[Review Phim] Watchmen
Sau Batman: The Dark Knight, thì Watchmen là bộ phim giúp tôi hiểu hơn nữa về người anh hùng (đặc biệt là phần “người” trong họ).
Sau Batman: The Dark Knight, thì Watchmen là bộ phim giúp tôi hiểu hơn nữa về người anh hùng (đặc biệt là phần “người” trong họ).
Bộ phim sẽ là một cú va chạm khá mạnh nếu bạn đã quen với cốt truyện chứa các siêu anh hùng xinh đẹp, điển trai, chính nghĩa chiến đấu với thế lực vừa tà vừa ác vừa xấu, vừa nói nhiều. Watchman đề cập đến những người bị gọi là anh hùng (như Doctor Manhattan, Ozymandias, The Comedian) hoặc muốn trở thành anh hùng vì họ không thể làm người bình thường (như Silk Spectre, Rorschach, Nite Owl). Họ chiến đấu để bảo toàn trật tự xã hội nhưng đồng thời cũng phải chiến đấu với chính quá khứ của bản thân.
Trong tấm áo anh hùng, Watchmen trở thành biểu tượng cho chính nghĩa song đồng thời cũng phục tùng chính nghĩa theo những cách khác nhau. Điểm thú vị là mỗi một nhân vật lại mang theo mình một lý tưởng của riêng họ (hoàn toàn có thể liên tưởng tới các quan điểm chính trị khác nhau, song đây không phải là lĩnh vực tôi hiểu rõ nên không lạm bàn). Vậy nên có những thời điểm họ hoang mang, mất đoàn kết nội bộ và trở nên nguy hiểm.
Siêu anh hùng không phải lúc nào cũng là những người tốt chuyên đi làm những việc tốt, hơn nữa cách hiểu về thế nào là tốt của họ cũng khác xa những con người bình thường. Do đó, họ có thể bảo vệ song cũng có thể ra tay sát hại người thường- điều này làm tôi liên tưởng đến tín ngưỡng thờ các vị thần thượng cổ (tùy vào thái độ của nhân loại mà thần linh sẽ giáng họa hay tạo phúc).
Doctor Manhattan là nhân vật giống với thần nhất và từng được so sánh với Chúa trong bộ phim này. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy Doctor Manhattan luôn sẵn lòng sáng tạo và hủy diệt mà không bị các khái niệm về đạo đức ràng buộc. Ông ta tham gia vào các hoạt động sống của con người nhưng không quá bận tâm về họ. Doctor Manhattan ý thức được mọi thứ và bằng quyền năng của mình, ông ta có thể ngăn cản hoặc thay đổi các sự việc, song ông đã không làm như vậy. The Comedian là anh hùng duy nhất nhận ra khía cạnh sáng suốt song cũng tàn nhẫn này của Doctor Manhattan. Có thể, từ sau khi tiến hóa trong một tai nạn, Doctor Manhattan đã bước lên một nấc thang cao hơn so với nhân loại nói chung và ông bắt đầu có cái nhìn của người quan sát trên cao với đàn kiến bé nhỏ.
Theo tôi cảm nhận thì Silk Spectre, Rorschach, Nite Owl là ba người hùng có phần “người” trội nhất. Họ tính toán, thất bại, đau khổ, yêu thương, thi thoảng bị cảm xúc dẫn dắt mà quên đi lý trí. Do đó, họ tìm ra được cái kết hạnh phúc. Trường hợp của Rorschach có đặc biệt hơn: anh ta tự đi tìm cái chết. Tôi cho rằng Doctor Manhattan biết rất rõ điều này, nên ông đã giúp anh toại nguyện. Nhìn từ ngoài vào thì thấy Rorschach hơi đáng sợ, nhưng đây là một con người thông minh, chỉ có điều những tổn thương trong quá khứ đã khiến nhân cách của anh bị biến dạng. Anh nằm đâu đó giữa tội phạm và người hùng, giữa thiên tài và kẻ tâm thần. Trong nỗi thống khổ bị cô lập đó, án tử là lệnh ân xá duy nhất với Rorschach.
Ozymandias, The Comedian là hai siêu anh hùng hiếm hoi thấy được bản chất của thế giới và con người. Do đó họ chọn giải pháp trở thành ác quỷ khi thế giới không còn cần đến những siêu anh hùng nữa. Họ gánh trọng trách lớn lao là làm tròn vai diễn thế giới giao cho họ với một mức thù lao cực lớn. Nhìn bề ngoài sẽ thấy đây là hai thái cực đối lập, một kẻ thống trị quyền lực và một kẻ nổi loạn bất mãn. Cả hai giống nhau ở chỗ sẵn sàng làm mọi việc để đạt được mục đích. Ozymandias có tham vọng rất lớn. Với những việc anh ta đã làm, tôi nghĩ mục tiêu của Ozymandias còn nằm ở phía trước- nhưng điều ấy không quá quan trọng, bởi với Doctor Manhattan, đó chỉ là một con mối thông minh trong tổ mối. Và khi tổ mối suy tôn Ozymandias, Doctor Manhattan không can thiệp.
The Comedian đã biết toàn bộ sự thật trước tất cả các anh hùng khác. Và ông ta làm chủ vận mệnh của bản thân. Vào buổi tối bị ám sát, ông đã đeo chiếc huy hiệu mặt cười để đợi phần kết cho câu chuyện của mình, một phần kết đúng chất anh hùng: chiến đấu cho tới phút chót mà thực sự chẳng rõ bản thân làm như vậy để làm gì. Vì nếu thực lòng muốn sống, The Comedian hoàn toàn có thể ẩn cư; nhưng nếu thực lòng muốn chết vậy thì tại sao lại hăng hái chiến đấu tới phút chót?
The Comedian chọn sống cuộc đời với bản năng của “người” không quên đi gốc gác phần “con”. Cái tên “The Comedian” có thể là lời chế giễu gửi đến toàn thể cõi người, khi đã khoác lên mình đủ mọi danh hiệu, đủ mọi loại trang phục nhưng rốt cuộc bản năng vẫn là lựa chọn cuối cùng của đa số. Nhưng đa số ấy đều đi tới kết cục: nếu chọn cũng hối tiếc mà rồi không lựa chọn cũng vẫn cảm thấy hối tiếc.
Thay cho lời kết
Bộ phim dài hơn 3 tiếng, nên nếu định xem thì các bạn nên sắp xếp thời gian để xem cho liền mạch và chú ý phần lời thoại. Tôi tin rằng xem xong Watchman, không ít bạn sẽ thấy cuộc đời của những con người bình thường thật đáng quý. Bởi cách để hiểu cuộc sống đơn giản nhất cuối cùng lại không phải là trở nên phi thường, mà là chấp nhận sự bình thường. Ai cũng có quá khứ, nhưng người hùng thì thường ở lại quá khứ lâu hơn so với người thường.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất