên hèn hạ, bất lực.

Bìa sau sách "Đồi thỏ"
Tóc Giả và Hoắc Hương
Bộ đôi chiến binh ở hai chiến tuyến khác nhau. Đây là hai chú thỏ can đảm, vào sinh ra tử nhiều nhất tác phẩm. Điểm tôi thấy khâm phục là hai chú thỏ này đều không sợ chết, nhưng lý do để chết của chúng khác nhau.
Hoắc Hương là vị thống soái tàn bạo của đồng thỏ Elfrara. Có lẽ không quá nếu nhận xét hắn là con sói mang lốt thỏ: mưu trí, khát máu, hiếu chiến và biết nắm quyền. Đế chế Elfrara đã chứng minh cho tài thao lược của hắn. Đội Cốt cán được đào tạo kỹ lưỡng thể hiện khát vọng, sức mạnh và dã tâm của Hoắc Hương.
Đi theo quan niệm kẻ mạnh tất thắng, mạnh được yếu thua, Hoắc Hương chưa từng lùi bước và giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhưng ở đỉnh cao quyền lực, một chuyến viễn chinh, một quyết sách sai lầm (từ chối thỏa hiệp hòa bình với Cây Phỉ) đã khiến hắn đánh mất tất cả. Hắn mạnh mẽ, khôn lanh nhưng cũng thật yếu đuối, dại khờ bởi Hoắc Hương quên rằng bản thân vẫn chỉ là thỏ. Phá hết giới hạn này cho đến giới hạn khác có thể khiến hắn tự tin hơn, mà cũng mù quáng hơn.
Đời Hoắc Hương khép lại bằng một thất bại thê thảm và có lẽ cũng là cuối cùng- không ai thấy hắn đâu nữa, vì có thể hắn đã chui vào bụng chú chó của nông trại Nunthanger. Sức mạnh, trọng lượng áp đảo của Hoắc Hương với đồng loại hóa ra lại là miếng mồi béo mầm cho kẻ săn mồi.
Tóc Giả có bản lĩnh, nhưng anh ta không dùng sức mạnh ấy vào những việc sai trái. Có lẽ những người bạn đồng hành tốt bụng, thông thái như Cây Phỉ, Thứ Năm, Mâm Xôi, Thủy Cự, Xám Bạc đã soi sáng cho Tóc Giả. Để anh hiểu vũ lực không phải là thứ tuyệt đối và tốt lành gì nếu dùng sai mục đích.
Lòng can đảm của Tóc Giả đã giúp anh lập được khá nhiều chiến công. Mà chiến công hiển hách nhất là len vào lòng địch để giải cứu các cô thỏ cái. Màn đối đầu trực tiếp giữa Tóc Giả và Hoắc Hương cũng rất sinh động. Tôi khá thích cách tác giả xây dựng tình huống truyện để Cây Phỉ đến đàm phán với Hoắc Hương trước, rồi sau đó đàm phán thất bại thì kẻ chiến đấu với hắn là Tóc Giả.
Điều này phản ánh đúng kinh nghiệm trận mạc của Hoắc Hương: “có những kẻ sinh ra đã thích đánh nhau. Nhưng có những kẻ chỉ đánh nhau khi buộc phải như vậy”.
Tính hiếu chiến của Hoắc Hương đã khiến hắn trả giá đắt khi phớt lờ lòng hiếu hòa của Cây Phỉ. Bởi dù Tóc Giả có thể kém hơn hắn về vóc dáng, thể lực, sự liều lĩnh nhưng động cơ chiến đấu của anh không phải chỉ vì bản thân. Tóc Giả chiến đấu và chết vì những người bạn, những cô thỏ cái, những chú thỏ non và tương lai của đồi thỏ.
Người chiến binh mưu cầu sức mạnh nhưng lại không tỉnh táo để dùng sức mạnh đó đúng chỗ thì dễ chuốc lấy kết cục bi thương.
Thứ Năm và Chúa Thanh Lương Trà
Một chú thỏ trẻ tuổi với linh tính mạnh mẽ, những điềm báo bất ngờ và một chú thỏ già chỉ tin vào vốn sống của mình. Thật thú vị là theo tôi, cả hai yếu tố này đều cùng lúc vừa đáng tin, vừa không đáng tin.
Bởi làm thủ lĩnh hay chiến binh thì dễ quan sát, đánh giá tài năng dựa vào kết quả. Nhưng làm một nhà thông thái thì không dễ đánh giá, bởi tầm nhìn của họ xa hơn thông thường.
Thứ Năm may mắn vì có người anh biết tin tưởng, đủ khả năng giúp chú thực hiện sứ mệnh. Ngược lại, anh của chú cũng được cứu mạng không ít lần nhờ tài tiên tri và những giấc mộng bí ẩn của Thứ Năm. Cặp đôi anh em giáo sĩ – quân vương này bù trừ cho nhau khá nhịp nhàng.
Chú thỏ bé nhỏ nhưng có khả năng tiên đoán tương lai này tượng trưng cho những điều bí ẩn, chỉ có thể tin trước khi thấy hoặc không thấy mà vẫn tin, hoặc tin thì mới có thể thấy.
Chúa Thanh Lương Trà già dặn thì thích tin vào kinh nghiệm của bản thân hơn. Ông ta đã sống lâu hơn những chú thỏ trong đàn, leo lên vị trí lãnh đạo và chính vị trí ấy khiến ông tin rằng mình biết tất cả mọi chuyện- sự khác biệt rất rõ so với Cây Phỉ, luôn không dám chắc về mọi thứ.
Ông ung dung hưởng thụ, để mặc tuổi tác, kinh nghiệm đã bịt mắt bưng tai khi hiểm họa đang tới gần. Ở đỉnh cao, ông chỉ quan tâm đến quyền lợi, sự phục dịch mình nhận được và tin đời sống sẽ không bao giờ dịch chuyển. Vốn sống của ông đúng là đã dẫn dắt đàn thỏ đến thời điểm hiện tại. Dù vậy, sự chủ quan của ông lại khiến cả cánh đồng thỏ đánh mất tương lai.
Trong đời, việc lắng nghe những bậc trưởng lão có kinh nghiệm không bao giờ là thừa. Bởi họ sống lâu, từng trải. Nhưng nếu hoàn toàn phó thác các quyết định cho họ, thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Bởi nếu trí khôn, kết hợp với sự già dặn bị biến chất bởi thói ích kỷ thì họ sẽ đưa ra những giải pháp có lợi cho bản thân hơn là có ích cho cộng đồng.
Thay cho lời kết
Mặc dù mang tính biểu tượng, tôi nghĩ El-ahrairah và huyền thoại về chú đã góp phần đáng kể trong việc truyền cảm hứng cho những chú thỏ lên đường, vượt qua thử thách. Một cộng đồng bền vững là một cộng đồng có chung thần tượng và đức tin.
Nếu thiếu đi các giá trị truyền thống, cộng đồng ấy sẽ tan rã, mất đi sức mạnh. Hành trình của bầy thỏ đã giúp tôi liên tưởng, hiểu hơn về vốn văn hóa trong xã hội con người. Nếu không có nền tảng văn hóa, con người rất khó định hướng hành vi của mình theo hướng chân – thiện – mỹ. Đặc biệt là trong nghịch cảnh.
Giống với “Lịch sử loài ong”, tôi khâm phục tác giả ở công phu nghiên cứu, tìm tòi về tập tính của loài thỏ. Ông đã nhân cách hóa chúng nhưng không làm mất đi nét độc đáo của loài sinh vật này.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này