Với cuốn Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu (One Flew Over The Cuckoo’s Nest), tôi lần đầu biết đến tác giả Kenn Kesey và ấn tượng với thông điệp ông mang lại: luôn có tự do dành cho người đủ can đảm đến với tự do.
 
Gặp gỡ lửng lơ
Tôi tình cờ bắt gặp cuốn sách vào một chiều mưa tại nhà sách Mão, số năm phố Đinh Lễ. Theo lời người anh đi cùng, đó là cuốn được hai ông bà mua bản quyền và ra mắt độc giả từ năm hai ngàn lẻ một. Cuốn sách cũ kĩ, bụi bặm và nằm khiêm nhường ở ngăn cuối của kệ sách.
Tôi chưa biết giá trị của sách, nhưng người đi cùng tôi thì biết. Vậy nên tôi quyết định mua cuốn sách này.
Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu dẫn dắt tôi vào một thế giới khác. Ở đó giống với một mê cung tối tăm, các giác quan khi thì bị kéo căng công suất, lúc thì lại trở nên vô hiệu.
Câu chuyện mở đầu tại một trại tâm thần với những bệnh nhân tự nguyện.
Sách khác với tính “điên” theo kiểu đầy trí tuệ như Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải của Cao Minh; hay “cuồng” theo lối phóng khoáng đậm chất hiện sinh trong Alexis Zorba Con Người Hoan Lạc của Nikos Kazantzakis.
Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu kể về cuộc sống trong cái hộp tăm tối do Liên hợp xây lên, có những gã trai sống lửng lơ với hiện thực. Bởi họ không thể cất cánh bay cao do bị quá khứ níu xuống đất, song cũng chưa thể rơi xuống đất vì thế giới “tươi đẹp” đó muốn “đảm bảo tương lai” của họ.
Những bệnh nhân “tâm thần tự nguyện” này gồm có Harding với đôi tay trắng bệch, co giật như con nhện luôn sẵn sàng nhảy múa, có Billy Bibbete bé bỏng nói lắp liên hồi vì sợ nỗi sợ và nổi bật là dáng vẻ cao lớn, âm thầm của thủ lĩnh Bromden-  người da đỏ giả câm, giả điếc để được sống bình thường giữa những kẻ bất bình thường.
Họ được chia thành những bệnh nhân cấp tính và bệnh nhân mãn tính. Tức là những con người chưa mất đi nhận thức hoàn toàn sống cùng với những người mất hoàn toàn nhận thức. Hằng ngày, cuộc đời của họ được vận hành bởi y tá trưởng Gnuccen với chiếc áo trắng toát thẳng thớm còn nguyên nếp hồ và đám hộ lý lực lưỡng để thi hành mệnh lệnh của bà.

Trong thế giới của riêng mình, Gnuccen đã xây dựng thành công một đế chế sau lớp kính trong suốt của phòng điều khiển. Liên hợp trao cho bà ta sức mạnh để kiểm soát mọi thứ. May mắn thay, bà yêu công việc của mình. Bà yêu nó đến mức sẵn sàng khuất phục những kẻ đáng thương không còn lý trí này đến mức họ cần phải ở lại trại tâm thần mãi mãi. Vì họ điên, họ phải tiếp tục điên và nếu tin bản thân sẽ có ngày hồi phục thì lại càng điên.
Sức ép tâm lý trong các buổi điều trị của Gnuccen vô cùng khủng khiếp, bà ta không chỉ muốn con người vứt bỏ lý trí, mà còn phải vứt bỏ cả linh hồn. Đối với những linh hồn ương bướng từ chối ra khỏi chiếc vỏ xác thân, Gnuccen sẽ sử dụng hình thức “điều trị” bằng cách gắn các điện cực vào thái dương của họ. Nếu vẫn còn quằn quại trong vỏ, thì “thủ thuật nhân đạo” cuối cùng sẽ tới: giải phẫu não. Đó là thời điểm cái xác thân đó mãi mãi nằm bắt động với đôi mắt mở trừng trừng để khẳng định rằng chủ nhân của nó thực sự bị tâm thần- theo ý muốn của Gnuccen.
Bay xa mãi mãi
Bỗng một ngày McMurphy xuất hiện.
Khác với hình dung về một thiên sứ lương thiện với đôi cánh trắng hay tối thiểu cũng là một tri thức ôn hòa hay nhà truyền đạo đầy lương thiện- McMurphy chỉ đơn giản là hắn. Hắn sống để mắc đầy lỗi lầm bằng cánh tay to bè chi chít các hình xăm dữ tợn. Để tránh bị vào tù, hắn chọn cách biến mình thành một kẻ có vấn đề về tâm lý. Thế là, trại tâm thần mở cửa chào đón hắn.
Như một ông hoàng quay về đầy tự hào từ chiến trường- thay vì tóa án, McMurphy bắt đầu đầy hứng khởi với cờ bạc, sự tự do, chế độ ăn uống và những kẻ ngớ ngẩn ở xung quanh. Hắn thỏa thích với sự tự do của mình.
Dần dần, hắn nhận ra những kẻ bị coi là điên ở đây cũng có thể có tự do, nếu họ muốn. Nhưng McMurphy không thể tin được rằng họ muốn nhưng không thể, vì họ sợ.
Sự thực là con người có tự do, nếu họ muốn.
Không ai trong số các bệnh nhân nghĩ đến tự do. Họ nghĩ đến các khiếm khuyết của bản thân, nghĩ đến cách chấp nhận, nghĩ đến sự kiểm soát của Gnuccen. Họ tự nhận bản thân là thỏ đế với McMurphy, họ cam chịu với cam kết bị khuất phục và họ thừa nhận rằng nỗi sợ hãi trong lòng họ lớn hơn tự do mà họ khao khát.

Tất cả đều phải tuân theo lịch trình do người khác sắp đặt và tin vào ô số “có vấn đề” mà người khác đã tung xúc xắc lựa chọn giúp.
McMurphy nổi cơn thịnh nộ. Hắn quyết tâm làm gì đó cho lũ người đáng thương này. Gã tội phạm vùng dậy dẫn dắt đám bệnh nhân không có bệnh sống cuộc đời họ đáng sống. McMurphy trực tiếp đương đầu với Gnuccen, cùng bộ máy lớn lao mà bà ta kiên trì vận hành.
Hiệp 1:
“Điên” - “Không điên”.
Hiệp 2:
“Tù đày” - “Tự do”.
Hiệp 3:
“Chết” - “Sống”.
Hiệp cuối:
“Phải chết” - “Chết trong Tự do và Sống trong Tự do”
Đó là toàn bộ diễn biến các hiệp đấu giữa McMurphy và Gnuccen. Giữa khát vọng ngút ngàn của con ngựa bất kham đầy sức sống với bộ yên cương lạnh lẽo ghìm chặt nó lại bằng đớn đau.
McMurphy chống chọi bằng cách dạy cho các bệnh nhân khác về ý chí vươn lên, sự kiên quyết bảo vệ những nhu cầu chính đáng thông qua chuyến đi câu phóng đãng ngoài đại dương bao la và buổi tiệc đêm với các cô gái dễ thương được đưa từ ngoài vào- ngay trong trại tâm thần. Nhìn tất cả bọn họ say sưa trong cuộc vui, không ai nghĩ họ đang điên. Họ chỉ đang sống cuộc đời hết sức trần tục song cũng vô cùng thiêng liêng của mình. Bản năng của con người thì không có tốt hay xấu, nó đơn giản là đẹp.
Tất cả trải nghiệm ấy đã đánh thức linh hồn của thủ lĩnh Bromden, người da đỏ cao lớn cố náu mình đến mức không thể tìm lại mình nữa. Sự nhiệt tình của McMurphy đã khiến Bromden tỉnh giấc, để thay vì mơ đến những máy móc tàn phá con người thì anh ta bắt đầu mơ về quê hương, về ngọn thác bạc và những người đồng bào đáng thương bị cướp mất đất đai.
Nỗi sợ hãi đã bị đập tan. Bromden sát cánh cùng McMurphy chiến đấu cùng nhau cho đến tận những giây phút cuối cùng.
Một chết với Tự do và Một tiếp tục sống với Tự do.
McMurphy tắt hơi thở, nằm lặng yên trên chiếc giường bên cửa sổ và Bromden vượt qua cửa sổ ấy, tiến đến với ánh trăng rồi biến mất vào đêm tối.
Nếu như anh, lúc nào đó đuổi theo một con gấu, con báo, hay con linh miêu bị thương, thì anh sẽ nghe thấy tiếng kêu cuối cùng đó của con thú và khi lũ chó xông vào cắn xé thì nó không còn chờ đợi gì nữa ngoài cái chết.
Lời kết
Đã rất lâu rồi, tôi mới gặp một tác phẩm kì quặc như Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu. Sách dường như được viết bởi tất cả sự bi thương và hài hước của đời người đang phân vân giữa luôn luôn có vấn đề và chẳng có vấn đề nào là to tát cả.

Sách có những diễu nhại thật như chiếc bóng bên đống lửa, cũng có hiện hữu xảo trá như chính tro tàn còn lại từ đống lửa ấy. Và có câu văn thật dễ hiểu, như người thường viết cho người thường; song cũng có câu văn thật khó hiểu, như của người tâm thần viết riêng cho người tâm thần.
Mà biết đâu, họ chính là cả hai vẫn đang cùng sống trong một cá thể?
Tôi biết bản thân đã đúng sau khi đọc xong cuốn sách này. Tôi sẽ không tước đi tự do của ai thông qua việc cố gắng thay đổi họ- chỉ để họ trở nên tốt hơn với tôi, mà không phải là tốt hơn với chính bản thân họ.
Bạn cũng có thể thử đọc Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu để hiểu rõ hơn tại sao khi được chuyển thể thành phim thì nó dành đến năm giải Oscar- kèm theo nhận xét “Kiệt tác trong lịch sử điện ảnh về thế giới của những người điên”.