|Ngay cả con chó cũng không thích mình…| 
Có ngày nào bạn phải tuyệt vọng đến mức phải thốt lên câu đó chưa? Một ngày đến cả chú chó thân yêu cũng chả thèm chạy đến cho bạn ôm nó, và bạn đành ngậm nguồi quay đi mà trong lòng rên rỉ “Ngay cả con chó cũng không thích mình…”, hoặc một tình huống cay đắng nào đó khác, cũng đắng cay y như vậy. 
Nói về cuốn sách. Đây là một cuốn khó đọc, nhưng cực kỳ hấp dẫn, một cuốn sách về tâm linh, nhưng thay vì nói về một vị thần hay về một tôn giáo, cuốn sách giới thiệu khái niệm higher-self, một phần nào đó ở trong bạn nhưng “cao” hơn con người chính bạn đang thấy hiện nay. Lần đầu đọc cuốn sách (khi viết review này thì mình đã đọc đến lần thứ 3), mình bị chấn động bởi những khái niệm mới mẻ mà cuốn sách nhắc đến. Cái suy nghĩ miên man mà chúng ta tạo ra hằng ngày, lúc thì có ích, lúc thì sao thấy thật phiền phức đó thật ra không phải là chính chúng ta. Toàn bộ chỉ là những suy nghĩ, những niềm tin cá nhân, và có một cái higher-self sẽ đóng vai trò quan sát và quyết định xem có để những miên man đó ảnh hưởng đến cảm xúc của chính chúng ta hay không. Quả là một góc nhìn mới lạ. Đó chỉ là một trong những phần nhỏ của cuốn sách hơn 300 trang, nhưng quả thật đã mở ra cả một vùng trời bao la. Y như khi bạn đọc sách khoa học, khám phá… tác giả mở ra trước mắt bạn cả thế giới kì thú, khi đọc tuyện, tiểu thuyết.. biết bao số phận con người hiện ra trước mắt thì với Cởi trói linh hồn, sẽ là cả một vũ trụ bên trong chính chúng ta, nơi thân quen nhất nhưng ẩn chưa nhiều bí ẩn nhất mà ta chưa có dịp biết đến. Một cuốn sách nên đọc, cần đọc và phải đọc trong đời. Mình xin chắc chắc là như vậy.
Trở về với chuyện chú chó nhỏ lạnh lùng ở trên, mình xin trích một đoạn trong cuốn sách : “ Tại sao lại có nỗi đau tận đáy lòng như thế chỉ vì chú cún không chạy đến? Tại sao lại có nỗi đau khi người bạn nói họ đã có một cuộc hẹn khác và không thể đi xem phim ngày hôm nay? Làm sao mà những tình huống như thế lại gây ra nỗi đau nhỉ? Đó là bởi vì sâu trong đáy lòng bạn có nỗi đau mà bạn chưa giải quyết. Việc bạn nỗ lực trốn tránh nỗi đau đã tạo ra những lớp nhạy cảm kết nối với nỗi đau tiềm ẩn kia.”
The Fool.
Nguồn : The Fool Station