[Review Sách] Bức Tranh Toàn Cảnh- Cuốn sách dành cho những tín đồ yêu điện ảnh
Bạn có biết vì sao phần phim Người Nhện đầu tiên do Tom Holland đóng lại có tên là “Spider Man – Homecoming”? Vì sao trong hàng trăm siêu anh hùng của nhà Marvel, Iron man lại được chọn làm anh hùng tiên phong lên màn ảnh rộng?
Bạn có biết vì sao phần phim Người Nhện đầu tiên do Tom Holland đóng lại có tên là “Spider Man – Homecoming”? Vì sao trong hàng trăm siêu anh hùng của nhà Marvel, Iron man lại được chọn làm anh hùng tiên phong lên màn ảnh rộng? Rồi kỷ nguyên phim thương hiệu hay vũ trụ điện ảnh đã bắt đầu như thế nào? Ông lớn Sony đã ngã ngựa ra sao? Netflix vì sao lại có được bước tiến vượt bậc như hiện nay?
Nếu trả lời được thì thật là tuyệt. Nhưng nếu không thì cũng chẳng sao. Vì mình ở đây để giới thiệu tới bạn cuốn sách mang tên “Bức Tranh Toàn Cảnh”– Tác phẩm không chỉ giúp bạn giải đáp toàn bộ những câu hỏi trên mà còn mang đến một cái nhìn vô cùng bao quát về ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ.
“Mấy năm gần đây, một bước ngoặt vĩ đại diễn ra: Cuối cùng, Hollywood đã biết được vài điều. Hollywood biết được rằng phim thương hiệu sẽ được yêu thích. Khán giả, ai cũng nói rằng họ thích nội dung mới lạ, nguyên bản nhưng thực tế là họ đều chỉ thích đi xem loạt phim về những nhân vật và bối cảnh quen thuộc mà họ thích…”
Là cuốn sách được viết bởi nhà báo Ben Fritz – người từng là biên tập viên của tờ Wall Street Journal. Bức Tranh Toàn Cảnh được lấy nguyên liệu từ những cuộc phỏng vấn với các nhân vật chủ chốt của Marvel, Netflix, Disney, Amazon… và nhiều nhất là từ tài liệu nội bộ bị đánh cắp của Sony.
Bức Tranh Toàn Cảnh được chia làm hai phần với 15 chương. Phần đầu nói về quá trình xuống dốc của Hollywood và phần cuối là tương lai của Hollywood. Từ đó dẫn bạn tới mọi ngóc ngách khuất sau tấm màn hào nhoáng của ngành công nghiệp điện ảnh một cách trần trụi, trung thực và chi tiết nhất. Đồng thời đưa ra những dự đoán về tương lai của đế chế Hollywood trong thế kỷ này.
“Để quyết định làm phim nào trước, Marvel tập hợp nhóm đối tượng để khảo sát. Nhưng công ty không tập hợp bất kỳ người nào để hỏi xem là cốt truyện và nhân vật nào mà họ muốn xem trên màn ảnh rộng. Thay vì thế, Marvel tập trung nhiều nhóm trẻ em và cho các em xem hình của các siêu nhân, giải thích cho các em về năng lực và vũ khí của từng người. Rồi họ sẽ hỏi chúng là nhân vật nào mà chúng muốn mua đồ chơi nhất. Câu trả lời khiến Marvel choáng váng, vì đó chính là Iron Man.”
Điều mình thích ở cuốn sách này chính là ở văn phong sắc bén, thông minh nhưng vô cùng gần gũi của tác giả Ben Fritz. Bạn không cần phải là một nhà nghiên cứu, hay một người quá am hiểu về công nghiệp điện ảnh mà chỉ cần là một người hay xem phim, biết chút chút thông tin ngoài lề về những bộ phim đang chiếu là đủ để hiểu hết những gì tác giả muốn truyền tải.
Dù đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần nhưng mỗi lần đọc lại mình vẫn không thể ngưng trầm trồ bởi sự am tường, khối lượng kiến thức đồ sộ về ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ và sự dày công nghiên cứu của tác giả.
Càng đọc, mình càng cảm thấy như bị cuốn vào một hành trình vô cùng hấp dẫn mà mình không thể thoát ra được. Bởi sách đã giúp mình lý giải được rất nhiều câu hỏi mà mình đã luôn thắc mắc bấy lâu nay và đề cập đến những vấn đề mà trước nay mình chưa bao giờ nghĩ tới. Từ việc tại sao một ông lớn như Sony lại ngã ngựa. Tại sao dạo gần đây Hollywood lại “chiều” Trung Quốc như vậy. Cho đến lối đi nào cho những phim nguyên tác sau cơn siêu bão mang tên phim thương hiệu hay là vũ trụ điện ảnh…
“Hoa Kỳ đã chứng minh rằng sức mạnh văn hóa đại chúng có thể đóng góp lớn lao vào sức ảnh hưởng của một quốc gia trên trường quốc tế. Giờ Trung Quốc muốn làm tương tự. Chính phủ Bắc Kinh coi nghệ thuật và văn hóa là một “quyền lực mềm mà quốc gia này có thể sử dụng đế gây tác động lên thế giới mà không cần dùng vũ khí.
Mình tin rằng không chỉ những con mọt mê phim mà bất kỳ ai quan tâm đến đế chế Hollywood cùng đều nên đọc Bức Tranh Toàn Cảnh một lần trong đời. Sách chỉ độ hơn ba trăm trang. Lượng kiến thức được giản lược và tinh gọn hết mức có thể nhưng cũng đủ để khiến bạn có cái nhìn hoàn toàn khác về ngành công nghiệp điện ảnh. Tin mình đi, chắc chắn sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng đâu.
Bạn đã đọc cuốn này chưa? Nếu đọc rồi thì cảm nhận của bạn về “Bức Tranh Toàn Cảnh” như thế nào? Để lại nhận xét bên dưới cho mình biết với nhé.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất