[Review Sách] Dẫn luận về hạnh phúc
“Dẫn luận về hạnh phúc” của Daniel M. Haybron trong bộ “Dẫn luận về con người” (gồm 04 cuốn: “Dẫn luận về hạnh phúc”, “Dẫn luận về tình yêu”, “Dẫn luận về trí nhớ”, “Dẫn luận về tính dục”).
“Dẫn luận về hạnh phúc” của Daniel M. Haybron trong bộ “Dẫn luận về con người” (gồm 04 cuốn: “Dẫn luận về hạnh phúc”, “Dẫn luận về tình yêu”, “Dẫn luận về trí nhớ”, “Dẫn luận về tính dục”). Nằm trong chuỗi tác phẩm dẫn luận của Đại học Oxford, tôi nhận thấy cuốn sách mang đến hiểu biết căn bản về một chủ đề thú vị có sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, tính tự chủ và sự tự do: Hạnh phúc.
Nội dung chính
Với nội dung 8 chương kèm theo phần tài liệu tham khảo và đọc thêm, tác giả Daniel M. Haybron dẫn dắt độc giả lần lược đến với các ý tưởng:
1. Sự thật đáng lưu tâm
2. Hạnh phúc là gì?
3. Sự hài lòng với cuộc sống
4. Đo lường hạnh phúc
5. Cội nguồn của hạnh phúc
6. Xa hơn hạnh phúc: Sự toại nguyện
7. Ra khỏi bản ngã: Đức hạnh và ý nghĩa
8. Cuộc sống tốt đẹp
Điều khiến tôi thích thú là tác giả trình bày những ý tưởng của mình một cách rất từ tốn, không cố gắng định nghĩa, mổ xẻ hạnh phúc theo lý tính, vẽ ra mô hình trao đổi các tín hiệu trong não bộ theo sinh học hay chứng minh rằng hạnh phúc là trạng thái vô điều kiện hoặc có điều kiện như một số tôn giáo thường làm. Tôi nghĩ ông đã đi đúng hướng khi làm được một điều rất hữu ích là gợi mở để người đọc tự suy xét về hạnh phúc.
Bởi hạnh phúc là thứ không thể được dạy hay được cho tặng, mà đó là một phần trong hành trình cuộc đời của mỗi cá nhân. Hạnh phúc của một cá nhân mang bản sắc của chính cá nhân ấy. Nhưng nếu cá nhân này bị mắc kẹt trong việc hiểu bản thân thì đạt được hạnh phúc (và nhận ra mình đạt được hoặc thậm chí đã từng đạt được hạnh phúc) là điều không dễ dàng.
Để nắm rõ hơn hướng tiếp cận của tác giả, chúng ta có thể tham khảo nhận định sau:
Chúng tôi thu hẹp trọng tâm của hạnh phúc vào phạm trù tâm lý. Như thế, chúng ta có thể xác định 3 lý thuyết cơ bản về hạnh phúc là:
Lý thuyết về trạng thái cảm xúc: Hạnh phúc như một trạng thái cảm xúc tích cực.Lý thuyết về khoái lạc: hạnh phúc là sự dễ chịu.Lý thuyết về sự hài lòng với cuộc sống: hạnh phúc là trở nên hài lòng với cuộc sống của mình
(trang 24)
Trạng thái cảm xúc và khoái lạc mang tính chất ngắn hạn, phụ thuộc vào kích thích từ bên ngoài còn sự hài lòng thường đến từ nhận thức của con người. Vậy nên cá nhân tôi quan tâm đến sự hài lòng khi bàn về hạnh phúc. Một góc nhìn thì khó có thể bao trùm lên tổng thể, nhưng tôi cho rằng nếu chưa thể xác định điểm nhìn riêng về hạnh phúc thì bàn về hạnh phúc hoặc đọc sách về hạnh phúc sẽ lãng phí thời gian.
Sự hài lòng cũng là một đặc trưng thú vị và gần gũi, dễ hiểu hơn so với hạnh phúc. Nếu lựa chọn một đối tượng để quan sát thì tôi thích việc quan sát một người hài lòng hơn là một người hạnh phúc (vì hạnh phúc nhất thời có thể chỉ đơn giản là cảm giác hưng phấn hoặc tận hưởng khoái lạc).
