“Cô nàng cửa hàng tiện ích” trong tên sách là Furukura Keiko, một người phụ nữ 36 tuổi đã làm việc ở cửa hàng tiện ích suốt 18 năm kể từ ngày đầu khai trương. Nhắc đến việc làm ở cửa hàng tiện ích, những người khác đều chỉ coi đó là công việc tạm thời dành cho sinh viên, các bà nội trợ, hay một vài trường hợp chưa tìm được việc làm ổn định. Thế nhưng, với Keiko, công việc ở cửa hàng tiện ích này là mối liên kết duy nhất giữa cô cùng thế giới xung quanh. Từ nhỏ đến lớn, cô chưa bao giờ được coi là một người bình thường; thậm chí, mỗi lần nhắc về cô, mẹ và em gái lại mắt rơm rớm lệ, chỉ mong một ngày nào đó cô “khỏi bệnh” và trở về ra dáng một người bình thường.
Hồi nhỏ, khi thấy một chú chim nhỏ chết ở công viên, thay vì khóc thương và chôn chú chim như những đứa trẻ khác, Keiko lại cầm xác của chú chim đến trước mặt mẹ và ngỏ ý muốn đem xác chim về nướng lên ăn. Trước sự ngạc nhiên cùng sợ hãi quá đỗi của người mẹ, cô vẫn không lý giải được tại sao mình phải chôn chú chim nhỏ, phải biết thương tiếc và buồn đau một sinh mệnh vừa lìa đời. Lần khác, Keiko đã ngăn cản vụ bạo lực ở trường tiểu học bằng cách thức “nhanh nhất”: Cô lấy chiếc xẻng làm vườn phang thẳng vào đầu đứa bạn đang gây gổ. Trong khi xung quanh hét lên ầm ĩ, thầy giáo “nổi cáu một cách vô lý”, còn mẹ không ngừng gập đầu nói lời xin lỗi trước hội đồng, Keiko vẫn chẳng hiểu mình đã làm sai điều gì – vì chẳng phải, đứa trẻ kia ôm đầu, ngã xuống, nằm im bất động, và vụ ẩu đả đã kết thúc sao. Lớn lên, cô chứng kiến cảnh cô giáo mất kiểm soát, đám học sinh khóc thút thít, Keiko đã chạy lên tụt cả váy lẫn quần lót trước mặt cô để cô đừng gào thét thêm nữa. Cô làm vậy vì từng xem chương trình trên TV, người ta sẽ im lặng khi con gái bị tụt quần áo. Mẹ Keiko lại bị gọi lên trường một lần nữa, trên đường về, mẹ vừa ôm cô vừa nghẹn ngào trong câu hỏi không có lời hồi đáp: “Tại sao, sao con không hiểu hả Keiko…”. Giữa tiếng nấc nhói lòng của mẹ, Keiko nhận ra mình lại làm điều gì đó sai, nhưng cô vẫn không thể hiểu và nhận định được mình đã sai ở đâu.
Cô dần dần hình thành nhận thức, suy nghĩ về sự khác biệt giữa mình và mọi người. Cô quyết định lựa chọn lặng im không lên tiếng, bởi cô nghĩ nếu không nói sẽ không có sai lầm nào xảy ra, bố mẹ sẽ không phải đi xin lỗi những người khác thêm nữa. Từ nay, Keiko sẽ sống theo 2 cách: Bắt chước hoặc làm theo chỉ thị. Chính lựa chọn cách sống như vậy, cô tìm thấy môi trường sống lý tưởng cho mình, chính là cửa hàng tiện ích. Ở trong không gian được bao bọc bởi 4 lớp kính, sinh vật được gắn mác “nhân viên cửa hàng tiện ích” bắt buộc phải làm mọi thứ theo chỉ thị và khuôn mẫu. Mọi việc diễn ra trong chiếc hộp kính này đều có khuôn khổ và quy tắc rõ ràng, đến cả biểu cảm và cách trò chuyện cũng được xếp đặt sẵn. Nếu lúc trước, cô không biết mình phải bộc lộ cảm xúc thế nào trước mỗi câu chuyện mình nghe, thì giờ đây, cô có thể bắt chước học theo video mẫu. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Keiko “được trở thành một bộ phận của thế giới”; trong giây phút ngày mới bắt đầu, thế gian tỉnh giấc, âm thanh hỗn tạp của cửa hàng tiện ích đã “bơm” vào trong cô sự sống – thứ sự sống bình thường mà chưa từng len lỏi trong máu, trong tế bào của cô. Giống như kệ đồ tạp hóa, máy pha cà phê,… Keiko thấy mình chính là một phần của cửa hàng này.
