Mục tiêu của cố vấn là con người và toàn bộ quá trình cố vấn hướng đến sự phát triển của con người. Đó là lý do vì sao bạn cần là người tự phát triển, trước khi giúp người khác phát triển.
“Đọc vạn quyển sách không bằng chu du vạn dặm, chu du vạn dặm không bằng thỉnh giáo vạn người, thỉnh giáo vạn người không bằng được minh sư chỉ lối, minh sư chỉ lối không bằng tự mình khai công, khai ngộ”
Khi viết bài review cuốn sách “Cố Vấn 101” của John C.Maxwell, tôi lập tức nghĩ tới câu nói ở phía trên. Mối quan hệ giữa “minh sư” và “tự mình” rất thú vị. Bạn đọc hẳn cũng có ít nhiều trải nghiệm về mối quan hệ ấy. Bởi từ khi sinh ra cho tới lúc mất đi, dường như ai cũng từng được những bậc thầy chỉ bảo. Mặc dù vậy, tìm thầy không dễ và tự mình khai ngộ cũng không hề đơn giản- cả hai đều cần đến sự bền bỉ, tinh thần cầu thị và chân thành.
Người thầy không phải lúc nào cũng có thể truyền thụ điều mình biết cho trò, không phải lúc nào cũng hòa hợp với trò. Người trò cũng không phải ai cũng có sự tinh tế để tìm được thầy hay và thậm chí là nhìn ra cái hay của thầy để kiên trì học hỏi. Nhưng dù thời nào, thế ra sao thì con người vẫn cần hiểu biết. Vì vậy từ mối quan hệ sư phụ – đệ tử xưa kia, nay đã thành cố vấn – người được cố vấn (mentor – mentee).
“Cố vấn 101” tập trung vào chia sẻ hiểu biết về hoạt động cố vấn trong các tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng nội dung sách có thực sự bị bó hẹp như vậy hay không, còn tùy vào tâm trí của người đọc. Cá nhân tôi vẫn rút ra được những kiến thức hữu dụng trong hoạt động cố vấn dành cho các bạn thanh thiếu niên trong quá trình đọc sách.
Suy nghĩ như một người cố vấn
Chúng ta rất khó để có thể trở thành cố vấn nếu không tư duy như một người cố vấn. Vậy một người cố vấn thường tin vào điều gì? Đây là hệ thống mà tác giả đề xuất:
1.Ưu tiên hàng đầu là phát triển con người
2.Giới hạn người đồng hành
3.Phát triển các mối quan hệ trước khi bắt đầu
4.Giúp đỡ vô điều kiện
5.Hãy để họ bay cùng bạn trong một thời gian
6.Nạp nhiên liệu vào bình cho họ
7.Đồng hành cùng họ cho đến khi họ tự mình thành công
8.Dọn sạch đường bay
9.Giúp họ lặp lại quá trình (giúp họ trở thành cố vấn cho người khác)
Mục tiêu của cố vấn là con người và toàn bộ quá trình cố vấn hướng đến sự phát triển của con người (đó là lý do vì sao bạn cần là người tự phát triển, trước khi giúp người khác phát triển. Về chủ đề này, tôi đã chia sẻ trong bài review cuốn “Tự phát triển 101” của đồng tác giả).
Công việc cố vấn đòi hỏi sự chú tâm, nỗ lực, hiểu biết và kỹ năng làm việc với con người. Do đó, không phải chuyên gia nào cũng có thể trở thành cố vấn, dù họ có thể rất vững vàng về mặt chuyên môn. Chuyên môn là cần thiết, nhưng để người khác tin tưởng, chia sẻ những khó khăn trong quá trình phát triển với bạn, thì họ cần nhận thấy bạn là một con người có uy tín, trách nhiệm, hiểu biết tốt hơn họ song không phán xét sự thiếu hiểu biết của họ.
Bởi vậy thường tồn tại giới hạn về số lượng người tham gia trong hoạt động cố vấn. Mối quan hệ 1 – 1, cá nhân hóa sẽ mang lại giá trị hơn. Bởi cố vấn khác với việc đào tạo (dù hai hoạt động này không phủ định lẫn nhau). Nhưng điểm nhìn của nhà cố vấn sẽ xuất phát từ nhu cầu, tính cách người được cố vấn nhiều hơn. Do đó, cố vấn cần có đủ thời gian, sự tập trung và kỹ năng để làm tròn sứ mệnh của mình.
Hành động như một người cố vấn
Khi lựa chọn trở thành cố vấn, hầu hết mọi người tin rằng bản thân đang lựa chọn làm một công việc có ý nghĩa. Nhưng làm thế nào để thực hiện công việc ấy? Trong phần “Nâng đỡ người khác”, John Maxwell có đưa ra các gợi ý dành cho những cố vấn. Nội dung như sau:
1.Coi sự phát triển là một quá trình dài hạn
2.Khám phá ước mơ và mong muốn của mỗi người
3.Dẫn dắt mọi người theo cách khác nhau
4.Sử dụng mục tiêu của tổ chức để phát triển các cá nhân (áp dụng cho doanh nghiệp)
5.Giúp họ hiểu chính mình
6.Sẵn sàng nói chuyện thẳng thắn
7.Chúc mừng chiến thắng thực sự
8.Chuẩn bị kỹ năng lãnh đạo
Lướt qua những hành động bên trên, bạn có thể thấy cố vấn là những con người thực sự hứng thú với con người. Cố vấn nỗ lực để người được cố vấn trở nên tốt hơn, bằng cách hiểu họ, giúp họ hiểu bản thân rồi lại tiếp tục giúp họ chấp nhận thế giới và giúp thế giới chấp nhận họ. Sự kế thừa này vừa sinh ra từ những nhu cầu thực tế vừa xuất phát từ những động lực cao cả của nhân loại- đôi khi là vượt lên sự tồn tại để đến với một dạng thức tồn tại ngày càng có ý nghĩa hơn.
Người cố vấn ươm những hạt mầm, chắp thêm đôi cánh trong tâm trí của những nhà cố vấn tương lai
Thay cho lời kết
“Tôi phải làm gì nếu họ vượt qua tôi?” Đây là nội dung cuối cùng của cuốn sách. Với tôi đây là một câu hỏi nhân văn, song cũng rất trực diện: bạn sẽ làm gì với nỗi lo sợ bị vượt qua? Một số người sẽ không bao giờ trở thành cố vấn bởi ý nghĩ này. Một số người còn lại chọn lựa làm cố vấn “một nửa” tức là chỉ dẫn điều tốt nhưng giữ lại điều tốt nhất cho riêng bản thân.
Nhưng sẽ có những người cố vấn thực sự khao khát tìm ra hoặc tạo ra những người vượt trội hơn chính mình. Động cơ của hành vi này có thể rất vô tư là muốn bồi dưỡng thêm nhân tài để làm lợi cho đời, trao truyền di sản cho hậu thế xứng đáng hoặc rất cá nhân như là con đường để diệt tự ngã hoặc thông qua truyền nhân để tiếp nối sự nghiệp còn dở dang. Cố vấn trọn vẹn đôi khi là sự pha trộn của cả hai ý nghĩ.
Mở đầu bài viết bằng một trích dẫn, nay tôi cũng xin được kết lại bằng một trích dẫn:
“Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”