Có lẽ đã rất lâu rồi, mình mới đọc được một cuốn sách lôi cuốn như vậy sau "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán. Căng thẳng, giật gân, hành động, thấm thía, ý nghĩa, xót xa, xúc động... Rất nhiều cảm xúc. "Cacao máu" là một câu chuyện, một hành trình của 3 đứa trẻ tại đồn điền Cacao - 2 anh em và 1 cô bạn mới quen. Một hành trình thắp lại niềm tin vào giá trị của tự do, một hành trình khơi dậy khát khao hành động để vùng vẫy thoát khỏi tù túng, từ đó quyết tâm để được làm người.
Những đứa trẻ bị lừa mất tự do. Những đứa trẻ bị coi như công cụ thu hoạch. Những đứa trẻ bị giam cầm cả trong hành động và suy nghĩ. Nhưng tại sao chúng lại cun cút nghe lời, làm việc đủ năng suất ở cái tuổi thiếu niên như vậy? Đầu tiên là vì tiền. Chúng muốn kiếm tiền về cho gia đình, muốn bản thân kiếm ra tiền để không phí hoài thời gian chờ mùa mưa đến. Nhưng rồi nhận ra chúng sẽ không có tiền, không bao giờ có. Và nhận ra chúng không còn được trở về nhà.
Rồi chúng bị đánh. Nhiều sẹo lắm. Sẹo hằn lên cơ thể, hằn lên cả tâm trí và tinh thần. Sợ đau, sợ đói, sợ không còn nhìn thấy ngày mai. Vì vậy chúng phải làm việc, làm thật tốt. Chúng cứ thế thuần thục thu hoạch những trái cacao chín vàng, lành nghề đến chai tay. Và nhận ra, nếu không suy nghĩ về ngày được trở về nhà, chúng sẽ có đủ thời gian hoàn thành chỉ tiêu. Thật đau đớn!
Đừng ai thắc mắc vì sao chúng còn nhỏ mà đã lo kiếm tiền. Vì quê nghèo lắm, còn đói, và chúng muốn lo cho gia đình. Ấy vậy nên lúc thấy cô bạn, chúng ngạc nhiên lắm. Ngạc nhiên vì học thức, vì trang phục, vì tính cách kiên cường. Và rồi, chúng nắm tay nhau cùng bỏ trốn.
3 đứa trẻ, 2 hoàn cảnh sống, 1 niềm tin. Chúng đã trầy trật mà nương tựa nhau như vậy. Tôi theo chân chúng đến tận trang cuối cùng mà không một lần bỏ dở giữa chừng. Không nỡ bỏ dở giữa chừng. Đọc và chỉ khao khát một kết quả tốt đẹp. Phải thật tốt đẹp. Nhứng đứa trẻ của tôi phải thật yên bình và hạnh phúc.