Mặc cho vẻ ngoài đã được điểm tô đôi chút bởi dáng dấp của người bình thường, sâu trong Keiko vẫn không có nổi một cảm xúc “bình thường” nào. Cô đi làm đúng giờ, làm việc cả kì nghỉ, không bao giờ tức giận trước khách hàng, càng chưa một lần mất bình tĩnh trước bất cứ ai. Cô có thể bắt chước cách ăn vận và nói năng từ những người đồng nghiệp, có thể giả bộ trở thành một phần trong những buổi nói chuyện của bạn bè, nhưng cô vẫn như vậy: Cô không biết tại sao phải tốn công dỗ đứa bé không khóc nữa, trong khi trên bàn có sẵn con dạo nhọn hoắt. Mọi hành động và phản ứng của cô đều là bản sao cóp nhặt từ nhiều người, để bản thân cô không giống một kẻ ngoài luồng hay bị coi là “hàng dỏm”. Với bản thân, cô cảm thấy mình là một loài động vật máu lạnh, không những chẳng có cảm xúc mà còn chẳng lý giải nổi cảm xúc của người xung quanh. Keiko là một mặt hàng, một thứ đồ vật, một sự tồn tại đang cố gắng bám trụ lại trong xã hội loài người.
Thế nhưng, tất cả đều thay đổi khi gã đàn ông tên Shihara bước vào cuộc đời cô. Gã là một kẻ đớn hèn, không nghề không ngỗng, không biết nỗ lực cố gắng, luôn thù hằn và chỉ trích xã hội một cách không ngừng. Gã giống Keiko ở điểm bị biệt lập bởi những quy chuẩn của xã hội. Gã cho rằng, xã hội hiện đại nào có gì khác xã hội thời Jomon (thời kỳ đồ đá ở Nhật Bản), khi loài người được định nghĩa bởi giống cái - giống đực, khi sự tồn tại của một cá thể chỉ để phục vụ sự sinh sôi nảy nở của bộ tộc, khi chỉ những gã đực rựa săn bắn giỏi mới có được những cô đẹp nhất làng,… Gã khác Keiko ở điểm gã có thể lý giải mọi cảm xúc của con người, gã hoàn toàn không coi mình là mặt hàng, hay đồ vật, hoặc một sinh vật gọi là “nhân viên cửa hàng tiện ích” như Keiko. Vậy mà, gã chỉ được cái miệng luôn nói về lý tưởng khởi nghiệp chắc chắn thành công của mình, nhưng chưa một lần gã thực sự chăm chỉ, phấn đấu cho cái ý tưởng hoàn mỹ của gã.
Shihara lựa chọn cuộc sống ăn bám Keiko, để trốn đi những định kiến xã hội thúc ép gã bấy lâu. Gã đổ mọi tội lỗi lên đầu thứ gọi là “xã hội”, bởi nó là thứ khiến gã buộc phải sống cuộc đời như những người khác: Làm việc, kết hôn, sinh con. Luôn trốn chui trốn lủi những “nghĩa vụ” phải mang, gã hèn mọn đến cùng cực: Một kẻ phẫn hận xã hội loại người, nhưng cũng chính gã lại áp những quy chuẩn ấy lên người Keiko, rồi hả hê đay nghiến, coi thường, và tự nâng vai trò của mình lên. Shihara sinh ra với đủ đầy nhận thức cùng xúc cảm, nhưng gã biếng lười và cố tìm cách đổ lỗi cho mọi sự thành bại, đến cùng cái xã hội gã căm ghét ấy cũng từ chối sự tồn tại của gã. Gã trở thành một kẻ bỏ đi, rồi chính vì sự khước từ đó, gã lại tìm cớ đổ lỗi cho những quy chuẩn của xã hội. Thế nhưng, gã thực sự căm hận cái xã hội ấy sao, hay chăng gã muốn được làm một phần của cái xã hội ấy, nên mỗi câu chửi của gã lại vẽ nên một hình mẫu mẫu mực?
Trái ngược gã, Keiko sinh ra với sự khuyết thiếu về mặt cảm xúc, nhưng cô chưa từng ngừng cố gắng hòa nhập, để được trở thành một phần của những người bình thường. Cuối cùng, cô tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình ở cửa hàng tiện ích. Đó là thế giới của những quy chuẩn, nguyên tắc, định kiến,… hoặc, có thể nói là của tất cả những gì gò bó nhất. Đồng thời, đó cũng là thế giới bất ổn định trong mắt những người bình thường đang đeo đuổi một cuộc sống hạnh phúc. Hóa ra, hạnh phúc không nằm ở việc ta có bao nhiêu tiền, con của ta học giỏi nhường nào, xã hội trọng vọng ta ra sao,… Hạnh phúc nằm ở việc ta cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy được thuộc về, cảm thấy những cố gắng và nỗ lực của mình là xứng đáng.
Mỗi người có một đích đến hạnh phúc khác nhau, mỗi người có một định nghĩa thành công khác nhau, mỗi người có một nỗi đau khôn nguôi khác nhau, mỗi người có một lẽ sống của riêng mình. Xã hội hiện đại khác với xã hội thời Jomon ở chỗ, rất nhiều cuộc sống và mảnh đời không trùng lặp đang cùng tồn tại. Miễn là chúng ta không bỏ cuộc, rồi một ngày chúng ta sẽ tìm được “cửa hàng tiện ích” của mình, giống Keiko đã tìm ra ở cuối truyện.