Các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục nên tìm đọc cuốn sách “Dạy trẻ bằng cả trái tim” của tác giả Rafe Esquith. Bởi đây không chỉ đơn thuần là cuốn sách truyền cảm hứng về hoạt động giáo dục, mà còn có thể giúp chúng ta nhận thức đúng và đủ hơn về điều mà giáo dục thực sự nên hướng đến.
Cá nhân tôi ấn tượng nhất với hai nội dung sau trong sách: Tìm kiếm cấp độ 6 và Phương pháp.
Tìm kiếm cấp độ 6
Rất có thể, đây là điều mà giáo dục truyền thống và hiện đại đều muốn hướng tới, mặc dù sử dụng những ngôn từ khác nhau, công cụ khác nhau.
Nhà giáo dục Rafe Esquith đã tham khảo sáu cấp độ các giai đoạn phát triển đạo đức của nhà tâm lý học người Mỹ Lawrence Kohlberg trước khi vận dụng vào hoạt động giáo dục tại Phòng học số 56 (còn được biết đến với tên nhóm Hobart Shakespearean):
Cấp độ 1: Không muốn bị rắc rối
Đây là giai đoạn học sinh nghe lời để né tránh các rắc rối (trách mắng, xử phạt) do người lớn mang lại. Phản ứng thiên về sự phục tùng, bị khuất phục.
Cấp độ 2: Tôi muốn được thưởng
Cấp độ này cũng dễ dàng bắt gặp cả ở trong gia đình lẫn trên trường lớp. Người lớn dùng phần thưởng để tạo động lực mà quên rằng đây là động lực không bền vững, bị lệ thuộc, khiến trẻ có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn là thực sự tập trung vào hành động.
Cấp độ 3: Tôi muốn làm hài lòng ai đó
Vẻ ngoài của cấp độ này tưởng chừng rất nhã nhặn, phù hợp với vai trò “con ngoan, trò giỏi”. Nhưng trẻ trưởng thành theo cách này thì khó có cơ hội được tận hưởng của sống của riêng chúng và dễ bị mất phương hướng bởi chúng luôn khao khát được thừa nhận.
Cấp độ 4: Tôi tuân thủ các quy tắc
Điều này khá phổ biến: Có một bộ quy tắc và tuân theo các quy tắc đó, tức là bạn sẽ đủ tốt trong mắt người khác để không bị làm phiền. Điều này không xấu nhưng sự tuân thủ chưa thể là đích đến thực sự trong giáo dục con người- hướng này chú trọng lập trình nên những cỗ máy.
Cấp độ 5: Tôi chu đáo và tế nhị với người khác
Đây là cấp độ đáng ghi nhận và phần nào thể hiện học sinh đã tiếp thu được những giá trị căn bản của giáo dục. Mặc dù vậy, từ những con người bình thường đến con người phi thường đang có một ranh giới mong manh, mà nếu thực sự muốn, trẻ có thể đạt đến cấp độ 6.
Cấp độ 6: Tôi có quy tắc ứng xử riêng và tôi tuân thủ nó
Tác giả cho rằng cấp độ 6 này khó đạt được nhất và cũng khó truyền dạy nhất. Để lấy ví dụ, ông chọn nhân vật Atticus Finch (tác phẩm Giết con chim Nhại) và nhân vật Red (do Morgan Freeman thủ vai, trong phim Nhà tù Shawshank). Theo tôi hiểu, thì đây là cấp độ cá nhân tự nhận thức sâu sắc về bản thân để trở nên đặc biệt nhưng vẫn hài hòa với thế giới. Trẻ tự do trong sự hiểu biết và như Voltaire từng nói “càng hiểu biết, con người càng tự do”.