Làm thế nào để hạnh phúc khi chưa hài lòng?
Có lẽ hạnh phúc là điều thường nhận được sự chú ý hơn hài lòng. Tôi liên tưởng đến việc một số cá nhân thường thích nhắc đến thành công hơn là thất bại. Bởi thành công khiến cho chúng ta cảm thấy tốt hơn- hãy chú ý đến cảm nhận của chúng ta khi lựa chọn và sử dụng từ ngữ. Cảm nhận ấy không phải lúc nào cũng có lý lẽ thỏa đáng. Tôn vinh thành công, tỏ ra thành công không hoàn toàn xấu. Nhưng thói quen ấy phần nào khiến chúng ta mặc định đặt thành công sang phía tích cực còn thất bại thì bị coi là tiêu cực. Có một điều nên suy ngẫm ở đây là hiếm có thành công nào bền vững mà chưa từng bị thử thách bởi thất bại: “Thất bại là mẹ đẻ của thành công”. Chỉ nói về thành công mà lảng tránh thất bại sẽ đưa chúng ta ngày càng xa khỏi thành công thực sự.
Hạnh phúc và sự hài lòng cũng như vậy. Khi chưa biết hài lòng, còn khao khát nhiều thứ (trong đó có hạnh phúc) sẽ khiến bạn xa rời hạnh phúc hơn. Bởi nếu chưa thể hài lòng với một chiếc xe máy thì không có gì chắc chắn với việc bạn sẽ hài lòng với một chiếc xe hơi. Bạn có thể cảm thấy vui vẻ, tự hào khi mua chiếc xe hơi đó. Bạn có thể hưởng thụ tiện nghi của chiếc xe hơi so với chiếc xe máy. Bạn cũng có thể cảm thấy bản thân giá trị hơn khi lái chiếc xe đó đi thăm mọi người. Nhưng ngay khi một chiếc xe hơi hạng sang hơn chiếc xe của bạn xuất hiện trên đường rồi vô tình vào bãi đỗ xe trước bạn trong khi bên tai bạn vang lên tiếng trầm trồ, xuýt xoa rất hồn nhiên từ người ngồi cạnh, cảm giác hạnh phúc trong bạn liệu có còn nguyên vẹn?
Càng suy nghĩ về hạnh phúc, thay vì vội vã lăng xăng kiếm tìm nó, tôi càng nhận ra điều mà con người cần để đạt đến hạnh phúc không phải là sự ham muốn đạt được nó. Mà trái lại, rất đơn giản, chỉ cần học cách bằng lòng với những điều mình có.
Ở đây có một vấn đề phát sinh, là thời hiện đại sợ sự bằng lòng. Sự hài lòng dễ dàng bị đồng hóa với thiếu ý chí và không biết tiến thủ- cũng như ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của chúng ta, điều mà các tập đoàn tư bản hết sức quan tâm.
Ai cũng muốn làm chủ sân khấu của đời mình, được diễn những vai quan trọng nhất, tốt đẹp nhất (thực ra là vai tốt hơn, để rồi sa đà vào các phép so sánh bất hạnh). Vai quần chúng thường bị chê cười do mờ nhạt còn những vai chính thường được khen ngợi bởi nhiều người nghĩ đó là vai quan trọng. Tư duy cục bộ theo lối chính – phụ, cao – thấp đó là một thử thách đáng kể trên hành trình hạnh phúc (vì người ta quá quan tâm đến kết quả mà quên đi quá trình).
Trong câu chuyện ngụ ngôn “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, bà lão ước ao từ những điều bình dị, thiết thực như chiếc máng lợn cho đến cao sang, viển vông như nữ hoàng biển cả- quá cao tầm với của bà và quá xa so với những gì bà xứng đáng. Nên kết thúc lại bà không hài lòng và cũng chẳng thể hạnh phúc. Liệu bà lão nghèo khổ do thiếu ý chí hay thiếu bằng lòng với đời?
“Hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ” có lẽ sẽ giúp chúng ta cần bằng giữa ý chí và sự hài lòng. Tôi nghĩ nếu không biết dại khờ một chút, cuộc đời sẽ tăng thêm phần bất hạnh để chúng ta bớt cảm thấy nhàm chán.
Hãy gắn kết cuộc đời bạn vào những hoạt động ý nghĩa, nhưng đừng quá sức và đừng quên thư giãn. Dành thời gian cho những người mà bạn yêu quý. Để mắt tới nợ nần. Và ra đi thanh thản.
Tôi muốn bổ sung thêm: Hãy thoải mái để thực hiện những việc đó bằng cách đặt mình vào tình huống mà chúng thường xuất hiện một cách tự nhiên. Giả sử bạn sống một cách khôn ngoan và có ý nghĩa như mong đợi, liệu bạn sẽ hạnh phúc? Có thể, nhưng đó chỉ là một phần trong sự kiểm soát của bạn.
(trang 193)
Hạnh phúc từ đâu mà ra?
Trong phần này, tôi sẽ tập trung vào 5 yếu tố mà các nhà khoa học đều nhất trí đưa ra như sau (không theo thứ tự đặc biệt nào, chỉ để dễ nhớ):
1. Sự an toàn 2. Quan điểm 3. Tự chủ 4. Các mối quan hệ 5. Hoạt động có ý nghĩa và cần kỹ năng
(trang 87)
Trên đây là những điều mà các nhà khoa học nhất trí với nhau. Nếu bạn hỏi các bậc cha mẹ, họ hàng, nhóm bạn thân, đồng nghiệp, cấp trên v.v. thì họ sẽ cung cấp thêm cho bạn những lựa chọn khác nữa. Tất nhiên chúng đều tốt đẹp với họ nhưng điều ấy không có nghĩa chúng sẽ mang lại hạnh phúc cho bạn. Hãy tỉnh táo và cảnh giác trước những câu trả lời có sẵn. Bạn cần nỗ lực nhiều hơn vậy khi sinh ra và sống trên đời với tư cách của một con người.
Người chưa từng nỗ lực làm một điều gì đó, chưa từng trả giá, chưa từng bị gục ngã sẽ rất khó học được bài học về cách đứng trên đôi chân của mình- đặc biệt là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Giống như những bậc cha mẹ nuông chiều, bao bọc con cái. Họ đang gieo cho con những hạt giống bất hạnh trong tương lai khi tạo ra môi trường sống quá tốt để có thể là hiện thực ngoài xã hội.
Như mọi khi, tôi sẽ tránh đi sâu vào phân tích thêm các yếu tố của hạnh phúc (đừng để tôi hạnh phúc thay bạn, bạn hãy tự đến với hạnh phúc của mình). Bạn có thể tìm đọc sách để bản thân có trải nghiệm trọn vẹn hơn.
Thay cho lời kết
Phần cuối của bài viết, tôi xin trích dẫn lại một đoạn khiến tôi xúc động. Bài viết này có lẽ đã trích dẫn tương đối nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng thông điệp sau đây sẽ có giá trị nhất định nên vẫn muốn được chia sẻ thêm.
Tôi tin không ít người đang thiếu điều mà họ cứ nghĩ rằng mình đã thừa. Trong khi đó, không món lợi về vật chất nào có thể bù đắp nổi những trống rỗng về mặt tinh thần sâu bên trong. Đặc biệt là khi cảm xúc ấy bị vùi lấp bởi năm tháng, thói quen tiêu dùng và những mối quan hệ hời hợt.
Chỉ cần được sống, có gia đình tuyệt vời, bạn bè tốt, ngắm nhìn mặt trời mọc mỗi sáng – điều đó khiến tôi cảm thấy vui vẻ. Bạn nên trân trọng thời gian của mình. Một số người chưa đạt được điều đó để có thể dừng lại và nói “Tôi quả là người may mắn khi có cuộc sống mà tôi đang có”.
Trích trong lá thư gửi về nhà của một người lính, ngay trước trận chiến đã kết thúc cuộc sống của anh.
(trang 194)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất