SCOOP. “What matters”. 
Mới ra mắt còn nóng hôi hổi trên Netflix là một bộ phim dựa trên một sự kiện có thật và biên kịch cũng chẳng buồn thêm thắt làm gì nên mọi sự tập trung của phim dồn vào cách xây dựng nhân vật và cách kể chuyện, cộng thêm dàn diễn viên quá tuyệt vời nên plot phim ù đơn giản nhưng vẫn cuốn đến phút cuối cùng.
Bởi vậy mới nói đôi khi tính orginal của câu chuyện gốc chưa hẳn là tất cả để quyết định một bộ phim hay. 
Năm 2019, một scandal khá chấn động nước Anh lúc đó là Hoàng từ Andrew có dính vào bê bối mua bán d.â.m thông qua người bạn “thân” cũng là người nắm chính đường dây chuyên cung cấp các cô gái vị thành niên cho các nhân vật nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng, các cái tên rất quen thuộc được nên trong phim cũng như sự kiện năm đó có thể kể như cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, Harvey Weinstein, Donald Trump…Và bộ phim đã khai thác lại cuộc phỏng vấn độc quyền duy nhất với Hoàng tử trên phương tiện truyền thông đại chúng. 
Nhưng như có đề cập ở trên, làm cách nào khai thác 1 câu chuyện nguội ngắt từ 5 năm trước để biến nó thành một bộ phim đủ thú vị quả thực là một nghệ thuật, và với mình, bộ phim thành công đến từ 2 yếu tố chính
1. Dàn diễn viên quá chất lượng & họ đều đã có những màn trình diễn xuất sắc với nhân vật của mình.
Một số bài review khác tóm tắt về bộ phim là sự kiện được kể lại qua lăng kính của 3 người phụ nữ tài năng của chương trình BBC Newsnight đã biến cuộc phỏng vấn đình đám năm nào thành sự thật. Quả thật, sự hoá thân của 3 nữ diễn viên vào vai trò người booking nhân vật (săn tin), “sếp” của show và linh hồn của 1 show là người dẫn chuyện - Host of the show đã đóng góp phần lớn vào sự hấp dẫn của 1 bộ phim chính kịch, toàn bộ sự kịch tính của phim đều đến từ phụ nữ =) 
Ngoài ra, không thể không kể đến sự “nhập” vai đúng nghĩa của nhân vật đàn ông quan trọng nhất trong phim là Rufus Sewell dù được hỗ trợ của hoá trang để tạo thành 1 hoàng tử của dòng tộc nổi tiếng nhất thế giới và tương lai rất có thể thành vua nhưng chính sự diễn xuất tuyệt vời của ông đã mang đến một lát cắt rất đời thường, rất thật của một nhân vật chỉ được chiêm ngưỡng với công chúng qua nhiều lớp cắt tỉa của truyền thông, của 1 đội ngũ hùng hậu quản lí hình ảnh chuyên nghiệp và nghiêm ngặt Hoàng gia. Từ chất giọng, ánh mắt, bộ điệu, đến cái dáng đứng chảy nhão của một người “gánh” trong vai quá nhiều trọng trách, ý thức và tuân thủ quá nhiều ràng buộc về vị thế của mình nhưng sâu trong tâm hồn vẫn là “con trai cưng của mẹ” - Rufus Sewell là một minh chứng của sự kì diệu của điện ảnh, bằng ngôn ngữ đặc trưng của mình - đã dựng nên một nhân vật còn sống, có thật, nhưng lại hoàn toàn tách biệt với người đó ngoài đời thật, một nhân vật chỉ sống trong câu chuyện này, được kể với giọng điệu của bộ phim này - nhưng lại sống động và chân thực hơn bao giờ hết. 
Dù tâm điểm của phim có phần nghiêng về nhân vật Sam McAlister do Billie Piper thủ vai (khó mà không cho 1 người phụ nữ tóc bạch kim xoăn mặc áo lông với cài áo Gucci lấp lánh và chiếc túi LV to cộ gõ đôi boot cao uyển chuyển bước vào văn phòng được nhỉ) nhưng mình lại “mê đắm” diễn xuất của cô Gillian Anderson,  với độ chín mùi của diễn xuất và sự duyên dáng của một phụ nữ trung niên - cô đã mang đến hình ảnh Emily Maitlis - người dẫn chương trình quyền lực, thông minh, sắc sảo nhưng điều gây ấn tượng nhất của một nhân vật nữ luôn là cách cô ấy đối diện và chọn cách đối diện với một thử thách, một sự đe doạ, sự lấn át đến từ những sức mạnh cố hữu hiện diện từ ngàn năm trước, là hoàng tộc, là sự lệch pha cân bằng giữa tính nam và tính nữ trong xã hội và trong chính môi trường làm việc. Trường đoạn 20 phút phỏng vấn cuối phim là sự thăng hoa của cô, với mình, máy quay cận cô hơn 5 Frame hình, ánh mắt, đôi tay, khuôn miệng, giọng Anh nhả chữ thận trọng nhưng đanh thép…tất cả…khiến mình tình nguyện sẽ làm nô lệ cả đời cho 1 người sếp như Emily =) 
2. Sự kiện không làm nên câu chuyện, nhân vật và các mối quan hệ của họ làm nên điều đó
Vạch áo hoàng gia hay một lát cắt về nghề nghiệp truyền thông báo chí không phải là cái lõi của một câu chuyện hay, nó chỉ là cái “tone” - cái không khí, cái “giọng điệu” kể chuyện của đạo diễn, cái hay của phim với mình chính là để nhân vật tự do trong cái thế giới của họ, cách họ đối mặt, cư xử, và phát triển theo sự kiện, và những mối quan hệ vốn có, nảy sinh, tàn lụi giữa những con người được (bị) cột lại với nhau bằng 1 sự kiện rồi từ đó tạo nên hàng cách phát triển cho câu chuyện đó, hoặc, cùng nhau làm nên cái kết, đóng lại rồi mở ra…mỗi một quyết định cá nhân, cuộc gặp gỡ 2 hay nhiều người…mang đến cho khán giả sự tự do để nhìn nhận, đánh giá nhân vật hay câu chuyện của mình, không mớm lời, không dí khán giả vào 1 khuôn phim mẫu. 
Điều mình thích là sự nữ quyền lồ lộ không thèm khéo léo lồng ghép gì cả, là sự vươn lên của những người trong chốn công sở hay được gắn mác là “underdog” - những người không tiếng nói hoặc tiếng nói của họ luôn luôn bị phớt lờ bở một hay nhiều lý do của đám đông, của định kiến, là những phút cảm xúc nhẹ nhàng thoáng qua trong mối quan hệ của những người phụ nữ với nhau - lúc bà ngoại cổ vũ đứa con gái làm mẹ đơn thân của mình cứ tiếp tục dấn thân theo đuổi những gì cô nghĩ là “matter”, lúc một ngôi sao truyền hình đuổi theo Sam người thẳng ruột ngựa trước đó vừa oang oang nói xâu cô vì tôn trọng ý kiến của cô hơn là cái tôi của người “bề trên” vừa bị vỗ mặt, là những lúc vô ngôn giữa 2 người phụ nữ nhìn nhau và họ hiểu, hiểu nhau, hiểu tình thế, hiểu họ phải làm gì. 
Scoop có thể không lạ, không mới và không có gì đột phá, nhưng là minh chứng của việc khi ta làm 1 điều với sự chỉnh chu và tập hợp được 1 đội ngũ cũng chỉnh chu và nghiêm túc với việc họ làm, thì một tác phẩm tốt sẽ ra đời, nó có thể không tạo nên cơn sốt với đa số khán giả nhưng nó sẽ phải là một điều người ta sẽ nhớ đến, và nhắc đến, trong vũ trụ hàng triệu bộ phim ra mắt mỗi năm, một chỗ đứng, một cái gật gù, và một sự công nhận không lời - âu đã là một thành tựu cho những người nghệ sỹ chân chính.