Đây là phần tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách. Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể tham khảo hệ thống này để cải thiện, bồi dưỡng đạo đức cá nhân. Đạo đức làm nên sự khác biệt giữa con người và muông thú. Nhưng đáng tiếc, gia đình, nhà trường, xã hội ngày nay còn chưa thực sự coi trọng, có những hành động cụ thể để giúp trẻ phát triển đạo đức. Đạo đức không nằm trong khẩu hiệu, mà nằm trong những công việc thường ngày, bất kể to nhỏ.
Phương pháp
Đây là phần tác giả chia sẻ phương pháp giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện. Cụ thể là các em được khuyến khích, hướng dẫn (mong cha mẹ, các thầy cô đừng quên khuyến khích cần đi kèm hướng dẫn cụ thể).
Các em được hướng dẫn việc tạo ra và duy trì thói quen đọc sách, thói quen viết, học toán thông qua các trò chơi, nuôi dưỡng tình yêu với các môn nghệ thuật, thực nghiệm khoa học, dành thời gian chơi thể thao và tập làm quen với việc tiết kiệm, sử dụng tiền một cách khôn ngoan. Nội dung này rất lý thú, bổ ích độc giả nên trực tiếp đọc sách để tìm hiểu kỹ hơn.
Điều khiến tôi thích phần này là cách hiểu và cách vận dụng để giúp học sinh phát triển toàn diện.
Trước hết, chúng ta đi vào tìm hiểu thế nào là phát triển toàn diện? Đó không phải là gia tăng số lượng các môn học, các đầu sách tham khảo, chiếc cặp sách nặng chịch, thời khóa biểu dày đặc, theo đuổi các trào lưu mới. Chúng ta không thể lấp đầy đồ đạc vào trong một căn nhà rồi cho rằng đó là một căn nhà tiện nghi. Thực sự thì căn nhà ấy sẽ giống một cái kho bừa bộn, bụi bặm hơn.
Tâm trí của trẻ em cũng tương tự như vậy: Từ tính tò mò cho tới sự toàn diện đòi hỏi có thời gian, sự đầu tư sức lực, tiền bạc tương xứng và quan trọng là một người dẫn dắt toàn diện về mặt nhận thức (nếu chưa thể toàn diện thì ít nhất nên là đa diện).
Nếu người lớn chưa phải là những cá nhân toàn diện, thì việc ép trẻ trở thành một cá nhân toàn diện là đòi hỏi vô lý và thiếu sáng suốt.
Tôi nhận thấy phương pháp của tác giả Rafe Esquith giúp trẻ trở thành những con người toàn diện. Ông đã thành công trong việc biến tiềm năng thành tài năng.
Quá trình đọc sách, viết văn, chơi nhạc cụ, thí nghiệm khoa học, tập luyện thể thao dù bận rộn song tràn ngập niềm vui (tôi không thấy nhắc nhiều đến vai trò của điểm số, các kì thi ở đây). Tất cả hoạt động đến từ sự khảo khát, ham học hỏi và ý thức vươn lên của trẻ. Với tôi, người thầy là người truyền cảm hứng và tạo điều kiện, không phải là người nhồi nhét, “đóng hộp” học sinh trở thành những khuôn mẫu trống rỗng, gắn nhãn mác toàn diện.
Thay cho lời kết
Thành quả của nhà giáo dục Rafe Esquith đến từ sự quyết tâm và tận tâm của ông. Giáo dục không phải là lĩnh vực mang tính mùa vụ, càng không phải hoạt động mà các nhà đầu cơ nên thử sức. Giáo dục là hành trình lâu dài. Chúng ta chỉ bàn đến thành tựu giáo dục sau tối thiểu là hàng thập kỷ.
Qua năm tháng, trẻ có thể trở thành những con người tài giỏi, được nhiều người ngưỡng mộ. Các em cũng có thể trở thành những con người bình dị, có đóng góp nhất định, được nhiều người nhớ tới.
Giáo dục không những giúp con người “trở thành” mà còn tránh được cho con người khỏi “trở nên”: Được tiếp thu một nền giáo dục tốt, các em sẽ không trở nên lầm lạc, ích kỷ và u mê.
Nguồn: