(Review Rừng Nauy - Haruki Murakami) Nỗi buồn qua đi, tình yêu ở lại...
“Khi tôi thức giấc, tôi chỉ còn lại một mình Cánh chim đã bay đi Tôi châm một mồi lửa Vậy có ổn không, Rừng Nauy? Vậy có được không,...
“Khi tôi thức giấc, tôi chỉ còn lại một mình
Cánh chim đã bay đi
Tôi châm một mồi lửa
Vậy có ổn không, Rừng Nauy?
Vậy có được không, Rừng Nauy?”
Cánh chim đã bay đi
Tôi châm một mồi lửa
Vậy có ổn không, Rừng Nauy?
Vậy có được không, Rừng Nauy?”
Hôm qua, tôi vô tình đọc trên một trang confession, họ tranh luận vì sao Haruki Murakami cứ mãi lỡ dở với giải Nobel, có người nói đại ý rằng, văn của Haruki có quái gì đâu chứ, chỉ làm màu, đọc hết một hồi té ra chả có gì sâu sắc cả. Rồi cả những fan của Murakami nữa, họ coi sách của ông như bộ quần áo mới của hoàng đế, tối ngày than thở rằng mình sâu sắc hơn người, rồi họ là những con người cô đơn lạc lõng giữa xã hội bận bịu này…. Người đó chê văn của Murakami buồn quá, bi quan quá, khiến người ta bơ vơ, mệt mỏi… Nói một cách chân thành nhất, tôi nên cảm ơn lời người đó, bởi chỉ một lời ngắn ngủi ấy thôi, tôi đã tìm đọc lại cuốn Rừng Nauy, vừa đọc vừa tự bồi hồi hỏi: Rốt cuộc bao lâu nay mình yêu thích cuốn sách ấy vì điều gì?
Lần đầu tôi biết đến Rừng Nauy là trong cuốn Nói thật nói dối của bác Trần Anh Thái. Ở đó, bác đi sâu vào khía cạnh sex trong cuốn sách, gì mà sự mỏi mệt của thế hệ thanh niên Nhật Bản những năm 60 Thế kỉ XX, tìm kiếm tình dục như một sự giải thoát… Thú thật, khi ấy mình mới 15 tuổi, tôi chả biết sự cô đơn là gì, sự mệt mỏi bất lực là gì, tôi tìm đọc Rừng Nauy vì nó viết về sex khá trần trụi. Sự tò mò thôi thúc tôi tìm đọc nó, song tôi khá thất vọng. Không biết có phải nhà xuất bản đã cắt bỏ những đoạn nhạy cảm hay không, tôi không hề thấy có sự trần trụi của sex cả. Tôi chỉ thấy buồn. Trang cuối cùng khép lại mà cả bầu không khí ảm đạm bám lấy tôi. Phải vật vã lắm tôi mới đọc hết cuốn sách, vì thực sự mệt mỏi lắm…
Sau này tôi đã đọc lại Rừng Nauy rất nhiều lần, có lẽ đó là cuốn sách tôi đã đọc lại nhiều lần nhất. Nhưng, cảm giác ảm đạm, mệt mỏi lần đầu tiên ấy đã tan biến, tôi đã lắng nghe được nốt nhạc cao vút trong bản nhạc buồn ấy…
Đọc thêm:
Rừng Nauy như cuốn từ điển sống về nỗi cô đơn mà ở đó Murakami đã giải nghĩa bằng cách dạng thức khác nhau, tinh tế và đầy đủ…
Câu chuyện kể lại bằng hồi ức của Watanabe, khi nó đã diễn ra rất lâu… Nó bàng bạc nỗi cô đơn tự thân của con người trong thế giới đó, hơn nữa nó còn chất chứa sự hối tiếc, cho những năm tháng không thể níu giữ ấy.
Mỗi nhân vật của Rừng Nauy là một nỗi buồn, nỗi cô đơn tột cùng.
Nhân vật ám ảnh tôi nhất, khiến tôi đã từng ngỡ ngàng, day dứt mãi có lẽ là Kizuki, người chỉ tồn tại trong hồi ức. Tôi đã từng vật lộn với câu hỏi, tại sao một người bình ổn như vậy, biết hòa nhịp cuộc sống như vậy lại đột ngột chấm dứt mãi mãi tuổi 17 bằng cách dùng hơi ga tự vẫn? Trong mối quan hệ với Toru và Naoko, Kizuki luôn che giấu sự cô đơn của mình để làm chỗ dựa tinh thần cho người khác…có lẽ vì vậy mà anh càng yếu đuối hơn. Sống với sự che giấu nỗi cô đơn ấy, lo lắng sự tổn thương khi cái bọc ấy bị lột trần, từng chút từng chút một, Kizuki cảm thấy như có thứ gì đó trong con người mình đang bị giết đi… Đến một lúc nào đó, tột cùng của sự cô đơn, cuộc đời đã mãn hạn, họ cứ lặng lẽ tìm đến cái chết, giải thoát.
Và Naoko, cái tên của cô ấy đã thấm sự ảm đạm lạnh lẽo, cũng chất chứa một vết thương lòng sâu hoắm. Cô buồn, cũng cô đơn, nhưng không tìm cách che giấu nhưng lại chẳng thể bộc lộ. Ý thức của cô, cô không thể nắm bắt được, cứ mải rượt đuổi với chính “ta”, sẽ có lúc mỏi mệt. Bản thể của mình, ta sở hữu nó đấy, những không phải lúc nào cũng điều khiển được nó. Nó tồn tại vô thức trong con người ta. Có lẽ vì vậy, Naoko luôn cảm thấy day dứt với Kizuki, xấu hổ với Toru. Tôi cảm thấy mọi thứ với Naoko đều là sự mơ hồ, hư vô, huyền ảo, nó ở trước mắt mà cô không thể nắm giữ, lựa chọn. Tôi đã nghe đâu đó, khi không tìm được bản thể của ta, ta sẽ không còn tồn tại. Cuối cùng, kết quả vẫn chỉ có một: tự vẫn, tìm đến cái chết là sự giải thoát cuối cùng…
Đọc thêm:
Cuối cùng, tôi vẫn nghe được nốt bổng, cao vút trong tiếng đàn guitar của Reiko. Dù cuộc sống có khắc nghiệt vần xoay cô tới đâu, cô vẫn biết vấn đề của mình, và kiểm soát nó. Tôi cảm thấy, Reiko chính là khúc vĩ thanh cuối cùng của bản nhạc buồn ấy, cô đóng lại tất cả cái không khí ảm đạm ấy bằng chút tia sáng của cuộc đời mình, về một tương lai dù mơ hồ nhưng sẽ tươi đẹp hơn của cô. Nó khiến tôi không mệt mỏi, không thấy cô đơn hay bi quan về câu chuyện của Murakami…
Tuổi trẻ của các nhân vật trong Rừng Nauy diễn ra vào những năm 69, thời kỳ đầy biến động ấy. Nhưng đó không phải cuốn truyện lịch sử. Cũng có những cuộc bãi khóa, cũng nói đến chính trị, cũng chủ nghĩa Marx,… nhưng nhắc tới với sự thờ ơ tột cùng. Thế giới vẫn đảo điên, còn mình thì vẫn sống. Toru vẫn yêu, vẫn bấn loạn vì tình yêu, vẫn đọc Scott Fiztregald, nghe nhạc rock. Toru và những nhân vật của Rừng Nauy là những kẻ lạc loài của thời cuộc rối ren, họ nằm ngoài vòng quay của lịch sử. Có lẽ, họ tưởng như mình đang lạc vào một không gian chẳng liên quan gì tới họ, họ chỉ tin vào sự nổi loạn và cái chết sẽ cứu rỗi tâm hồn họ. Những con người trẻ ấy đã tìm tới muôn vàn cách để tự hủy con người mình: sống buông thả, gái điếm, tình dục bừa bãi, dùng hơi ga tự vẫn, treo cổ… Song, tôi cho rằng đó là cách lựa chọn của một tình yêu cuộc sống điên cuồng đến tuyệt vọng. Hoang mang và lạc lối…
Tôi đọc Rừng Nauy và nhớ đến Hemingway, Scott Fiztregald,… “the lost generations” – những thế hệ mất mát khập khiễng đi ra sau hai cuộc thảm chiến, bơ vơ không chỗ đứng giữa chốn phồn thực, tha hóa của phương Tây. Cuối cùng, sự bất lực cũng tìm đến một giải thoát: cái chết. Nhưng, liệu, chỉ có cái chết mới cứu vãn được họ khỏi những mất mát, trống trải ấy?
Viết đến đây tôi cũng thấy thực sự mệt mỏi, bất lực. Xin mượn câu nói của Alexei Tolstoy để kết lại câu hỏi kia:
" Những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và sẽ chỉ còn lại mãi mãi tấm lòng dịu dàng và êm ái của em.”
16-6-2018
Mọi người có thể đọc bài viết của mình tại đây https://bookreviewslaw.wordpress.com/2018/06/15/review-rung-nauy-haruki-murakami-noi-buon-di-qua-tinh-yeu-tro-lai/
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
lalala
chủ nghĩa Marx chứ nhỉ ?
- Báo cáo
Thutrinh
Cảm ơn bạn nhé, trước giờ mình toàn viết nhầm là Max 😊
- Báo cáo
lalala
Ahh không có gì đâu ^^
- Báo cáo